1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ

Trên cơ sở vị trí pháp lý mà Hiến pháp đã ghi nhận, Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

+ Lãnh đạo công tác của các bộ, các cơ quan ngang bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp, xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước thống nhất từ trung ương đến cơ sở; hương dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định; đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;

+ Bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân; tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân;

+ Trình dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác trước Quốc hội và ủy ban Thường vụ Quốc hội;

+ Thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân, phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, các dịch vụ công; quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân; thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia;

+ Thi hành những biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình; bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước và của xã hội; bảo vệ môi trường;

+ Củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân; thi hành lệnh động viên, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và mọi biện pháp cần thiết khác để bảo vệ đất nước;

+ Tổ chức và lãnh đạo công tác kiểm kê, thống kê của Nhà nước; công tác thanh tra và kiểm tra nhà nước, chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong bộ máy nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;

+ Thống nhất quản lý công tác đối ngoại; đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp do Chủ tịch nước ký với người đứng đầu Nhà nước khác; đàm phán, ký, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài;

+ Thực hiện chính sách xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo; thống nhất quản lý công tác thi đua khen thưởng;

+ Quyết định việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

+ Phối hợp với uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương của đoàn thể nhân dân trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; tạo điều kiện để các tổ chức đó hoạt động có hiệu quả.

2. Vi phạm quyền con người

Vi phạm nhân quyền gây ra bởi các chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước là các hành động lạm dụng, bỏ qua hoặc chối bỏ các quyền cơ bản của con người (bao gồm quyền dân sự, chính trị, văn hóa, xã hội và kinh tế). Vi phạm nhân quyền cũng xảy ra khi các chủ thể trên vi phạm bất cứ điều khoản nào trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp Quốc hoặc các luật quốc tế về nhân quyền và nhân đạo khác. Điều 39 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền chỉ định Hội đồng An ninh Liên Hợp Quốc (hay một cơ quan được giao trách nhiệm) là cơ quan có quyền tài phán xét xử các vụ vi phạm nhân quyền.

Hành động vi phạm nhân quyền được Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc gia, các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ độc lập giám sát. Các tổ chức này thu thập bằng chứng và tài liệu về các cáo buộc vi phạm nhân quyền và gây áp lực nhằm thực thi pháp luật về nhân quyền.

Tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại là những sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất.

3. Vai trò phát hiện và xử lý vi phạm liên quan đến quyền con người

Chính phủ có vai trò phát hiện và xử lý vi phạm liên quan đến việc thực hiện các quyền cơ bản của con người.

Với chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động trong nội bộ máy hành chính nhà nước, Chính phủ có vai trò đảm bảo tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ và chính quyền địa phương ban hành. Trong đó, chú trọng tới việc đảm bảo tính thống nhất trong các quy định pháp luật về quyền con người đã được Hiến pháp trang trọng tuyên bố.

Bên cạnh đó, trong hoạt động của mình, Chính phủ đưa ra các biện pháp xử lý vi phạm hành chính vi phạm đến các quyền cơ bản của con người và áp dụng các chế tài hành chính hữu hiệu. Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức xâm phạm và gây thiệt hại đến quyền con người cũng được Chính phủ xác định trách nhiệm để có các biện pháp kỷ luật và xác định chế độ chịu trách nhiệm cả về vật chất lẫn tinh thần. Với các biện pháp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh bằng các biện pháp hành chính, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện nguyên tắc được Hiến pháp ghi nhận: “Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật" (Điều 12).

4. Giáo dục quyền con người góp phần hạn chế sự vi phạm

Để hiểu về quyền con người, giá trị của quyền con người, chúng ta cần nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân nói chung về quyền con người đặc biệt là quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong giai đoạn mới.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1309/TTg ngày 5 tháng 9 năm 2017 phê duyệt Đề án Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2017 – 2025. Theo đó nội dung quyền con người được đưa vào tất cả các cấp học, ngành học, từ hệ thống giáo dục mầm non cho tới giáo dục đại học và sau đại học để nâng cao nhận thức về quyền con người của cả người học và người dạy.

Thực hiện có hiệu quả Đề án có ý nghĩa rất lớn không chỉ về mặt chính trị, thể hiện sự cam kết của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về nghĩa vụ thực thi các điều ước quốc tế về quyền con người, mà còn có ý thực tiễn làm thay đổi quan điểm, nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của quyền con người và giáo dục quyền con người.

Khi người dân nhận thức được về quyền, sẽ giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền do thiếu hiểu biết; giúp mỗi người nhận thức được về quyền, hiểu được ý nghĩa, giá trị của các quyền, biết tự mình bảo vệ các quyền của mình đồng thời có nghĩa vụ, trách nhiệm tuân thủ pháp luật​, biết tôn trọng phẩm giá, các quyền và tự do của người khác. Cũng qua đó, họ nhận diện được những kẻ lợi dụng nhân quyền, mượn cớ nhân quyền để can thiệp, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về quyền con người.

5. Xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền con người

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đánh dấu một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức.

Trong đó, việc xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền con người, quyền cơ bản của công dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội là một trong các nội dung được Bộ luật đặc biệt chú trọng.

Thực hiện khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Chương “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người” của BLHS năm 2015 đã được bổ sung và gồm có 34 Điều (từ Điều 123 đến Điều 156). So với BLHS năm 1999, Chương này của BLHS năm 2015 tăng 3 điều và có nhiều điểm được sửa đổi, bổ sung cơ bản theo hướng bảo đảm xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền con người, quyền cơ bản của công dân, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Trên cơ sở lựa chọn những nội dung đã được thực tiễn kiểm nghiệm, khẳng định là còn phù hợp nhằm tăng tính minh bạch, rõ ràng, BLHS năm 2015 đã lượng hóa nhiều tình tiết định tính trong Chương XII của BLHS năm 1999. Cụ thể, BLHS 2015 đã cụ thể hóa các tình tiết định tội, định khung có tính chất trừu tượng như “hậu quả nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”, “nhiều người”, “nhiều lần”… trong cấu thành của các tội phạm. Chương này đã thay cụm từ “thương tật” bằng cụm từ “tổn thương cơ thể” ở hầu hết các điều luật cho phù hợp với thực tiễn và phù hợp với các văn bản của cơ quan quản lý chuyên ngành (Thông tư 20/TT-BYT ngày 12/6/2014 quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định tâm thần). Đồng thời bổ sung nhiều tình tiết định khung tăng nặng mới phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh phòng, chống nhóm tội phạm.

Thực tiễn thời gian qua có nhiều vụ việc người phạm tội gây thương tích cho nạn nhân bằng cách tạt axit. Qua giám định thương tích, có thể tỷ lệ thương tích không lớn nhưng hậu quả để lại cho nạn nhân là vô cùng nghiêm trọng, hủy hoại cuộc sống, tương lai của nạn nhân, gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho họ và người thân trong suốt cuộc đời. Những hành vi này gây hoang mang, bức xúc và bất bình lớn trong nhân dân nhưng mức hình phạt đối với hành vi này không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi căn cứ vào tỷ lệ thương tích của nạn nhân. Do vậy, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134). Theo đó, đã bổ sung tình tiết “Dùng axit nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm” và bổ sung tình tiết tăng nặng “phạm tội trong thời gian đang chấp hành hình phạt tù, đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc” đồng thời, thay từ “thương tật” bằng cụm từ “tổn thương cơ thể”. Điều 134 đã cụ thể hóa tình tiết “nhiều người”, “phạm tội nhiều lần”, “trẻ em” bằng các tình tiết “từ 2 người trở lên”, “phạm tội từ 2 lần trở lên”, “đối với 2 người trở lên”, “đối với người dưới 16 tuổi”; sửa đổi tình tiết “phụ nữ đang có thai” bằng tình tiết “phụ nữ mà biết là có thai” để khẳng định ý thức chủ quan của người phạm tội. Điều luật cũng đã bỏ tình tiết phạm tội nhiều lần đối với cùng một người.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm)