Mục lục bài viết
1. Người bào chữa là ai?
Về diện chủ thể người bào chữa, ngoài luật sư và bào chữa viên nhân dân, khoản 2 Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định hai diện chủ thể mới là “Trợ giúp viên pháp lý” trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý và “Người đại diện của người bị buộc tội”. Trước đây, diện người bào chữa có thể là “người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”, nay được quy định khái niệm rộng hơn là “người đại diện của người bị buộc tội”. Theo Nghị quyết số 05 ngày 08-12- 2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quy định một trong những chủ thể có quyền kháng cáo là người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) của bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất và người đại diện hợp pháp của người bị hại bao gồm cha, mẹ, vợ và con thành niên. Trong khi đó, khoản 1 và 2 Điều 141 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về người đại diện theo pháp luật bao gồm: Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; Người giám hộ đối với người được giám hộ.
Đó là chưa kể người đại diện của người bị buộc tội trong trường hợp pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.
Khoản 3 Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 lần đầu tiên làm rõ hơn tiêu chuẩn bào chữa viên nhân dân là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, có đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
2. Thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong Luật luật sự
Trong điều kiện Luật luật sư năm 2006 (sửa đổi năm 2012) vẫn duy trì thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa, có thể nói thực trạng thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cho thấy, đây chính là rào cản lớn nhất, hạn chế sự tham gia của người bào chữa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đặt trong vòng tố tụng. Trong các báo cáo đánh giá thực trạng hành nghề luật sư và kiến nghị gửi Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), cũng như tại các cuộc gặp với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiên trì quan điểm đề nghị bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa, chuyển sang chế độ đăng ký đối với diện chủ thể người bào chữa.
3. Thủ tục đăng ký bào chữa theo BLTTHS 2015
Theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thủ tục đăng ký bào chữa như sau: Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ sau: (a) Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội; (b) Người đại diện của người bị buộc tội xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mới quan hệ của họ với người bị buộc tội; (c) Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử Bào chữa viên nhân dân của ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận; (d) Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực. Việc xuất trình các giấy tờ đối với trường hợp chỉ định người bào chữa theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng như sau: (a) Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề là cá nhân; (b) Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; (c) Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Nhằm thực hiện thủ tục đăng ký, khoản 4 Điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều này thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu các giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản”. Khoản 6 Điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ các trường hợp: a) Người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa; b) Người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa”.
4. “Văn bản thông báo người bào chữa”
Trong quá trình thảo luận, cũng có ý kiến cho rằng “văn bản thông báo người bào chữa” là một dạng biến tướng của hình thức thủ tục hành chính khác, có thể gây khó khăn cho việc tham gia tố tụng của người bào chữa. Theo nhận thức của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tinh thần của điều luật nêu trên khác về bản chất so với quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 khi dành cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyền xét cấp, thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa theo cơ chế “xin - cho”. Quy định mới về thủ tục đăng ký trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã chuyển hóa thành nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong vòng 24 giờ phải gửi văn bản thông báo cho người bào chữa và cơ sở giam giữ để người bào chữa thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Khoản 6 và 7 Điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tố tụng, trừ các trường hợp sau: (a) Người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa; (b) Người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hủy bỏ việc đăng ký bào chữa và thông báo cho người bào chữa, cơ sở giam giữ khi thuộc một trong những trường hợp: (a) Khi phát hiện người bào chữa thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 của Bộ luật này; (b) Vi phạm pháp luật khi tiến hành bào chữa.
5. Tiếp nhận, thực hiện thủ tục đăng ký bào chữa
Theo Thông tư 49/2019/TT-BTC:
- Trực ban hình sự của Cơ quan điều tra hoặc trực ban hình sự của từng đơn vị điều tra (trong trường hợp không tổ chức trực ban hình sự chung) có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đăng ký bào chữa. Khi nhận được hồ sơ đăng ký bào chữa, trường hợp Cơ quan điều tra tổ chức trực ban hình sự chung thì cán bộ trực ban hình sự có trách nhiệm ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận vào sổ trực ban hình sự, chuyển ngay cho đơn vị thụ lý vụ án để đóng dấu văn bản đến và giao ngay cho Điều tra viên được phân công giải quyết vụ án. Trường hợp đơn vị điều tra tổ chức trực ban hình sự riêng, cán bộ trực ban hình sự có trách nhiệm đóng dấu văn bản đến, ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận và chuyển ngay cho Điều tra viên được phân công giải quyết vụ án.
Điều tra viên có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Điều tra viên có trách nhiệm trình Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (khi được Thủ trưởng phân công hoặc ủy quyền) ký Thông báo về việc đăng ký bào chữa và vào sổ đăng ký bào chữa. Trường hợp hồ sơ đăng ký bào chữa chưa bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra thông báo cho người đăng ký bào chữa biết để bổ sung hồ sơ.
Trường hợp người bào chữa làm thủ tục đăng ký bào chữa cho những người đã có quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra thông báo cho người đăng ký bào chữa biết.
- Thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký bào chữa được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
- Cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm từ chối việc đăng ký bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và hủy bỏ việc đăng ký bào chữa theo quy định tại khoản 7 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi có căn cứ từ chối hoặc từ khi hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối, hủy bỏ việc đăng ký bào chữa cho người bào chữa, cơ sở giam giữ.
Trường hợp Cơ quan đang thụ lý vụ án hủy bỏ thông báo người bào chữa thì phải thông báo cho tổ chức quản lý người bào chữa bằng văn bản và nêu rõ lý do hủy bỏ.