1. Quy định chung về thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu

- Tên thủ tục pháp lý: Thủ tục đăng ký nhãn hiệu

- Cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu: Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, thuộc Bộ Khoa học và Công Nghệ

+ Bộ phận tiếp nhận đơn: Phòng đăng ký - Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện của Cục tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

+ Bộ phận thẩm định đơn: Trung tâm thẩm định nhãn hiệu, Trung tâm thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế

+ Bộ phận công bố thông tin đơn: Trung tâm Công nghệ thông tin và Trung tâm thông tin sở hữu công nghiệp

+ Bộ phận trả kết quả đơn: Phòng đăng ký

+ Bộ phận gia hạn, sửa bằng, đăng ký chuyển nhượng hoặc chuyển quyền sử dụng văn bằng: Trung tâm thẩm định sau cấp Văn bằng bảo hộ

+ Bộ phận giải quyết khiếu nại: Phòng giải quyết khiếu nại

- Đối tượng: nhãn hiệu (dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau, thường là tên thương hiệu hoặc logo thương hiệu).

- Hình thức nộp đơn đăng ký: Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến bộ phận tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ.

 

2. Quyền đăng ký bảo hộ thương hiệu

- Quyền Đăng Ký của Tổ Chức, Cá Nhân: Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu cho hàng hoá hoặc dịch vụ do mình sản xuất hoặc cung cấp.

- Quyền Đăng Ký cho Sản Phẩm Thương Mại: Tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mình đưa ra thị trường, dù sản phẩm do người khác sản xuất, với điều kiện người sản xuất không sử dụng và không phản đối việc đăng ký nhãn hiệu đó.

- Quyền Đăng Ký Nhãn Hiệu Tập Thể: Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể cho các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể. Đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó. Đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý, đặc sản địa phương của Việt Nam, việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

- Quyền Đăng Ký Nhãn Hiệu Chứng Nhận: Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó. Đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý, đặc sản địa phương của Việt Nam, việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

- Đồng Chủ Sở Hữu Nhãn Hiệu: Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với điều kiện: Việc sử dụng nhãn hiệu phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Việc sử dụng nhãn hiệu không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.

- Chuyển Giao Quyền Đăng Ký: Người có quyền đăng ký, kể cả người đã nộp đơn đăng ký, có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.

- Quy Định Đối Với Đại Diện hoặc Đại Lý: Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Việt Nam cũng là thành viên, người đại diện hoặc đại lý không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

 

3. Hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu

- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu đánh máy theo mẫu: 02 bản chính

- Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện): 01 bản chính

- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác: 01 bản chính

- Mẫu nhãn hiệu (05 mẫu kích thước 80 x 80 mm) và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu

- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên: 01 bản chính

- Chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ): 01 bản sao

- Tài liệu khác (nếu có).

 

4. Quy trình đăng ký bảo hộ thương hiệu

- Bước 1: Tiếp nhận đơn

Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

- Bước 2: Thẩm định hình thức đơn.

Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không (Ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ/từ chối chấp nhận đơn).

+ Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;

+ Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.

- Bước 3: Công bố đơn

Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong vòng 02 tháng.

- Bước 4: Thẩm định nội dung đơn

Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.

- Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ:

+ Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;

+ Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.

 

5. Phí đăng ký bảo hộ thương hiệu

Chi phí nộp đơn đăng ký:

- Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng/01 đơn

- Phí phân loại nhóm sản phẩm/dịch vụ trong trường hợp người nộp đơn không tự phân loại hoặc phân loại chưa chính xác: 100.000 đồng/01 nhóm.

- Phí công bố đơn: 120.000 đồng/01 đơn

- Phí tra cứu phục vụ thẩm định nội dung: 180.000 đồng/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ

- Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000 đồng/01 sản phẩm, dịch vụ - Phí thẩm định nội dung: 550.000 đồng/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ

- Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000 đồng/01 sản phầm, dịch vụ.

Chi phí cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu:

- Lệ phí cấp bằng: 120.000 đồng/01 nhóm

- Lệ phí cấp bằng từ nhóm thứ hai trở đi: 100.000 đồng/01 nhóm

- Phí đăng bạ: 120.000 đồng/01 văn bằng bảo hộ

- Phí công bố: 120.000 đồng/01 quyết định/thông báo.

 

6. Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu và gia hạn hiệu lực bảo hộ

Thời hạn bảo hộ thương hiệu: từ ngày cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn.

Gia hạn hiệu lực bảo hộ: Để thực hiện kéo dài hiệu lực bảo hộ, chủ sở hữu nhãn hiệu cần nộp đơn gia hạn bảo hộ đến Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam trước thời điểm Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hạn 06 tháng. Hoặc chủ sở hữu có thể nộp trong vòng 06 tháng sau khi văn bằng hết hạn và chủ sở hữu phải nộp lệ phí gia hạn muộn.

Ví dụ nhãn hiệu "ABCD" đăng ký nhóm 07: máy nông nghiệp; máy cày; máy cấy.

Nộp đơn đăng ký ngày: 01/07/2020

Ngày cấp bằng: 02/10/2022

Hiệu lực bảo hộ đến: 01/07/2030.  

Thời điểm nộp yêu cầu gia hạn: 01/01/2030 đến 01/01/2031

Chi phí gia hạn: 1.200.000 VNĐ (nếu nộp muộn thì mỗi tháng nộp muộn cộng thêm 10.000 VNĐ).

Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc. Quý khách cũng có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được báo phí và tư vấn sớm nhất. Xin trân trọng cảm ơn!