Người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác, đúng cam kết, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Bên có nghĩa vụ có thể là hai hay nhiều chủ thể cùng phải thực hiện nghĩa vụ. Tùy theo cách thức thực hiện nghĩa vụ của từng chủ thể trong các loại nghĩa vụ dân sự khác nhau, mà nghĩa vụ được phân biệt thành nghĩa vụ liên đới, nghĩa vụ riêng rẽ hay nghĩa vụ theo phần.

1. Khái niệm và các loại đối tượng của nghĩa vụ

Đối tượng của nghĩa vụ là cái mà các bên tác động tới trong việc xác lập, thực hiện quan hệ nghĩa vụ với nhau.

Trong quan hệ nghĩa vụ, hành vi của các chủ thể sẽ tác động vào một tài sản, một công việc cụ thể nào đó. Những tài sản, công việc này chính là đối tượng của việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tuỳ thuộc vào tính chất và nội dung của từng quan hệ nghĩa vụ cụ thể mà đối tượng của nó có thể là một tài sản, một công việc phải làm hoặc một công việc không được làm.

Điều 276 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

"1. Đối tượng của nghĩa vụ là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện.

2. Đối tượng của nghĩa vụ phải được xác định”.

Từ quy định trên cho thấy, đối tượng của nghĩa vụ có thể là:

- Đối tượng của nghĩa vụ là tài sản

Đa phần các nghĩa vụ dân sự đều có đối tượng là tài sản. Tài sản trong luật dân sự được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là những vật có thực mà còn bao gồm cả tiền, các giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản. Tài sản là vật có thể là động sản hoặc bất động sản, có thể là vật chia được hoặc là vật không chia được, có thể là vật cùng loại hoặc vật đặc định, có thể là vật được xác định theo chủng loại hay được xác định là vật đồng bộ. Tuỳ theo tính chất của từng loại tài sản cụ thể trong quan hệ nghĩa vụ dân sự mà các bên thoả thuận để xác định nội dung của quan hệ nghĩa vụ. Vật là đối tượng của nghĩa vụ có thể là vật hiện hữu (vật có thực), có thể là vật được hình thành trong tương lai.

- Đối tượng của nghĩa vụ là công việc phải làm

Công việc phải làm được coi là đối tượng của nghĩa vụ, nếu từ một công việc được nhiều người xác lập với nhau một quan hệ nghĩa vụ mà theo đó, người có nghĩa vụ phải thực hiện công việc theo đúng nội dung đã được xác định.

Công việc phải làm có thể được hoàn thành với một kết quả nhất định nhưng cũng có thể không gắn liền với một kết quả (do các bên thoả thuận hoặc do tính chất của công việc). Mặt khác, kết quả của công việc phải làm có thể được biểu hiện dưới dạng một vật cụ thể nhưng cũng có thể không biểu hiện dưới dạng một vật cụ thể nào (các loại dịch vụ).

Thông thường, các quan hệ nghĩa vụ có đối tượng là công việc phải làm là những quan hệ nghĩa vụ phát sinh từ các hợp đồng mang tính dịch vụ như họp đồng vận chuyển, hợp đồng gửi giữ tài sản...

- Đối tượng của nghĩa vụ là công việc không được làm

Công việc không được làm là đối tượng của nghĩa vụ trong những trường hợp các bên từ công việc đó xác lập với nhau một quan hệ nghĩa vụ, theo đó một bên có nghĩa vụ không được thực hiện công việc theo nội dung mà các bên đã xác định.

Ví dụ: Hai người có bất động sản liền kề nhau thoả thuận một bên nhận ở bên kia một khoản tiền và cam kết không xây dựng nhà trên đất của mình để khỏi che lấp nhà của bên kia (thời hạn không được xây nhà được xác định theo thoả thuận của hai bên).

2. Điều kiện đối với đối tượng của nghĩa vụ

Qua việc xem xét đối tượng của nghĩa vụ dân sự ở các dạng cụ thể thì một tài sản, một công việc phải làm hoặc một công việc không được làm chỉ được coi là đối tượng của nghĩa vụ dân sự khi chúng thoả mãn các điều kiện sau đây:

- Phải đáp ứng được lợi ích nào đó cho chủ thể có quyền

Thông thường, lợi ích mà chủ thể có quyền hướng tới là một lợi ích vật chất (vật cụ thể, khoản tiền v.v.) nhưng cũng có thể là một lợi ích tinh thần.

Để chủ thể có quyền đạt được lợi ích vật chất nếu đối tượng của nghĩa vụ dân sự là một vật cụ thể thì vật đó phải mang đầy đủ các thuộc tính cua hàng hoá (giá trị và giá trị sử dụng). Nếu đối tượng của nghĩa vụ là công việc thì việc phải làm hoặc việc không được làm phải hướng tới lợi ích của người có quyền. Khi làm hoặc không làm công việc đó sẽ đem đến cho bên kia lợi ích nhất định.

- Phải được xác định hoặc có thể xác định được:

Khi các bên giao kết hợp đồng để từ đó xác lập quan hệ nghĩa vụ đối với nhau, phải xác định rõ đối tượng của nghĩa vụ là công việc hay vật gì. Trong trường hợp nghĩa vụ được thiết lập theo quy định của pháp luật thì đối tượng đã được pháp luật xác định rõ trong nội dung của quan hệ nghĩa vụ ấy.

Nếu đối tượng của nghĩa vụ là vật thì các bên phải xác định rõ về số lượng, trọng lượng, khối lượng, tính chất, tình trạng của tài sản thông qua việc kiểm đếm và các giấy tờ liên quan (nếu có). Nếu là tài sản hình thành trong tương lai thì phải có các giấy tờ liên quan xác định cụ thể về tài sản đó và các căn cứ để chứng minh tài sản đó chắc chắn sẽ hình thành và khi hình thành sẽ thuộc sở hữu của một trong các bên. Nếu là giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản thì bên đưa tài sản đó làm đối tượng của nghĩa vụ phải có đầy đủ bằng chứng chứng minh tài sản đó thuộc sở hữu của mình.

- Đối tượng của nghĩa vụ có thể thực hiện được:

Nếu đối tượng của nghĩa vụ dân sự là việc không thể thực hiện được sẽ không thoả mãn được lợi ích của chủ thể có quyền. Vì vậy, nếu đối tượng là tài sản thì phải là những tài sản có thể đem giao dịch được, nếu là công việc thì phải là những công việc có thể thực hiện được.

Khi xem xét đối tượng của nghĩa vụ có thể thực hiện được hay không cần xác định theo hai vấn đề sau:

Thứ nhất, xác định theo đặc tính của bản thân đối tượng, đối tượng vốn dĩ là vật không thể xác định được hoặc nếu đối tượng là công việc nhưng về bản chất đó là công việc không thể thực hiện được sẽ không thể đem giao dịch.

Thứ hai, do pháp luật cấm hoặc trái đạo đức xã hội. Những tài sản mà pháp luật cấm giao dịch, những công việc mà pháp luật cấm làm hoặc những việc nếu làm sẽ trái với đạo đức xã hội cũng là những đối tượng không thể thực hiện được. Vì vậy, nó không bao giờ được coi là đối tượng của nghĩa vụ dân sự.

Ví dụ: Thuốc phiện là một vật có thực nhưng không thể đem giao dịch được vì đã bị pháp luật cấm lưu thông.

Mặt khác, một người chỉ có thể dùng tài sản làm đối tượng giao dịch nếu họ là chủ sở hữu của tài sản, là người được chủ sở hữu uỷ quyền giao dịch hoặc là người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)

3. Trách nhiệm dân sự của các thành viên hộ gia đình

Trách nhiệm dân sự của thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được quy định tại Điều 103 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 103. Trách nhiệm dân sự của thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân

1. Nghĩa vụ dân sự phát sinh từ việc tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được bảo đảm thực hiện bằng tài sản chung của các thành viên.

2. Trường hợp các thành viên không có hoặc không đủ tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ chung thì người có quyền có thể yêu cầu các thành viên thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 288 của Bộ luật này.

3. Trường hợp các bên không có thỏa thuận, hợp đồng hợp tác hoặc luật không có quy định khác thì các thành viên chịu trách nhiệm dân sự quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này theo phần tương ứng với phần đóng góp tài sản của mình, nếu không xác định được theo phần tương ứng thì xác định theo phần bằng nhau.

Nghĩa vụ dân sự chung của các thành viên trọng hộ gia đình phải được đảm bảo thực hiện bằng tài sản chung của các thành viên. Trong trường hợp tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung thì các bên phải sử dụng tài sản riêng của mình để cùng đóng góp thực hiện nghĩa vụ liên đới theo quy định sau:

Điều 288. Thực hiện nghĩa vụ liên đới

1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

3. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.

4. Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.

4. Quyền miễn trừ nghĩa vụ dân sự

4.1. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự

Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.

Trường hợp pháp luật quy định cho các chủ thể được hưởng quyền miễn trừ nghĩa vụ dân sự theo thời hiệu thì chỉ sau khi thời hiệu đó kết thúc, việc hưởng quyền miễn trừ nghĩa vụ dân sự mới có hiệu lực.

4.2. Tính liên tuc của thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự

Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự có tính liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc; nếu có sự kiện làm gián đoạn thì thời hiệu phải được tính lại từ đầu, sau khi sự kiện làm gián đoạn chấm dứt.

Thời hiệu hưởng quyền miễn trừ nghĩa vụ dân sự bị gián đoạn khi có một trong các sự kiện sau đây:

a) Có sự giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu;

b) Quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan tranh chấp và đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Thời hiệu cũng được tính liên tục trong trường hợp việc hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự được chuyển giao hợp pháp cho người khác.

Trên đây là nội dung hỗ trợ của Công ty luật Minh Khuê chúng tôi. Nếu có vấn đề gì chưa rõ, hoặc có khúc mắc về bất cứ nội dung hỗ trợ nào ở trên, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số tổng đài 1900.6162 để được hỗ trợ chi tiết. Rất mong nhận được sự hơp tác.

Trân trọng.