Luật sư tư vấn:

1. Khái niệm về ly hôn

Theo khoản 14 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Ly hôn như sau: 

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Ly hôn là chấm dứt quan hệ thời kì hôn nhân do Tòa án quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng để hủy bỏ các trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm của hôn nhân và các ràng buộc dân sự khác. Phán quyết ly hôn của Tòa án thể hiện dưới hai hình thức: bản án hoặc quyết định. Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết dưới hình thức là quyết định. Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn. 

Ly hôn cũng có thể được coi là một hiện tượng xã hội, dựa vào tính chất sự việc để đánh giá về nó tích cực hay tiêu cực. Nếu cuộc hôn nhân đang rơi vào khủng hoàng thì việc ly hôn lại là một cách để giải phóng tình trạng cần thiết nhất. Sự tan vỡ của một gia đình mặc định là hệ quả nghiêm trọng của ly hôn, kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến xã hội, gia đình,...để lại cho con cái những sự bất hạnh và mất mát. Chính vì những lý do này nên pháp luật không cổ vũ, khuyến khích cho việc ly hôn nhưng cũng không cấm đoán. 

Phán quyết cuối cùng cho việc ly hôn là do Tòa án và chỉ Tòa án là cơ quan nhà nước duy nhất có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn. Điều này chứng tỏ ly hôn là do sự tự nguyện của vợ chồng nhưng cũng bị đứng dưới sự kiểm soát của Nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích cho các thành viên gia đình, bảo vệ lợi ích của xã hội. 

 

2. Khái niệm về quyền yêu cầu ly hôn

Quyền yêu cầu ly hôn được xuất phát từ quyền tự do ly hôn. Quyền tự do ly hôn của vợ chồng được Nhà nước ghi nhận nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng và các chủ thể liên quan, tại Điều 36 Hiến pháp 2013 quy định:

"Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

Hôn nhân hiện nay đã dựa theo sự tự nguyện và tiến bộ hơn rất nhiều, pháp luật Nhà nước ta đã bảo đảm quyền tự do kết hôn và ly hôn và coi nguyên tắc hôn nhân tự nguyện là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình trên cơ sở nam nữ bình đằng trong việc kết hôn và ly hôn theo quy định của pháp luật. Như vậy khi có quyền tự do ly hôn thì Nhà nước cũng trao quyền yêu cầu ly hôn cho vợ chồng, Nhà nước không thể thực hiện điều này một cách tùy tiện. Việc ly hôn cũng phải được kiểm soát bởi Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền xử lý việc này là Tòa án. 

Quyền yêu cầu ly hôn là quyền nhân thân, nó gắn liền với vợ, chồng, không thể chuyển giao cho người khác trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Quyền yêu cầu ly hôn là một trong những quyền tự do cơ bản của vợ chồng là quyền nhân thân gắn liền với vợ chồng, phát sinh thông qua thực hiện quyền ly hôn trước pháp luật. 

 

3. Quy định của pháp luật về quyền yêu cầu ly hôn

3.1. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

Đối với quyền yêu cầu giải quyết ly hôn được quy định tại Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Quyền yêu cầu ly hôn có thể chia ra làm hai trường hợp là ly hôn thuận tình và ly hôn theo yêu cầu của một bên. Ly hôn thuận tình do những mâu thuẫn không thể hòa giải, không muốn chung sống cùng nhau thì có thể xin Tòa án giải quyết ly hôn. Trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, ly hôn theo sự tự nguyện và vợ chồng đã tự thỏa thuận về việc chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc con cái trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng cho vợ và con thì Tòa án sẽ công nhận ly hôn thuận tình. Nếu không thỏa thuận được hoặc thỏa thuận không đảm bảo quyền lợi chính đáng cho vợ và con thì Tòa án sẽ giải quyết việc ly hôn. Về thuận tình ly hôn được quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu xin ly hôn thì Tòa án phải tiến hòa giải. Trong trường hợp Tòa án hòa giải không thành thì Tòa án lập biên bản về việc tự nguyện ly hôn và giải hòa đoàn tụ không thành. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không có sự thay đổi ý kiến cũng như Viện kiểm sát không có phản đối sự thỏa thuận đó, thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không phải mở phiên tòa khi có đầy đủ các điều kiện sau:

- Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn;

- Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; 

- Sự thỏa thuận của hai bên về tài sản và con trong từng trường hợp cụ thể này là bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con. 

Quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật ngay, các bên không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm. 

Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án xem xét, giải quyết việc ly hôn. Cần lưu ý rằng, đối với người có đơn yêu cầu xin ly hôn mà bị Tòa án bác đơn xin ly hôn thì sau một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án bác đơn xin ly hôn có hiệu lực pháp luật, người đó mới lại được yêu cầu Tòa án giải quyết việc xin ly hôn. 

 

3.2. Quyền yêu cầu ly hôn của cha mẹ, người thân thích khác của một bên vợ, chồng

Đối với trường hợp đơn phương ly hôn, ly hôn theo yêu cầu của một bên là một hình thức ly hôn tương đối phổ biến khi đời sống quan hệ vợ chồng khó có thể tiếp tục duy trì. Khác với thuận tình ly hôn, ly hôn theo yêu cầu của một bên là trường hợp chỉ có một trong hai vợ chồng hoặc cha, mẹ, người thân thích của một trong hai bên yêu cầu được chấm dứt quan hệ hôn nhân. Trường hợp này, Tòa án sẽ phải xem xét kỹ càng để cân nhắc việc ly hôn trong tình trạng hôn nhân giữa hai người, điều này phải dựa vào các căn cứ nhất định được quy định cụ thể trong Luật Hôn nhân gia đình và các luật khác liên quan. 

Luật mới đảm bảo quyền yêu cầu ly hôn của vợ chồng thì đã mở rộng đối tượng được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cụ thể là: Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo câu cầu của một bên: 

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên 

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Tình trạng "không thể nhận thức hoặc làm chủ được hành vi của mình là tình trạng thực tế của vợ, chồng. Tình trạng này được xác định thông qua kết luận của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, cần hiểu rõ ràng, tình trạng không thể nhận thức hoặc làm chủ được hành vi này không hề đồng nhất với tình trạng mất năng lực hành vi dân sự của cá nhân, quy định tại Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015. Một người không thể nhận thức và làm chủ được hành vi chỉ được coi là mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định của Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự.

Về hành vi bạo lực gia đình, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007. Quy định hậu quả của hành vi bạo lực gia đình là "làm ảnh hưởng" thay vì "gây tổn hại" cho thấy hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến tình mạng, sức khỏe, tinh thần của vợ, chồng có thể là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp. Để xác định được mức độ ảnh hưởng của bạo lực gia đình đối với sức khỏe, tính mạng và tinh thâng thì cần có sự tham gia của các cơ quan y tế có chuyên môn.

 

3.3. Các hình thức ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình 

Ngày nay, khi cuộc sống hôn nhân không còn có thể hòa hợp như trước, hai người không tìm được tiếng nói chung nữa thì họ chọn cách ly hôn. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nắm bắt những nhu cầu của các chủ thể ly hôn cũng như tâm lý chung của toàn xã hội để quy định những hình thức ly hôn theo đúng quy định pháp luật. Theo đó, ly hôn được Tòa án tiến hành thụ lý và giải quyết dưới hai hình thức như sau:

Ly hôn thuận tình: Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng khi ly hôn thì Tòa án công nhận ra phán quyết dưới hình thức là quyết định.

Ly hôn theo yêu cầu của một bên ( ly hôn đơn phương): Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp hoặc một bên vợ hoặc chồng có yêu cầu đơn phương ly hôn, kèm theo đó có hoặc không có chia tài sản, giành quyền nuôi con thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn.

Tương tự như quy định về hình thức ly hôn theo pháp luật thì đối với các trường hợp ly hôn tại tỉnh Quảng Ninh cũng được tiến hành dựa trên những quy định trên. Các chủ thể khi có nhu cầu ly hôn cần nắm bắt được những hình thức như trên và lựa chọn sao cho phù hợp với hoàn cảnh và mục đích của mình.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900 6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!