Mục lục bài viết
1. Chồng có quyền ly hôn và nuôi con khi vợ bỏ nhà đi?
Thưa Luật sư, tôi có vấn đề vướng mắc xin được hỏi Luật sư: Hiện giờ, tôi muốn ly hôn vợ tôi nhưng tôi vẫn đang băn khoăn rằng liệu mình có được quyền nuôi con không hiện tại chúng tôi được một cháu gái 03 tuổi. Tôi thì công việc ổn định rồi, còn cô ấy cũng vẫn đang chưa có việc ổn định. Trong thời gian cô ấy bỏ đi một mình tôi phải nuôi con, khi đó cháu bé mới được 21 tháng tuổi?
Xin cảm ơn Luật sư!
>> Tư vấn quyền nuôi con khi Vợ/chồng ly hôn, gọi: 1900.6162
Trả lời:
Căn cứ Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Theo thông tin mà bạn cung cấp thì con bạn đã được 03 tuổi. Hơn nữa, trước đây vợ bạn cũng bỏ đi và một mình bạn phải nuôi con từ khi cháu mới 21 tháng tuổi. Theo quy định của Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nêu trên thì trong trường hợp con từ đủ 03 tuổi trở lên Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên nuôi dưỡng căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con.
Như vậy, nếu vợ bạn không có việc làm ổn định và bạn có khả năng tốt hơn cho sự phải triển của con thì có thể bạn sẽ được quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
>> Tham khảo bài viết liên quan: Tư vấn ly hôn và giành quyền nuôi con với chồng ham cờ bạc?
2. Quyền nuôi con và phân chia tài sản sau khi ly hôn?
Chào luật sư! Tôi và chồng kết hôn năm 2008, có một bé gái sinh năm 2011. Nay vì không thể sống được với nhau. Chúng tôi muốn ly hôn, tài sản của chúng tôi có một nhà rộng 150m vuông, 8 sào đất cà phê.
Nhưng đều chưa sang tên mà mang tên bố mẹ chồng. Chúng tôi có nuôi bò, bây giờ, có 4 con bò vắt sữa, 4 con bê con, 1 con bê 17 tháng tuổi. Tiền mua bò chúng tôi mượn ngân hàng 250 triệu - là do bố mẹ chồng đứng tên mượn giúp. Đầu năm 2016, chúng tôi nhờ bố mẹ chồng đứng tên vay thêm để mua máy múc. Hiện chồng tôi đang làm, trong thời gian chung sống, bố mẹ ruột tôi có cho 90 triệu đều mang về gia đình sử dụng mục đích chung. Riêng bản thân tôi ở nhà nội trợ và nuôi bò. Nguyện vọng trong đơn chồng tôi viết là muốn nuôi con gái. Nay tôi muốn tư vấn: Nếu ly hôn thì tôi có được nuôi con không? Và tòa giải quyết thế nào?
Tôi xin cảm ơn !
Trả lời:
Thứ nhất, theo khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
"Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn."
Như vậy, bạn hoặc chồng bạn đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Thứ hai, về việc nuôi con thì pháp luật quy định anh chị có thể thỏa thuận về việc nuôi con sau ly hôn. Nếu không thỏa thuận được thì giải quyết căn cứ theo Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, theo đó, nếu vợ chồng bạn không thỏa thuận được về vấn đề nuôi con mà bạn muốn giành quyền nuôi con thì bạn phải có căn cứ để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho con về mọi mặt hơn hẳn chồng của bạn. Như vậy, Tòa án sẽ cân nhắc, xem xét vợ hay chồng có quyền nuôi con. Người không trực tiếp nuôi dưỡng con cái thì có nghĩa vụ, trách nhiệm cấp dưỡng cho con.
Thứ ba, về việc phân chia tài sản sau khi ly hôn trong trường hợp sống chung với gia đình được thực hiện căn cứ theo Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
"Điều 61. Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình
1. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định tại Điều 59 của Luật này."
>> Xem thêm: Hướng dẫn về quyền nuôi con khi ly hôn tại tòa án
3. Quyền nuôi con 03 tuổi khi ly hôn thuộc về ai?
Thưa Luật sư: Vợ chồng tôi đăng ký kết hôn được 04 năm, hiện có một con nhỏ 03 tuổi. Cuộc sống hai vợ chồng sau khi sinh con có nhiều xáo trộn, nguyên nhân do nhiều cái, từ tâm sinh lý của vợ tôi sau sinh, đến những mâu thuẫn nhỏ sinh hoạt hàng ngày trong gia đình. Nói chung cả hai vợ chồng không ai làm điều gì có lỗi cho nhau. Bản thân tôi là một người chồng không tệ nạn, không vũ phu, tuy không làm ra nhiều tiền nhưng làm ăn chân chính. Tóm lại, nếu theo như giả thiết coi tôi là mà vợ tôi "đơn phương" chán chồng muốn chia tay thì khi chia tay tôi có quyền được nuôi con không? Tôi được biết luật pháp có quy định về điều kiện nuôi con, nhưng tôi đang thấy chưa được công minh cũng như không phục khi mà người chồng sống yêu thương gia đình, không làm gì có lỗi mà vợ đơn phương chán, muốn chia tay để rồi người chồng như tôi phải xa con - một người chồng hoàn thiện.
Tất nhiên như bình thường nếu chia tay cả hai vẫn có nghĩa vụ phải chăm lo cho con, nhưng cái tôi muốn nói ở đây đó là được quyền trực tiếp nuôi con. Không so sánh là ai có khả năng nuôi con được tốt hơn, nhưng tôi chứng minh đủ khả năng nuôi được con?
Mong anh chị giải đáp cho tôi vấn đề khúc mắc này nhé. Tôi xin chân thành cảm ơn!
>> Luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình về quyền nuôi con trực tuyến, gọi: 1900.6162
Trả lời:
Điều 58 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định như sau:
"Điều 58. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con sau khi ly hôn
Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được áp dụng theo quy định tại các điều 81, 82, 83 và 84 của Luật này."
Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp, cần xác định con bạn đã đủ 03 tuổi hay chưa, nếu chưa đủ 03 tuổi tức là dưới 36 tháng tuổi thì theo quy định của pháp luật, người mẹ trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, nếu trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc giữa hai vợ chồng bạn có thỏa thuận để thấy rằng việc bạn nuôi con sẽ phù hợp với lợi ích của con bạn thì khi đó quyền nuôi con sẽ thuộc về bạn.
Việc bạn chứng minh có đủ điều kiện nhưng nếu vợ bạn cũng chứng minh đủ điều kiện không có thỏa thuận với bạn quyền nuôi con thuộc về bạn thì bạn không được là người trực tiếp nuôi con. Do đó, trong vấn đề của bạn, trước hết bạn nên thỏa thuận với người vợ của mình về vấn đề nuôi con, để hai bên thỏa thuận. Nếu việc thỏa thuận không thành thì bạn có thể chứng minh người vợ không đủ điều kiện hoặc việc con sống cùng vợ không phù hợp lợi ích của con.
Nếu con bạn đủ 36 tháng tuổi, thì vợ chồng bạn sẽ thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên dựa vào quyền lợi mọi mặt của con.
4. Hướng dẫn về quyền nuôi con và chia tài sản khi ly hôn?
Thưa Luật sư! Cho phép em được hỏi luật sư một số câu hỏi như sau, kính mong luật sư có thể trả lời giúp em hiểu hơn. Em xin chân thành cảm ơn ạ! Em lập gia đình năm 2008, khi đó hai vợ chồng em tay trắng và ở chung cùng bố mẹ chồng.
Cuối năm 2008, em sinh cháu gái đầu tiên. Đến năm 2011, gia đình bố mẹ chồng em có nhận khoản đền bù đất nông nghiệp và ông bà làm nhà riêng, sau đó cho hai vợ chồng em về nhà cũ để ở. Sau 02 năm thì vợ chồng em có nhận được tiền đền bù đất nông nghiệp của chồng em một khoản là 500 triệu đồng. Năm 2013, chúng em đã xây nhà 3 tầng. Lúc này, bố mẹ chồng em đã sang tên sổ đỏ chính thức cho chồng em diện tích 95 mét vuông. Vợ chồng em đã làm nhà trên diện tích 40 mét vuông. Còn số diện tích còn lại thì để trống. Trong khoảng nhiều năm trở lại đây chồng em công việc bấp bênh không có thu nhập, hoặc khi có thu nhập thì chồng em ít khi trợ giúp về gia đình. Hàng tháng không trợ cấp cho em và con, nhưng vì em đi làm có thu nhập nên gần như một mình em trang trải cuộc sống gia đình. Từ tiền điện nước đến tiền đóng học cho con, tiền sinh hoạt phí gia đình đều do em trang trải. Đỉnh điểm là khoảng thời gian em có sinh cháu trai thứ hai. Nhưng chồng em không hề giúp đỡ em về kinh tế mà đều do em phải vay mượn bạn bè và sự giúp đỡ của gia đình nội ngoại để đi sinh bé. Em sinh con về được hơn 10 ngày thì chồng em đã mang chiếc xe máy là tài sản chung của gia đình đi cắm lấy tiền chơi cờ bạc, ma tuý đá và nuôi nhân tình bên ngoài. Sau đó về còn yêu cầu em đưa tiền để chuộc xe. Em đã chuộc xe về vì em không có phương tiện đi lại. Khi em bé nhà em được hơn 01 tháng thì em lại phát hiện ra chồng em liên tục chơi ma tuý đá và ngoại tình với cô nàng hơn 2 tuổi bán ma tuý. Gần như chồng em thường xuyên đi qua đêm không có nhà mặc mẹ con em tự trông nhau. Em rất khổ tâm vì hai con đều còn nhỏ dại và em đang trong giai đoạn nuôi con mọn ở nhà nghỉ không lương. Nhưng chồng em không biết suy nghĩ và đối xử với mẹ con em như vậy. Em đã quyết tâm sẽ ly hôn vì em rất sợ nhiều khi chồng em chơi thuốc về có biểu hiện rất đáng sợ, em lo sẽ hại đến em và các con. Vậy luật sư cho em hỏi:
- Nếu em ra toà ly hôn thì em có được nuôi cả hai con không? Một bé 09 tuổi và một bé 03 tháng tuổi.
- Con gái lớn của em năm nay bước sang 09 tuổi vậy cháu có được ở với bố hoặc mẹ theo nguyện vọng của cháu không? Mặc dù em không có nhà cửa riêng, em sẽ phải đi thuê trọ.
- Về tài sản thì em có được hưởng quyền lợi gì về đất và nhà cửa không?
- Các tài sản trong nhà thì được phân chia như nào?
- Các con em có được hưởng gì từ số tài sản ấy không ạ?
Trên đây là những thắc mắc em muốn được nhờ luật sư giải đáp giúp em!
Em xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân trực tuyến, gọi: 1900.6162
Trả lời:
Theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 của Quốc hội quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn, theo đó, về việc nuôi con sau ly hôn, đối với bé 03 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Còn với bé 09 tuổi Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của bé. Do chồng bạn có chơi ma túy đá và có ngoại tình, nếu bạn có chứng cứ, tài liệu, giấy tờ, hình ảnh, tin nhắn, ghi âm về việc chồng mình chơi ma túy đá và ngoại tình thì trong trường hợp này để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho hai đứa trẻ Tòa sẽ quyết định cho bạn được nuôi cả hai đứa con của mình. Về các tài sản, đất đai và nhà cửa khi ly hôn sẽ được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
- Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
- Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
- Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
- Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định. Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
- Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thỏa thuận của hai bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 59 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng;
- Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định của điểm a khoản 2 Điều 62 Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
- Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo quy định tại Điều 59 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Như vậy, về phần tài sản, nếu là tài sản chung thì Tòa án giải quyết trên nguyên tắc chia đôi, tuy nhiên dựa trên những yếu tố khác được quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
>> Xem thêm nội dung liên quan: Mẫu đơn, thủ tục ly hôn và giành quyền nuôi con cho người vợ?
5. Quyền nuôi con sau ly hôn khi con chưa đủ 36 tháng?
Xin chào Luật Minh Khuê, tôi có câu hỏi xin được giải đáp như sau: Tôi và vợ kết hôn đươc 04 năm và có một con gái. Nay do chung sống không hợp nên chia tay nhưng chưa ra toà. Nay tôi có nguyện vọng nuôi con nhưng do con gái tôi chưa đủ 36 tháng. Vậy cho tôi hỏi giờ vợ tôi nộp đơn nhưng đến lúc con gái tôi 36 tháng mới xong thủ tục thì tính từ lúc nộp đơn hay từ lúc ra toà để hai người có quyền ngang nhau? Xin cảm ơn!
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162
Trả lời:
Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thụ lý vụ án như sau:
"1. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
2. Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
3. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
4. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo."
Theo quy định trên có thể thấy thụ lý vụ án là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng do Tòa án thực hiện. Việc bạn nộp đơn khởi kiện không đồng nghĩa với việc đơn của bạn sẽ được giải quyết. Nhưng nếu đơn của bạn đã được thụ lý thì chắc chắn vụ việc của sẽ được giải quyết theo đúng trình tự và thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Như vậy, thời điểm để xác định con bạn do ai trực tiếp nuôi dưỡng sau khi ly hôn cũng sẽ phụ thuộc vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ án chứ không phụ thuộc vào thời điểm vợ bạn nộp đơn khởi kiện. Do đó, nếu khi Tòa án thụ lý vụ án và đưa vụ án ra xét xử con bạn đã trên 36 tháng tuổi thì quyền nuôi con trong trường hợp này là ngang nhau giữa bạn và vợ bạn.
>> Xem thêm: Cách giành quyền nuôi con dưới 3 tuổi cho người chồng khi ly hôn?