BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 2014

THÔNG TƯ

Ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông

_____________________

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09 tháng 01năm 2013 việc sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 6 năm 2014.

Thông tư này thay thế Thông tư số 02/2013/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ngày 30 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Nguyễn Vinh Hiển

QUY CHẾ

Tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông

(Ban hành kèm theo Thông tư số: 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014

của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông.

2. Quy chế này áp dụng đối với người học là người Việt Nam, người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam; các trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, các tổ chức và cá nhân có liên quan.

3. Quy chế này không áp dụng đối với việc tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông chuyên biệt.

Điều 2. Nguyên tắc tuyển sinh, tuổi tuyển sinh

1. Hằng năm, tổ chức một lần tuyển sinh vào trung học cơ sở và trung học phổ thông; việc tuyển sinh vào trung học cơ sở, trung học phổ thông bảo đảm chính xác, công bằng, khách quan.

2. Tuổi của học sinh trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông thực hiện theo Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Chương II

TUYỂN SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ

Điều 3. Hồ sơ tuyển sinh

1. Bản sao giấy khai sinh hợp lệ.

2. Học bạ cấp tiểu học hoặc các hồ sơ khác có giá trị thay thế học bạ.

Điều 4. Tổ chức tuyển sinh

1. Đối tượng tuyển sinh là người đã hoàn thành chương trình tiểu học.

2. Tuyển sinh trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển.

3. Sở giáo dục và đào tạo quyết định tổ chức tuyển sinh trung học cơ sở.

Chương III

TUYỂN SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Điều 5. Đối tượng và phương thức tuyển sinh

1. Đối tượng tuyển sinh là người học đã tốt nghiệp trung học cơ sở chương trình giáo dục phổ thông hoặc chương trình giáo dục thường xuyên có độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế này.

2. Tuyển sinh trung học phổ thông được tổ chức theo một trong ba phương thức sau:

a) Xét tuyển: dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó;

b) Thi tuyển;

c) Kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

Điều 6. Hồ sơ tuyển sinh

1. Bản sao giấy khai sinh hợp lệ.

2. Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học cơ sở tạm thời hoặc bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

3. Học bạ cấp trung học cơ sở.

4. Giấy xác nhận chế độ ưu tiên, khuyến khích do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có).

5. Giấy xác nhận do ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp (đối với người học đã tốt nghiệp trung học cơ sở từ những năm học trước) không trong thời gian thi hành án phạt tù; cải tạo không giam giữ hoặc vi phạm pháp luật.

Điều 7. Tuyển thẳng, chế độ ưu tiên, khuyến khích

1. Tuyển thẳng vào trung học phổ thông các đối tượng sau đây:

a) Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú;

b) Học sinh là người dân tộc rất ít người;

c) Học sinh khuyết tật;

d) Học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học.

2. Đối tượng được cộng điểm ưu tiên.

Sở giáo dục và đào tạo quy định điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên, gồm:

a) Nhóm đối tượng 1:

- Con liệt sĩ;

- Con thương binh mất sức lao động 81% trở lên;

- Con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên;

- Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”.

b) Nhóm đối tượng 2:

- Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

- Con thương binh mất sức lao động dưới 81%;

- Con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%;

- Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”.

c) Nhóm đối tượng 3:

- Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số;

- Người dân tộc thiểu số;

- Người học đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Đối tượng được cộng điểm khuyến khích.

Sở giáo dục và đào tạo quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích.

Điều 8. Hội đồng tuyển sinh

1. Thành phần.

a) Chủ tịch là hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng;

b) Phó chủ tịch là phó hiệu trưởng;

c) Thư ký và một số uỷ viên.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng tuyển sinh do sở giáo dục và đào tạo quy định.

3. Được sử dụng con dấu của nhà trường vào các văn bản của hội đồng.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố (gọi chung là cấp tỉnh) và trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp huyện, quận (gọi chung là cấp huyện)

1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

a) Chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh trung học phổ thông;

b) Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra tuyển sinh và quy định mức thu lệ phí tuyển sinh.

2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

a) Chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tuyển sinh trung học cơ sở;

b) Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra tuyển sinh.

Điều 10. Trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo

1. Lập kế hoạch tuyển sinh, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, bao gồm các nội dung chính sau: địa bàn, phương thức, đối tượng, chế độ ưu tiên và khuyến khích, tổ chức công tác tuyển sinh trung học phổ thông.

Riêng đối với những địa phương chọn phương thức thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển cần có thêm các nội dung sau:

a) Môn thi, ra đề thi, hình thức thi, thời gian làm bài, hệ số điểm bài thi, điểm cộng thêm;

b) Tổ chức, nhiệm vụ và hoạt động, quyền hạn và trách nhiệm của hội đồng ra đề thi, hội đồng coi thi, hội đồng chấm thi, hội đồng phúc khảo bài thi; công tác ra đề thi, sao in, gửi đề thi.

2. Hướng dẫn công tác tuyển sinh cho các phòng giáo dục và đào tạo, trường trung học phổ thông.

3. Ra quyết định thành lập hội đồng tuyển sinh; quyết định phê duyệt kết quả tuyển sinh của từng trường trung học phổ thông. Tiếp nhận hồ sơ của các hội đồng tuyển sinh, hội đồng coi thi, hội đồng chấm thi.

4. Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

5. Lưu trữ hồ sơ tuyển sinh theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện thống kê, thông tin, báo cáo định kỳ và hàng năm, đột xuất về công tác tuyển sinh với ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 11. Trách nhiệm của phòng giáo dục và đào tạo, của trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông

1. Trách nhiệm của phòng giáo dục và đào tạo.

Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của sở giáo dục và đào tạo về công tác tuyển sinh. Lập kế hoạch tuyển sinh trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Hướng dẫn, kiểm tra công tác tuyển sinh của các trường trung học cơ sở. Thực hiện thống kê, thông tin, báo cáo định kỳ và hàng năm, đột xuất về công tác tuyển sinh với ủy ban nhân dân cấp huyện và sở giáo dục và đào tạo.

2. Trách nhiệm của trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông.

a) Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của sở giáo dục và đào tạo (đối với trường trung học phổ thông) và của phòng giáo dục đào tạo (đối với trường trung học cơ sở) về công tác tuyển sinh;

b) Tuyển học sinh khuyết tật có nhu cầu vào học;

c) Bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục trên địa bàn được phân công;

d) Tiếp nhận khiếu nại, giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết;

đ) Lưu trữ hồ sơ tuyển sinh theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện công tác thống kê, báo cáo về cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp./.