Mục lục bài viết
1. Trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Vì được coi là biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt nên không phải các biện pháp này được áp dụng đối với mọi tội phạm. Theo Điều 224 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt này chỉ áp dụng khi tiến hành điều tra các loại tội phạm: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội khủng bố, tội rửa tiền; các tội phạm về ma túy; các tội phạm về tham nhũng; Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội, chế độ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, xâm hại sự tồn tại, sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những tội có tính chất nguy hiểm cao nên luật quy định hình phạt rất nghiêm khắc như tử hình, tù chung thân, tù có thời hạn với mức cao. Ngoài các hình phạt chính, luật còn quy định các hình phạt bổ sung ở Điều 92 – Bộ luật hình sự như tước một số quyền công dân, quản chế, cấm cư trú, tịch thu tài sản.
Các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia được chia thành hai nhóm:
+ Các tội trực tiếp uy hiếp sự tồn tại của chính quyền nhân dân: Tội phản bội Tổ quốc; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân;
+ Các tội trực tiếp uy hiếp sự vững mạnh của chính quyền nhân dân: Tội gián tiếp; Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; Tội bạo loạn; Tội hoạt động phỉ; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội; Tội phá hoại chính sách đoàn kết; Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Tội phá rối an ninh; Tội chống phá trại giam; Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.
3. Tội khủng bố
Thực tế cho thấy hầu hết các điều ước quốc tế đều không đưa ra được định nghĩa khủng bố, hoặc có thì cũng không nhắc đến khái niệm khủng bố một cách trực tiếp.
Các cơ quan hữu quan của Liên hợp quốc định nghĩa : Hoạt động khủng bố là hoạt động hủy hoại nhân quyền, quyền dân chủ và tự do cá nhân, uy hiếp sự an toàn và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, tạo sức ép lên quốc gia, phá vỡ văn minh xã hội, là hành vi phạm tội với việc gây hậu quả bất lợi cho sự phát triển kinh tế- xã hội.
Tuyên ngôn về vấn đề chủ nghĩa khủng bố của Liên hợp quốc nêu rõ: Tất cả các hình thức của chủ nghĩa khủng bố, dù xảy ra ở nơi nào, ai là kẻ chủ mưa, và hành vi phạm tội ra sao, cũng không thể thanh minh, cho nên thông qua các điều của Hiệp ước Quốc tế, cần thêm mức độ xử phạt.
Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013: Khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng.
Như vậy, “Tội khủng bố” là tội phạm nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Bộ luật hình sự, là hành vi gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng, chống chính quyền nhân dân, xâm phạm đến tính mạng của người khác, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân (là hành vi làm cho tài sản mất giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được).
4. Tội rửa tiền
Theo khoản 1 Điều 4 Luật Phòng chống rửa tiền 2012, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Các hành vi được quy định là rửa tiền bao gồm:
- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
- Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
- Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
- Thực hiện một trong các hành vi trên đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
- Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;
- Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.
Trong đó, "tài sản" được nhắc đến ở đây bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.
Rửa tiền là một trong những hành vi xâm phạm trật tự công cộng. Theo đó, nếu thực hiện hành vi rửa tiền, cá nhân, pháp nhân thương mại sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội rửa tiền.
5. Các tội về ma túy
Chương XX “Các tội phạm về ma túy” Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định về tội danh và hình phạt đối với các hành vi trái phép bao gồm: Trồng các loại cây có chứa chất ma túy; sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, chiếm đoạt các chất ma túy, tiền chất, các dụng cụ dùng cho việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; về tổ chức, chứa chấp sử dụng, cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; và vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện, hoặc các chất ma túy khác.
Mỗi điều luật đều có cấu trúc nhiều khung hình phạt với tính chất nghiêm khắc tăng dần, tỷ lệ thuận với lượng (diện tích hoặc số cây trồng, khối lượng hoặc thể tích) các chất ma túy, tiền chất, chất hướng thần. Trong đó, hầu hết các tội có quy định mức hình phạt cao nhất là đặc biệt nghiêm khắc, phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, về căn cứ áp dụng hình phạt, người bị kết án về tội phạm ma túy còn có thể bị xử phạt bổ sung là phạt tiền; cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề; cấm cư trú; hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối với các vụ án ma túy phạm tội có tổ chức chặt chẽ, phương thức, thủ đoạn phạm tội và che dấu tội phạm hết sức tinh vi, xảo quyệt, đối tượng phạm tội thường ngoan cố, chống đối đến cùng, thiếu hợp tác với cơ quan tố tụng dẫn tới các biện pháp điều tra tố tụng thông thường không mang lại hiệu quả hay hiệu quả thấp mới được áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho phép Cơ quan điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ trực tiếp chứng minh tội phạm, xác định nhanh chóng, chính xác, toàn diện vụ án, chứng minh tội phạm và người phạm tội, truy nguyên tài sản liên quan đến hoạt động phạm tội về ma túy.
6. Các tội về tham nhũng
Tham nhũng là tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự, tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.
Căn cứ Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự 2015 quy định các tội phạm về tham nhũng gồm: Tội tham ô tài sản (Điều 253); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358); Tội giả mạo trong công tác (Điều 359).
Căn cứ vào các quy định trên, có 07 tội phạm về tham nhũng.
Căn cứ Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định các hành vi tham nhũng gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
7. Tội phạm có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
Bên cạnh các loại tội phạm kể trên, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt còn có thể được sử dụng để điều tra bất cứ tội phạm nào khác được thực hiện có tổ chức thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng.
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Như vậy, cùng với việc giới hạn biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt ở Điều 223, Điều 224 tiếp tục giới hạn trường hợp áp dụng: chỉ áp dụng đối với một số loại tội đặc biệt hoặc trong trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có tổ chức. Ngoài các trường hợp nêu trên, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không được phép áp dụng như là biện pháp điều tra thu thập chứng cứ trong giai đoạn điều tra.
LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)