Khách hàng: Kính thưa Luật sư Minh Khuê, trong một nhà nước pháp quyền có cần phân chia quyền lực? Luật sư hãy phân tích giúp tôi về các nhánh quyền lực trong nhà nước pháp quyền, nhất là nhánh quyền tư pháp (Tòa án)?

Cảm ơn!

Trả lời:

1. Mở đầu vấn đề

Nhà nước pháp quyền, với định nghĩa căn bản nhất là không có ai ở trên luật hay ngoài luật, mà mọi người phải tuân theo pháp luật. Một nguyên tắc bắt nguồn một cách logic từ ý tưởng cho rằng sự thật, cũng như luật, đều dựa trên những nguyên tắc căn bản có thể được phát hiện ra nhưng không thể được tạo ra theo ước muốn.

Có lẽ ứng dụng quan trọng nhất của pháp quyền là nguyên tắc rằng chính quyền chỉ thực thi quyền hành một cách hợp pháp theo các luật được soạn thảo ra và phát hành rộng rãi. Những luật đó được thông qua và thực thi theo đúng các bước được gọi là thủ tục pháp lý. Nguyên tắc này nhằm mục đích ngăn ngừa sự cai trị độc đoán dù cho đó là lãnh đạo chuyên quyền hay quần chúng lãnh đạo. Chính vì vậy, pháp quyền chống lại cả chế độ độc tài lẫn tình trạng vô chính phủ. Samuel Rutherford là một trong những tác giả đương đại đưa ra nguyên tắc đó những nền tảng lý thuyết trong cuốn Lex, Rex (1644), và sau này là Montesquieu trong cuốn Tinh thần Pháp luật xuất bản năm 1748.

Khi thực hiện việc phân chia quyền lực, nhà nước pháp quyền sẽ đặt ra yêu cầu là phải lập một hệ thống tư pháp (tòa án) độc lập.

Tức là nhà nước pháp quyền cần có sự phan chia quyền lực giữa Lập pháp, hành pháp và tư pháp riêng biệt. Điều này được thừa nhận có lý do của nó, đặc biệt vì mục tiêu bảo vệ quyền con người.

2. Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tại Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

=> Như vậy, Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế

Từ điều luật trên, ta có thể nêu ra nhưng đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước:

  1. Của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân;
  2. Được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và yêu cầu thượng tôn pháp luật trong đời sống nhà nước và xã hội.
  3. Quyền lực nhà nước thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và nguyên tắc tập trung dân chủ.
  4. Là nhà nước tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, tất cả vì hành phúc của con người.
  5. Do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
  6. Thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng và phát triển với nhân dân các dân tộc và các nước trên thế giới, đồng thời tôn trọng các công ước, điều ước quốc tế đã tham gia ký kết, phê chuẩn.

=> Như vậy, nếu các nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp thường được tổ chức và vận hành theo mục tiêu công quyền thì tòa án lại được tổ chức và hoạt động vì mục tiêu công lý.

3. Vai trò của nhánh tư pháp (Tòa án)

Tư pháp độc lập sẽ là công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa sự xâm hại trái pháp luật vào các quyền của con người của hai nhánh quyền lực còn lại, mà trước hết là hành pháp. Vì vậy, sẽ là chưa thấy hết giá trị và ý nghĩa của tư pháp độc lập nếu chỉ biết rằng, mục đích của tư pháp chỉ là để bảo vệ chính quyền, bảo vệ chế độ. Có lẽ vì nhu cầu đó mà thông thường trong một trật tự nhà nước pháp quyền, hệ thống tòa án được tổ chức "chéo giò" so với hai hệ thống kia và thẩm phán tòa án được pháp luật bảo đảm bằng những điều kiện đặc biệt.

Tòa án là cơ quan xét xử của quyền lực nhà nước, thực hiện quyền tư pháp. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Tòa án là một cơ quan thực thi pháp luật quan trọng, đồng thời là một phương thức giải quyết tranh chấp.

Với vai trò là người bảo vệ pháp luật, toà án có chức năng duy trì trật tự hiệu lực pháp lý. Toà án sẽ có thể vô hiệu hoá những văn bản pháp luật không được ban hành đúng trật tự hiệu lực pháp lý, chẳng hạn có thể huỷ bỏ luật của quốc hội vi phạm hiến pháp, hay nghị định của chính phủ trái vối luật của quốc hội. Với ý nghĩa như vậy, tư pháp không những là một ngành quyền lực ít có nguy cơ lạm quyền, ít nguy hiểm đốì với các quyền hiến định của công dân, mà còn là một ngành quyền lực được tạo ra nhằm để giải quyết các khiếu nại của công dân khi các quyền hiến định của công dân bị chính quyền vi phạm.

Các chính quyền hợp hiến ngày nay đều cam kết bảo đảm sự độc lập của cơ quan tư pháp. Vì chỉ khi nào có điều này các yếu tố khác của chủ nghĩa lập hiến mới được đảm bảo. Không có một hệ thông tư pháp độc lập, sẽ không có người gìn giữ sự tối cao của hiến pháp. Không có một hệ thông tư pháp độc lập, sẽ không có ai gìn giữ công cuộc phân quyền mà Hiến pháp đã tiến hành. Không có một hệ thống tư pháp độc lập, không có ai bảo vệ người dân khi các quyền cơ bản của mình bị xâm phạm.

4. Những yếu tố cấu thành Tòa án độc lập khi xét xử

Để đảm bảo Tòa án xét xử độc lập, cần có những tiêu chí sau:

- Tòa án độc lập khi có cơ cấu thiết chế độc lập

Trong nhà nước hiện đại, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc độc lập của Tòa án có nguồn gốc từ học thuyết phân quyền, theo đó quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tạo thành ba nhánh độc lập của quyền lực nhà nước, hình thành một cơ chế chế ước và cân bằng lẫn nhau, nhằm ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực làm tổn hại đến xã hội tự do.

Sự độc lập này còn có nghĩa là cả hệ thống Tòa án với tư cách là một thiết chế, cũng như từng thẩm phán giải quyết các vụ việc phải có khả năng thực hiện trách nhiệm nghề nghiệp của mình mà không chịu ảnh hưởng của các nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp. Dựa trên nguyên tắc phân quyền, quyền lực của Tòa án phải được tách rời khỏi sự ảnh hưởng của quyền lực lập pháp và hành pháp. Sự tách quyền tư pháp ra khỏi quyền lập pháp và nhất là hành pháp là một thành công rất lớn của cách mạng dân chủ tư sản.

Hệ thống Tòa án với tư cách là một thể thống nhất được giao chức năng xét xử các tranh chấp giữa người dân với nhau, hoặc giữa người dân với các cơ quan nhà nước. Đương nhiên là có nhiều cách thức để giải quyết tranh chấp khác nhau, đặc biệt khi tranh chấp không mang bản chất hình sự, và các bên trong tranh chấp có thể không chọn Tòa án là cơ quan phân xử đầu tiên. Họ có thể gặp gỡ nhau để thỏa thuận về một biện pháp giải quyết được chấp nhận bởi cả hai bên; hay họ có thể yêu cầu một bên thứ ba, ví dụ như trọng tài hoặc hòa giải viên để giúp họ giải quyết tranh chấp.

Nguyên tắc độc lập của Tòa án cũng đòi hỏi không một chủ thể nào được can thiệp một cách vô cớ hay không thoả đáng vào quá trình xét xử, cũng như không được xét lại các phán quyết của Tòa án. Chỉ có các Tòa án cấp trên mới có quyền xét lại các phán quyết của Tòa án cấp dưới theo quy trình tố tụng. Thêm vào đó, nguyên tắc này gắn với quyền của mọi người được xét xử bởi các Toà án thông thường, với những thủ tục pháp lý đã được ấn định. Điều đó có nghĩa là việc lập ra một Toà án đặc biệt nào đó mà không sử dụng những thủ tục đã được pháp luật ấn định một cách hợp lệ trong quá trình xét xử để thay thế cho các Tòa án thông thường được lập ra theo pháp luật, sẽ bị coi là vi phạm nguyên tắc độc lập của Tòa án.

- Tòa án độc lập phải có thẩm phán độc lập

Đúng vậy, các Tòa án chỉ độc lập khi bản thân các thành viên của Tòa án (tức là thẩm phán họ phải độc lập).
Nói về tính độc lập của thẩm phán chính là một trong những yếu tố cơ bản của bộ máy tư pháp độc lập. Nếu các thẩm phán có thể bị chính phủ hành pháp hay các cơ quan chính quyền khác can thiệp, thay đổi nhiệm vụ vào bất kỳ thời điểm nào thì tính độc lập của Tòa án về mặt thể chế không thể đảm bảo. Thẩm phán chỉ có thể hoàn thành tốt vai trò của mình khi hoàn toàn được độc lập trong hoạt động chuyên môn. Chính hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán là nhằm mục đích bảo đảm quyền con người, quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật, tránh mọi sự lợi dụng chức quyền.
Sự độc lập của thẩm phán phải được hiểu là độc lập trên mọi phương diện (độc lập cả bên trong và lẫn độc lập cả bên ngoài). Độc lập bên trong của thẩm phán được hiểu là mọi phán quyết của thẩm phán Tòa án cấp dưới không chịu sự chỉ đạo của Tòa án cấp trên, không bị ảnh hưởng bởi các quan hệ nội bộ, quan hệ đồng nghiệp với nhau.
=> Với chức năng của thẩm phán là người đại diện cho công lý chứ không hoàn toàn đại diện cho cử tri, trong nhiều trường hợp công lý không đồng nghĩa với đa số cử tri, với khuynh hướng, chính sách nào đó của lập pháp và hành pháp. Đôi khi, các thẩm phán còn phải có trách nhiệm phán quyết sự đúng sai của các chính sách, đường lối do lập pháp và hành pháp tạo ra. Vì vậy, sự độc lập cho việc phán xử vô tư, công bằng của thẩm phán là rất cần thiết.

5. Sự độc lập xét xử của Tòa án theo thông lệ quốc tế

Theo quy định tại Điều 10 Tuyên ngôn nhân quyền và Điều 41 Công ưốc Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã ghi nhận và tuyên bố rằng: mọi người đều có thể được xét xử một cách công khai, đàng hoàng và công bằng bởi một Toà án độc lập, có thẩm quyền, khách quan và được thành lập theo quy định của pháp luật. Một nền tư pháp độc lập chính là khả năng độc lập thực hiện các quyền này trong quá trình thực thi pháp luật.

Theo thông lệ quốc tế, sự độc lập xét xử của Tòa án có nghĩa là:

Tư pháp quyết định những vấn đề của vụ án phù hợp với sự đánh giá khách quan của các Thẩm phán trên cơ sở các tình tiết, sự kiện của vụ án và sự hiểu biết của Thẩm phán về pháp luật, mà không có sự tác động sai trái; tác động trực tiếp hay gián tiếp; và sự tác động bỏi bất kỳ ai, cơ quan, tổ chức nào trong bộ máy nhà nước.

Tư pháp có thẩm quyền xem xét một cách trực tiếp hoặc bằng cách xem xét lại đối với tất cả những vấn đề, những tình tiết mang tính tư pháp như: lời khai, vật chứng, các tài liệu liên quan hoặc biên bản ghi nhận thực hiện việc đối chất tại phiên tòa được xét xử bỏi một Tòa án hợp pháp, thực hiện đúng các quy định của pháp luật tô' tụng một cách độc lập và không bị chi phối bởi bất kỳ yếu tô' khách quan nào.

Việc duy trì và thực hiện tính độc lập của tư pháp trong hoạt động xét xử của tòa án là yêu cầu cần thiết để đạt được mục đích của tư pháp và để thực hiện đúng chức năng của nó trong xã hội có dân chủ, tự do, bình đẳng. Trong nền dân chủ pháp quyền, hoạt động độc lập xét xử của tòa án trong một chừng mực nhất định còn là thưồc đo đánh giá nền dân chủ và thể hiện tính văn minh của một xã hội công bằng. Vì vậy, hoạt động xét xử của tòa án phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sự độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án cần phải được đảm bảo bởi nhà nước, phải được quy định trong Đạo luật cơ bản của nhà nước và hệ thống pháp luật tố tụng.

Trân trọng!