1. Thời gian giải quyết tố giác trong Bộ luật tố tụng hình sự 2003

Tại khoản 2 Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 có quy định:

Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng.

2. Thời gian giải quyết tố giác trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Theo Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

  • Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
  • Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
  • Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

- Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.

3. BLTTHS 2015 điều chỉnh hợp lý thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là vấn đề được đặc biệt chú trọng trong quá trình xây dựng Dự án Bộ luật tố tụng hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được thực hiện trong thời hạn 20 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng (Điều 103). Tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cho thấy, quy định thời hạn như trên chưa phù hợp với những vụ việc phức tạp, nhất là đối với những vụ việc xảy ra trong lĩnh vực kinh tế, xây dựng cơ bản... Quá trình xây dựng Dự án Bộ luật tố tụng hình sự đã có nhiều phương án được đề xuất. Có phương án đề xuất điều chỉnh tăng thời hạn lên 04 tháng; có phương án đề xuất điều chỉnh tăng lên 08 tháng, thậm chí đối với những vụ việc đặc biệt phức tạp đề xuất kéo dài hơn nữa. Tham khảo kinh nghiệm các nước cho thấy đều quy định rất chặt chẽ thời hạn này (Ví dụ: Bộ luật tố tụng hình sự Liên bang Nga quy định thời hạn giải quyết tố giác không quá 03 ngày, nếu xét thấy cần thiết có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày; trường hợp đặc biệt theo yêu cầu của Dự thẩm viên, Kiểm sát viên, Điều tra viên có thể gia hạn nhưng tối đa không quá 30 ngày).

Trên cơ sở cân nhắc các mặt, một mặt, bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn; mặt khác, bảo đảm chặt chẽ, tránh lợi dụng kéo dài thời gian giải quyết dẫn đến bỏ lọt tội phạm, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 mặc dù cho phép kéo dài thời hạn giải quyết tối đa không quá 04 tháng, song sử dụng cách quy định rất chặt chẽ: thời hạn ban đầu là 20 ngày; nếu vụ việc phải xác minh thuộc trường hợp phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng; trường hợp vẫn không thể kết thúc kiểm tra, xác minh đối với loại vụ việc phức tạp này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng (Điều 147). Đây là nội dung đổi mới rất quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn tố tụng nước ta thời gian qua. Song vấn đề cần chú ý khi áp dụng quy định của luật là không phải mọi trường hợp xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đều được áp dụng thời hạn 04 tháng. Đối với những vụ việc có tính chất đơn giản chỉ được phép giải quyết trong thời hạn tối đa 20 ngày. Chỉ những vụ việc thỏa mãn điều kiện: có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm mà không thể kết thúc trong thời hạn 02 tháng mới được Viện kiểm sát xem xét, gia hạn thêm một lần tối đa không quá 02 tháng. Điểm đổi mới này cần được Viện kiểm sát các cấp hết sức lưu ý trong quá trình xem xét gia hạn thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhằm bảo đảm thực hiện đúng tinh thần của luật.

4. Nhiều đơn vị có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì giải quyết như thế nào?

Điều 12 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định về giải quyết các trường hợp liên quan đến thẩm quyền của nhiều đơn vị có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Theo đó:

- Đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra nhưng có nội dung liên quan đến nhiều đơn vị có chức năng giải quyết thuộc Cơ quan điều tra thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thể quyết định tách tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố để phân công. Văn bản phân công phải gửi cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.

- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm vừa có tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của mình, vừa có tội phạm không thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì chuyển đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền toàn bộ nội dung tiếp nhận.

- Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cùng một nội dung được gửi đến nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền giải quyết thì xử lý như sau:

a) Trường hợp Cơ quan điều tra và Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cùng có thẩm quyền giải quyết thì Cơ quan điều tra có trách nhiệm giải quyết;

b) Trường hợp Cơ quan điều tra cấp trên và Cơ quan điều tra cấp dưới cùng có thẩm quyền giải quyết thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp trên quyết định; trường hợp Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cấp trên và Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cấp dưới cùng có thẩm quyền giải quyết thì cấp trưởng Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cấp trên quyết định.

- Trong trường hợp cần thiết, cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đề nghị cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khác tiến hành một số hoạt động xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Văn bản đề nghị phải ghi rõ yêu cầu và gửi cho cơ quan có thẩm quyền, Viện kiểm sát cùng cấp với cơ quan có thẩm quyền đó.

Cơ quan nhận được đề nghị phải thực hiện đầy đủ những việc được đề nghị trong văn bản mà cơ quan đang thụ lý, giải quyết đề nghị và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện. Trường hợp không thực hiện được việc thực hiện yêu cầu thì phải có văn bản nêu rõ lý do gửi cơ quan đã gửi đề nghị.

Viện kiểm sát cùng cấp với cơ quan được đề nghị có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiến hành hoạt động xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan được đề nghị và phải chuyển ngay kết quả cho Viện kiểm sát cùng cấp với cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

- Trường hợp có tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì thực hiện theo quy định tại Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

5. Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

- Tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố do Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết. Tranh chấp thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết.

- Tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giữa các Cơ quan điều tra cấp tỉnh, giữa các Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương giải quyết. Tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giữa các Cơ quan điều tra cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau, giữa các Cơ quan điều tra quân sự khu vực thuộc các quân khu khác nhau do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giải quyết.

- Tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giữa các Cơ quan điều tra của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)