Vi phạm hợp đồng là gì?

Hợp đồng được ví là luật của các bên trong quan hệ dân sự. Nói đến hợp đồng là nói đến hiệu lực hợp đồng, thực hiện hợp đồng và trách nhiệm pháp lý của các bên khi vi phạm hợp đồng. Trách pháp lý là hậu quả bất lợi đối với chủ thể không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật (khoa học pháp lý gọi là chế tài dân sự, trách nhiệm dân sự); bên vi phạm hợp đồng phải chịu hậu quả bất lợi tương ứng với mức độ hành vi vi phạm đó gây ra. Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 và Luật Thương mại (LTM) năm 2005 quy định cụ thể các chế tài áp dụng đối với bên vi phạm hợp đồng, tuy nhiên thực tiễn giải quyết vụ án tranh chấp thương mại có lúc, có nơi nhà thực tiễn chưa nhận thức đúng về trách nhiệm pháp lý đối với bên vi phạm hợp đồng làm cho chất lượng giải quyết vụ án chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Quá trình thực hiện hợp đồng thương mại các bên có thể vi phạm một hay nhiều nghĩa vụ trong hợp hợp đồng, thì bên vi phạm phải chịu hậu quả do chính hành vi của họ gây ra, hậu quả đó có thể được quy định trong hợp đồng hoặc do pháp luật quy định. Chế tài là các biện pháp bảo đảm hiệu lực của hợp đồng, bảo vệ lợi ích chính của bên bị vi phạm, chế tài là công cụ để cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp. Đặc điểm của chế tài là có sau khi hợp đồng được giao kết, là hậu quả pháp lý bất lợi đối với bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 351 BLDS năm 2015 quy định “vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung nghĩa vụ.

Khái niệm hợp đồng kinh tế

Hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết về việc thực hiện công việc sản xuất trao đổi hàng hoá dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình.

Đặc điểm của hợp đồng kinh tế

  • Hợp đồng kinh tế được ký kết nhằm mục đích kinh doanh

    Mục đích này được thể hiện ở nội dung công việc mà các bên thoả thuận

  • Đặc điểm về chủ thể hợp đồng:

    Theo pháp lệnh hợp đồng kinh tế thì hợp đồng kinh tế được ký kết giữa 2 chủ thể là pháp nhân hoặc ít nhất một bên là pháp nhân còn bên kia có thể là cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Ngoài ra pháp lệnh hợp đồng kinh tế còn quy định những người làm công tác khoa học ký thuật, nghệ nhân, hộ kinh tế gia đình, hộ nông dân ngư dân cá thể, các tổ chức và cá nhân nước ngoài ở Việt Nam cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng kình tế khi họ ký kết hợp đồng với pháp nhân.

  • Đặc điểm về hình thức của hợp đồng

    Theo điều 1 và điều 11 của pháp lệnh hợp đồng kinh tế: hợp đồng phải được ký kết bằng văn bản hoặc bằng tài liệu giao dịch

Trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước ta càng ngày càng phát triển mạnh, đa dạng, không những trong nước mà còn có tính quốc tế, nhiều mối quan hệ đan xen, nhiều quy định pháp luật mới ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung… trong khi đó việc am hiểu pháp luật, kỹ năng soạn thảo hợp đồng kinh tế của không ít chủ thể kinh doanh còn nhiều hạn chế. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng của hợp đồng kinh tế, khắc phục những sơ hở, thiếu sót của hợp đồng, hạn chế tranh chấp xảy ra, trong bài viết này tôi xin được phân tích những vi phạm hợp đồng kinh tế thường gặp và cách xử lý:

Các vi phạm hợp đồng kinh tế thường gặp

Các loại hợp đồng kinh tế phổ biến bao gồm hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng lao động, hợp đồng ủy quyền, hợp đồng ủy thác, hợp đồng hợp tác kinh doanh, … Việc vi phạm các loại hợp đồng này tập trung ở các điểm sau:

Thứ nhất, các vi phạm quy định của pháp luật thường gặp khi ký kết, thực hiện hợp đồng

-Không áp dụng đúng căn cứ pháp luật để áp dụng:

Việc xác định không đúng căn cứ pháp luật sẽ dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu hoặc không được pháp luật bảo vệ. Căn cứ pháp luật khi soạn thảo hợp đồng là Bộ luật Dân sự 2015 (Luật cơ bản, luật khung về hợp đồng nói chung); Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Ngoài ra, đối với từng hợp đồng kinh tế cụ thể sẽ áp dụng thêm các luật chuyên ngành.

-Giao kết hợp đồng không đúng đối tượng chủ thể:

Nghĩa là người tham gia giao kết không có tư cách để ký kết hợp đồng (Ví dụ: Trẻ em tham gia giao dịch dân sự mà không có người giám hộ, người của pháp nhân ký kết hợp đồng kinh tế nhưng không có giấy ủy quyền của người đại diện hợp pháp là người đứng đầu pháp nhân đó…).

– Giao kết hợp đồng không tuân thủ hình thức hợp đồng đã được pháp luật quy định:

Việc vi phạm thể hiện ở chỗ những hợp đồng bắt buộc phải làm thành văn bản, phải công chứng, phải chứng thực nhưng lại không thực hiện đúng.

Ví dụ: Bộ luật Dân sự quy định hợp đồng mua bán nhà ở phải làm thành văn bản và phải được công chứng chứng thực nhưng lại chỉ viết bằng giấy tay.

– Đối tượng giao kết hợp đồng bị pháp luật cấm:

Nhiều trường hợp các bên tham gia ký kết không am hiểu những hàng hóa hoặc các giao dịch bị pháp luật cấm hoặc hạn chế nên vẫn ký kết dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu.

Ngoài ra, nhiều trường hợp về nội dung thì hợp pháp nhưng thực chất đối tượng hợp đồng (hàng hóa) lại là bất hợp pháp do không bảo đảm các giấy tờ hợp pháp (như hàng buôn lậu) hoặc để che giấu một hoạt động bất hợp pháp (như khai thấp giá mua bán để trốn thuế) cũng bị coi là vi phạm bất kể các bên có biết rõ thỏa thuận ngầm với nhau hay không.

– Thỏa thuận mức phạt vượt quá quy định đối với loại hợp đồng:

Trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, các bên có quyền thỏa thuận mức phạt nhưng cần lưu ý: đối với hợp đồng thương mại mức phạt tối đa không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (Điều 301 Luật Thương mại năm 2005), còn đối với hợp đồng xây dựng công trình xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước, mức phạt không vượt quá 12% giá trị hợp đồng bị vi phạm (Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014). Nếu các bên thỏa thuận mức phạt vượt quá các mức nêu trên thì sẽ không có hiệu lực pháp lý phần vượt quá.

– Một số nội dung của hợp đồng không chặt chẽ:

Việc không quy định rõ ràng nội dung hợp đồng, chẳng hạn: quy định về thời gian thực hiện hợp đồng, nghĩa vụ thanh toán, thời điểm chuyển rủi ro, … không rõ ràng hay không quy định về vi phạm hợp đồng, … dễ làm nảy sinh tranh chấp, kiện tụng kiến cho quá trình kinh doanh gặp nhiều rắc rối. Do vậy, khi soạn thảo hợp đồng cần phải lưu ý về mặt ngôn từ phải cụ thể, rõ ràng, đầy đủ, không được nêu chung chung. Đặc biệt cần phải trù liệu đầy đủ những tình huống phát sinh nhất là đối với những hợp đồng lớn, có giá trị lớn, những hợp đồng mà đối tác là người nước ngoài.

-Nội dung hợp đồng do các bên ký kết không bảo đảm các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, trung thực:

Trường hợp này xác định do một hoặc nhiều bên đã có sự lừa dối hoặc có thủ đoạn ép buộc bên kia giao kết với nội dung áp đặt nhằm tạo lợi thế tuyệt đối cho mình.

Thứ hai, vi phạm của các chủ thể đối với hợp đồng đã giao kết

Dạng vi phạm hợp đồng này thường được thể hiện qua các trường hợp và nguyên nhân sau:

– Không chịu thực hiện hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không giải thích rõ lý do cho bên kia (hợp đồng chưa được bên nào thực hiện).

Trường hợp này thường xảy ra do sau khi ký kết hợp đồng thì phát hiện mình bị hớ hoặc rơi vào điều kiện không có khả năng thực hiện hoặc biết rõ là nếu thực hiện thì sẽ bị bất lợi, ….

– Không chịu thực hiện nghĩa vụ hợp đồng mặc dù đã hưởng các quyền lợi từ hợp đồng. Chẳng hạn như vay tiền sau khi nhận được tiền vay thì sau đó không thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

Trường hợp này xảy ra có nhiều nguyên do như bên thực hiện nghĩa vụ mất khả năng thanh toán (bị thua lỗ, phá sản), cố ý gian lận kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ để có lợi cho mình hoặc do gian dối với bên đối tác đẩy phía bên kia vào thế bất lợi, nhiều trường hợp ký kết hợp đồng là để giải quyết một khó khăn trước mắt nào đó chứ thực sự không có khả năng thực hiện nghĩa vụ (như vay của người này để trả cho người khác…).

-Không thực hiện đúng, đầy đủ các thỏa thuận ghi trong hợp đồng (mặc dù có thực hiện hợp đồng).

Trường hợp này thường xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng do lỗi của một hoặc cả hai bên tìm cách thực hiện theo hướng có lợi cho mình hoặc do hiểu sai nội dung của hợp đồng, nhưng cũng có thể do một bên gặp khó khăn thực hiện không đúng các yêu cầu về số lượng, thời gian giao hàng… ngoài ra, nhiều trường hợp do lợi dụng một bên thiếu kinh nghiệm bên kia tìm cách để thực hiện không đúng nội dung hợp đồng (như viện cớ hợp đồng ghi không rõ, đổ lỗi khách quan, …) đã ký kết.

Cách xử lý vi phạm hợp đồng kinh tế

Khi phát sinh một vụ việc vi phạm hợp đồng thì vấn đề mâu thuẫn và tranh chấp là không thể tránh khỏi, vấn đề là ở chỗ xử lý như thế nào có lợi nhất cho các bên hoặc cho bản thân mình bằng các biện pháp thích hợp, phù hợp với pháp luật. Tùy dạng hợp đồng ký kết là hợp đồng mua bán hàng hóa hay hợp đồng cung ứng dịch vụ mỗi biện pháp có tính hiệu quả khác nhau. Cụ thể:

Cách thứ nhất: Xử lý vi phạm hợp đồng kinh tế thông qua con đường thương lượng, hòa giải

Việc thương lượng – hòa giải nhìn chung được khuyến khích khi xảy ra bất cứ một vụ tranh chấp hợp đồng nào nhằm giải quyết một cách nhẹ nhàng nhất vụ việc. Nếu đạt được kết quả sẽ có nhiều lợi ích cho các bên như không phải nộp án phí, rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng, … và làm hài lòng các bên tranh chấp.

Thông thường việc thương lượng – hòa giải chỉ đạt kết quả do thiện chí của các bên và chủ yếu việc vi phạm, tranh chấp là do nguyên nhân khách quan hoặc vì hiểu nhầm hay hiểu không đầy đủ nội dung hợp đồng.

Lưu ý: Bất kỳ một vi phạm hoặc tranh chấp hợp đồng nào cũng cần tiến hành biện pháp thương lượng – hòa giải trước, bởi vì nếu bỏ qua biện pháp này thì có nghĩa là đã bỏ qua một cơ hội tốt để giải quyết mà không có biện pháp nào tốt hơn.

Cách thứ hai: Xử lý vi phạm hợp đồng bằng cách đơn phương hủy bỏ hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng

Đây là biện pháp nhằm hạn chế hoặc không để gây ra hậu quả nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng trong khi phía bên kia không chấm dứt việc vi phạm hợp đồng hoặc thiếu thiện chí để giải quyết hậu quả của việc vi phạm hợp đồng.

Lưu ý: Trong trường hợp bắt buộc phải áp dụng biện pháp này mà gây ra thiệt hại cho bên vi phạm hợp đồng thì không phải bồi thường thiệt hại.

Cách thứ ba: Yêu cầu tòa án hoặc trọng tài kinh tế giải quyết vi phạm hợp đồng kinh tế

Nói chung việc tranh chấp xuất phát từ hợp đồng (dân sự, kinh tế thương mại, lao động) mà các bên không tự giải quyết được thì nên yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài kinh tế (chỉ áp dụng trong trường hợp tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại) giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho mình trong thời hạn nhất định.

Khi yêu cầu tòa án hoặc Trọng tài kinh tế giải quyết thì các bên phải tuân thủ quy trình tố tụng chặt chẽ do pháp luật quy định đối với từng loại tranh chấp.

Cách thứ 4: Đề nghị cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xem xét khởi tố vụ án hình sự

Đây không phải là một dạng phổ biến xử lý vi phạm hợp đồng kinh tế bởi sử dụng cách thức này thông thường chỉ xuất phát từ việc bên vi phạm hợp đồng đã chủ động việc vi phạm trước khi ký kết.

Miễn giảm trách nhiệm do vi phạm hợp đồng kinh tế

Miễn giảm trách nhiệm tài sản do vi phạm hợp đồng kinh tế là giải phóng hoàn toàn hoặc một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc phạt hợp đồng của bên vi phạm hợp đồng kinh tế với bên bị vi phạm.

Theo Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989, bên vi phạm được giảm hoặc miễn trách nhiệm tài sản trong các trường hợp: gặp thiên tai, địch họa và các trở lực khách quan khác không thể lường trước được và đã thi hành mọi biện pháp để khắc phục; phải thi hành lệnh khẩn cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; do bên thứ ba vi phạm hợp đồng kinh tế với bên vi phạm nhưng bên thứ ba không phải chịu trách nhiệm tài sản trong các trường hợp nói trên; việc vi phạm hợp đồng kinh tế của một bên là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự vi phạm hợp đồng của bên kia.

Ngoài ra, các bên có thể thoả thuận trong hợp đồng về các trường hợp khác trên cơ sở không trái pháp luật. Bên vi phạm phải chứng minh trường hợp miễn, giảm trách nhiệm tài sản. Nếu các bên không tự thoả thuận được với nhau thì cơ quan tài phán sẽ quyết định mức độ giảm hay miễn hoàn toàn trách nhiệm tài sản trong từng trường hợp cụ thể khi giải quyết tranh chấp hợp đồng.