Thưa luật sư, hiện tại tôi đang nghiên cứu về vấn đề tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội. Vậy mong luật sư giải đáp giúp tôi phương pháp nào được áp dụng trong việc tổng hợp hình phạt này ạ? Rất mong nhận được giải đáp từ luật sư. Xin chân thành cảm ơn! (Hoàng Huy - Lạng Sơn)

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900 6162

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Cơ sở pháp lý:

- Bộ luật hình sự năm 1985

- Bộ luật hình sự năm 1999

- Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

1. Phạm nhiều tội là gì?

Phạm nhiều tội là trường hợp người phạm tội có nhiều hành vi phạm tội độc lập hoặc chỉ có một hành vi phạm tội và hành vi đã thực hiện đó thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm khác nhau.

2. Phương pháp tổng hợp hình phạt trong pháp luật hình sự Việt Nam

2.1. Phương pháp tổng hợp hình phạt trước khi ban hành bộ luật năm 1999

Căn cứ vào thực tiễn xét xử trong thời gian trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1999, có thể thấy có hai phương pháp thường được các Tòa án áp dựng khi tổng hợp hình phạt:

Phương pháp thứ nhất: thu hút hình phạt.

Đây là một trong những phương pháp tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội trên thế giới. Thực chất của phương pháp này là thu hút hình phạt nhẹ vào hình phạt nặng. Nói cách khác, khi áp dụng phương pháp này trong mọi trường hợp không được thu hút hình phạt nặng vào hình phạt nhẹ và lấy hình phạt đó làm hình phạt chung.

Trong thực tiễn xét xử cho thấy, phương pháp này thường được áp dụng khi các tội đã phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất khác nhau, thể hiện ở chỗ các mức hình phạt đã tuyên cho từng tội rất chênh lệch nhau; khi Tòa án quyết định cho từng tội các hình phạt khác loại; khi Tòa án tuyên hình phạt cao nhất đối với một trong các tội phạm là tử hình, tù chung thân hoặc tù hai mươi năm; khi có tổng hợp trừu tượng tức là khi có một hành vi phạm tội, nhưng hành vi đó cấu thành hai tội phạm độc lập trở lên.

Phương pháp thứ hai: phương pháp cộng các hình phạt (cộng toàn bộ hoặc một phần hình phạt).

Thực tiễn cho thấy, thông thường Tòa án áp dụng phương pháp này để quyết định hình phạt chung khi tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm tương đương nhau hoặc các tội phạm đó không có quan hệ hữu cơ với nhau mà nhằm thực hiện những mục đích khác nhau. Có hai cách cộng các hình phạt: cộng toàn bộ và cộng một phần hình phạt, Việc chọn cách nào là tùy thuộc từng trường hợp phạm tội cụ thể. Nhưng trong mọi trường hợp, việc cộng các hình phạt phải bảo đảm ba yêu cầu cơ bản sau:

Một là, nếu các hình phạt đối với từng tội là các hình phạt khác loại, thì phải chuyển thành hình phạt cùng loại;

Hai là, hình phạt chung không được vượt quá mức cao nhất của loại hình phạt đã tuyên;

Ba là, hình phạt chung phải nằm trong phạm vi loại hình phạt đã tuyên.

Thực tiễn xét xử trước khi có Bộ luật hình sự năm 1999 cho thấy, có nhiều trường hợp một người phạm từ ba tội trở lên, việc quyết định hình phạt cũng được tiến hành theo cách thức nói trên, trong đó có thể áp dụng đồng thời cả hai phương pháp quyết định hình phạt. Vướng mắc lớn nhất đối với việc áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 1985 về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội là Bộ luật không quy định cụ thể về điều kiện áp dụng phương pháp thu hút và phương pháp cộng hình phạt, cách thức chuyển đổi hình phạt khác loại dẫn đến việc áp dụng của các Tòa án không thống nhất.

2.2. Phương pháp tổng hợp hình phạt trong Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015

Trong Bộ luật hình sự năm 1999, tuy không chỉ ra tên phương pháp tổng hợp, nhưng trên cơ sở lý luận luật hình sự, có thể nhận thấy hai phương pháp tổng hợp hình phạt đã được các nhà lập pháp sử dụng tại Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999, đó là phương pháp thu hút và phương pháp cộng các hình phạt. Đây có thể nói là một bước tiến đáng ghi nhận về mặt kỹ thuật lập pháp hình sự của nước ta. Bởi lẽ tại Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1985, nhà lập pháp của nước ta chỉ nêu ra nguyên tắc chung của việc tổng hợp hình phạt: “hình phạt chung không được vượt quá mức cao nhất của loại hình phạt đã tuyên”, mà không nêu cụ thể trong trường hợp nào thì sử dụng phương pháp thu hút và trong trường hợp nào thì sử dụng phương pháp cộng hình phạt. Thời gian đó, việc lựa chọn, áp dụng phương pháp tổng hợp hình phạt nào là do Tòa án quyết định căn cứ vào từng vụ án cụ thể, vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm, vào các loại hình phạt đã được quyết định đối với từng tội, cũng như nhân thân các bị cáo...

Khắc phục nhược điểm này, Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định cụ thể về cách thức cộng các hình phạt, cách thức chuyển đổi hình phạt khác loại (hình phạt tù và hình phạt cải tạo không giam giữ); cách thức thu hút hình phạt: nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân, thì hình phạt chung là tù chung thân, nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình. Bộ luật hình sự năm 1999 cũng đã quy định các trường hợp không tổng hợp với các loại hình phạt khác: đó là hình phạt tiền và hình phạt trục xuất.

Nội dung này đã được Bộ luật hình sự năm 2015 kế thừa hoàn toàn và không có sửa đổi bổ sung nào. Cụ thể, tại Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau:

“Khi xét xử cùng 01 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:

1. Đối với hình phạt chính:

a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;

b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;

d) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;

đ) Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;

e) Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác;

2. Đối với hình phạt bổ sung:

a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;

b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.”

3. Phương pháp tổng hợp hình phạt trong quy định của một số quốc gia khác

Về phương pháp tổng hợp hình phạt, nghiên cứu luật hình sự của một số nước trên thế giới cho thấy, các nước đều áp dụng phương pháp thu hút hình phạt và phương pháp cộng hình phạt, nhưng cách thức áp dụng hai phương pháp này của từng nước có khác nhau. Điều 70 Bộ luật hình sự năm 1996 của Liên bang Nga đã quy định cụ thể về cách thức tổng hợp hình phạt như sau:

“1. Nếu các tội đã phạm chỉ là tội ít nghiêm trọng thì hình phạt chung được quyết định bằng cách thu hút hình phạt nhẹ vào hình phạt nặng hơn hoặc cộng một phần hoặc toàn bộ hình phạt. Hình phạt chung không được vượt quá mức cao nhất của hình phạt đôi với tội nặng nhất đã phạm.

2. Nếu các tội đã phạm là tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì hình phạt chung được quyết định bằng cách cộng một phần hoặc toàn bộ hình phạt. Hình phạt chung là phạt tù có thời hạn không được vượt quá hai mươi năm.

3. Trong trường hợp phạm nhiều tội có thể quyết định hình phạt bổ sung cùng với hình phạt chính. Hình phạt bổ sung chung khi cộng một phần hoặc toàn bộ hình phạt không được vượt quá thời hạn tối đa hoặc mức tối đa của loại hình phạt đó do Phần chung Bộ luật này quy định.

4. Quy tắc quyết định hình phạt nói trên cũng được áp dụng đối vói trường hợp sau khi tuyên án mới xác định được người bị kết án còn phạm một tội khác trước khi bị kết án về tội thứ nhất. Trong trường hợp này, thời hạn hình phạt chung được tính cả hình phạt đã chấp hành theo bản án trưốc của Tòa án”.

Cách xác định thời hạn hình phạt khi cộng hình phạt đối với quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội và trong trường hợp tổng hợp nhiều bản án cũng được quy định cụ thể tại Điều 72 Bộ luật hình sự năm 1996 của Liên bang Nga:

“1. Khi cộng một phần hoặc toàn bộ hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội và tổng hợp bản án, một ngày tù tương đương:

  1. Một ngày phạt giam hoặc giữ ở đơn vị kỷ luật quân đội;
  2. Hai ngày hạn chế tự do;
  3. Ba ngày lao động cải tạo hoặc hạn chê phục vụ trong quân đội;
  4. Tám giờ lao động bắt buộc”.

Trong Bộ luật hình sự của Nhật Bản, quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội được quy định tại các Điều 46, 47, 48, 49. Việc thu hút hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội được quy định tại Điều 46: “Khi hình phạt tử hình được tuyên đối với một trong số các tội đã phạm thì không một hình phạt nào khác có thể được áp dụng trừ tịch thu tài sản.

Khi hình phạt tù chung thân, lao động bắt buộc được tuyên đôi vối một trong số các tội đã phạm, thì không một hình phạt nào khác có thể được áp dụng trừ phạt tiền, phạt tiền về tội hình sự nhỏ và tịch thu tài sản”. Việc tăng nặng hình phạt đối với trường hợp phạm nhiều tội được quy định tại Điều 47: “Trong trường hợp phạm nhiều tội, khi có hai hoặc nhiều tội bị phạt tù có thời hạn có (hoặc không có) lao động bắt buộc, thì mức tôì đa của hình phạt chung là mức tối đa của hình phạt được quy định đốì với tội nặng nhất trong sô các tội đã phạm, tăng thêm 1/2, nhưng không được vượt tổng số mức tối đa của các hình phạt được quy định đối với các tội đã phạm”.

Việc tịch thu tài sản, đồ vật, phương tiện đối với trường hợp phạm nhiều tội được quy định tại Điều 49: “Thậm chí, đối với tội nặng nhất trong số các tội đã phạm không quy định hình phạt tịch thu tài sản thì hình phạt đó có thể được áp dụng bổ sung cho hình phạt chính, khi đôì với bất cứ tội nào trong số các tội đã phạm có quy định hình phạt này.

Hai hoặc nhiều hình phạt tịch thu tài sản được áp dụng đồng thời”.

Việc đại xá đối với trường hợp phạm nhiều tội được quy định tại Điều 52: “Khi một người bị kết án về nhiều tội đã được khoan hồng theo quyết định đại xá đối với bất cứ tội nào trong số các tội bị kết án, thì hình phạt được quyết định lại đối vối những tội không được đại xá”.

Đối với pháp luật hình sự của Mỹ quy định, trong trường hợp phạm nhiều tội thì mức hình phạt tù có thời hạn có thể lên đến hàng trăm năm.

Trong Bộ luật hình sự của Cộng hòa liên bang Đức, quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội có sự khác nhau giữa trường hợp “Một hành vi cấu thành nhiều tội” và trường hợp “Nhiều hành vi cấu thành nhiều tội”.

Trong Bộ luật hình sự năm 1979 cũng như Bộ luật hình sự năm 1997 của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quyết định hình phạt trong trường, hợp phạm nhiều tội đã được quy định tại Điều 69: “Trước khi tuyên án đối với người phạm nhiều tội, trừ mức tử hình và tù chung thân, phải căn cứ vào tình hình cụ thể để quyết định thời hạn chấp hành hình phạt. Thời hạn hình phạt thấp hơn thời hạn của hình phạt chung và cao hơn thời hạn của hình phạt nặng nhất trong các tội đã phạm, nhưng mức độ quản chế không vượt quá ba năm, cải tạo không giam giữ không vượt quá một năm, tù giam không vượt quá hai mươi năm”(2).

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung "Phương pháp tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội". Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập