Hiến pháp Nhật Bản

CHƯƠNG IV

QUỐC HỘI

Điều 41

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và cũng là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp.

Điều 42

Quốc hội có hai Viện: Hạ Nghị Viện và Thượng Nghị Viện.

Điều 43

Cả hai Viện đều bao gồm các thành viên do nhân dân bầu ra. Số thành viên của mỗi Viện được quy định bởi pháp luật.

Điều 44

Điều kiện bầu cử và ứng cử được ghi trong pháp luật, không có sự phân biệt về chủng tộc, tín ngưỡng, nam nữ, điều kiện xã hội, lý lịch gia đình, học vấn, tài sản và thu nhập.

Điều 45

Nhiệm kỳ đại biểu của Hạ Nghị Viện là bốn năm. Nhưng nhiệm kỳ sẽ chấm dứt trước thời hạn nếu Hạ Nghị Viện bị giải tán.

Điều 46

Nhiệm kỳ Thượng nghị sĩ là 6 năm, cứ 3 năm lại bầu lại một nửa tổng số thành viên.

Điều 47

Khu vực tuyển cử, thủ tục bỏ phiếu và các vấn đề liên quan tới bầu cử do pháp luật ấn định.

Điều 48

Không ai được kiêm nhiệm chức vụ đại biểu ở cả hai Viện.

Điều 49

Đại biểu ở cả hai Viện được hưởng lương bổng theo Ngân sách Quốc gia và do pháp luật quy định.

Điều 50

Trừ trường hợp được pháp luật quy định, đại biểu của cả hai Viện không bị bắt trong khoá họp của Quốc hội, nếu đại biểu nào bị giam cầm trước khi khai mạc khoá họp thì sẽ được phóng thích để dự khoá họp theo yêu cầu của Quốc hội.

Điều 51

Đại biểu hai Viện không bị truy tố khi ra ngoài Quốc hội vì những bài diễn thuyết, cách thảo luận hay bỏ phiếu tại quốc hội.

Điều 52

Quốc hội được triệu tập thường lệ mỗi năm một lần.

Điều 53

Nội các có quyền triệu tập phiên họp bất thường của Quốc hội. Khi có yêu cầu của từ một phần tư tổng số đại biểu của mỗi Viện, Nội các phải triệu tập phiên họp bất thường của Quốc hội.

Điều 54

Khi Hạ Nghị Viện bị giải tán, phải tổ chức tổng tuyển cử 40 ngày sau thời hạn giải tán và Quốc hội phải họp sau 30 ngày bầu cử.

Trong trường hợp Hạ Nghị Viện bị giải tán, Thượng Nghị Viện cũng không họp. Nhưng nếu trong trường hợp đất nước lâm nguy, Nội các có thể triệu tập phiên họp bất thường của Thượng Nghị Viện.

Tuy nhiên biện pháp trên chỉ có tính tạm thời và sẽ bị huỷ bỏ nếu Hạ Nghị Viện không chấp thuận trong vòng 10 ngày sau khi khai mạc khóa họp của Quốc hội.

Điều 55

Mỗi Viện đều có thẩm quyền riêng trong việc xét xử những vụ kiện liên quan đến tư cách đại biểu của Viện mình. Tuy nhiên, việc quyết định cách chức một đại biểu phải thông qua một nghị quyết với sự nhất trí của từ 2/3 tổng số nghị sĩ có mặt.

Điều 56

Khoá họp của mỗi Viện chỉ được tiến hành nếu có từ 1/3 tổng số đại biểu có mặt.

Tất cả các vấn đề tại mỗi Viện sẽ được biểu quyết thông qua nếu đa số đại biểu có mặt tán thành. Trong trường hợp số phiếu bằng nhau, Chủ tịch phiên họp sẽ quyết định.

Điều 57

Các cuộc thảo luận tại mỗi Viện phải được tiến hành một cách công khai. Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp kín nếu đa số 2/3 đại biểu có mặt biểu quyết. Mọi tiến trình công việc của mỗi Viện phải được ghi thành. Biên bản này được công bố và phân phát cho nhiều người trừ những biên bản trong các cuộc họp kín.

Trong trường hợp có yêu cầu của từ 1/5 tổng số đại biểu có mặt, biên bản phải ghi chép kết quả cuộc bỏ phiếu của các đại biểu trong phiên họp.

Điều 58

Mỗi Viện tự lựa chọn Chủ tịch cũng như các viên chức cấp cao của mình.

Mỗi Viện phải tự thiết lập các nguyên tắc, luật lệ liên quan đến phiên họp và có hình phạt thích đáng cho những người làm trái quy định.

Tuy nhiên, để trục xuất một đại biểu ra khỏi Viện, cần phải thông qua một nghị quyết với sự nhất trí của từ 2/3 tổng số đại biểu có mặt.

Điều 59

Dự thảo luật sẽ trở thành luật nếu được cả hai Viện thông qua trừ những trường hợp đặc biệt được ghi trong Hiến pháp.

Nếu Thượng Nghị Viện không đồng ý với một dự thảo luật mà Hạ Nghị Viện đã thông qua thì văn kiện đó sẽ được thành đạo luật nếu Hạ nghị viện biểu quyết lần thứ hai với đa số 2/3 đại biểu có mặt thông qua.

Điều khoản trên không loại trừ trường hợp Hạ nghị viện có thể triệu tập một Uỷ ban với đại diện của cả hai Viện.

Nếu Thượng nghị viện không biểu quyết trong 60 ngày kể từ ngày nhận dự luật do Hạ nghị viện thông qua (trừ trường hợp Thượng nghị viện ngừng họp), Hạ nghị viện sẽ coi sự không biểu quyết này là sự phủ nhận.

Điều 60

Vấn đề về ngân sách phải được Hạ nghị viện biểu quyết trước.

Khi thảo luận về vấn đề này, nếu Thượng nghị viện không đồng ý với Hạ nghị viện, và nếu Uỷ ban đại diện của cả hai Viện cũng không có được sự nhất trí hay Thượng nghị viện không thể đưa ra quyết định trong vòng 30 ngày sau khi Hạ nghị viện thông qua thì quyết định của Hạ nghị viện sẽ là quyết định cuối cùng của Quốc hội.

Điều 61

Đoạn 2 của điều trên cũng được áp dụng trong trường hợp Quốc hội phê chuẩn Hiệp ước.

Điều 62

Mỗi Viện có thể mở cuộc điều tra về hoạt động của Chính phủ, hỏi cung nhân chứng và kiểm tra các tài liệu.

Điều 63

Cho dù có phải là đại biểu của mỗi Viện hay không, Thủ tướng và các Bộ trưởng có quyền tới các Viện bất cứ lúc nào để phát biểu ý kiến về dự luật. Họ phải có mặt để trả lời và giải thích các vấn đề khi cần thiết.

Điều 64

Quốc hội có quyền lựa chọn các đại biểu của cả hai Viện để thiết lập một Toà án xét xử các vị Thẩm phán. Việc này được quy định trong một đạo luật.

CHƯƠNG V

NỘI CÁC

Điều 65

Nội các là cơ quan nắm giữ quyền hành pháp.

Điều 66

Nội các bao gồm Thủ tướng là người đứng đầu Nội các và các Bộ trưởng theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng và các Bộ trưởng phải là công chức dân sự.

Nội các phải chịu trách nhiệm tập thể trước Quốc hội trong quá trình thực thi quyền hành pháp.

Điều 67

Thủ tướng được Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu của Quốc hội thông qua một nghị quyết của Quốc hội. Công việc này phải được ưu tiên so với các hoạt động khác của Quốc hội.

Nếu hai Viện không đạt được sự nhất trí và ủy ban chung của hai viện cũng không đạt được sự nhất trí chung hoặc Thượng nghị viện không chỉ định được thủ tướng trong vòng 10 ngày sau khi Hạ nghị viện biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Thủ tướng thì quyết định của Hạ nghị viện sẽ là quyết định cuối cùng của Quốc hội.

Điều 68

Thủ tướng có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm các Bộ trưởng. Đa số các Bộ trưởng phải là đại biểu Quốc hội. Thủ tướng có quyền cách chức Bộ trưởng.

Điều 69

Nếu Hạ nghị viện thông qua nghị quyết bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc phủ quyết nghị quyết tín nhiệm, Nội các sẽ phải đệ đơn từ chức, trừ trường hợp Hạ nghị viện bị giải tán trong vòng 10 ngày.

Điều 70

Nội các phải từ chức khi vị trí của Thủ tướng bị khuyết hoặc phải từ chức vào thời điểm Quốc hội triệu tập phiên họp đầu tiên sau cuộc tổng tuyển cử Hạ nghị viện.

Điều 71

Trong trường hợp của cả hai điều khoản trên, Nội các vẫn có thể tiếp tục làm việc cho tới khi Thủ tướng mới được bầu ra.

Điều 72

Thủ tướng thay mặt Nội các trình Quốc hội các dự thảo luật, báo cáo về các vấn đề đối nội, đối ngoại lớn của đất nước và thực hiện quyền quản lý và kiểm soát các cơ quan hành chính khác.

Điều 73

Ngoài các chức năng hành chính thông thường khác, Nội các có các chức năng như sau:

  • Thi hành pháp luật một cách trung thực, quản lí nhà nước;
  • Quản lí các chính sách ngoại giao;
  • Kí kết hiệp ước, nhưng phải có sự phê chuẩn của Quốc hội;
  • Quản lí các dịch vụ công theo các tiêu chuẩn được pháp luật quy định;
  • Dự toán ngân sách để đệ trình Quốc hội;
  • Ban hành sắc lệnh để thi hành hiến pháp và đạo luật, tuy nhiên không thể quy định những quy tắc hình sự nếu không được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
  • Quyết định ân xá, giảm tội, miễn tội, khôi phục quyền công dân.

Điều 74

Các đạo luật và sắc lệnh đều phải do các Bộ trưởng có thẩm quyền kí và xác nhận, đồng thời phải được Thủ tướng phê chuẩn.

Điều 75

Bộ trưởng đang trong nhiệm kỳ thì không thể bị truy tố nếu không có sự cho phép của Thủ tướng.

CHƯƠNG VI

TƯ PHÁP

Điều 76

Toàn bộ quyền tư pháp được trao cho Toà án tối cao và các toà án các cấp được thành lập theo quy định của pháp luật.

Không được thành lập bất kỳ một Toà án đặc biệt nào cũng như không một cơ quan Hành pháp được trao quyền tư pháp cuối cùng.

Các Thẩm phán xét xử một cách độc lập, theo lương tâm, Hiến pháp và luật pháp.

Điều 77

Toà án tối cao được trao quyền quy định các nguyên tắc về thủ tục và thực tiễn làm việc, các vấn đề liên quan đến luật sư, kỷ luật của toà án và các công việc hành chính của Tòa.

Các công tố viên phải tuân thủ các quyền quy định các vấn đề thủ tục làm việc nói trên của Toà án tối cao.

Toà án tối cao có thể uỷ quyền cho tòa án các cấp trong việc quy định những vấn đề về thủ tục làm việc.

Điều 78

Các Thẩm phán không bị cách chức ngoại trừ theo thủ tục đàn hạch hoặc bị Toà án tuyên bố không đủ năng lực cần thiết về trí tuệ và thể chất để thực hiện công việc. Không một cơ quan nào trong ngành Hành pháp có thể áp dụng biện pháp kỉ luật với Thẩm phán.

Điều 79

Toà án tối cao bao gồm một Chánh án và các Thẩm phán. Số lượng Thẩm phán do pháp luật quy định. Ngoài Chánh án, các vị Thẩm phán do Nội các chỉ định.

Việc bổ nhiệm Thẩm phán Toà án tối cao do toàn dân chuẩn y đồng thời tại cuộc tổng tuyển cử các Hạ nghị sĩ đầu tiên sau khi các thẩm phán được bổ nhiệm. Và cứ sau 10 năm, nhân dân lại chuẩn y việc bổ nhiệm trên tại cuộc tổng tuyển cử các Hạ nghị sĩ đầu tiên sau thời hạn 10 năm đó.

Trong các trường hợp trên, Thẩm phán sẽ bị bãi nhiệm nếu bị đa số cử tri bỏ phiếu nhất trí đề nghị bãi nhiệm.

Thủ tục xem xét lại này sẽ do pháp luật quy định.

Thẩm phán toà án tối cao phải về hưu nếu tới hạn tuổi quy định bởi pháp luật.

Mỗi thời kỳ nhất định, Thẩm phán sẽ được nhận một khoản phụ cấp xứng đáng và không bị cắt giảm trong suốt nhiệm kỳ.

Điều 80

Thẩm phán Toà án các cấp do Nội các bổ nhiệm theo danh sách đề cử của Toà án tối cao.

Các Thẩm phán có nhiệm kỳ 10 năm và có đặc quyền được bầu cử lại trừ trường hợp vị đó phải về hưu.

Các Thẩm phán tòa án các cấp cũng được hưởng một khoản phụ cấp xứng đáng và không bị cắt giảm trong suốt nhiệm kỳ.

Điều 81

Toà án tối cao là cấp xét xử cao nhất với thẩm quyền xác định tính hợp hiến của các đạo luật, sắc lệnh, quy tắc hoặc các hành vi công khác.

Điều 82

Các phiên tòa được xét xử công khai và các bản án phải được công bố. Nếu các thẩm pháp thống nhất rằng việc xét xử công khai không có lợi cho trật tự công cộng hoặc ảnh hưởng tới đạo đức, phiên tòa sẽ được xét xử kín. Tuy nhiên, các phiên tòa về chính trị, báo chí, nhân quyền thuộc Chương I trong Hiến pháp phải được bảo đảm xét xử công khai.

 

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm)