1. Cơ sở pháp luật về đình công:

Bộ luật Lao động năm 2019;

Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

2. Khái quát các quy định về đình công

2.1 Đình công là gì?

Điều 198 Bộ luật Lao động năm 2019 định nghĩa cụ thể về đình công như sau:

Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.

Hiểu đơn giản, đình công là việc người lao động ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có sự tổ chức nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

Đây là một trong những biện pháp giúp người lao động gây áp lực lớn đến người sử dụng lao động để đòi hỏi quyền lợi.

Việc người lao động đình công có thể là đình công hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Tuy nhiên, người lao động chỉ được đảm bảo quyền lợi chính đáng khi đình công hợp pháp.

2.2 Trường hợp nào là đình công hợp pháp?

Theo định nghĩa đã đề cập, đình công sẽ do tổ chức đại diện người lao động đứng ra lãnh đạo tập thể người lao động, đại diện cho họ giải quyết tranh chấp với người sử dụng lao động. Tranh chấp dẫn tới đình công là những tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

Theo Điều 199 Bộ luật Lao động, người lao động chỉ có quyền đình công trong 02 trường hợp sau:

1 - Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân mà không tiến hành hòa giải.

2 - Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc có thành lập nhưng:

+ Không ra quyết định giải quyết tranh chấp; hoặc

+ Người sử dụng lao động không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động. 

2.3 Trường hợp nào bị coi là đình công bất hợp pháp?

Điều 204 Bộ luật Lao động năm 2019 đã liệt kê cụ thể 06 trường hợp được xem là đình công bất hợp pháp, gồm:

1 - Không thuộc trường hợp được quyền đình công.

2 - Không do tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

3 - Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công.

Theo Điều 200 Bộ luật Lao động, đình công phải trải qua trình tự sau: (1) Lấy ý kiến về đình công - (2) Ra quyết định đình công và thông báo đình công - (3) Tiến hành đình công. Nếu không đảm bảo trình tự này, cuộc đình công sẽ là bất hợp pháp.

4 - Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

5 - Tiến hành đình công ở những nơi không được đình công.

Căn cứ Điều 209 Bộ luật Lao động, có thể kể đến các nơi sau: Công ty Thủy điện Hoà Bình, Công ty Thủy điện Sơn La, Công ty Điều hành đường ống Tây Nam; Các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ,…

6 - Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm trước, trong và sau khi đình công

Điều 208 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau trước, trong và sau khi đình công, cụ thể:

- Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc.

- Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.

- Xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công.

- Trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công.

- Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

4. Mức phạt hành chính hành vi vi phạm các quy định về đình công

Stt

Hành vi bị cấm

Mức phạt vi phạm

1

Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc.

Phạt 01 - 02 triệu đồng

(Khoản 2 Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

2

Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.

Phạt 01 - 02 triệu đồng

(Khoản 2 Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

3

Xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.

300.000 đồng - 500.000 đồng

(Điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

4

Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công.

05 - 10 triệu đồng

(Khoản 3 Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

5

Trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công.

05 - 10 triệu đồng

(Khoản 3 Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

6

Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Mức phạt tùy thuộc vào hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện

5. Quan hệ pháp luật về đình công và giải quyết đình công

5.1 Khái niệm về đình công và giải quyết đình công

Quan hệ pháp luật về đình công và giải quyết đình công là quan hệ phát sinh giữa đại diện lao động lãnh đạo đình công, người lao động tham gia đình công, với người sử dụng lao động hoặc với người thàm gia giải quyết đình công, được các quy phạm pháp luật lao động điều chỉnh.

Có thể nói, trong các quan hệ pháp luật có liên quan đến quan hệ pháp luật về sử dụng lao động, quan hệ đình công là quan hệ nhạy cảm và phức tạp nhất vì nó có ảnh hưởng lớn đến sự bình ổn của quan hệ lao động, trật tự an ninh ở địa phương nơi diễn ra đình công và không loại trừ khả năng phát sinh các vấn đề về chính trị. Chính vì vậy, quan hệ này cần được sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật và có những định hướng rõ ràng để phòng ngừa, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của đình công.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh vấn đề giải quyết đình công cũng cần có những biện pháp phù hợp để quan hệ lao động nhanh chóng trở lại ổn định sau quá trình giải quyết đình công, cũng như giải quyết dứt điểm những hậu quả của đình công, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trước, trong và sau đình công.

5.2 Chủ thể của quan hệ pháp luật về đình công và giải quyết đình công

+ Chủ thể tham gia và lãnh đạo đình công

Là người lao động, tập thể lao động và thành phần lãnh đạo đình công. Trên thực tế, tư cách chủ thể của các bên khi tham gia đình công là một trong các yếu tố quyết đinh tính hợp pháp của cuộc đình công. Vỉ dụ: Chủ thể lãnh đạo đinh công theo quy định của pháp luật hiện hành phải là tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể, chủ thể tham gia đình công là tập thể lao động trong phạm vi một doanh nghiệp...

+ Chủ thể cỏ thẩm quyền giải quyết đình công

Chủ thể có thẩm quyền giải quyết đình công theo quy định của pháp luật hiện hành là toà án nhân dân cấp tỉnh, toà án nhân dân cấp cao (theo Điều 405 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

5.3 Nội dung quan hệ pháp luật về đình công và giải quyết đình công

Nội dung quan hệ là quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quá trình đình công và giải quyết đình công.

Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trước, trong và sau quá trình đình công được quy định trong BLLĐ.

Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quá trình giải quyết đình công được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự (Từ Điều 403 đến Điều 413 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

6. Người lao động đình công có được giải quyết đình công không?

Khoản 2 Điều 207 Bộ luật Lao động năm 2019 đã nêu rõ:

2. Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Theo đó, trong những ngày đình công, người lao động sẽ không được thanh toán tiền lương cho những ngày nghỉ việc, đồng thời cũng không được hưởng các quyền lợi khác, trừ trường các bên có thỏa thuận.

Riêng trường hợp người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được doanh nghiệp trả lương ngừng việc theo mức thỏa thuận (theo khoản 2 Điều 99 Bộ luật Lao động).

MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng.