1. Quy tắc xuất xứ

Các khu vực thương mại tự do được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tự do hóa thương mại bằng cách cắt giảm thuế đối với những mặt hàng xuất xứ từ các nước thành viên. Tuy nhiên tự do hóa không diễn ra tự động vì việc cắt giảm thuế còn phụ thuộc vào việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ. Quy tắc xuất xứ (ROO) áp dụng cho hàng nhập khẩu nhằm các mục đích sau:

- Xác định hàng hoá nhập khẩu thuộc diện được hưởng ưu đãi thương mại (như ưu đãi thuế quan, các biện pháp phi thuế quan…);

- Để thực thi các biện pháp hoặc công cụ thương mại, như thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng, biện pháp tự vệ… (đối với hàng hoá có xuất xứ từ một số nước nhất định là đối tượng của các biện pháp và công cụ thương mại này);

- Để phục vụ công tác thống kê thương mại (như xác định lượng nhập khẩu và trị giá nhập khẩu từ từng nguồn khác nhau);

- Để phục vụ việc thực thi các quy định pháp luật về nhãn và ghi nhãn hàng hoá;

- Để phục vụ các hoạt động mua sắm của chính phủ theo quy định của pháp luật quốc gia đó và pháp luật quốc tế.

Quy tắc xuất xứ nhằm xác định sự hợp lệ của hàng nhập khẩu để được hưởng mức thuế ưu đãi. Nếu không có quy tắc xuất xứ, hiện tượng thương mại chệch hướng (trade deflection) sẽ rất khó ngăn chặn được khi hàng hóa nhập khẩu từ các nước không tham gia FTA sẽ vào khu vực FTA thông qua nước thành viên áp dụng mức thuế thấp nhất đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước không tham gia FTA.

Quy tắc xuất xứ không chỉ là một công cụ kỹ thuật để thực thi FTA mà còn là một công cụ chính sách thương mại. Tuy nhiên, điều này có thể làm tăng chi phí tuân thủ mà các doanh nghiệp phải gánh chịu dưới hình thức giấy tờ và chi phí kế toán.

3. Tiêu chí phân loại quy tắc xuất xứ

a. Tiêu chí xác định nguồn gốc hàng hóa

Các loại quy tắc xuất xứ đều dựa trên hai tiêu chí xác định nguồn gốc hàng hóa: tiêu chí xuất xứ thuần túy (Wholly Obtained) và tiêu chí chuyển đổi cơ bản (Substantial Transformation).

- Tiêu chí xuất xứ thuần túy quy định hàng hóa sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ một nước thành viên xuất khẩu duy nhất (xuất xứ nội địa hoàn toàn) được xác định có xuất xứ.

- Tiêu chí chuyển đổi cơ bản xác định hàng hóa xuất xứ trong trường hợp quá trình chuyển đổi xảy ra tại một quốc gia hoặc khu vực. Việc xác định nguồn gốc khá phức tạp vì các bộ phận, phụ tùng của sản phẩm sản xuất tại nhiều quốc gia hoặc có nguyên vật liệu đầu vào không rõ xuất xứ.

Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên, bao gồm các loại sau:– Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng

- Động vật sống

- Sản phẩm thu được từ động vật sống

- Sản phẩm thu được từ săn bắn, nuôi trồng, thu lượm

- Khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên

- Sản phẩm đánh bắt và các sản phẩm từ biển

- Sản phẩm được chế biến hoặc được sản xuất ngay trên tàu

- Sản phẩm khai thác từ đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa

- Phế thải và phế liệu có nguồn gốc từ quá trình sản xuất và tiêu dùng

- Sản phẩm thu được hoặc được sản xuất từ các loại hàng hóa kể trên.

Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ

Hàng hoá có xuất xứ không thuần túy được coi là có xuất xứ khi đáp ứng các tiêu chí: Tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực, tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hoá hoặc tiêu chí mặt hàng cụ thể. Các nhà xuất khẩu hàng hoá được quyền lựa chọn sử dụng một trong các tiêu chí này để xác định xuất xứ hàng hoá.

b. Tiêu chí chuyển đổi mã hàng hóa (Change in Tariff Classification – CTC)

Tiêu chí CTC chỉ áp dụng đối với nguyên liệu không có xuất xứ. Để đáp ứng tiêu chí này, nguyên liệu hoặc phụ tùng không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa phải khác mã số hàng hóa (mã HS) của sản phẩm cuối cùng. Tiêu chí CTC được đưa ra nhằm đảm bảo các nguyên liệu không có xuất xứ trải qua công đoạn chuyển đổi trên lãnh thổ FTA để chứng minh hàng hóa được sản xuất trong lãnh thổ FTA.

c. Tiêu chí mặt hàng cụ thể

Tùy vào từng hiệp định FTA sẽ quy định về quy tắc xuất xứ cụ thể cho một số mặt hàng nhất định. Các quy tắc này quy định một quy trình hàng hóa cần phải trải qua để được coi là có xuất xứ.

Ngoài ra, còn có những quy tắc khác để xác định xuất xứ hàng hóa như: quy tắc cộng gộp, nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế nhau; bao bì và vật liệu đóng gói; vận chuyển trực tiếp; các yếu tố trung gian. Trong đó, trường hợp hàng hoá có tỷ lệ không đáng kể nguyên vật liệu không đáp ứng được tiêu chí CTC (trường hợp De Minimis) được quy định khá chi tiết và cụ thể. Quy tắc xác định De Minimis được quy định trong từng hiệp định FTA.

3. Nguyên nhân cần đơn giản hóa các quy tắc xuất xứ

Như đã phân tích ở mục trên, quy tắc xuất xứ nhằm xác định sự hợp lệ của hàng nhập khẩu để được hưởng mức thuế ưu đãi. Nếu không có quy tắc xuất xứ, hiện tượng thương mại chệch hướng (trade deflection) sẽ rất khó ngăn chặn được khi hàng hóa nhập khẩu từ các nước không tham gia FTA sẽ vào khu vực FTA thông qua nước thành viên áp dụng mức thuế thấp nhất đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước không tham gia FTA.

Các quy tắc xuất xứ riêng là cần thiết để phòng ngừa sự lệch lạc của nội thương trong một khu vực thương mại tự do. Phí tổn cho việc áp dụng các quy tắc này là giá phải trả cho buôn bán miễn thuế trong khu vực này. Liệu có đáng để khai thác thương mại miễn thuế còn tùy thuộc vào chi phí mà thương gia phải trả so với lợi ích kinh tế có thể đạt được, cần phải ghi nhớ rằng thương mại tự do còn gây ra tác động về mặt tâm lý có thể tính toán hơn về phương diện kinh tế.

Rõ ràng rằng việc áp dụng các quy tắc xuất xứ phức tạp so với các quy tắc đơn giản và dễ hiểu hơn cả cho doanh nghiệp và cả cho các Cơ quan quản lý. Do vậy, bất kỳ sự đơn giản hóa nào cũng có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, luôn cần có sự cân bằng giữa việc đơn giản hóa và khả năng kiểm soát hệ thống.

4. Ý nghĩa kinh tế của các quy tắc xuất xứ

Việc xác đinh ý nghĩa kinh tế của các quy tắc xuất xứ chung là khó hơn. Một điều dễ hiểu là khi các quy tắc này được sử dụng làm nền tảng để áp dụng những hạn chế về lượng hàng hóa nhập khẩu hay các biện pháp chống phá giá đối với một nước, thì chúng có tầm quan trọng to lớn và quyết định về mặt kinh tế.

Trong chừng mực các biện pháp này được xem là cần thiết, việc hài hòa các quy tắc xuất xứ là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, khi các quy tắc xuất xứ được sử dụng làm cơ sở cho công tác thống kê thương mại hoặc chỉ như một dấu hiệu đơn giản cho phép người tiêu dùng mua một sản phẩm có xuất xứ cụ thể, thì khi đó ý nghĩa kinh tế của chúng có thể kém giá trị hơn.

Dưới góc độ pháp luật quốc tế, định nghĩa xuất xứ hàng hóa được nêu trong Điều 3(b) Hiệp định về quy tắc xuất xứ của WTO như sau: “Một nước được xác định là nước xuất xứ của một hàng hóa cụ thể nếu như hàng hóa được hoàn toàn sản xuất ra ở nước đó hoặc khi nhiều nước cùng tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó thì nước xuất xứ hàng hóa là nước thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng”.

=> Như vậy, Hiệp định nhìn nhận xuất xứ hàng hóa dựa trên phương pháp xác định nước xuất xứ theo tiêu chí sản xuất hoàn toàn hoặc theo công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng tại một quốc gia. Xuất xứ giống như “quốc tịch” của hàng hóa, quy tắc xuất xứ giúp cơ quan hải quan xác định được hàng hóa đến từ đâu và có được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA hay không.

Các FTA một mặt mở ra môi trường thuận lợi cho hoạt động ngoại thương giữa các quốc gia nội khối, mặt khác lại làm phát sinh số lượng lớn hành vi gian lận thương mại. Một bộ quy tắc xuất xứ thích hợp sẽ giúp việc quản lý xuất xứ hàng hóa trong FTA, góp phần phòng chống gian lận thương mại. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp sẽ tích cực tìm kiếm và sản xuất nguyên phụ liệu, hàng hóa trong phạm vi FTA, kích thích đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các lãnh thổ thành viên FTA.

Trên thực tế, với hoạt động toàn cầu hóa như hiện nay, việc xác định và thừa nhận quốc gia nào là xuất xứ của hàng hóa là điều không hề dễ dàng. Do vậy, các Hiệp định thương mại luôn ghi nhận những quy tắc cụ thể để có thể xác định chính xác xuất xứ của hàng hóa và qua đó dành ưu đãi cho đúng đối tượng. Quy tắc xuất xứ ưu đãi (Quy tắc chung và Quy tắc cụ thể mặt hàng) là tập hợp các tiêu chí được xây dựng nhằm xác định hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA, bao gồm: Xuất xứ thuần túy, được sản xuất hoàn toàn từ nguyên liệu có xuất xứ (PE), chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC), hàm lượng Trị giá Khu vực (RVC), công đoạn gia công chế biến cụ thể (SP) hoặc sự kết hợp của bất kỳ các tiêu chí nào trong số các tiêu chí kể trên.

5. Bài học cho Việt Nam về quy tắc xuất xứ

Nền kinh tế Việt Nam gia nhập sâu vào thị trường quốc tế tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước ta. Trong giai đoạn đầu bước chân vào những thị trường mới, phần đông các doanh nghiệp Việt Nam không thể chỉ dựa vào thương hiệu riêng mà xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam là một lợi thế lớn.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn để xác định hàng hóa tiêu thụ trong nước. Thiếu quy định về xuất xứ hàng nội địa Việt Nam đã dẫn tới thực trạng không ít doanh nghiệp lạm dụng tem, nhãn Made in Vietnam, dù tỷ trọng sản xuất nội địa rất thấp.

Trong năm 2019, Bộ Công Thương đã đề xuất dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Theo Dự thảo, để mang nhãn Made in Vietnam, hàng hóa có hàm lượng giá trị gia tăng tối thiểu 30%. Đối với những hàng hóa có tỷ lệ gia tăng thấp hơn 30%, cơ sở sản xuất được phép ghi xuất xứ theo hiểu biết tốt nhất của họ, nhưng phải phù hợp Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và không được vi phạm pháp luật.

Vẫn tồn tại không ít tranh luận xung quanh hàm lượng giá trị gia tăng 30% do Bộ Công Thương đề xuất trong dự thảo. Theo quan điểm của nhóm tác giả, vì hàng hóa được sản xuất và tiêu thụ nội địa nên yêu cầu về hàm lượng nội địa nên cao hơn, tối thiểu 40% như trong các FTA Việt Nam là thành viên. Trên thực tế, nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam sử dụng phần nhiều nguyên liệu, linh - phụ kiện từ nước ngoài, do các doanh nghiệp nội địa chưa đủ khả năng sản xuất nguyên liệu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương có thể đặt ra tỷ lệ gia tăng cho từng nhóm ngành hàng, như: Sản phẩm truyền thống, sản phẩm điện tử,…

Một cách khác, thay vì xác định xuất xứ của hàng hóa sau cả quá trình sản xuất, có thể chứng nhận xuất xứ cho từng công đoạn sản xuất, như: Thiết kế tại (designed in), lắp ráp tại (assembled in)… Việc chứng nhận xuất xứ cho từng công đoạn nhỏ sẽ giúp đáp ứng yêu cầu của cả quá trình cho nhà sản xuất.

Ngoài ra, điểm c, khoản 4, Điều 9 Dự thảo Thông tư đưa ra danh sách các chi phí để xác định giá xuất xưởng còn nặng về các chi phí hữu hình. Trong khi đó, một sản phẩm còn bao gồm nhiều chi phí không thể nhìn thấy ngay như: Chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân công, chi phí tư vấn, chi phí xúc tiến thương mại, chi phí thuê và khấu hao các văn phòng sử dụng cho hoạt động xúc tiến thương mại và phân phối, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm (nếu có)…

=> Kết luận: Việc xây dựng quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa nội địa vừa phải chặt chẽ để đảm bảo hàm lượng nội địa đủ cao giúp khẳng định giá trị hàng Việt Nam, vừa phải tương thích với các FTA mà nước ta đã tham gia để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa. Bộ tiêu chí về hàng hóa Made in Vietnam không chỉ tạo hành lang pháp lý giúp hạn chế và xử lý các hành vi gian lận xuất xứ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn góp phần xây dựng thương hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập).