Mục lục bài viết
- 1. Xử lý tài sản đã thế chấp khi không đủ khả năng trả nợ ?
- 1.1. Hợp đồng có đúng pháp luật không? Tài sản hợp pháp không ?
- 1.2. Tài sản đã được bán thì sau này ngân hàng có thể cưỡng chế được không và các tình huống tranh chấp có thể xảy ra
- 2. Hướng dẫn việc thu hồi nợ ngân hàng ?
- 3. Khởi kiện quyết định xử lý vi phạm hành chính ?
- 4. Hướng dẫn khởi kiện công ty để thu hồi nợ ?
- 5. Vấn đề liên quan đến bồi thường danh dự ?
- 6. Thủ tục ủy quyền để thu hồi nợ khó đòi ?
1. Xử lý tài sản đã thế chấp khi không đủ khả năng trả nợ ?
Sau thời gian kinh doanh thua lỗ, không có khả năng trả nợ và tài sản thế chấp có thể không trả đủ số tiền gốc, tôi biết là tài sản này được bán sau khi các cơ quan chức năng cho phép. Nhưng tôi còn tài sản là động sản (gồm các thiết bị máy móc nhà xưởng máy xay xát, thiết bị máy thôi vì đất là đất thuê) đã chuyển tên cho con tôi đứng bằng hợp đồng mua bán có công chứng của công chứng viên.
Ý kiến tư vấn của Văn phòng luật sư 1 thì nói: Trước khi Toà ra bản án tài sản của tôi đã sang tên như vậy là đúng pháp luật, ngân hàng không có quyền lấy tài sản này (Hiện Toà án chưa thụ án).
Ý kiến Văn phòng luật sư 2: Luật sư cho rằng, trong khi vay tôi đã dùng giấy phép kinh doanh về mua bán, xay xát lúa gạo (trong mục thông tin khách hàng chứ không liên quan gì tài sản được thế chấp, điều 2 "tài sản thế chấp chỉ có nhà và đất") nên ngân hàng có quyền lấy tài sản trên. Lúc đó ngân hàng đã cho tôi vay thêm nhưng không làm hợp đồng thế chấp gì thêm (có thể định giá tài sản tôi vay lúc đó lớn hơn số tiền đã vay).
Thưa luật sư, cho tôi hỏi hợp đồng giữa tôi và con tôi như vậy có đúng pháp luật không? Tài sản con tôi hợp pháp không và tài sản này con tôi sử dụng có bị ngân hàng có cưỡng chế được không. Có tình huống phát sinh tranh chấp gì nữa không?
Trân trọng cám ơn luật sư, chúc luật sư và gia đình sức khoẻ!
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162
Trả lời:
1.1. Hợp đồng có đúng pháp luật không? Tài sản hợp pháp không ?
Trước hết ta sẽ nói đến quyền của bên nhận thế chấp tài sản là ngân hàng, căn cứ theo Điều 323 (Bộ luật dân sự năm 2015).
"Điều 323. Quyền của bên nhận thế chấp
1. Xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc hình thành, sử dụng, khai thác tài sản thế chấp.
2. Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp.
3. Yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng.
4. Thực hiện việc đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật.
5. Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
6. Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
7. Xử lý tài sản thế chấp khi thuộc trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này."
Theo đó phạm vi tài sản thế chấp mà bạn đã cung cấp ở trên đó là chỉ có bất động sản là nhà và đất chứ không thế chấp các thiết bị máy móc dùng để sản xuất nên trong trường hợp này trước khi đến hạn thanh toán nghĩa vụ của nhà bạn đối với ngân hàng thì ngân hàng chỉ có quyền đối với tài sản được thế chấp trong hợp đồng đó là nhà và đất, các thiết bị động sản khác vẫn hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của anh nên anh có thể tự do chuyển nhượng bán lại tài sản đó. Như vậy hợp đồng mua bán tài sản của anh và con trai là hợp pháp trong trường hợp này khi được chuyển giao hợp pháp thì con anh cũng có quyền sở hữu hợp pháp đối với phần tài sản này. Tuy nhiên sẽ ngoại trừ trường hợp anh cố tình bán hết tài sản để tẩu tán tài sản trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì hiệu lực của hợp đồng mua bán này sẽ được xem xét lại, chúng tôi sẽ phân tích cụ thể ở dưới đây.
1.2. Tài sản đã được bán thì sau này ngân hàng có thể cưỡng chế được không và các tình huống tranh chấp có thể xảy ra
Sau này khi đã đến hạn thanh toán tiền mà nhà anh không thể thanh toán được thì tài sản thế chấp sẽ được xử lý như sau căn cứ theo điều 303 Bộ luật dân sự 2015
"Điều 303. Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp
1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
a) Bán đấu giá tài sản;
b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
d) Phương thức khác.
2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác."
"Điều 307. Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp
1. Số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 308 của Bộ luật này.
2. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm.
3. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán."
Như vậy nếu anh không trả được nợ tài sản được thế chấp sẽ xử lý theo phương thức mà hai bên đã thỏa thuận, theo thông tin của anh thì tài sản này sẽ được bán đi để trả nợ tuy nhiên số tài sản này không đủ để trả nợ thì bên thế chấp tài sản tức là phía anh sẽ phải trả tiếp phần tiền còn thiếu đó căn cứ theo Điều 307 Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra do số tài sản là thiết bị máy móc anh đã bán lại cho con trai mình nên ngân hàng không có quyền cưỡng chế đối với phần tài sản này nữa tuy nhiên nếu anh không trả phần tiền còn thiếu đó bên ngân hàng hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu thực hiện nghĩa vụ đối với anh, và anh sẽ bị cưỡng chế bằng các tài sản mình đang sở hữu để thanh toán nốt số tiền còn thiếu đó.
Trường hợp anh cố tình bán hết tài sản của mình đi để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng thì phía ngân hàng có thể kiện anh ra tòa án đối với hành vi tẩu tán tài sản để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015, lúc này tòa án sẽ tuyên giao dịch dân sự giữa anh và con trai là vô hiệu theo đó hợp đồng mua bán vô hiệu tài sản là các thiết bị máy móc sẽ được khôi phục lại tình trạng ban đầu thuộc quyền sở hữu của anh, như vậy ngân hàng sẽ có quyền cưỡng chế đối với tài sản này.
"Điều 124. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo
1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu."
>> Tham khảo thêm nội dung liên quan: Thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng nhưng không có khả năng trả nợ ?
2. Hướng dẫn việc thu hồi nợ ngân hàng ?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 14 Luật các tổ chức tin dụng 2010, quy định về bảo mật thông tin như sau:
"1. Nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng."
Theo như quy định trên ta có thể thấy pháp luật hiện nay chưa quy định thực sự chặt chẽ về vấn đề bảo mật thông tin của khách hàng của các tổ chức tín dụng. Đây có thể được coi là một thiếu sót trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật. Do đó, việc ngân hàng đưa thông tin về CMND hay hộ khẩu của bạn lên facebook không bị xem là trái pháp luật.
Trong trường hợp này, bạn không nên có hành vi bỏ trốn hay lảng tránh phía ngân hàng, bạn cần thỏa thuận với ngân hàng để được gia hạn thêm. Trong trường hợp không thể thỏa thuận được và phía ngân hàng nhất quyết kiện bạn ra tòa thì bạn có thể bị xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017
>> Bài viết pháp lý liên quan: Thế chấp sổ đỏ mang tên người khác để vay tiền có được không ?
3. Khởi kiện quyết định xử lý vi phạm hành chính ?
Thưa luật sư! Em có tình huống như sau rất mong được luật sư giải đáp ạ. Ông A vay tiền của Ngân hàng VPBank, để vay tiền ông A đã thế chấp xe ô tô để vay tiền ngân hàng .Trong thời gian thế chấp Ông A dùng xe ôtô đã thế chấp để chở lâm sản trái pháp luật bị lực lượng kiểm lâm bắt và lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đồng thời tịch thu tang vật lâm sản gỗ và phương tiện. Ngân hàng muốn thu hồi nợ trong khi đó ông A đã nộp phạt 1 lần giá trị xe ô tô đó. Luật sư có thể cho em biết cách giải quyết trường hợp này không ạ?
Trả lời:
Hiện tại, pháp luật không có quy định cụ thể về vấn đề này. Về nguyên tắc thì lực lượng chức năng xử lý như vậy là phù hợp vì hành vi vận chuyển lâm sản lậu là vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm để phòng ngừa và răn đe tái phạm.
Tuy nhiên, vì chiếc xe là phương tiện vận chuyển lại đang thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo cho khoản vay nên việc tịch thu là chưa phù hợp vì việc dùng chiếc xe để vận chuyển gỗ lậu là hành vi vi phạm của ông A chứ không phải của Ngân hàng . Do vậy, ngân hàng nơi nhận thế chấp cần xuất trình các giấy tờ liên quan đế việc vay và nhận thế chấp chiếc xe để lục lượng xử lý biết và có biện pháp giải quyết phù hợp, không gây tổn hại đến ngân hàng. Nếu chứng minh được ngân hàng không hề biết ông A đã dùng xe vào việc phi pháp thì chiếc xe vẫn là tài sản thế chấp cần có biện pháp quản lý phù hợp sau hành vi vi phạm này và ông A phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của riêng mình.
4. Hướng dẫn khởi kiện công ty để thu hồi nợ ?
Trả lời:
Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc thế chấp tài sản như sau:
"Điều 317. Thế chấp tài sản như sau:
1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp."
"Điều 318. Tài sản thế chấp
1. Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp."
Như vậy, nếu công ty TNHH X đã dùng các loại tài sản của công ty là máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải để thể chấp cho Ngân hàng của bạn. Do tại thời điểm giao kết hợp đồng thế chấp, chiếc ô tô mà công ty TNHH X mới có không nằm trong danh mục các tài sản bị công ty thế chấp tại Ngân hàng. Do đó, nếu phía công ty TNHH X có hành vi vi phạm về các nghĩa vụ của mình thì bên Ngân hàng cũng không được tiến hành xử lý đối với chiếc ô tô kia.
5. Vấn đề liên quan đến bồi thường danh dự ?
Cho tôi hỏi về 1 vụ việc, có 1 người anh rể tôi nhờ vay ngân hàng VPbank với số tiền 30 triệu, sau 3 tháng anh ta không đủ khả năng trả nợ, trong 2 tháng tiếp theo không đóng tiền vay trả góp. Bên VPbank có cho nhân viên về tận nhà tôi, nhà tôi có làm thủ tục thanh toán hợp đồng (sau khi thỏa thuận) trên 30 triệu. Mọi giấy tờ thanh toán hợp đồng bên tôi đều giữ, chúng tôi còn chụp ảnh làm bằng chứng về vụ việc thanh toán hợp đồng như là trao tiền. Mọi việc lắng đi và thời gian gần đây bên thu hồi nợ bên VPbank có điện thoại rất nhiều cuộc về số điện thoại chỉ với nội dung đòi số nợ đóng trễ của bản hợp đồng 30 triệu của 2 năm trước số tiền đó là 1438000. Vậy tôi có quyền đâm đơn kiện bên VPbank không, khả năng kiện thì tôi được bồi thường danh dự gì không ? Thân gửi
Trả lời:
Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn đã thanh toán toàn bộ số tiền đã vay cho ngân hàng VPBank, tất cả các giấy tờ bạn vẫn còn giữ lại, tuy nhiên gần đây phía ngân hàng lại có hành vi gọi điện rất nhiều lần và yêu cầu bạn thanh toán số nợ trước đây.
Trong trường hợp này, bạn có thể liên lạc với phía VPBank để được giải thích, yêu cầu xin lỗi,... Nếu phía ngân hàng có hành vi quấy rầy bạn quá mức, có những lời lẽ không đúng mực, gây ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của bạn thì bạn có thể ghi âm lại các cuộc nói chuyện đó, trình báo cho cơ quan công an để họ xem xét, đưa ra biện pháp giải quyết.
6. Thủ tục ủy quyền để thu hồi nợ khó đòi ?
Trả lời:
Trong trường hợp bạn muốn thu hồi một số khoản nợ đã quá hạn nhưng không muốn tự mình thực hiện việc thu hồi nợ này thì bạn có thể ủy quyền cho 1 công ty thu hồi nợ.
Công ty thu hồi nợ sẽ hoạt động theo nguyên tắc quy định tại điều 4 Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, cụ thể như sau:
"1. Chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ mới được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ.
2. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác ngoài dịch vụ đòi nợ.
3. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện các biện pháp xử lý nợ phù hợp với quy định của pháp luật.
4. Hoạt động dịch vụ đòi nợ thực hiện theo hợp đồng ủy quyền được ký kết giữa chủ nợ hoặc khách nợ với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong phạm vi quyền được pháp luật công nhận."
Về mẫu giấy ủy quyền cho công ty thu hồi nợ, bạn có thể tham khảo theo mẫu sau đây:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------***------------
GIẤY ỦY QUYỀN
(V/v thu hồi nợ........theo hợp đồng số...../20.....)
Hôm nay, ngày …. tháng…. năm 2013, tại địa chỉ: Số nhà……, ngõ………, đường…….., phường…….., quận………, thành phố Hà Nội.
Bên ủy quyền (Sau đây gọi là Bên A): Bà ..............................................
Chứng minh nhân dân số: ............................ do Công an thành phố ......... cấp ngày ....... tháng ......... năm 19..............
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Số nhà ................, phường .............., quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Bên nhận ủy quyền (Sau đây gọi là Bên B): Ông ....................................
Hộ chiếu số: ............................ Ngày cấp: ......./......../20....
Nơi cấp: Cục Quản lý Xuất nhập cảnh
Địa chỉ: Thôn ................., xã ................., huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Theo biên bản xác nhận nợ lập ngày ............ tháng ........... năm 20................ tại........................ thuộc Công ty Cổ Phần ......................................, Ông ......................... (Giám đốc Công ty Cổ Phần.................................) có vay của bà........................... tiền mặt và ........................... để đầu tư khai thác .............................. theo hợp đồng mà công ty Cổ phần ........................... đã ký với công ty Cổ Phần ............................
- Tiền mặt: .....000.000.000 đồng (......tỷ đồng chẵn);
- ..................... quy đổi thành tiền mặt là .......000.000.000 (Tỷ đồng chẵn);
Tổng số tiền còn nợ đến thời điểm hiện tại là: .....000.000.000 đồng (Bằng chữ: ..........tỷ đồng chẵn).
Bằng văn bản này, Bà ..................... quyền cho Ông ............. ............ với nội dung:
1. Bên A ủy quyền cho Bên B thay mặt Bên A thực hiện mọi giao dịch liên quan đến việc thu hồi khoản nợ ...000.000.000 (........ tỷ đồng chẵn) của ông .............. (Chứng minh nhân dân số .......................... do công an thành phố ................... cấp ngày ......... tháng ........... năm 20...........................) có nghĩa vụ thanh toán cho bên A.
2. Bên B cam kết sẽ chỉ thực hiện công việc trong phạm vi do Bên A ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Mọi hành vi trái luật hoặc nằm ngoài phạm vi ủy quyền do Bên B chịu trách nhiệm suốt quá trình thực hiện hoạt động ủy quyền.
Hợp đồng ủy quyền này có hiệu lực kể từ ngày ký và hết hiệu lực khi Bên B hoàn thành công việc mà Bên A đã ủy quyền. Hợp đồng này được lập thành 02 bản có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ 01 bản./.
BÊN ỦY QUYỀN ( BÊN A) BÊN NHẬN ỦY QUYỀN ( BÊN B)
Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực dân sự, thu hồi nợ, phát mại tài sản thế chấp... Hãy gọi ngay: 1900.6162 (nhấn máy lẻ phím 3) để được luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại giải đáp trực tiếp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự - Công ty luật Minh Khuê