1. Khái niệm đánh bạc là gì ?

Đánh bạc là (Hành vi) tham gia vào trò chơi được tổ chức bất hợp pháp mà sự được (hoặc thua) kèm theo việc được (hoặc mất) lợi ích vật chất đáng kể (tiền, hiện vật hoặc các hình thức tài sản khác).

Đánh bạc là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự xã hội, không chỉ ảnh hưởng xấu đến gia đình và cá nhân người chơi mà còn có thể là nguyên nhân của các tệ nạn xã hội và tội phạm khác. Do vậy, tội phạm này được quy định trong Luật hình sự Việt Nam rất sớm. Văn bản pháp luật đầu tiên quy định về tội phạm này là Sắc lệnh số 468 năm 1948. Trước khi có Bộ luật hình sự cũ năm 1985, tội đánh bạc được quy định trong Sắc luật số 03 năm 1976. Trong Bộ luật hình sự cũ năm 1985 và năm 1999, tội đánh bạc đều được quy định thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng. Tuy nhiên, trong Bộ luật hình sự năm 1999, tội đánh bạc được quy định cụ thể hơn với những dấu hiệu cụ thể giúp việc phân biệt giữa đánh bạc là tội phạm và đánh bạc là vi phạm cũng như với các dấu hiệu định khung hình phạt để phân hoá trách nhiệm hình sự giữa các trường hợp phạm tội đánh bạc.

Theo Bộ luật hình sự cũ năm 1999, hành vi đánh bạc chỉ bị coi là tội phạm khi tiền hoặc hiện vật đánh bạc có giá trị lớn hoặc khi chủ thể đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án về hành vi cờ bạc (đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc), chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Để phân biệt hành vi đánh bạc với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải dựa vào đặc điểm của: trò chơi trong cờ bạc. Trò chơi trong cờ bạc là trò chơi mà sự thắng thua của người tham gia hoàn toàn do may rủi hoặc phụ thuộc vào khả năng nào đó của người tham gia hoặc phụ thuộc vào cả hai (khả năng và may rủi) hoặc phụ thuộc vào yếu tố khác độc lập với ý muốn của những người tham gia cũng như của người tổ chức. Trò chơi đánh bạc khác với trò chơi là một thủ đoạn của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trò chơi lừa đảo là trò chơi mà một hoặc một số người tham gia hoặc tổ chức có thể hoàn toàn chủ động trong việc thắng thua nhờ vào những thủ đoạn gian dối nhất định. Hình phạt chính được quy định cho tội đánh bạc có mức cao nhất là 7 năm tù. Hình phạt bổ sung có thể là phạt tiền.

2. Phân tích các yếu tố cấu thành tội đánh bạc

Tội đánh bạc được quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017. Các yếu tố cấu thành tội đánh bạc, cụ thể như sau:

2.1 Chủ thể của tội đánh bạc

Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt, nghĩa là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi theo quy định của pháp luật đều có thể trở thành chủ thể của tội đánh bạc.Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này vì tội phạm này là tội phạm do cố ý và không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Nếu số tiền hoặc tài sản dùng để đánh bạc có giá trị không lớnthì người có hành vi hành đánh bạc phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc và hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới là chủ thể của tội phạm này.

2.2 Khách thể của tội đánh bạc

Tội đánh bạc là tội xâm phạm đến trật tự nếp sống văn minh của xã hội.

2.3 Mặt khách quan của tội đánh bạc

Hành vi khách quan:Người phạm tội thực hiện hành vi đánh bạc bằng nhiều hình thức khác nhau. Nếu trước đầy đánh bạc chủ yếu là bằng hình thức tổ tôm, xóc đĩa, bài tây thì bây giờ có rất nhiều hình thức đánh bạc như: chới số đề, cá độ bóng đá, chọi gà, cá độ đua ngựa, đua xe… thủ đoạn phạm tội cũng rất tinh vi.
Theo điều luật thì người có hành vi đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật đều bị coi là hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trong thực tế không phải cứ tham gia trò chơi nào được thua bằng tiền hay hiện vật đều bị coi là hành vi phạm tội. Hiện nay các cơ quan, tổ chức có nhiều hình thức vui chơi giải trí có được thua bằng tiền hay hiện vật đều nhưng bị coi là hành vi phạm tội đánh bạc như: chơi sổ xố, lô tô, casino… các trò chơi này đựơc Nhà nước cho phép nên không coi là hành vi phạm tội. Cũng chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, Điều 248 và Điều 249 Bộ luật Hình sự cần được sử dụng theo hướng thêm cụm từ “trái phép” vào điều văn của điều luật. Ví dụ: Người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trái phép… hoặc người nào tham gia bất kỳ trò chơi nào được thua bằn tiền hay hiện vật trái phép… Ngược lại, có ý kiến cho rằng không cần phải quy định thuật ngữ trái phép, vì các trò chơi được thua bằng tiền hay hiện vật mà được Nhà nước cho phép thì không gọi là đánh bạc. Khi nói đến đánh bạc là đã bao hàm yếu tố trái phép rồi; không ai nói chơi sổ xố là đánh bạc cả. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề học thuật còn thực tiễn xét xử không vướng mắc về vấn đề có được phép hay không được phép.
* Hậu quả xảy ra:
Hậu quả của hành vi đánh bạc không phải là dấu hiệu bắt buộc và cũng không phải là yếu tố định khung hình phạt, mặc dù hành vi đánh bạc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội như: do đánh bạc mà tan cửa nát nhà, do đánh bạc mà dẫn đến các hành vi phạm tội khác như trộm cắp, cướp giật, cướp, cưỡng đoạt, cố ý gây thương tích, giết người, gây rối trật tự công cộng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, cho vay lãi nặng. v.v… Nhà làm luật không quy định hậu quả là yếu tố định tội hoặc yếu tố định khung hình phạt không phải vì không tháy trước được hậu quả do hành vi đánh bạc gây ra cho xã hội, mà hậu quả do hành vi đánh bạc gây ra hầu hết đã cấu thành tội phạm độc lập và tội phạm đó bao giờ cũng nguy hiểm hơn tội đánh bạc. Do đó, nếu hành vi đánh bạc mà dẫn đến những hành vi phạm tội khác thì người phạm tội còn bị truy cứu về các tội phạm tương ứng.
* Các dấu hiệu khách quan khác:
Đối với tội phạm này nhà làm luật không quy định hậu quả là dấu hiệu bắt buộc nhưng lại quy định giá trị tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.Nếu hành vi đánh bạc, mà giá trị tiền hay hiện vật dùng vào việc đánh bạc có giá trị được xác định chưa phải là lớn và người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc và hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc chưa bị kết án về một trong các tội này, hoặc đã bị kết án về các tội phạm này nhưng đã được xoá án tích thì chưa bị coi là phạm tội đánh bạc.
* Xác định về tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc:
Tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc; Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc. Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc.Trường hợp một người đánh bạc với nhiều người khác nhau (như trường hợp chơi số đề), thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc đối với người đánh bạc với nhiều người là tổng số tiền, giá trị hiện vật mà họ và những người đánh bạc khác dùng để đánh bạc; còn đối với người tham gia đánh bạc với người này là tiền, giá trị hiện vật mà bản thân họ và người đó cùng dùng để đánh bạc.
2.4 Mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi đánh bạc là do cố ý.

3. Hình phạt đối với hành vi đánh bạc

Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về hình phạt đối với hành vi đánh bạc, cụ thể như sau:

"Điều 321. Tội đánh bạc

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng".

4. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đánh bạc như thế nào ?

Đối với những trường hợp thực hiện hành vi đánh bạc nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội danh đánh bạc theo quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người thực hiện hành vi đánh bạc có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau:

"Điều 26. Hành vi đánh bạc trái phép

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:

a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;

b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;

c) Cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác;

d) Bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;

b) Che giấu việc đánh bạc trái phép.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây:

a) Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép;

b) Dùng nhà, chỗ ở của mình hoặc phương tiện, địa điểm khác để chứa bạc;

c) Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép;

d) Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh đề sau đây:

a) Làm chủ lô, đề;

b) Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề;

c) Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề;

d) Tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có đối với hành vi quy định tại Khoản 1; Khoản 2; Điểm a Khoản 3; Điểm b, c, d Khoản 4 và Khoản 5 Điều này.

7. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Trên đây là thư tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn: 1900.6162

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật MInh KHuê