1. Bản gốc của tác phẩm là gì?

Với cơ chế bảo hộ quyền tác giả thì tính nguyên gốc được xem là một trong những điều kiện tiên quyết khi xem xét tác phẩm. Gần như mọi tác phẩm được xem là bản gốc đều được quyền tác giả bảo hộ.

Tác phẩm theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Bên cạnh đó những đối tượng được xem là bản gốc của tác phẩm theo định nghĩa tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 22/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi về quyền tác giả, quyền liên quan thì đây là những bản được tồn tại dưới dạng vật chất mà trên đó việc sáng tạo tác phẩm được định hình lần đầu tiên.

Một cách cụ thể hơn thì đối với những tác phẩm viết thì bản gốc của nó được xem là thành phẩm hoàn chỉnh đã được viết tay hoặc sau khi đánh máy hoặc thể hiện dưới dạng ký tự khác. Tương tự như những tác phẩm khác thì bản định hình hoàn chỉnh đầu tiên chính là bản gốc.

Ngoài ra có thể dựa vào đặc tính nguyên gốc này khi hình thành tác phẩm thì có thể phân chia thành các loại hình khác nhau. Trong đó có thể phân chia thành 2 nhóm chính là tác phẩm gốc và tác phẩm phái sinh. Đối với nhóm tác phẩm phái sinh được phân loại bao gồm: tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

2. Tính nguyên gốc của tác phẩm là gì?

Khoản 7 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 (gọi tắt là Luật SHTT) quy định: "Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào".
Căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên, tác phẩm được bảo hộ không phụ thuộc vào việc tác giả có đăng ký bản quyền hay không giống như quyền sở hữu công nghiệp. Để một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả thì pháp luật của hầu hết các quốc gia đều quy định một số tiêu chuẩn nhất định trong đó có tính “nguyên gốc”.
Theo pháp luật về quyền tác giả, tính nguyên gốc liên quan đến hình thức thể hiện ý tưởng chứ không liên quan đến bản thân ý tưởng hay ý nghĩa của ý tưởng đó. Ở mỗi quốc gia thì ý nghĩa chính xác về tính nguyên gốc có thể khác nhau. Nhưng nhìn chung, tính nguyên gốc có thể được hiểu là tác phẩm được sáng tạo ra một cách độc lập và không sao chép từ những tác phẩm khác. Pháp luật chỉ bảo hộ quyền tác giả đối với những tác phẩm mang tính nguyên gốc.
Để được bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm phải có tính nguyên gốc. Theo pháp luật về quyền tác giả, tính nguyên gốc liên quan đến hình thức thể hiện ý tưởng chứ không liên quan đến bản thân ý tưởng hay ý nghĩa bên trong nó. Tuy nhiên, ý nghĩa chính xác về tính nguyên gốc là khác nhau trong pháp luật về quyền tác giả của mỗi nước. Tựu chung lại, tính nguyên gốc có nghĩa là tác phẩm được sáng tạo ra một cách độc lập và không sao chép từ bất kỳ một tác phẩm nào khác. Việc bảo hộ quyền tác giả chỉ được áp dụng đối với những đóng góp mang tính nguyên gốc cho tác phẩm và không được áp dụng đối với bất kỳ yếu tố nào vay mượn từ tác phẩm khác.
Một số nước yêu cầu tác phẩm phải được định hình dưới dạng vật chất bất kỳ. Định hình có nghĩa là, ví dụ, tác phẩm được viết trên giấy, lưu trữ trong đĩa, vẽ bằng sơn dầu hoặc ghi vào băng. Ở những nước đó, các tác phẩm múa ba lê, các bài ứng khẩu hoặc buổi biểu diễn trực tiếp mà không được ghi lại, sẽ không được bảo hộ cho đến khi được ghi lại hoặc được định hình dưới dạng bất kỳ.
* Đối tượng quyền liên quan được bảo hộ khi có tính nguyên gốc
Tính chất này của đối tượng quyền liên quan được xem xét trên hai phương diện, chủ yếu sau:
Thứ nhất, tính nguyên gốc được xác định trên cơ sở lao động sáng tạo mang dấu ấn cá nhân của chủ thể.
Việc quyền liên quan phát sinh trên cơ sở hành vi sử dụng tác phẩm đã có từ trước không ảnh hưởng tới tính nguyên gốc của các đối tượng mà nó bảo hộ. Không khó để nhận ra rằng, sự trình diễn của người nghệ sĩ là kết quả của những cống hiến nghệ thuật mang tính chất sáng tạo của họ. Cùng là một tác phẩm, nhưng mỗi người biểu diễn sẽ thể hiện theo cách của riêng mình, thậm chí cũng chính người nghệ sĩ ấy nhưng mỗi lần biểu diễn lại đem đến những cảm nhận riêng cho khán giả. Chính sự sử dụng tác phẩm một cách sáng tạo và mang đậm dấu ấn cá nhân của chủ thể quyền liên quan đòi hỏi việc sử dụng ấy cũng phải được pháp luật bảo vệ.
Thứ hai, tính nguyên gốc của quyền liên quan còn được thể hiện ở việc quyền liên quan chỉ được xác định theo các đối tượng của quyền liên quan được tạo ra lần đầu tiên.
Việc xác định tính nguyên gốc từ góc độ này thường được áp dụng đối với các bản ghi, chương trình phát thanh truyền hình. Cụ thể, quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình chỉ được xác định cho người tạo ra bản ghi âm, ghi hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác; quyền liên quan đối với tổ chức phát sóng chỉ được xác định cho tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng. Theo đó, trong trường hợp: một công ty ghi âm ký hợp đồng thu âm phần biểu diễn của ca sĩ dưới dạng đĩa CD (compact disc), sau đó một công ty khác sao chép lại đĩa CD đó và cũng đưa ra thị trường, thì ta sẽ có hai dạng bản ghi âm cho cùng một phần trình diễn gốc, tuy nhiên, chỉ dạng bản ghi thứ nhất được coi là có tính nguyên gốc (là sự định hình lần đầu) và là đối tượng bảo hộ của quyền liên quan, dạng bản ghi thứ hai không đảm bảo tính nguyên gốc và không những không được bảo hộ mà còn bị coi là hành vi xâm phạm quyền liên quan và tuỳ theo tính chất, mức độ của sự xâm phạm mà sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Tương tự, một tổ chức phát sóng đã đầu tư tài chính và các điều kiện cần thiết để làm một chương trình truyền hình, hoặc đã mua bản quyền phát sóng trực tiếp một sự kiện văn hoá nào đó... thì việc phát sóng các chương trình đó của họ được xác định là thoả mãn điều kiện về tính nguyên gốc của đối tượng quyền liên quan, và nếu tổ chức phát sóng nào khác tiến hành tiếp sóng, phát sóng đồng thời, hoặc phát lại các chương trình này thì việc phát sóng của tổ chức thứ hai này là không có tính nguyên gốc và cũng như trường hợp trên,có thể bị xác định là hành vi xâm phạm quyền liên quan theo pháp luật sở hữu trí tuệ.
Nếu như đặc trưng thứ nhất của quyền liên quan (tính chất sử dụng các tác phẩm đã có) là điểm quan trọng phân biệt nó với các loại quyền sở hữu trí tuệ khác, thì tính nguyên gốc của quyền liên quan cho phép xác định đâu là quyền liên quan được pháp luật bảo hộ, và khi nào xảy ra sự xâm phạm quyền liên quan. Khi tính nguyên gốc được thoả mãn, ta có thể xác định được đối tượng được bảo hộ bởi quyền liên quan, chủ thể của quyền liên quan, và ngược lại, việc không đảm bảo tính nguyên gốc đó là căn cứ để nhận định đã có hành vi xâm phạm đến quyền liên quan.

3. Thủ tục đăng ký quyền tác giả

Đăng ký quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp đơn và hồ sơ kèm theo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm...

Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả. Vì như đã nói trên, quyền tác giả hiển nhiên phát sinh và xác lập kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức nhất định.

Tuy nhiên, việc đăng ký quyền tác giả lợi hại ở chỗ khi có tranh chấp thì tổ chức, cá nhân nào đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả của mình nữa. (Trừ trường hợp có “ai đó” cũng có chứng cứ ngược lại – tức là cũng có Giấy chứng nhận quyền tác giả đối với chính tác phẩm mà bạn đã được cấp giấy chứng nhận).

Tại Việt Nam, thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn hợp lệ. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

3.1. Hồ sơ đăng ký

Có 2 trường hợp:

* Nếu chủ thể đăng ký là chủ sở hữu đồng thời là tác giả/các đồng tác giả:

1. Tờ khai đăng ký quyền tác giả - 2 bản (theo mẫu).

2. Ba bản mẫu tác phẩm cần đăng ký; tác phẩm đã được công bố hay chưa; thời gian công bố;

3. Giấy uỷ quyền của tác giả/các đồng tác giả (có công chứng, chứng thực - 1 bản) nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;

4. Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa.

5. Bản sao chứng minh nhân dân của tác giả/các tác giả (kèm theo bản chính chứng minh nhân dân để đối chiếu nếu bản sao không có công chứng – 1 bản);

6. Tên đầy đủ, bút danh (nếu có), địa chỉ, số điện thoại, fax của tác giả/các đồng tác giả.

7. Giấy cam đoan của tác giả độc lập sáng tạo tác phẩm, không vi phạm bản quyền của ai - 1 bản (theo mẫu).

* Nếu chủ thể đăng ký là chủ sở hữu không đồng thời là tác giả (tổ chức, công ty)

1. Tờ khai đăng ký quyền tác giả - 2 bản (theo mẫu).

2. Giấy Uỷ quyền của tổ chức hoặc cá nhân

3. Giấy chuyển nhượng tác phẩm từ tác giả / các đồng tác giả cho tổ chức hoặc công ty (có xác nhận chữ ký); hoặc Giấy chứng nhận tác phẩm xin đăng ký là tác phẩm được thực hiện theo nhiệm vụ công tác (1 bản);

4. Ba bản mẫu tác phẩm cần đăng ký; tác phẩm đã được công bố hay chưa; thời gian công bố;

5. Bản sao có công chứng Giấy phép đăng ký kinh doanh (1 bản);

6. Tên đầy đủ, bút danh (nếu có) của tác giả/các tác giả; địa chỉ, số điện thoại, fax của tác giả/các tác giả, công ty.

7. Bản sao chứng minh nhân dân của tác giả/các tác giả (kèm theo bản chính chứng minh nhân dân để đối chiếu nếu bản sao không có công chứng – 1 bản);

8. Giấy cam đoan của tác giả độc lập sáng tạo tác phẩm, không vi phạm bản quyền của ai - 1 bản (theo mẫu).

Yêu cầu đối với đơn đăng ký quyền tác giả:

- Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin theo mẫu quy định.

Người được ủy quyền phải thuộc tổ chức có đăng ký kinh doanh về chức năng đại diện đăng ký quyền tác giả.

- Mỗi đơn chỉ được yêu cầu cấp một Giấy chứng nhận;

- Các thông tin khai trong Tờ khai và hồ sơ kèm theo phải thống nhất, phù hợp với nhau;

- Tờ khai và hồ sơ kèm theo phải được trình bày rõ ràng, sạch sẽ bằng hình thức đánh máy hoặc viết bằng mực khó phai, không tẩy xoá, không sửa chữa;

3.2. Nơi nhận hồ sơ đăng ký quyền tác giả:

Cục bản quyền tác giả

Địa chỉ : 151 Hoàng Hoa Thám, Tp. Hà Nội

Email: cbqtg@hn.vnn.vn /Website: www.cov.gov.vn

Nếu quí vị ở khu vực phía Nam có thể liên hệ tại :

Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP. Hồ Chí Minh

Địa chỉ : 170 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q. 3, TP. Hồ Chí Minh

Email: covhcm@vnn.vn

Tài liệu tham khảo:

- Mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả

- Mẫu Giấy cam kết của tác giả độc lập sáng tạo

- Mẫu Giấy ủy quyền đăng ký quyền tác giả.