Khách hàng: Kính thưa Luật sư Minh Khuê, Luật sư cho tôi hỏi tranh chấp đầu tư quốc tế là gì? ; Về kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế của các quốc gia Canada; Áchentina và Philipppin?

Cảm ơn!

Trả lời:

1. Khái niệm tranh chấp đầu tư quốc tế

Về tranh chấp đầu tư quốc tế - có rất nhiều quan điểm về vấn đề này.

- Cơ sở pháp lý: Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

Trong phán quyết năm 1924 về vụ tranh chấp Mavrommatis, Toà án Thường trực Công lý quốc tế (tiền thân của Toà án Công lý quốc tế) đã định nghĩa tranh chấp như sau:“tranh chấp là sự bất đồng về mặt pháp lý hay trên thực tế, sự xung đột về mặt quan điểm pháp lý hoặc lợi ích giữa hai hay nhiều người trở lên. Trong một phán quyết khác của Toà án Công lý quốc tế, “tranh chấp được hiểu là một tình huống trong đó hai bên có các quan điểm đối lập liên quan tới câu hỏi về thực hiện hoặc không thực hiện một nghĩa vụ nào đó trong hiệp ước”.

Từ điển Luật học Black định nghĩa: “tranh chấp được hiểu là mâu thuẫn hay bất đồng về các yêu cầu hay quyền lợi giữa các bên; sự đòi hỏi về yêu cầu hay quyền lợi của một bên bị đáp lại bởi một yêu cu hay lập luận trái ngược từ bên kia”.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, các Hội đồng trọng tài của Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (International Center of Settlement Investment Dispute – ICSID) đã áp dụng khái niệm tranh chấp tương tự, thường dựa vào cách định nghĩa của Toà án Thường trực Công lý quốc tế và Toà án Công lý quốc tế

Theo Khoản 1 Điều 2 Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, theo Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg đã nêu rõ:

“Tranh chấp đầu tư quốc tế theo Quy chế này là tranh chấp phát sinh từ việc Nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ, Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi chung là Chính phủ Việt Nam) hoặc cơ quan nhà nước, tổ chức được cơ quan nhà nước ủy quyền quản lý nhà nước (sau đây gọi chung là cơ quan nhà nước) dựa trên cơ sở:

- Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư hoặc hiệp định thương mại hoặc điều ước quốc tế khác có quy định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam là thành viên (sau đây gọi chung là hiệp định bảo hộ đầu tư), trong đó có quy định về việc giải quyết tranh chấp giữa Nhà đầu tư nưốc ngoài và Chính phủ Việt Nam tại trọng tài quốc tế hay cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền; hoặc

- Hợp đồng, thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam hoặc cơ quan nhà nưốc Việt Nam và Nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có quy định cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng, thỏa thuận này là trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền”.

2. Pháp luật đầu tư của Canada

Phần VII Luật Đầu tư năm 1985 của Canada (Investment Canada Act) không đề cập ISDS tại trọng tài quốc tế mà chỉ quy định tòa án trong nước có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài đối với biện pháp do các bộ áp dụng đối với họ. Tương tự như Hàn Quốc, Hiến pháp năm 1967, sửa đổi năm 1982 của Canada quy định điều ước quốc tế mà Canada đã ký là một phần của pháp luật trong nước (thông tin truy cập ngày 27/9/2017 tại mục “The Canadian Constitution” trên trang Web của Bộ Tư pháp Canada). Do đó, đối với Canada, cơ chế ISDS cũng áp dụng trực tiếp theo điều ước quốc tế về đầu tư mà Canada là thành viên.

3. Số vụ kiện tranh chấp đầu tư của quốc gia Canada

Theo thống kê từ trang Web của UNCTAD, đến tháng 05/2018, Canada đã có 56 điều ước quốc tế về đầu tư với các quốc gia và nhóm quốc gia khác1. Cùng với đó, Canada cũng đã phải đối mặt với khoảng 27 vụ ISDS. Các vụ việc này chủ yếu sử dụng Quy tắc trọng tài của UNCITRAL, thậm chí cả đối với các vụ việc được giải quyết tại Trung tâm ICSID và chỉ một vài vụ sử dụng Quy tắc trọng tài của ICSID. Trong số 27 vụ việc này, hầu hết phát sinh từ việc nhà đầu tư Hoa Kỳ kiện quốc gia này theo cam kết tại NAFTA, chỉ có 01 vụ do nhà đầu tư Ai Cập khởi kiện theo BIT. Trong sô' các vụ kiện mà Canada phải đối mặt có 04 vụ đã ngừng tố tụng, 07 vụ đang được giải quyết và 04 nhà đầu tư nước ngoài thắng kiện, 07 vụ nhà nước Canada thắng kiện và 05 vụ đã hòa giải.

Với việc các nhà đầu tư nước ngoài thắng kiện trong 04 vụ, Canada đã phải trả số tiền khá lớn là 27,26 triệu đô la Hoa Kỳ (vụ Pope & Talbot và Canada, chi trả 0,46 triệu đô la Hoa Kỳ; vụ Myers và Canada chi trả 3,8 triệu đô la Hoa Kỳ; vụ Windstream Energy và Canada, chi trả 19,10 triệu đô la Hoa Kỳ; vụ Mobil Investments và Canada, chi trả 3,90 triệu đô la Hoa Kỳ). Bên cạnh đó, hầu hết các vụ việc đều liên quan đến chính sách về sức khỏe và môi trường ở tiểu bang, tuy nhiên, theo các điều ước quốc tế về đầu tư, chính quyền Liên bang Canada đã trở thành bị đơn. Điều này đã đẩy Canada vào tình thế trong phần lớn các vụ kiện phải tranh tụng để bảo vệ chính sách của tiểu bang mà không phải là chính sách của Liên bang.

Ở Canada, tham gia ISDS là một thiết chế liên ngành được giao cho Vụ pháp luật thương mại (Trade Law Bureau) thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại quốc tế của Canada (Department of Foreign Affairs and International Trade - DFAIT) làm đầu mối. Vụ này có hai phòng trực thuộc: (i) Phòng Pháp luật đầu tư và dịch vụ pháp lý; (ii) Phòng tiếp cận thị trường và các biện pháp phòng vệ thương mại.

3. Pháp luật đầu tư của Argentina

Luật Đầu tư nước ngoài năm 1993 của Argentina quy định nhà đầu tư nước ngoài có thể sử dụng hệ thống pháp luật trong nước của Argentina để bảo vệ quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, Luật này không quy định liên quan đến ISDS. Mặc dù vậy, theo Điều 31 Hiến pháp Argentina, điều ước quốc tế mà quốc gia này ký kết là một phần pháp luật của họ. Do đó, cơ chế ISDS trong các điều ước quốc tế mà Argentina là một bên sẽ được áp dụng trực tiếp, theo đó, ISDS được thực hiện cả bằng phương thức tòa án, trọng tài trong nước và trọng tài quốc tế.

Tính đến tháng 05/2018, Argentina là thành viên của 72 điều ước quốc tế về đầu tư. Mặc dù so với các quốc gia khác trên thế giới, Argentina không phải là quốc gia có quá nhiều điều ước quốc tế về đầu tư, nhưng đến nay, Nhà nước Argentina đã bị nhà đầu tư nước ngoài kiện 60 vụ khác nhau tại trọng tài quốc tế. Trong số các vụ kiện đã giải quyết xong, phần nhiều là nhà đầu tư nước ngoài thắng kiện, sở dĩ như vậy, là vì đa số vụ kiện phát sinh từ việc Chính phủ nước này không thể trả được các khoản nợ nước ngoài trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế những năm 1998-2002. Từ đó dẫn đến việc Argentina phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện do nhà đầu tư nước ngoài khởi xướng tại trọng tài quốc tế trong những năm 2000 - 2005.

4. Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp đầu tư của Áchentina

Để đối phó với tình trạng có nhiều vụ ISDS, năm 2003, Argentina thành lập Cơ quan đàm phán lại và phân tích hợp đồng công (Unit for Renegotiation and Analysis of Utility Contracts - UNIREN). Đây là một cơ quan của Chính phủ chỉ nhằm mục đích đàm phán lại các hợp đồng đã ký giữa Nhà nước Argentina với các nhà đầu tư nước ngoài. Ban đầu UNIREN đã thành công trong việc dàn xếp, hòa giải một số tranh chấp, nhưng từ năm 2005 trở đi, hoạt động của cơ quan này ít hiệu quả. Bên cạnh đó, Argentina cũng không có chính sách gì để phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước Argentina và nhà đầu tư nước ngoài.

Do Argentina thường xuyên phải xử lý cùng lúc khoảng 30 vụ kiện ISDS, Văn phòng Tổng chưởng lý Argentina đã thành lập một đội ngũ luật sư và các nhà chuyên môn có liên quan để biện hộ cho nước mình mà không phải thuê luật sư bên ngoài.

Theo đó, đội ngũ này gồm 22 chuyên gia pháp luật trẻ tuổi được tuyển dụng để thành lập 04 nhóm theo các ngành: (i) Nước và vệ sinh; (ii) Dầu khí; (iii) Phân phối gas; (iv) Các vụ việc về tài chính.

Phần lớn các chuyên gia này được đào tạo về pháp luật quốc tế và trọng tài quốc tế tại các trường đại học hàng đầu ở các quốc gia phát triển, như: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh. Bên cạnh đó, Argentina còn tuyển dụng 02 chuyên gia kinh tế để xử lý những cấu phần về kinh tế và tài chính của vụ việc, 05 cán bộ hỗ trợ về hành chính. Một nhóm chuyên tham gia tranh tụng, gồm 05 người (trong số 22 người nêu trên) được thành lập. Những người này làm việc như những luật sư tranh tụng, bắt đầu tham gia biện hộ cho Nhà nước 02 tháng trước phiên xét xử, hoàn thiện các bản đệ trình của Argentina trước khi gửi cho hội đồng trọng tài. Tổng chưởng lý Argentina khuyến khích các thành viên của nhóm chuyên gia nêu trên và bản thân mình tham gia các hội thảo quốc tế về ISDS, tham gia các hoạt động kết nôì với giới chuyên môn về ISDS. Ngoài ra, năm 2006, Văn phòng Tổng chưởng lý Argentina mở văn phòng đại diện tại Thủ đô Oasinhtơn, Hoa Kỳ.

5. Kinh nghiệm của Philipppin

Luật Đầu tư nước ngoài năm 1991 của Philipppin không quy định về ISDS. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 1987 của Philipppin quy định điều ước quốc tế sẽ có hiệu lực khi được Nghị viện phê chuẩn và chỉ không có giá trị ưu tiên so với Hiến pháp (mục 21 Điều VII và khoản 2 mục 4 Điều VIII). Trong trường hợp cần xem xét tính hợp hiến của điều ước quốc tế, Tòa án tối cao của Philipppin sẽ thực hiện việc này (điểm a khoản 2 Mục 5 của Điều VIII). Do đó, điều ước quốc tế về đầu tư được Nghị viện phê chuẩn có giá trị thực hiện như các văn bản trong nước và chỉ bị đình chỉ khi Tòa án tối cao của nước này tuyên bố vi hiến. Theo các quy định này, cam kết về cơ chế ISDS theo điều ước quốc tế về đầu tư mà Philipppin là thành viên được áp dụng trực tiếp.

Philipppin hiện là thành viên của 52 điều ước quốc tế về đầu tư, tính đến nay đã là bị đơn của 05 vụ việc ISDS. Trong đó 02 vụ Nhà nước thắng kiện, 01 vụ nhà đầu tư nước ngoài thắng kiện, 01 đã hòa giải và 01 vụ đang giải quyết, cả 05 vụ đều được giải quyết tại Trung tâm ICSID và theo Quy tắc trọng tài của Trung tâm này. Tại Philipppin, cơ quan đầu môì ISDS là Văn phòng Tổng chưởng lý Philipppin.

Văn phòng Tổng chưởng lý đại diện cho Nhà nước Philipppin trong các vụ kiện, quy trình tố tụng, việc điều tra hoặc bất kỳ vấn đề nào đòi hỏi cần có luật sư công. Khi được Tổng thông hoặc người đứng đầu các cơ quan ủy quyền, Văn phòng Tổng chưởng lý còn đại diện pháp lý cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu hoặc do Nhà nước kiểm soát.

Văn phòng Tổng chưởng lý Philipppin là một cơ quan độc lập và tự chủ, chỉ gắn với Bộ Tư pháp về vấn đề kinh phí hoạt động.

Văn phòng Tổng chưỏng lý do Tổng chưởng lý đứng đầu. Tổng chưởng lý là người đứng đầu về pháp luật và bảo vệ Nhà nước về mặt pháp lý. Tổng chưởng lý có thẩm quyền và trách nhiệm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình và giám sát, chỉ đạo Văn phòng Tổng chưởng lý và các bộ phận trực thuộc.

Tổng chưởng lý do Tổng thống bổ nhiệm và có vị trí, đặc quyển như Thẩm phán, Chánh án Tòa phúc thẩm.

Giúp việc cho Tổng chưởng lý là các nhân viên pháp lý bao gồm Trợ lý Tổng chưởng lý và các luật sư chuyên ngành (Solicitors), luật sư tập sự cần thiết để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng. Các nhân viên pháp lý được chia thành các bộ phận và Tổng chưởng lý có toàn quyền giao nhiệm vụ hoặc chuyển các Trợ lý Tổng chưởng lý, luật sư hoặc luật sư tập sự giữa các phòng.

Trợ lý Tổng chưỏng lý và luật sư đều do Tổng thống bổ nhiệm trên cơ sở đề xuất của Tổng chưởng lý. Luật sư tập sự và các nhân viên hành chính khác của Văn phòng do Tổng chưởng lý bổ nhiệm theo quy định Bộ luật Hành chính năm 1987 (Administrative Code 1987) của Philipppin.

.

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và Biên soạn).