Mục lục bài viết
- 1. Khái quát chung
- 2. Các yếu tố cấu thành
- 2.1 Tội vô ý làm chết người
- 2.1.1 Dấu hiệu chủ thể của tội phạm
- 2.1.2 Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm
- 2.1.3 Dấu hiệu hậu quả của tội phạm
- 2.1.4 Dấu hiệu lỗi của chủ thể
- 2.2 Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
- 2.2.1 Dấu hiệu chủ thể của tội phạm
- 2.2.2 Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm
- 2.2.3 Dấu hiệu hậu quả của tội phạm
- 2.2.4 Dấu hiệu lỗi của chủ thể
1. Khái quát chung
STT | Tội vô ý làm chết người | Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính |
1 | Tội vô ý làm chết người quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 | Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính quy định tại Điều 129 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 |
2 | Điều 128. Tội vô ý làm chết người 1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. | Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính 1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.6162
2. Các yếu tố cấu thành
2.1 Tội vô ý làm chết người
2.1.1 Dấu hiệu chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội vô ý làm chết người được quy định là chủ thể bình thường và theo Điều 12 BLHS là người từ đủ 16 tuổi trở lên vì tội này không thuộc các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS.
2.1.2 Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội vô ý làm chết người được quy định là hành vi làm chết người. Hành vi này được hiểu là hành vi gây ra cái chết cho con người do vi phạm quy tắc an toàn. Đó là những quy tắc nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ cho con người. Những quy tắc này thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể đã được quy phạm hoá hoặc có thể chỉ là những quy tắc xử sự xã hội thông thường, mọi người đều biết và thừa nhận. Hành vi vô ý làm chết người được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.Tội vô ý làm chết người là tội phạm có cấu thành vật chất, vì vậy hậu quả chết người xảy ra là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này. Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vô ý.Có mối quan hệ ràng buộc giữa hành vi vô ý và hậu quả chết người. Hậu quả của hành vi là nạn nhân chết xuất phát từ hành vi vô ý của người phạm tội gây ra.
Do tính chất đa dạng của các quy tắc an toàn đến tính mạng, sức khỏe nên hành vi vi phạm quy tắc an toàn trong một số lĩnh vực cụ thể được quy định thành các tội danh riêng của lĩnh vực đó như lĩnh vực giao thông, lĩnh vực an toàn lao động V.V.. Hành vi làm chết người do vi phạm quy tắc an toàn giao thông được quy định thành các tội danh riêng tại các điều 260, 267, 272... BLHS; hành vi làm chết người do vi phạm quy tắc an toàn lao động được quy định thành tội danh riêng tại Điều 295 BLHS. Trong các quy tắc an toàn, có các quy tắc nghề nghiệp và các quy tắc hành chính và hành vi làm chết người do vi phạm một trong các quy tắc này cũng được quy định thành tội danh riêng (Điều 129 BLHS). Việc quy định thành nhiều tội danh khác nhau như vậy là nhằm đảm bảo sự phân hóa trách nhiệm hình sự cũng như tính thống nhất trong xử lý trách nhiệm hình sự của từng lĩnh vực.
Như vậy, hành vi làm chết người do vi phạm quy tắc an toàn chỉ bị coi là hành vi của tội vô ý làm chết người khi hành vi đó chưa được quy định là hành vi phạm tội ở các điều luật thuộc các lĩnh vực cụ thể.
2.1.3 Dấu hiệu hậu quả của tội phạm
Hậu quả của tội phạm được quy định là hậu quả chết người. Hậu quả này có nguyên nhân là hành vi vi phạm quy tắc an toàn. Người có hành vi vi phạm quy tắc an toàn chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả chết người đã xảy ra khi hành vi vi phạm của họ và hậu quả chết người đã xảy ra có quan hệ nhân quả với nhau.
2.1.4 Dấu hiệu lỗi của chủ thể
Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi vô ý. Có thể là vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả. Trong cả hai trường hợp, chủ thể đều không mong muốn cũng như không chấp nhận hậu quả chết người. Trong trường hợp vô ý vì quá tự tin, người phạm tội nhận thức hành vi vi phạm của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể gây ra hậu quả chết người nhưng đã quá tự tin là hậu quả đó sẽ không xảy ra nhưng thực tế hậu quả đó vẫn xảy ra. Còn trong trường hợp vô ý do cẩu thả, người phạm tội không thấy trước hậu quả chết người mà hành vi của mình gây ra mặc dù với địa vị cụ thể của mình họ phải thấy trước và có đủ điều kiện thấy trước hậu quả đó.
Người thực hiện hành vi phạm tội dưới lỗi vô ý bao gồm: vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin.
+ Làm chết người do vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (khoản 1 Điều 11 BLHS)
+ Làm chết người do lỗi vô ý do cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. (khoản 2 Điều 11 BLHS)
Hành vi vô ý làm chết người được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc đối với tội vô ý làm chết người.
Khoản 1 của điều luật quy định khung hình phạt cơ bản là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Khoản 2 của điều luật quy định khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 03 năm đến 10 năm được áp dụng cho trường họp làm chết 02 người trở lên. Đây là trường hợp phạm tội làm nhiều người chết, trong cùng một lần hay trong các lần phạm tội khác nhau.
2.2 Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
Điều luật gồm 3 khoản. Trong đó, khoản 1 quy định các dấu hiệu pháp lý và khung hình phạt cơ bản của tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; khoản 2 quy định trường họp phạm tội tăng nặng và khoản 3 quy định khung hình phạt bổ sung.
2.2.1 Dấu hiệu chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định là người có nghĩa vụ tuân thủ quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính và theo Điều 12 BLHS là người từ đủ 16 tuổi trở lên vì tội này không thuộc các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở'lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS.< >
2.2.2 Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan được quy định là hành vi làm chết người do vi phạm quy tắc an toàn đến tính mạng, sức khỏe như hành vi khách quan của tội vô ý làm chết người nhưng có điểm đặc biệt và khác với tội vô ý làm chết người. Quy tắc an toàn bị vi phạm ở tội này là quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Điều này có nghĩa, chủ thể của tội phạm này phải có nghĩa vụ tuân thủ quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.
2.2.3 Dấu hiệu hậu quả của tội phạm
Hậu quả của tội phạm được quy định là hậu quả chết người. Hậu quả này có nguyên nhân là hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Người có hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp hay quy tắc hành chính chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả chết người đã xảy ra khi hành vi vi phạm của họ và hậu quả chết người có QHNQ với nhau. ì
2.2.4 Dấu hiệu lỗi của chủ thể
Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi vô ý. Có thể là vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả.
Trong trường hợp vô ý vì quá tự tin, người phạm tội nhận thức hành vi vi phạm của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thế gây ra hậu quả chết người nhưng đã quá tự tin là hậu quả đó sẽ không xảy ra và thực tế hậu quả đó vẫn xảy ra. Còn trong trường hợp vô ý do cẩu thả, người phạm tội không thấy trước hậu quả chết người mà hành vi của mình gây ra mặc dù với địa vị cụ thể của mình họ phải thấy trước và có đủ điều kiện thấy trước hậu quả đó. Trong trường hợp vô ý vì quá tự tin, người phạm tội nhận thức hành vi vi phạm của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thế gây ra hậu quả chết người nhưng đã quá tự tin là hậu quả đó sẽ không xảy ra và thực tế hậu quả đó vẫn xảy ra. Còn trong trường hợp vô ý do cẩu thả, người phạm tội không thấy trước hậu quả chết người mà hành vi của mình gây ra mặc dù với địa vị cụ thể của mình họ phải thấy trước và có đủ điều kiện thấy trước hậu quả đó.
Khoản 1 của điều luật quy định khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Khoản 2 của điều luật quy định khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 05 năm đến 12 năm được áp dụng cho trường hợp làm chết 02 người trở lên. Đây là trường hợp phạm tội có nhiều nạn nhân đã chết, xảy ra trong cùng một lần hoặc trong các lần khác nhau.
So với tội vô ý làm chết người, cả hai khung hình phạt của tội phạm này đều nặng hơn vì tội vô ý làm chết người do vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính nói chung nguy hiểm hơn tội vô ý làm chết người. Quy tắc nghề nghiệp và quy tắc hành chính không chỉ có tính cụ thể, rõ ràng hơn mà còn đòi hỏi chủ thể có trách nhiệm cao hơn trong việc tuân thủ.
Khoản 3 của điều luật quy định khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh Khuê