ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 319/QĐ-UBND | Lâm Đồng, ngày 24 tháng 02 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TRUNG TÂM HÀNH CHÍNH TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 1001/QĐ-UBND ngày 27/5/2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thành lập Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh và Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 21/01/2014 của UBND tỉnh về việc chuyển Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng từ trực thuộc Sở Xây dựng sang trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng;
Xét đề nghị của Văn phòng UBND tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, sử dụng Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Trưởng Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
| KT. CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TRUNG TÂM HÀNH CHÍNH TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 319/QĐ-UBND ngày 24 tháng 02 năm 2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về quản lý, sử dụng nhà làm việc, các công trình công cộng, trang thiết bị, tài sản, công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn, giữ gìn vệ sinh môi trường... trong Trung tâm hành chính tỉnh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Ban Quản lý Trung tâm hành chính tỉnh và các cơ quan, đơn vị được giao sử dụng diện tích làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng.
2. Công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng.
3. Các tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác, hội họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn... tại Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Thời gian hoạt động của Trung tâm hành chính tỉnh:
1. Buổi sáng: từ 06 giờ 30 đến 12 giờ 00;
2. Buổi chiều: từ 13 giờ 00 đến 17 giờ 30;
3. Các cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị, hội họp... ngoài giờ nêu trên phải đăng ký với Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh.
Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh quy định cụ thể những nội dung phải phối hợp xử lý khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu làm việc ngoài giờ tại Trung tâm hành chính tỉnh.
Điều 4. Quy định đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh
1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong tòa nhà phải đeo thẻ công chức, viên chức theo đúng quy định.
2. Thực hiện nếp sống và ứng xử văn minh nơi công sở; giữ gìn trật tự chung, không gây ồn ào trong khu vực công cộng, nơi làm việc.
3. Không xem hoặc tàng trữ văn hóa phẩm nhà nước cấm lưu hành hoặc không được phép sử dụng; không mang (hay sử dụng) chất kích thích, chất gây nghiện, các hàng hóa cấm lưu hành vào tòa nhà.
4. Tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy.
5. Đậu đỗ xe ô tô, xe máy... đúng nơi quy định.
6. Máy móc, thiết bị, tài liệu.. phải được sắp xếp gọn gàng bên trong văn phòng làm việc.
7. Không để cây cảnh, các vật dụng cồng kềnh, dễ rơi ở hành lang, lối đi hoặc các khu vực công cộng của tòa nhà.
8. Sử dụng hệ thống cơ sở vật chất, các trang thiết bị tại tòa nhà đúng mục đích, tiết kiệm.
9. Không tự lắp đặt các bảng hiệu, bảng quảng cáo, dán decal kính bao che các khu vực công cộng làm ảnh hưởng đến mỹ quan chung của tòa nhà, nếu có nhu cầu phải được sự thống nhất của Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh.
10. Không tổ chức uống rượu, bia trong khu vực làm việc, không đánh bài hay cờ bạc dưới mọi hình thức trong tòa nhà.
Điều 5. Quy định đối với khách đến liên hệ công tác, làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh:
1. Liên hệ với bộ phận lễ tân của Trung tâm hành chính tỉnh để được hướng dẫn.
2. Không mang theo vũ khí, chất nổ, chất dễ cháy, các loại chất độc hại khác vào Trung tâm hành chính tỉnh.
3. Dừng, đỗ phương tiện đúng nơi quy định và theo hướng dẫn của bảo vệ Trung tâm hành chính tỉnh.
4. Khi mang các vật dụng cồng kềnh, các đồ vật được đóng gói, các trang thiết bị kỹ thuật ra vào tòa nhà phải báo với bảo vệ tòa nhà và Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh để kiểm soát và ngăn ngừa các tình huống xấu xảy ra.
5. Không đi vào những nơi không có phận sự, khu vực cấm, khu vực nguy hiểm của tòa nhà.
6. Chấp hành các nội quy, quy định của Trung tâm hành chính tỉnh.
Điều 6. Phòng cháy chữa cháy
1. Cấm hút thuốc trong khuôn viên tòa nhà (phòng làm việc, nhà vệ sinh, nhà để xe, khu vực công cộng...).
2. Mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân tích cực đề phòng, thận trọng trong việc sử dụng lửa, điện, chất dễ cháy, nổ, cấm đốt vàng mã, thắp hương thờ cúng, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ.
3. Không để các chướng ngại vật trên các lối đi lại, cửa thoát nạn và cầu thang thoát hiểm.
3. Không được tự ý sử dụng các phương tiện chữa cháy vào việc khác.
4. Nghiêm cấm mang vật liệu cháy nổ, chất dễ cháy nổ, bình ga vào cơ quan.
5. Các tổ chức, cá nhân làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh phải tắt thiết bị sử dụng điện sau giờ làm việc.
6. Công chức, viên chức và người lao động phải chấp hành nghiêm nội quy phòng cháy chữa cháy. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thành lập Đội Phòng cháy chữa cháy tại chỗ, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nội quy phòng cháy chữa cháy tại cơ quan, đơn vị mình và tham gia các hoạt động phòng cháy chữa cháy do Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh và Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh yêu cầu, hướng dẫn.
7. Khi có sự cố cháy nổ, Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh phải kịp thời thông báo trên hệ thống loa công cộng, và hướng dẫn mọi người thoát hiểm, tổ chức lực lượng chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.
8. Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh có trách nhiệm:
- Lập hồ sơ theo dõi, quản lý về phòng cháy chữa cháy chung cho tòa nhà; tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Đội Phòng cháy chữa cháy của tòa nhà, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
- Xây dựng nội quy phòng cháy và chữa cháy của tòa nhà.
- Định kỳ kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
- Phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
9. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh (Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh) quy định và hướng dẫn các công việc có liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn của tòa nhà.
Điều 7. Sử dụng thang máy
1. Mọi cá nhân có trách nhiệm bảo vệ thang máy và tuân thủ những quy định và hướng dẫn về sử dụng thang máy nhằm đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hạn chế hỏng hóc, khi vận chuyển hàng hóa cồng kềnh, có nguy cơ gây trầy, xước thang máy thì phải có biện pháp che chắn, bảo vệ thang trước khi vận chuyển hàng hóa.
2. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị từ tầng 3 trở xuống sử dụng cầu thang bộ, hạn chế tối đa việc đi lại bằng thang máy nhất là trong thời gian đầu và cuối buổi làm việc.
Điều 8. Sử dụng, sửa chữa, thay thế các trang thiết bị
1. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về quản lý và sử dụng hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, sử dụng hệ thống thoát nước đúng kỹ thuật (duy trì bảo dưỡng lưới chắn tại các ga thoát nước để ngăn rác thải và dị vật) nhằm tránh gây hậu quả trước mắt và lâu dài làm tắc hệ thống thoát nước thải của toàn bộ khu vực.
2. Chấp hành các quy định của Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh về quản lý và sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của toàn bộ tòa nhà.
3. Các cơ quan, đơn vị không tự ý làm thay đổi vị trí, hình dáng, kích thước, công năng các trang thiết bị kỹ thuật, nội thất đã được đầu tư trong tòa nhà (vách ngăn, bàn, tủ, ổ điện, mạng, nước, thiết bị phòng cháy chữa cháy, chiếu sáng ...); mọi thay đổi, thay thế phải được sự thống nhất của Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh.
4. Khi có sự cố về kỹ thuật, trang thiết bị hỏng hóc cần sửa chữa phải báo cho Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh biết để phối hợp xử lý. Chi phí khắc phục sửa chữa các trang thiết bị do các cơ quan, đơn vị tự chi trả.
Điều 9. Quản lý phương tiện giao thông
1. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và khách đến làm việc trong tòa nhà đậu đỗ xe đúng nơi quy định cho từng đối tượng.
2. Người điều khiển phương tiện giao thông trong khu vực tòa nhà phải đi đúng làn đường và tuân thủ các biển báo, biển chỉ dẫn, tín hiệu quy định trong tòa nhà, đậu, đỗ xe đúng vị trí quy định.
3. Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh quy định chi tiết quy trình giữ xe, vị trí để xe, quản lý xe...và xử lý vi phạm nếu có.
Điều 10. Vệ sinh môi trường
1. Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh có trách nhiệm tổ chức công tác vệ sinh hàng ngày tại các khu vực sử dụng chung, hành lang, nhà vệ sinh, thang máy, thang bộ, bãi đậu xe...; thu gom rác thải từ các điểm tập kết đến khu vực xử lý.
2. Các cơ quan, đơn vị tự chịu trách nhiệm tổ chức vệ sinh trong khu vực riêng của cơ quan, đơn vị mình (từ cửa chính vào bên trong khu vực làm việc) và đổ rác thải đúng nơi quy định.
3. Công chức, viên chức và người lao động có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh tại nơi làm việc và khu vực công cộng.
4. Không đổ nước, xả rác từ tầng trên xuống các tầng phía dưới.
5. Không mang chất độc hại vào cơ quan.
Điều 11. Quản lý việc sử dụng đối với phần diện tích sử dụng riêng và phần diện tích sử dụng chung trong Trung tâm hành chính tỉnh.
1. Về phần diện tích sử dụng riêng:
Phần diện tích sử dụng riêng trong Trung tâm hành chính tỉnh là phần diện tích được giao cho từng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng riêng (diện tích làm việc và trang thiết bị...);
Cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp quản lý sử dụng công sở có trách nhiệm:
- Bố trí sắp xếp chỗ làm việc hiệu quả và thuận lợi cho hoạt động của công chức, viên chức.
- Xây dựng Quy chế nội bộ về quản lý sử dụng công sở của cơ quan.
- Lập kế hoạch bảo trì, mua sắm các trang thiết bị làm việc cho cơ quan, công chức, viên chức theo quy định.
- Kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quản lý sử dụng công sở.
2. Về phần diện tích sử dụng chung:
Phần diện tích sử dụng chung trong Trung tâm hành chính tỉnh bao gồm: phần diện tích và các trang thiết bị được dùng chung cho các cơ quan, đơn vị như hội trường, phòng họp, nơi để xe, khu vệ sinh chung, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, bể nước, bể phốt, sân vườn, bồn hoa cây cảnh, sân thể thao... được UBND tỉnh giao cho Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh chịu trách nhiệm quản lý.
Quyền của các cơ quan trong sử dụng phần diện tích sử dụng chung:
- Được sử dụng hội trường, phòng họp để tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo...; cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng hội trường, phòng họp đều phải lập kế hoạch và đăng ký trước 05 ngày với Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh để được bố trí sử dụng theo kế hoạch, trừ trường hợp đột xuất; Thứ tự ưu tiên sử dụng hội trường: các sự kiện quan trọng của trung ương, của tỉnh, đơn vị đăng ký trước.
- Được sử dụng diện tích và các trang thiết bị phục vụ cho việc đi lại (hành lang, cầu thang bộ, thang máy...) trong Trung tâm hành chính tỉnh.
- Được kết nối, sử dụng các dịch vụ thông tin liên lạc, cấp điện, cấp thoát nước... trong Trung tâm hành chính tỉnh.
Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh quản lý phần diện tích sử dụng chung có trách nhiệm:
- Soạn thảo nội quy, quy chế chi tiết về quản lý sử dụng tài sản, trang thiết bị để làm cơ sở quản lý, thực hiện.
- Kiểm tra, đôn đốc công chức, viên chức, người lao động và khách đến làm việc, liên hệ công tác, hội họp... thực hiện đúng nội quy, quy chế của tòa nhà.
- Thực hiện việc giữ gìn an ninh, trật tự; phòng chống cháy nổ; trông giữ ô tô, xe máy, xe đạp; vệ sinh công cộng, thu gom rác thải; chăm sóc vườn hoa, cây cảnh... trong khuôn viên Trung tâm hành chính tỉnh.
- Quản lý, vận hành các trang thiết bị sử dụng chung (bơm nước, thang máy, máy phát điện...);
- Đảm bảo kế hoạch sử dụng hội trường, phòng họp cho các cơ quan đã đăng ký.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan cùng sử dụng công sở lập kế hoạch, kinh phí bảo trì và vận hành các trang thiết bị sử dụng chung.
- Định kỳ hàng năm báo cáo tình hình quản lý sử dụng công sở với cơ quan cấp trên, cơ quan quản lý nhà nước về nhà công sở và lưu giữ hồ sơ quản lý Trung tâm hành chính tỉnh theo quy định.
Điều 12. Sử dụng phòng làm việc trong công sở
1. Bên ngoài các phòng làm việc phải có biển ghi tên đơn vị, chức danh công chức, viên chức làm việc trong phòng.
2. Các trang thiết bị trong phòng làm việc phải được bố trí gọn gàng và thuận lợi cho các thành viên trong phòng làm việc.
3. Không được sử dụng các thiết bị đun, nấu của cá nhân trong phòng làm việc.
4. Khi nghỉ làm việc từ 3 ngày trở lên, phòng làm việc phải được niêm phong (trừ khi có bố trí người trực cơ quan).
Điều 13. Sử dụng điện, nước, mạng máy tính:
1. Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh:
- Chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống điện, nước, hệ thống máy móc thiết bị...của tòa nhà.
- Đảm bảo đầy đủ nguồn điện, nước cho hoạt động các cơ quan, đơn vị làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh.
- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông ban hành quy định về việc sử dụng hệ thống mạng máy tính trong Trung tâm hành chính tỉnh.
2. Đối với các cơ quan, đơn vị làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh:
- Sử dụng điện, nước tiết kiệm, hiệu quả; chịu trách nhiệm chi trả chi phí sử dụng điện, nước theo hóa đơn của Công ty Điện lực và Công ty cấp thoát nước Lâm Đồng.
- Trước khi ra về kiểm tra và tắt các thiết bị điện, đèn chiếu sáng; khóa các vòi nước (kể cả trường hợp không có nước).
- Không tự ý thay thế, lắp đặt thêm các thiết bị điện, nước.
- Không để tài liệu, giấy tờ, vật liệu dễ cháy gần hoặc đè lên hệ thống ổ cắm, dây dẫn điện.
- Khi có sự cố điện, nước kịp thời báo cho Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh để có kế hoạch sửa chữa, khắc phục.
- Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng và ban hành quy định về việc sử dụng hệ thống mạng máy tính trong Trung tâm hành chính tỉnh.
Điều 14. Đảm bảo an ninh trật tự
1. Công chức, viên chức và người lao động có trách nhiệm bảo quản tài sản được trang bị cho cá nhân và tài sản chung trong phòng làm việc.
2. Khi mang tài sản, trang thiết bị, hàng hóa ra vào tòa nhà phải báo cáo người có thẩm quyền, đăng ký với Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh để theo dõi, quản lý.
Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh hướng dẫn chi tiết việc đăng ký mang tài sản, trang thiết bị, hàng hóa ra vào tòa nhà.
3. Khi phát hiện có hiện tượng khả nghi về an ninh, trật tự tại Trung tâm hành chính tỉnh, phải kịp thời thông báo cho lực lượng bảo vệ để xử lý.
4. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh xây dựng phương án bảo vệ an ninh trật tự tòa nhà trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.
5. Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh:
- Xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy bảo vệ Trung tâm hành chính tỉnh.
- Trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ, bảo đảm điều kiện làm việc cho lực lượng bảo vệ thực thi công việc.
- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ.
- Tổ chức thực hiện những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan Công an về công tác bảo vệ tại cơ quan.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị làm việc trong Trung tâm hành chính tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các quy định tại quy chế này.
2. Công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh và các cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm các quy định tại quy chế này.
Đối với các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt quy định tại quy chế này được biểu dương, khen thưởng theo quy định. Mọi trường hợp vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo pháp luật, nếu gây mất mát, hư hỏng tài sản của nhà nước phải bồi thường theo quy định.
3. Ban Quản lý Trung tâm hành chính tỉnh tổ chức triển khai quy chế này theo quy định.
4. Trong quá trình thực hiện quy chế, nếu có phát sinh vướng mắc, khó khăn hoặc cần có những thay đổi, các cơ quan, đơn vị, cá nhân kịp thời có ý kiến bằng văn bản gửi Ban quản lý Trung tâm hành chính tỉnh để tổng hợp, báo cáo Văn phòng UBND tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung./.