Mục lục bài viết
- 1. Khái niệm miễn chấp hành hình phạt
- 2. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
- 3. Hướng dẫn miễn chấp hành hình phạt tù
- 4. Các biện pháp giám sát, giáo dục khi người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự
- 5. Các nghĩa vụ mà người dưới 18 tuổi phải thực hiện sau khi được miễn trách nhiệm hình sự
Luật sư tư vấn:
BLHS năm 1999 quy định việc miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng mà gây thiệt hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục (khoản 2 Điều 69). Theo quy định này, việc miễn trách nhiệm hình sự đồng nghĩa với việc trả tự do “tuyệt đối” cho họ. Người dưới 18 tuổi không bị áp dụng kèm theo bất kì biện pháp giáo dục, phòng ngừa nào. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tái phạm của người dưới 18 tuổi phạm tội.
Đe khắc phục bất cập nêu trên cũng như để thực hiện chủ trương nhân đạo hoá, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lí hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, BLHS năm 2015 bổ sung biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự.
1. Khái niệm miễn chấp hành hình phạt
Miễn chấp hành hình phạt là trường hợp người bị kết án được Toà án quyết định cho họ không phải chấp hành một phần hoặc toàn bộ hình phạt của bản án đã tuyên khi họ có đủ các điều kiện do Bộ luật Hình sự quy định tại Điều 62 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Nội dung về miễn chấp hành hình phạt tại Điều 62 Bộ luật hình sự như sau:
Điều 62. Miễn chấp hành hình phạt
1. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.
2. Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sau khi bị kết án đã lập công;
b) Mắc bệnh hiểm nghèo;
c) Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
3. Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
4. Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
5. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.
6. Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
7. Người được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều này vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.
2. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định người dưới 18 tuổi phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự và bị áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục được quy định tại Điều 93 (Khiển ttách), Điều 94 (Hoà giải tại cộng đồng) hoặc Điều 95 (Giáo dục tại xã, phường, thị trấn) khi có đủ 04 điều kiện sau:
- Người dưới 18 tuổi phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 không quy định cụ thể tình tiết giảm nhẹ được nêu tại khoản 2 là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản nào của Điều 51 BLHS nên phải hiểu các tình tiết giảm nhẹ được nêu tại điều này là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
- Người dưới 18 tuổi phạm tội đã tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả do hành vi phạm tội gây ra;
- Người phạm tội và tội phạm được thực hiện phải thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134,141, 171,248,249,250,251 và 252 của Bộ luật này;
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150,151, 168,171,248,249,250, 251 và 252 của Bộ luật này;
+ Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
- Người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý.
3. Hướng dẫn miễn chấp hành hình phạt tù
Các trường hợp có thể được miễn chấp hành hình phạt theo Bộ luật hình sự 2015 bao gồm:
1/ Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá;
2/ Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt và thuộc một trong các trường hợp:
+ Sau khi bị kết án đã lập công;
+ Mắc bệnh hiểm nghèo;
+ Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
3/ Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, đối tượng này phải được xem xét là không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
4/ Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa
5/ Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn;
6/ Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt.
Tòa án là chủ thể sẽ ra quyết định miễn chấp hành một phần hoặc toàn bộ hình phạt tùy từng trường hợp dựa trên đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người người bị kết án chấp hành hình phạt.
Thủ tục miễn chấp hành hình phạt, cụ thể là miễn chấp hành án phạt tù được quy định tại Luật Thi hành án hình sự 2019 như sau:
Điều 39. Thủ tục miễn chấp hành án phạt tù
1. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi người chấp hành án phạt tù đang cư trú hoặc làm việc lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu xét miễn chấp hành án phạt tù. Hồ sơ bao gồm:
a) Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
b) Văn bản đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền;
c) Đơn xin miễn chấp hành án phạt tù của người bị kết án;
d) Đối với người bị kết án đã lập công hoặc lập công lớn thì phải có bản tường trình có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền; đối với người bị kết án bị bệnh hiểm nghèo thì phải có kết luận của bệnh viện, hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên; đối với người bị kết án chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án có thẩm quyền thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định miễn chấp hành án phạt tù. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc miễn chấp hành án phạt tù, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người chấp hành án, Viện kiểm sát đề nghị, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được miễn chấp hành án cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định có trụ sở, Bộ Ngoại giao trong trường hợp người được miễn chấp hành án là người nước ngoài.
4. Ngay sau khi nhận được quyết định miễn chấp hành án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải làm thủ tục trả tự do cho người được miễn chấp hành án và báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp trên.
Pháp luật hiện hành mới chỉ có quy định về điều kiện miễn chấp hành hình phạt ứng với các trường hợp cụ thể, thủ tục để cơ quan chức năng thực hiện miễn chấp hành hình phạt, chưa có hướng dẫn với người bị kết án phải thực hiện thủ tục như thế nào để được miễn chấp hành hình phạt tù, điều này gây ra không ít những khó khăn, lúng túng với những người đủ điều kiện để được miễn chấp hành hình phạt.
Tuy nhiên, căn cứ vào quy định trích dẫn trên đây, Quý vị có thể chuẩn bị các tài liệu sau gửi tới chủ thể có thẩm quyền để được xem xét đề nghị miễn chấp hành hình phạt:
+ Đơn xin miễn chấp hành án phạt tù;
+ Bản tường trình có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với người bị kết án đã lập công hoặc lập công lớn;
+ Kết luận của bệnh viện, hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên đối với người bị kết án bị bệnh hiểm nghèo;
+ Xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đối với người bị kết án chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.
4. Các biện pháp giám sát, giáo dục khi người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự
về bản chất, đây là các biện pháp mang tính giáo dục, phòng ngừa xã hội được áp dụng nhằm mục đích chính là giúp cho người phạm tội nhận rõ được lỗi lầm, có thái độ ăn năn hối cải, khắc phục sai phạm. Trước khi áp dụng biện pháp này, người có thẩm quyền phải ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho họ.
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định 03 biện pháp có thể được cân nhắc áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là khiển trách; hoà giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
+ Khiển trách
Biện pháp này chỉ được áp dụng trong hai trường hợp:
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thuộc trường họp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này (điểm a khoản 1 Điều 93);
- Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án (điểm b khoản 1 Điều 93).
+ Hoà giải tại cộng đồng
Biện pháp này chỉ được áp dụng trong hai trường hợp:
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.
+ Giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Biện pháp này chỉ được áp dụng trong hai trường hợp:
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường họp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.
5. Các nghĩa vụ mà người dưới 18 tuổi phải thực hiện sau khi được miễn trách nhiệm hình sự
Sau khi được miễn trách nhiệm hình sự, người dưới 18 tuổi phạm tội phải chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động; chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã, phường, thị trấn; không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép; tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc; trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại; tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
Đối với biện pháp hòa giải tại cộng đồng, tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a khoản 3 Điều 93 và nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này từ 03 tháng đến 01 năm.
Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực hình sự về miễn trách nhiệm hình sự với người dưới 18 tuổi, Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh Khuê