Mục lục bài viết
NỘI DUNG YÊU CẦU
Xin chào Luật Minh Khuê!
Trường hợp một mảnh đất được hình thành từ vốn góp vợ 3, chồng 5 trước hôn nhân thì trước khi ly hôn đồng thuận thì nên làm thế nào:
1) Vợ có được hưởng chia đôi tài sản đất này khi mang ra xử tranh chấp ly hôn không. (Có chứng từ chứng minh chuyển tiền)
2) Trong trường hợp vợ muốn lấy lại mảnh đất, chồng sang tên cho vợ như thế nào để hậu ly hôn chồng không có quyền lợi đối với tài sản này?
3) Vị trí mảnh đất đang có thông tin quy hoạch đang bị cấm xây dựng, thì người vợ nên làm thế nào để khỏi bị thiệt thòi về tương lai?
Tôi xin chân thành cảm ơn !
CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Bộ luật dân sự 2015
- Luật hôn nhân và gia đình 2014
- Các văn bản pháp luật liên quan.
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Vợ có được hưởng chia đôi tài sản nhà đất khi ly hôn không?
1.1 Quy định về ly hôn
Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 nêu rõ:
“Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”
Trong đó, vợ, chồng hoặc cả hai người đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn:
- Nếu chỉ vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn thì thực hiện theo thủ tục ly hôn theo yêu cầu của một bên (ly hôn đơn phương);
- Nếu cả hai vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn thì thực hiện theo thủ tục thuận tình ly hôn.
Do đó, có thể hiểu thuận tình ly hôn là việc ly hôn khi có sự đồng ý, thỏa thuận của cả hai vợ chồng. Đồng thời, Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về điều kiện để Tòa án công nhận việc thuận tình ly hôn của hai vợ chồng, cụ thể:
“Điều 55. Thuận tình ly hôn
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Bởi vậy, chỉ được coi là thuận tình ly hôn nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.
Trường hợp không thỏa thuận được về một trong các nội dung trên thì vợ hoặc chồng sẽ gửi đơn khởi kiện vụ án ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết tranh chấp.
1.2 Giải quyết tranh chấp về tài sản khi ly hôn
Về tài sản:
Theo quy định tại Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
Tài sản sẽ được chia làm hai nhóm:
Một là tài sản chung của vợ chồng, được quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”
Hai là, tài sản riêng của vợ chồng được quy định cụ thể tại Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”
Điều 59, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn:
Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”
Trường hợp của chị, nếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang đứng tên vợ chồng chị thì tài sản này được xác định là tài sản chung.
Về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn sẽ ưu tiên sự thỏa thuận, Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng phân chia tài sản theo quy định của pháp luật được trích dẫn ở trên.
Theo đó thì Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố khác, trong đó có công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Do vậy, không phải trường hợp nào Tòa án cũng quyết định chia đôi đối với tài sản chung của vợ chồng.
2. Thỏa thuận chuyển tài sản chung thành tài sản riêng của vợ chồng như thế nào?
Trong trường hợp vợ muốn lấy lại mảnh đất, chồng sang tên cho vợ như thế nào để hậu ly hôn chồng không có quyền lợi đối với tài sản này?
Căn cứ tại Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
“Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.”
Theo đó, chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân là việc vợ chồng tự thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ các trường hợp việc chia tài sản chung của vợ, chồng thuộc một trong các trường hợp bị vô hiệu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Nếu trong trường hợp vợ chồng đạt được thỏa thuận về việc phân chia tài sản chung thì thỏa thuận đó phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. Văn bản thỏa thuận phân chia cần phải đảm bảo về mặt hình thức thì mới được pháp luật công nhận.
Trường hợp của chị, vợ chồng chị có thể đi công chứng văn bản thỏa thuận về việc phân chia tài sản chung, xác định mảnh đất là tài sản riêng của chị sau khi chia.
Theo quy định tại Điều 39 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được xác định theo từng trường hợp như sau:
“Điều 39. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
1. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.
2. Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.
3. Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
4. Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
Trường hợp này, chị có thể liên hệ đến Văn phòng công chứng để được tư vấn và hỗ trợ thực hiện công việc.
3. Xử lý trường hợp đất là tài sản chung của vợ chồng có quy hoạch sử dụng đất
Vị trí mảnh đất đang có thông tin quy hoạch đang bị cấm xây dựng, thì người vợ nên làm thế nào để khỏi bị thiệt thòi về tương lai?
Căn cứ theo khoản 2, Điều 49, Luật Đất đai năm 2013 (được sửa bổi, bổ sung bởi Khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch 2018) thì:
“Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, đất thuộc quy hoạch xảy ra 02 trường hợp sau:
- Chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện: Người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất như chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế…
- Có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện: Người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm.
Vấn đề quy hoạch đất là vấn đề thuộc về quản lý của nhà nước và người sử dụng đất không thể thay đổi được. Trường hợp này, chị có thể xác nhận thông tin xem đất có thuộc quy hoạch hay không thông quan một trong những cách sau:
+ Xem quy hoạch sử dụng đất trực tiếp tại trụ sở UBND cấp huyện, cấp xã.
+ Xem trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện.
+ Hỏi ý kiến công chức địa chính cấp xã hoặc người dân tại khu vực có thửa đất để có thêm thông tin.
+ Xin thông tin tại Văn phòng đăng ký đất đai.
Từ đó, chị có thể biết đất của mình có đang bị quy hoạch không, nếu có thì đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa để có thể biết quyền của người sử dụng đất như thế nào và đưa ra các quyết định liên quan đến quyền sử dụng đất (nếu có).
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.