1. Khái niệm phát tán tài sản

Phát tán tài sản là hành động của người có nghĩa vụ phải thực hiện hoặc của người phạm tội cất giấu tài sản bằng cách để ở nhiều địa điểm hoặc chia, giao tài sản cho nhiều người khác nhau. Phát tán tài sản nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ của người có nghĩa vụ phải thực hiện đối với bên thụ hưởng hoặc tội trốn tránh việc xác định, niêm phong hoặc thu giữ tài sản của người phạm tội phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án của cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án và thi hành án.

2. Tẩu tán tài sản

Tẩu tán tài sản là hành vi xác lập các giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ ba. Theo đó, các giao dịch thường được lập để nhằm mục đích tẩu tán tài sản đó là giao dịch về mua bán, tặng cho, chuyển nhượng.

Tuy nhiên, trên thực tế hành vi tẩu tán tài sản rất khó để chứng minh bởi vì cần xác định được được các giao dịch là của bên muốn trốn tránh nghĩa vụ là giả tạo. Thực tế, các bên tham gia xác lập giao dịch giả tạo sẽ không dễ dàng để cho người khác có được chứng cứ để xác định giao dịch trên thực tế của họ là không hợp pháp.

Hơn nữa, việc chuyển giao này thông qua hình thức “hợp đồng dân sự” mà hợp đồng dân sự dựa trên nguyên tắc theo sự thỏa thuận của các bên, bởi vì là sự thỏa thuận giữa các bên trong việc tham gia giao dịch thì những người không tham gia vào giao dịch dân sự này rất có thể thu thập được được tài liệu, chứng cứ để chứng minh được sự giao dịch này trên thực tế có giả tạo hay không. Nếu chúng ta không có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh thì cho dù có Tòa án thụ lí giải quyết yêu cầu đi nhưng thực tế thì tỉ lệ thắng kiện trọng vụ việc này sẽ không cao.

3. Xác định tài sản bị tẩu tán để trốn tránh nghĩa vụ

Khi có các tài liệu, chứng cứ, chứng minh được hành vi tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu Tòa tuyên giao dịch dân sự trên vô hiệu do giả tạo. Vấn đề này được quy định tại Khoản 2 Điều 124 Bộ Luật Dân sự 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo là trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

Ngoài ra, đối với Khoản 2 Điều 75 Luật Thi hành án Dân sự cũng có các quy định liên quan về vấn đề này như sau:

“2. Trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.”

Như vậy, trong trường hợp thực hiện giao dịch khi bản án đã có hiệu lực pháp luật mà số tiền thu được dùng để thi hành án thì không bị coi là tẩu tán tài sản. Và ngược lại giao dịch sau khi có bản án đã có hiệu lực pháp luật mà số tiền thu được không dùng để thi hành án và không thực hiện nghĩa vụ theo quy định thì sẽ bị coi là tẩu tán tài sản (nếu tài sản đó là duy nhất hoặc nằm trong nhóm tài sản để thực hiện nghĩa vụ).

Trường hợp xác định hành vi có sự trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, cá nhân có nghĩa vụ chứng minh giao dịch đối với tài sản (mà tài sản được xác định là đối tượng để thực hiện nghĩa vụ) nhằm trốn tránh nghĩa vụ có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cần thiết để bảo vệ tài sản, trường hợp giao dịch được thực hiện với bên thứ 3 thì đương sự có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo căn cứ nêu trên. Tuy nhiên, trên thực tế để xác định điều này không phải là dễ dàng.

4. Xử lý hành vi tẩu tán tài sản

Trong trường hợp giao dịch dân sự nhằm tẩu tán tài sản bị Tòa án tuyên là vô hiệu sẽ phát sinh những hậu quả pháp lí được quy định tại Điều 131 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:

+ Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời Điểm giao dịch được xác lập.

+ Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

+ Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường

Như vậy, căn cứ vào quy định trên trong trường hợp giao dịch tẩu tán tài sản bị Tòa án tuyên vô hiệu thì các bên trong giao dịch này sẽ không phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự kể từ thời Điểm được xác lập, bên cạnh đó các bên còn có nghĩa vụ khôi phục lại tình trạng ban đầu trước thời Điểm có giao dịch diễn ra và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Thêm vào đó, ngoài hành vi tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản được xác định là hành vi vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu do thực hiện hành vi vi phạm theo Điểm a, Khoản 5, Điểm a Khoản 8 điều 64 Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

5. Nguyên nhân dẫn đến tẩu tán tài sản

Có rất nhiều nguyên nhân nhưng tựu trung vẫn là do cơ chế, chính sách pháp luật của chúng ta bất cập, tập trung vào mấy điểm lớn. Đó là, chế độ quản lý không kiểm soát được đường đi của dòng tiền và việc kê khai tài sản của cán bộ không đi vào thực chất. Các tài sản tham nhũng hiện nay nằm đầu tiên là trong khối tài sản của người tham nhũng. Thứ hai, những tài sản được tặng cho, biếu xén mà thường gọi là tẩu tán. Thứ ba, tài sản đã bị rửa tiền như mua cổ phần, cổ phiếu, đầu tư vào chỗ này chỗ kia, thậm chí gửi ra nước ngoài. Nếu chúng ta không có biện pháp quản lý đồng tiền thì không thể kiểm soát được tham nhũng.

Bên cạnh đó, chúng ta đang áp dụng biện pháp phòng ngừa là kê khai tài sản nhưng rất hình thức. Nhìn vào kê khai trên giấy tờ thì ai cũng ngậm ngùi sao mà cán bộ quan chức VN nghèo thế. Nhưng thực sự thì sao, về hưu rồi mới thấy toàn biệt phủ, xe sang, tài sản khổng lồ...

Luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán... khi thực hiện nhiệm vụ mà phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền đề nghị điều tra, xử lý hình sự. Và khi đó, cơ quan điều tra mới có thể áp dụng các biện pháp bắt buộc như: kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản... Thế nhưng, thực tế thì phải kiểm tra, kết luận xong, cơ quan điều tra mới vào cuộc. Mà việc kiểm tra, thanh tra bao giờ cũng có sự tham gia của đối tượng bị kiểm tra, thanh tra. Khi kết luận cũng thế, để họ còn tranh luận, giải trình. Việc kiểm tra, thanh tra có khi kéo dài cả năm trời, tài sản tẩu tán hết rồi còn đâu.

Lẽ ra khi phát hiện ra dấu hiệu tham nhũng, thậm chí, khi mới có thông tin trên báo chí thì không cần thanh tra, kiểm tra, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ vào cuộc ngay thì mới giải quyết được vấn đề. Còn cách làm của chúng ta hiện nay vừa làm ngược và còn hú còi báo động để tham nhũng tẩu tán tài sản.

6. Quy trình ngăn chặn hoạt động tẩu tán tài sản ở nước ngoài

Các quốc gia đang làm theo quy trình xuôi, các cơ quan phòng chống tham nhũng của họ có nhiều quyền lực. Còn chúng ta đang làm ngược lại, kể cả là ngược lại so với trước đây. Ngày xưa, chúng tôi làm là nếu đảng viên có dấu hiệu phạm tội thì tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng, tạm đình chỉ chức vụ quản lý rồi giao các cơ quan tiến hành tố tụng. Sau đó, cơ quan kiểm tra Đảng, cơ quan quản lý mới căn cứ vào phán quyết của tòa án để xử lý kỷ luật Đảng và xử lý chức vụ.

Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành chỉ mới giải quyết được phần ngọn là xử lý tham nhũng. Còn phần gốc là nguyên nhân tham nhũng, các cơ chế quản lý kinh tế, cơ chế quản lý xã hội, cơ chế quản lý con người... tất cả mọi thứ vẫn giữ nguyên, không thay đổi mà chỉ chú ý vào kê khai... thì sẽ chẳng đi đến đâu.

Cần phải có những giải pháp tổng hợp, ở góc độ vĩ mô cả về quản lý điều hành chứ không nằm trong một đạo luật cụ thể. Chúng ta phải nhanh chóng triển khai cơ quan quản lý dòng tiền. Trong điều kiện hiện tại thì tạm thời có thể cho phép giao dịch tiền mặt với các hoạt động bình thường còn những giao dịch lớn như: mua ô tô, giao dịch bất động sản, cổ phần, cổ phiếu, đầu tư... phải qua chuyển khoản. Những vấn đề này chúng tôi đã đề xuất từ thời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu và Nguyễn Văn Bình, nhưng vẫn chưa làm được.

Cải cách về hành chính để xóa bỏ tình trạng tham nhũng. Đừng gọi là tham nhũng vặt, chỉ với dăm ba triệu thì coi là tham nhũng vặt nhưng với hàng triệu sự việc như vậy thì đó là vấn đề nguy cơ của xã hội. Đồng thời, tìm nguyên nhân sản sinh ra tham nhũng để thay đổi các chính sách, thay đổi các cơ chế để đảm bảo đời sống cho cán bộ công chức.

Trong việc thu hồi tài sản tham nhũng thì phải có những chế tài quy định mạnh hơn, rõ ràng về cưỡng chế, kê biên, phong tỏa tài khoản. Tức là biện pháp ngăn chặn. Khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng thì lập tức kê biên toàn bộ tài sản, phong tỏa tài khoản. Thậm chí, kể cả với tài khoản, tài sản mà cơ quan điều tra thấy có dấu hiệu liên quan tới tham nhũng với người thứ 3 chiếm hữu.

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.