Mục lục bài viết
1. Quy định chung về phản bội tổ quốc
Phản bội Tổ quốc là một trong những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhất xâm phạm an ninh quốc gia. Trước khi có Bộ luật hình sự đầu tiên (Bộ luật hình sự năm 1985), phản bội Tổ quốc đã được quy định trong Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng năm 1967 cũng như trong Sắc luật số 03 năm 1976. Trong Bộ luật hình sự năm 1985 và trong Bộ luật hình sự năm 1999, phản bội Tổ quốc đều được quy định là tội phạm thuộc Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Theo đó, tội phản bội Tổ quốc đòi hỏi các dấu hiệu:
1) Chủ thể của tội này chỉ có thể là công dân Việt Nam;
2) Chủ thể có hành vị câu kết với nước ngoài;
3) Mục đích của chủ thể khi thực hiện sự câu kết với nước ngoài là nhằm chống Nhà nước Việt Nam.
Hình phạt được quy định cho tội này có mức cao nhất là tử hình.
2. Tội phản bội Tổ quốc
Tội phản bội Tổ quốc được quy định là hành vi của:
“Công dân Việt Nam câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh".
Tội phản bội Tổ quốc được quy định tại Điều 108 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
2.1 Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phản bội tổ quốc
Hành vi câu kết cũng đã thể hiện lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Do vậy, dấu hiệu lỗi được quy định ở tội phạm này được hiểu là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện.
Mục đích phạm tội được quy định là mục đích gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chế độ XHCN và Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh.
2.2 Hình phạt tội phản bội tổ quốc
Điều luật quy định 02 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt cho chuẩn bị phạm tội.
Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Khung hình phạt giảm nhẹ có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm được quy định cho trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Khung hình phạt cho trường hợp chuẩn bị phạm tội có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Cơ sở pháp lý: Điều 109 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
Chủ thể của hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS và đã thực hiện hành vi phạm tội.
Khách thể của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là sự tồn tại, vững mạnh của chính quyền nhân dân.
Đối tượng tác động của tội phạm này là chính quyền nhân dân các cấp từ trung ương đến địa phương. Tùy theo tính chất, quy mô của tội phạm, những người phạm tội có thể hoạt động nhằm lật đổ chính quyền ở một cấp, một địa phương nào đó, song mục tiêu cuối cùng của chúng là lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi chế độ chính trị, kinh tế – xã hội.
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyển nhân dân là một trong các hành vi sau đây:
– Hoạt động thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Hành vi thực hiện hoạt động này gồm nhiều dạng khác nhau và có thể do nhiều loại người thực hiện, trong đó có thể là hành vi của người tổ chức, người thực hành, người giúp sức, người xúi giục. Hoạt động thành lập có thể là những hành vi để tiến tới thành lập, chuẩn bị cho việc thành lập hoặc là hành vi thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Hoạt động thành lập tổ chức có thể được thực hiện dưới các hình thức như sau:
+ Khởi xướng và thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân;
+ Không khởi xướng việc thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nhưng trực tiếp đứng ra thành lập tổ chức, tuyên truyền, lôi kéo người tham gia tổ chức…,
+ Bàn bạc, thảo luận về việc thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, phân công nhiệm vụ, tiến hành những hoạt động cần thiết để thành lập tổ chức;
+ Soạn thảo cương lĩnh, điều lệ hoặc vạch ra phương hướng, kế hoạch hoạt động cụ thể của tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
+ Ủng hộ vật chất, tinh thần cho việc thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
– Tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là hành vi của người gia nhập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân khi tổ chức đã được thành lập. Thể hiện cụ thể của hành vi tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân rất đa dạng, phong phú như nhận lời tham gia dưới hình thức thỏa thuận miệng; nhận lời tham gia bằng văn bản như viết đơn, cam đoan xin gia nhập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân…
+ Nếu do bị lừa dối, không nhận thức được tính chất và mục đích của tổ chức là lật đổ chính quyền nhân dân thì không bị coi là phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Tội phạm này có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi để thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, không phụ thuộc vào việc tổ chức đã hình thành hay chưa hoặc từ khi nhận lời, đăng ký…tham gia vào tổ chức, không kể đã có hoạt động cụ thể gì hay chưa.
Chú ý: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân khác tội phản bội Tổ quốc ở chỗ: Tội phản bội Tổ quốc có dấu hiệu câu kết với nước ngoài, còn tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân không có dấu hiệu câu kết với nước ngoài. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân cho thấy, người phạm tội có xu hướng móc nối với nước ngoài nhằm nhận sự giúp đỡ về vật chất, phi vật chất của nước ngoài để thực hiện mục đích lật đổ chính quyền nhân dân. Cần phân biệt hai trường hợp: Nếu người phạm tội chưa liên hệ hoặc đã liên hệ được với nước ngoài nhưng chưa nhận được sự thỏa thuận giúp đỡ, tài trợ nào đã bị phát hiện, thì truy cứu TNHS về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Nếu đã liên hệ, bàn bạc với nước ngoài, nhận sự giúp đỡ của nước ngoài nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị truy cứu TNHS về tội phản bội Tổ quốc.
Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả xảy ra nhưng vẫn thực hiện những hành vi phạm tội đó.
Mục đích của người phạm tội là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi thành lập hay tham gia tổ chức nhưng người thực hiện hành vi không có mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì không cấu thành tội phạm này.
Hình phạt quy định đối với tội phạm này rất nghiêm khắc. Điều 109 quy định 3 khung hình phạt chính căn cứ vào vai trò của người phạm tội và giai đoạn thực hiện tội phạm:
– Quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, áp dụng đối với người phạm tội là người tổ chức, người xúi giục, hoặc người đắc lực hoặc gây hậu quả nghiệm trọng.
– Quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 12 năm áp dụng đối với người phạm tội là người đồng phạm khác.
– Quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội này.
Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, đó là tước một số quyền công dân từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
4. Tội gián điệp
Cơ sở pháp lý: Điều 110 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Khách thể của tội gián điệp là an ninh đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. An ninh đối ngoại được hiểu là độc lập của quốc gia, sự bất khả xâm phạm lãnh thổ và sức mạnh về quốc phòng, an ninh.
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này là:
Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là loại hành vi do người nước ngoài và người không có quốc tịch thực hiện. Những người này có thể là nhân viên tình báo nước ngoài hoặc không phải là nhân viên tình báo nước ngoài, nhưng được cơ quan tình báo nước ngoài tuyển mộ, giao nhiệm vụ vào Việt Nam hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để tiến hành các hoạt động đó. Những người này vào Việt Nam có thể bằng con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp, núp dưới các danh nghĩa khác nhau như: nhân viên ngoại giao, thương nhân, phóng viên, nhà báo, khách du lịch, nhân viên các tổ chức phi chính phủ…
– Hoạt động tình báo được hiểu là việc tiến hành thu thập những tin tức, tài liệu thuộc bí mật của nhà nước hoặc những tin tức, tài liệu không thuộc bí mật của nhà nước, nhưng có thể sử dụng để chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để tiến hành hoạt động tình báo, người phạm tội gián điệp có thể sử dụng phương thức công khai, bí mật, các thủ đoạn như dụ dỗ, mua chuộc, moi tin, quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn…Ngoài hoạt động tình báo, hoạt động phá hoại cũng là loại hành vi mang tính phổ biến của người phạm tội gián điệp. Hoạt động phá hoại có thể được thực hiện dưới các hình thức như phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật, phá hoại các chính sách kinh tế – xã hội, chính sách đoàn kết dân tộc, tôn giáo, phá hoại tư tưởng…
Người nước ngoài có thể tự mình tiến hành hoạt động tình báo, phá hoại, cũng có thể thông qua người khác để hoạt động tình báo, phá hoại bằng cách gây cơ sở, giao nhiệm vụ cho họ tiến hành hoạt động tình báo, phá hoại hay chưa.
– Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện các hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại. Loại hành vi này do người Việt Nam thực hiện có sự chỉ đạo, giao nhiệm vụ của nước ngoài. Gây cơ sở đẻ hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài là hành vi của người Việt Nam được nước ngoài giao nhiệm vụ gây cơ sở để thu thập tin tức tình báo hoặc để tiến hành hoạt động phá hoại. Hoạt động thám báo là một hình thức hoạt động có tính chất vũ trang, chủ yếu là để thu thập những tin tức tình báo chiến thuật, xâm nhập vào nội địa phục kích, bắt cóc, bắn giết cán bộ, bộ đội, phá hoại, phục vụ âm mưu chống phá của nước ngoài đối với Việt Nam trên một địa bàn nhất định. Chứa chấp, dẫn đường, chỉ điểm hoặc thực hiện các hành vi khác giúp nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại được thể hiện dưới các hình thức che giấu giúp nơi ăn ở, sinh hoạt, dẫn đường, cung cấp phương tiện giao thông, phương tiện liên lạc, giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại.
– Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật nhà nước cho nước ngoài, thu thập cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây cũng là hành vi do người Việt Nam thực hiện, nhưng không có sự chỉ đạo, giao nhiệm vụ của nước ngoài từ trước. Cung cấp bí mật nhà nước cho nước ngoài là hành vi của người đang nắm giữ bí mật của nhà nước do cương vị công tác hoặc có được với bất kỳ lý do nào, chuyển giao bí mật đó cho nước ngoài. Thu thập nhằm cung cấp bí mật của nhà nước cho nước ngoài là hành vi của người không nắm giữ bí mật của nhà nước, nhưng có hành vi thu thập để cung cấp cho nước ngoài.
Ngoài ra việc thu thập, cung cấp những tài liệu khác tuy không thuộc bí mật nhà nước vào mục đích đề nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng bị coi phạm tội gián điệp. Những tài liệu không thuộc bí mật nhà nước có thể là bất kỳ tài liệu, tin tức về đời sống, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của từng vùng, miền….Người thu thập, cung cấp những tài liệu này chỉ bị coi là phạm tội gián điệp, nếu người này có ý thức mong muốn nước ngoài sử dụng để chống Việt Nam hoặc khi cung cấp những tài liệu cho nước ngoài, người đó, nhận thức được rằng nước ngoài sẽ sử dụng các tài liệu do mình cung cấp gây thiệt hại cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đối với hành vi cung cấp bí mật nhà nước cho nước ngoài và hành vi cung cấp tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tội phạm hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi cung cấp, không kể nước ngoài đã nhận được tài liệu chưa hoặc đã sử dụng tài liệu đó gây thiệt hại cho Việt Nam hay chưa. Đối với hành vi thu thập nhằm cung cấp bí mật của nhà nước cho nước ngoài, tội phạm hoàn thành ngay từ khi người phạm tội có hành vi thu thập bí mật của nhà nước.
Tội gián điệp là tội phạm có cấu thành hình thức, tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm.
Chủ thể của tội gián điệp có thể là người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS nếu họ thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 110 BLHS năm 2015. Chủ thể của tội gián điệp có thể là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS nếu họ thực hiện hành vi được quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 110 BLHS năm 2015.
Chú ý: tội gián điệp và tội phản bội Tổ quốc đều có dấu hiệu quan hệ với nước ngoài nhưng giữa hai tội này khác nhau ở chỗ: ở tội phản bội Tổ quốc, mối quan hệ với nước ngoài rất chặt chẽ, mang tính câu kết, còn ở tội gián điếp, mối quan hệ đó ít chặt chẽ hơn.
Điều 110 BLHS năm 2015 quy định 4 khung hình phạt chính:
– Khung 1. Quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
– Khung 2. Quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng (như bị ép buộc, bị lừa dối mà chưa gây thiệt hại lớn hoặc có những hành động làm giảm bớt tác hại của tội phạm)
– Khung 3. Quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội.
– Khung 4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng lại không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được miễn TNHS. Quy định này xuất phát từ đặc thù của cuộc đấu tranh phòng, chống tội gián điệp và nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Đây hoàn toàn không phải là trường hợp tứ ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, vì tội gián điệp hoàn thành từ thời điểm người phạm tội nhận làm gián điệp cho cơ quan tình báo nước ngoài. Điều này thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với người mắc sai lầm nhưng đã ăn năn, hối cải, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung quy định tại Điều 122 BLHS năm 2015, đó là tước một số quyền công dân từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ
Cơ sở pháp lý: Điều 111 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Người nào xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt như sau:
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này là một trong các hành vi sau:
– Xâm nhập lãnh thổ là hành vi vượt qua biên giới Việt Nam, có vũ trang hoặc bán vũ trang, thường là lén lút, nhưng cũng có thể công khai, trắng trợn;
– Làm sai lệch đường biên giới quốc gia là những hành vi xê dịch, phá hoại mốc biên giới; làm sai lệch, chệch hướng đi của đường biên giới quốc gia; làm đổi dòng chảy tự nhiên của sông, suối biên giới; gây hư hại mốc quốc giới giữa Việt Nam và nước khác…;
– Hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể là hành động bắn phá lãnh thổ, vùng biển Việt Nam từ nước ngoài, từ vùng biển quốc tế; phá hoại công trình biên giới; bắn, phóng, thả, đưa qua biên giới quốc gia phương tiện bay, vật thể, các chất gây hại, hoặc có nguy cơ gây hại cho quốc phòng, an ninh, kinh tế, sức khỏe của nhân dân, môi trường, an toàn hàng không và trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; làm cạn kiệt nguồn nước, gây ngập úng, gây ô nhiễm môi trường, xâm phạm tài nguyên thiên nhiên ở khu vực biên giới hoặc những hành động khác cùng tính chất gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tội phạm này có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Hậu quả, thời gian, địa điểm thực hiện tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, về không gian, hành vi phạm tội này thường được thực hiện ở khu vực biên giới giữa Việt Nam với nước khác.
Chủ thể của tội xâm phạm an ninh lãnh thổ có thể là người nước ngoài, người không có quốc tịch hoặc công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS và đã thực hiện hành vi phạm tội. tùy theo hành vi xâm phạm an ninh lãnh thổ, mà có chủ thể khác nhau:
– Hành vi phạm tội xâm nhập lãnh thổ: chủ thể đặc biệt, đó chỉ có thể là người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch.
– Hành vi phạm tội làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: chủ thể có thể là người nước ngoài người không có quốc tịch hoặc công dân Việt Nam.
Chủ thể là công dân Việt Nam thường thực hiện tội phạm theo sự chỉ đạo của nước ngoài như làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc giữ vai trò là người giúp sức như tiếp tế, chỉ đượng…và không phải thuộc trường hợp “chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường giúp nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại quy định tại Điều 110 BLHS năm 2015 về tội gián điệp.
Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích phạm tội là gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của Việt Nam, làm cho tình hình an ninh ở biên giới mất ổn định. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Do vậy, những hành vi xâm nhập lãnh thổ nhưng không nhằm gây phương hại đến an ninh lãnh thổ của Việt Nam thì không phải là hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm này. Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, thông thường động cơ thúc đẩy người thực hiện tội phạm này là do tư tưởng bành trướng dân tộc, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phản động, cơ hội chính trị.
Điều 111 quy định 3 khung hình phạt chính căn cứ vào vai trò của người phạm tội.
– Khung 1. Quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân áp dụng đối với người phạm tội là người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.
– Khung 2. . Quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội trong các trường hợp khác.
– Khung 3. . Quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội này.
Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung quy định tại Điều 122 BLHS năm 2015, đó là tước một số quyền công dân từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực hình sự về trách nhiệm hình sự đối với tội phản bội tổ quốc, Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh Khuê