1. Khái quát

Chủ trương, đường lối chính sách và pháp luật của Nhà nước là tăng cường hoạt động giám sát của người dân trong quá trình từ hoạch định chính sách đến triển khai thực hiện chính sách phát triển kinh tế, chính trị - xã hội địa phương. Sự tham gia gián tiếp của nhân dân vối hoạt động quản lý nhà nước còn có một hình thức nữa là tham gia thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp mà họ là thành viên. Những nguyện vọng, ý kiến của người dân được các tổ chức đó tập hợp lại để chuyển tối các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước xem xét, giải quyết. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước.

2. Hình thức giám sát

Việc giám sát đó được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: giám sát trực tiếp của người dân và giám sát thông qua các tổ chức chính trị - xã hội mà họ là thành viên. Thông qua hoạt động giám sát các quyền và lợi ích của người dân được bảo đảm hơn. Chẳng hạn, trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở, thông qua việc giám sát, người dân được tham gia nhiều hơn trong việc phân bổ nguồn lực, ra quyết định tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho người dân tham gia ngay từ khâu lập kế hoạch, quy hoạch. Chính sách công khai, minh bạch, bảo đảm cho người dân được tham gia thực sự vào các công việc của chính quyền, hoặc những công việc mà chính họ thực hiện thì trước hết phải cung cấp thông tin cho người dân và có những thông tin bắt buộc phải công khai, phổ biến cho dân đặc biệt là về đất đai và ngân sách, v.v…

3. Tổ chức giám sát

Việc giám sát chặt chẽ bảo đảm cho việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch, dự toán ngân sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế địa phương, bảo đảm tăng tính công khai, minh bạch và khả thi hơn. Từ đó các quyền và lợi ích của người dân được tôn trọng và bảo đảm hơn, ý kiến của người dân được tiếp thu, ghi nhận trong việc điều chỉnh chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó còn có hệ thống Ban thanh tra nhân dân được hình thành ở tất cả các phường, xã trong cả nước, có nhiệm vụ rất rộng lớn, trong đó có chức năng giám sát hoạt động của chính quyền, chủ yếu là giám sát các vấn đề tài chính và tham gia giải quyết các vấn đề khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

Ngoài ra còn có các ban giám sát dự án, ban quản lý dự án, các ban này được thành lập theo chương trình, dự án và thuộc quyền quản lý của Mặt trận Tổ quốc địa phương và Hội đồng nhân dân cấp xã. ở nhiều địa phương còn có ban quản lý dự án, ban này được thành lập trong khuôn khổ dự án quốc gia hoặc các tổ chức quốc tế tài trợ. Thành viên của ban này thường là cán bộ các sở và các tổ chức đoàn thể. Xuất phát từ việc mọi hoạt động của chính quyền cơ sở đặt dưới sự giám sát của người dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, nên đội ngũ cán bộ chính quyền địa phương nâng cao năng lực và hiệu quả hơn. Phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được chuyên nghiệp và có chuyển biến rõ về thái độ, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Song song với việc thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, bộ máy chính quyền cơ sở đã duy trì tốt việc tiếp dân và giải quyết các tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, không để xảy ra các điểm nóng và tình trạng bức xúc kéo dài.

4. Giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước

Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước (QLNN) là một chỉnh thể thống nhất, gồm thể chế pháp lý và các thiết chế có mối quan hệ tác động qua lại, vận động nhịp nhàng, ăn khớp cùng hướng đến việc mục tiêu của hoạt động kiểm soát QLNN, bảo đảm QLNN được sử dụng đúng và hiệu quả. Hiện nay, kiểm soát QLNN ở nước ta được thực hiện thông qua hai cơ chế là cơ chế kiểm soát QLNN giữa các cơ quan nhà nước (CQNN) (các CQNN vận hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tự kiểm soát lẫn nhau: cơ quan thực hiện quyền lập pháp - Quốc hội, cơ quan thực hiện quyền hành pháp - Chính phủ, cơ quan thực hiện quyền tư pháp - Tòa án nhân dân) được gọi là cơ chế kiểm soát QLNN bên trong bộ máy nhà nước và cơ chế kiểm soát QLNN bên ngoài nhà nước. Cơ chế kiểm soát QLNN bên ngoài bao gồm giám sát của Đảng cầm quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và giám sát trực tiếp của các cá nhân.

Hoạt động giám sát của MTTQ là hoạt động theo dõi, quan sát, xem xét của MTTQ và Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN), Hội Cựu chiến binh (CCB) nhằm tác động, định hướng các đối tượng bị giám sát thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Khác với cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước, hậu quả pháp lý trong cơ chế pháp lý kiểm soát quyền từ bên ngoài không có tính cưỡng chế nhà nước mà kết quả kiểm soát được thể hiện dưới dạng kiến nghị hoặc thông qua dư luận xã hội, gửi “thông điệp” đến CQNN, người có thẩm quyền để xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, các CQNN có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là một bộ phận của cơ chế pháp lý kiểm soát QLNN, hướng đến mục tiêu bảo đảm QLNN được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn ngừa và hạn chế tình trạng lạm quyền, tham nhũng QLNN.

Thời gian qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy vai trò bảo đảm quyền làm chủ, quyền giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với bộ máy nhà nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011 khẳng định: “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”. Nghị quyết Đại hội XI (năm 2011) của Đảng khẳng định: “MTTQ và các đoàn thể nhân dân… thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội”. Gần đây, Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217 về ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định 218-QĐ/TW về ban hành Quy định việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nghị quyết đại Đại hội XII (năm 2016) của Đảng ta khẳng định cần phải “tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa giám sát của Quốc hội với kiểm tra, giám sát của Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của nhân dân”.

Pháp luật xác định địa vị pháp lý MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ giám sát đối với bộ máy nhà nước với các hình thức và phương pháp giám sát phù hợp với địa vị pháp lý của mỗi thiết chế. Trên thực tế, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp và tham gia các hoạt động giám sát với Quốc hội và HĐND các cấp; thường xuyên “cử đại diện tham gia các đoàn giám sát do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND, các ban của HĐND tiến hành đã giúp Ủy ban MTTQ phát hiện và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, xử lý những vi phạm pháp luật trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước”. Hoạt động phối hợp này đã tạo ra bầu không khí cởi mở và tạo ra sự đồng thuận giữa chủ thể và các đối tượng giám sát trong việc tìm kiếm giải pháp để giải quyết những kiến nghị về giám sát.

5. Hoạt động giám sát các cơ quan tư pháp

Hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đối với các cơ quan tư pháp, người tiến hành tố tụng nói chung, Thẩm phán, HTND nói riêng, đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật như Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức TAND và Luật MTTQ Việt Nam… Tuy nhiên, do thiếu các cơ chế cụ thể nên hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đối với tổ chức và hoạt động của các Tòa án trong thực tế chưa nhiều và khá hình thức.

Hoạt động giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với đội ngũ Thẩm phán được thực hiện vừa trực tiếp, vừa gián tiếp. Giám sát trực tiếp được hiểu là việc đại diện MTTQ Việt Nam tham gia trong Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán, trực tiếp nghiên cứu hồ sơ của người được giới thiệu tuyển chọn, trực tiếp tham dự các phiên họp của hội đồng tuyển chọn, trực tiếp biểu quyết từng trường hợp được giới thiệu tuyển chọn… Còn gián tiếp có thể hiểu là việc thông qua phản ánh của đội ngũ HTND. Trong quá trình tham gia các phiên tòa các HTND sẽ có những thông tin trực tiếp về năng lực chuyên môn và các vấn đề khác của Thẩm phán để khi cần thiết có thể trao đổi, phản ánh với Ủy ban MTTQ cùng cấp. Một hình thức giám sát gián tiếp nữa là thông qua việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân, nhất là nhân dân nơi cư trú của người Thẩm phán, chủ yếu là về đạo đức, tư cách, việc chấp hành các quy định của pháp luật, quy định của địa phương; mối quan hệ của Thẩm phán và gia đình với nhân dân và chính quyền sở tại. Với cách làm như trên, những vấn đề về năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức của Thẩm phán cơ bản là được MTTQ Việt Nam nắm rõ. Việc nắm bắt được tình hình, đặc điểm của đội ngũ này là cơ sở để MTTQ Việt Nam tham gia vào công tác xây dựng đội ngũ Thẩm phán TAND các cấp.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)