1. Người thừa kế thế vị là gì ?

Người thừa kế thế vị là người thay thế vị trí của người khác (mà đáng ra họ được hưởng nếu còn sống) để hưởng di sản thừa kế của người đã chết.

Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại dị sản, thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng đã chết trước người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ chắt được hưởng lúc còn sống. Cháu (chắt) phải còn sống vào thời điểm ông, bà (cụ) chết hoặc đã thành thai trước khi ông, bà (cụ) chết và sinh ra còn sống thì mới được hưởng thừa kế. Tất cả các con (cháu) chỉ được hưởng suất thừa kế mà đáng ra cha hoặc mẹ cháu được hưởng nếu còn sống (Xt. Thừa kế).

2. Người để lại di sản là gì ?

Người để lại tài sản và quyền tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình sau khi chết cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.

Điều 609 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

"Điều 609. Quyền thừa kế

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc".

Như vậy, cá nhân có quyền để lại di chúc để định đoạt tài sản của mình. Và cũng như quy định trên thì chỉ có cá nhân mới có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc.

Điều 613 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế như sau:

"Điều 613. Người thừa kế

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế".

3. Di chúc được lập ở Úc có giá trị pháp lý ở Việt Nam không ?

Chào anh/chị, tôi ở Úc. Hiện tôi có phần tài sản ở Úc và Việt Nam, tôi làm di chúc để cho người thân của mình ở Úc và Việt Nam. Tôi hơi lo lắng nếu tôi có chuyện không may xảy ra, liệu bản di chúc ở Úc đó có hiệu lực ở Việt Nam không? tôi và luật sư của tôi ở đây sợ khi tôi có chuyện không may xảy ra phần tài sản ở việt nam khó chuyển nhượng cho người thừa hưởng ?
Xin anh/chị giải đáp giúp tôi vấn đề này, Cảm ơn quý vị rất nhiều.

>> Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế trực tuyến, gọi: 1900.6162

Luật sư tư vấn:

Bạn có hai phần tài sản ở Việt Nam và ở Úc và muốn lập di chúc để chia phần tài sản đó cho các con sau khi mất. Do vậy, bạn sẽ phải chú ý quy định về di chúc của pháp luật Việt Nam và pháp luật Úc để đảm bảo di chúc hợp pháp và có hiệu lực sau khi bạn mất. Đối với pháp luật Úc thì bạn nên tham khảo thông qua luật sư hoặc người hiểu biết luật bên đó. Còn đối với quy định của pháp luật Việt Nam thì bạn cần lưu ý các quy định của pháp luật về di chúc tại Chương XXII (Điều 628 đến ĐIều 648) Bộ luật dân sự năm 2015.

Nếu bạn lập di chúc bằng văn bản thì cần chú ý thêm quy định tại Khoản 5 Điều 638 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

"Điều 638. Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực

1. Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực.

2. Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó.

3. Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó.

4. Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị.

5. Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó.

6. Di chúc của người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó."

Như vậy, di chúc bạn lập ở Úc bằng văn bản cần có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở Úc sẽ có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực tại Việt Nam.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!

4. Chồng bị lẫn, vợ có quyền được viết di chúc không?

Thưa Luật sư! Ông bà ngoại tôi có căn nhà từ lúc mới lấy nhau cho đến nay đã có 12 người con, nhưng chỉ mình bà tôi đứng tên chủ quyền. Hiện nay ông tôi đã già và bị lẫn không nhớ được gì hết. Bà tôi đang có ý định bán nhà nhưng các con không đồng ý nên bà có ý định viết di chúc để lại toàn bộ tài sản là căn nhà cho người con trai út ( con trai út này đang bị nghi ngờ là con riêng của bà tôi chứ không phải con ruột của bà và ông tôi ).
Vậy xin cho tôi biết bà tôi có tự ý bán được nhà hoặc lập di chúc để lại cho con trai út của bà được không trong khi ông tôi vẫn còn sống ? Và các con có quyền khiếu kiện để chia tài sản đó không ? Và giả sử như trong trường hợp ông tôi mất trong thời điểm này thì bà có được toàn quyền quyết định về tài sản đó không hay phải cần có sự đồng ý của tất cả các người con bà tôi mới bán được ?
Xin cám ơn luật sư !

>> Luật sư tư vấn luật dân sự trực tuyến qua tổng đài: 1900.6162

Luật sư tư vấn:

Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định như sau:

"Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng."

Như vậy, căn nhà này là do cả ông và bà bạn tạo lập được khi sống chung trong thời kỳ hôn nhân, đó mặc nhiên là tài sản chung của vợ chồng theo quy định của pháp luật. Theo như thông tin bạn cung cấp, có thể thấy ông bà bạn đã nhiều tuổi, căn nhà có được trước năm 2016 nên chúng ta sẽ áp dụng luật cũ để giải quyết trong thời điểm này. Tại Nghị định số 70/2001/NĐ-CPngày 3/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình cũng hướng dẫn cụ thể tại Điều 5: Các tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng khi đăng ký quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng …bao gồm: nhà ở, quyền sử dụng đất và những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu. Việc đăng ký các tài sản, quyền tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng phải ghi tên của cả vợ và chồng.Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng đã đăng ký quyền sở hữu trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà chỉ ghi tên của một bên vợ hoặc chồng, thì vợ chồng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản đó để ghi tên của cả vợ và chồng. Nếu vợ chồng không yêu cầu cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản, tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

Như vậy, 2 căn nhà mà ông và bà bạn được bạn tạo lập được trong trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Việc chỉ có mình người vợ đứng tên trên sổ đỏ không làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu của người chồng. Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định:

"Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung

1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình"

Theo đó, bà bạn muốn viết di chúc để lại tài sản cho cậu út nhà bạn thì chỉ có thể để lại 1/2 căn nhà này, chứ không được định đoạt cả căn nhà nếu như không có sự đồng ý của ông bạn. Bà bạn cũng không thể bán đi căn nhà này nếu như không có sự đồng ý bằng văn bản với ông của bạn.

2/ Ngôi nhà này là sở hữu chung của ông bà bạn nên các con, cháu không có quyền và nghĩa vụ gì liên quan đến tài sản này, vì thế, không thể khiếu kiện đòi chia tài sản. Việc chia tài sản chỉ có thể diễn ra nếu ông bà của bạn mất mà thôi.

Khoản 2 Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

"Điều 66. Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết

1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.

2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế."

Theo đó, nếu ông bạn mà chết đi và không để lại di chúc thì phần tài sản chung của ông bà sẽ được chia đôi, bà của bạn sẽ có quyền định đoạt 1/2 số tài sản đó, phần còn lại của ông bạn sẽ được chia theo pháp luật về thừa kế. Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể như sau:

"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;".

Như vậy, 1/2 tài sản của ông bạn sẽ được chia đều cho bà bạn và 12 người con theo quy định pháp luật. Khi này các con mới có quyền được chia phần tài sản thuộc về mình.

Tóm lại, nếu ông bạn mất mà không để lại di chúc bà của bạn chỉ có quyền định đoạt 1/2 + 1/13 số tài sản của mình mà thôi chứ không có quyền định đoạt cả căn nhà.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

5. Tài sản gửi tiết kiệm tại ngân hàng thì lập di chúc như thế nào ?

Thưa luật sư! Tôi có tài sản gửi tiền tiết kiệm của ngân hàng agribank. Hiện tại tôi vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Tôi muốn lập giấy ủy quyền cho em trai tôi (do tôi không lập gia đình và sống một mình) để sau phòng trường hợp bất khả kháng xảy ra, thì toàn bộ số tiền lãi và gốc đều do em trai tôi sở hữu và có quyền thay tôi để lấy số tiền đó hợp pháp và đúng luật thì tôi phải làm những gì? (và tôi không muốn cho em trai tôi biết vấn đề ủy quyền này) Còn câu hỏi nữa là tôi muốn lập di chúc thì phải làm những gì ạ?
Mong nhận được câu trả lời sớm của luật sư!

>> Luật sư tư vấn luật dân sự về thừa kế, gọi:1900.6162

Trả lời:

- Thứ nhất, lập giấy ủy quyền cho em trai

Có sự khác biệt giữa Giấy ủy quyền và Hợp đồng ủy quyền.

Cụ thể, Hợp đồng ủy quyền đòi hỏi phải có sự tham gia ký kết của cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền và được quy định tại Điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015, quy định cụ thể như sau:

"Điều 562. Hợp đồng ủy quyền

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định".

Đối với Giấy ủy quyền thì không cần sự tham gia của bên nhận ủy quyền (ủy quyền đơn phương). Việc lập giấy ủy quyền không đòi hỏi bên nhận ủy quyền phải đồng ý và không có giá trị bắt buộc bên nhận ủy quyền phải thực hiện các công việc ghi trong giấy.

Do vậy, nếu sau khi Giấy ủy quyền được lập mà bên nhận ủy quyền không thực hiện công việc theo cam kết thì bên ủy quyền cũng không có quyền yêu cầu bên nhận ủy quyền phải thực hiện, kể cả việc bồi thường thiệt hại, nếu có.

Vì bạn không muốn em trai bạn biết về việc bạn lập giấy ủy quyền cho em trai bạn để sau phòng trường hợp bất khả kháng xảy ra toàn bộ số tiền lãi và gốc đều do em trai bạn sở hữu và có quyền thay tôi để lấy số tiền đó hợp pháp và đúng luật nên để ủy quyền cho em trai bạn thì bạn có thể thực hiện theo một trong hai trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất, Giấy ủy quyền được bạn lập tại tòa án. Trường hợp này bạn có thể đến trực tiếp tòa án làm văn bản hủy bỏ việc ủy quyền đó. Nhưng bạn cần lưu ý là sau khi tòa án nhận được giấy này thì tòa án sẽ triệu tập bạn với tư cách đương sự trong vụ án đó mà không triệu tập người nhận ủy quyền nữa. Nếu bạn không có mặt theo triệu tập thì tòa án sẽ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thứ hai, Giấy ủy quyền lập tại Phòng công chứng và không có chữ ký của người nhận ủy quyền. Trường hợp này bạn thực hiện tương tự như ở trường hợp thứ nhất hoặc bạn cũng có thể đến phòng công chứng đã công chứng Giấy ủy quyền trước đây để lập văn bản hủy giấy.

Điều 569 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng uỷ quyền như sau:

"Điều 569. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền

1. Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.

Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

2. Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có".

Theo quy định trên, trong trường hợp uỷ quyền có thù lao (tiền công), bạn (người ủy quyền) có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bạn của bạn (bên được uỷ quyền) tương ứng với công việc mà bên được uỷ quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại. Nếu uỷ quyền không có thù lao thì bên uỷ quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được uỷ quyền một thời gian hợp lý. Để tòa án biết việc bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền, bạn cần làm văn bản thông báo gửi cho tòa án. Văn bản có thể lập trực tiếp tại tòa án.

Trường hợp có tranh chấp giữa các bên về việc bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền thì một trong các bên đều có quyền khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Về nguyên tắc, vụ kiện này là độc lập, không liên quan gì đến vụ kiện mà tòa án đang giải quyết.

- Thứ hai, lập di chúc

Theo Điều 609 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thì: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.”

Điều 626 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền của người lập di chúc như sau:

"Điều 626. Quyền của người lập di chúc

Người lập di chúc có quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản".

Do đó, bạn có quyền lập di chúc bằng văn bản để lại khoản tiền tiết kiệm cho em trai bạn.

Tuy nhiên, di chúc bằng văn bản của bạn chỉ hợp pháp và có hiệu lực khi đáp ứng các điều kiện về hình thức và nội dung theo quy định của pháp luật. Do đó, bạn nên đến cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi bạn cư trú, để được hướng dẫn cụ thể, cũng như thực hiện thủ tục công chứng hoặc chứng thực di chúc theo quy định tại Điều 636 Bộ luật dân sự năm 2015:

"Điều 636. Thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã

Việc lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã phải tuân theo thủ tục sau đây:

1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc.

2. Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng".

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Tư vấn pháp luật thừa kế - Luật Minh KHuê