1. Bào chữa là gì?

Bào chữa là tất cả các hoạt động của người bị buộc tội và người bào chữa từ khi bị buộc tội đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị. Thông qua hành vi cụ thể, họ sử dụng các quyền luật định để làm sáng tỏ những tình tiết chứng minh cho sự vô tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như những tình tiết khác có lợi cho người bị buộc tội. Đó có thể là hành vi tố tụng hướng tới việc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ sự buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng; hoặc đưa ra chứng cứ nhằm làm giảm nhẹ trách nhiệm của người bị buộc tội; hoặc các hành vi tố tụng nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích được pháp luật bảo vệ của người bị buộc tội, kể cả khi chúng không trực tiếp liên quan tới việc làm giảm trách nhiệm hình sự trong vụ án.

2. Vai trò của bào chữa

Bào chữa là một trong những nội dung cơ bản của tố tụng hình sự, đối trọng với chức năng buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng. Chính sự đối trọng này đảm bảo cho hoạt động tố tụng hình sự được dân chủ, khách quan. Chúng tôi đồng tình với quan điểm cho rằng “Có buộc tội mà không có bào chữa thì hoạt động tố tụng sẽ mang tính chất một chiều và kết buộc chứ không phải là tranh tụng. Tố tụng hình sự không thể được thừa nhận là dân chủ khi chức năng buộc tội không có đối trọng là chức năng bào chữa…".

3. Thời điểm bắt đầu và kết thúc quyền bào chữa

Quyền bào chữa xuất hiện từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người, có quyết định tạm giữ hoặc từ khi khởi tố bị can. Quyền bào chữa kết thúc khi vụ án được xét xử và bản án có hiệu lực pháp luật. Trong một số trường hợp đặc biệt, khi những căn cứ của việc buộc tội không còn, chủ thể có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ vụ án thì chức năng bào chữa sẽ kết thúc sớm hơn.

4. Chủ thể hưởng quyền bào chữa

Ngoài người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đề nghị bổ sung “người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố’ (thường được gọi là nghi phạm trong giai đoạn “tiền tố tụng”, “người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” có quyền tự bào chữa, bảo vệ hoặc nhờ người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 57 và điểm g khoản 1 Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Quy định này không chỉ mở rộng thời điểm luật sư có thể tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, mà còn khắc phục trường hợp xảy ra trên thực tế thời gian qua có cá nhân bị Cơ quan điều tra triệu tập đến ghi lời khai, thực hiện một số biện pháp như tạm giữ người qua điểm, thu giữ hộ chiếu và ngăn chặn xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú (thực chất là các biện pháp hành chính tố tụng nhằm hạn chế quyền tự do thân thể, đi lại) nhưng lại không được sự tham gia hỗ trợ về mặt pháp lý của luật sư.

Trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định người bị kết án đang chấp hành hình phạt đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật có quyền xin khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm và khi xét thấy cần thiết, Tòa án phải triệu tập người bào chữa tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm. Do đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam quan niệm và đề nghị “người bị kết án” nằm trong diện chủ thể hưởng quyền bào chữa, bảo vệ quyền lợi trong quá trình xem xét lại bản án có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Thủ tục triệu tập người bào chữa tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm được quy định là thủ tục bắt buộc khi có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được quy định tại khoản 2 Điều 383 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Trường hợp khi tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm, người bào chữa được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm yêu cầu theo khoản 2 Điều 386 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 lần đầu tiên quy định trình tự, thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nên pháp nhân đến lượt mình cũng là chủ thể được hưởng quyền bào chữa, bảo vệ quyền lợi của mình. Theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 435 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa cho pháp nhân. Ngoài ra, đối với những trường hợp người bị buộc tội mà khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù, tù chung thân, tử hình theo điểm a khoản 1 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bắt buộc phải chỉ định người bào chữa. Quy định này mở ra cơ hội rất lớn cho sự tham gia của các luật sư, nhất là các luật sư trẻ đang khao khát có những tích lũy kinh nghiệm tham gia trong các vụ án hình sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người bị buộc tội.

5. Quyền bào chữa của người bị buộc tội

BLTTHS năm 2015 có nhiều sửa đổi cơ bản về quyền bào chữa, thể hiện qua những nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, quy định “suy đoán vô tội” là nguyên tắc cơ bản của BLTTHS năm 2015: Nguyên tắc suy đoán vô tội góp phần nâng cao năng lực và trách nhiệm chứng minh trong tố tụng hình sự, loại trừ trường hợp chỉ chứng minh một chiều theo hướng suy đoán có tội và định kiến người bị buộc tội. Nguyên tắc suy đoán vô tội còn bảo vệ được quyền của người bị buộc tội, tạo ra sự cân bằng trong hoạt động tố tụng hình sự giữa một bên là các cơ quan tiến hành tố tụng với chức năng buộc tội và một bên là người bị buộc tội với chức năng bào chữa. Đây là nguyên tắc tiến bộ, bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm.

Thứ hai, ngoài ba chủ thể có quyền bào chữa là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt cũng có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình (điểm g khoản 1 Điều 58).

Thứ ba, mở rộng diện người bào chữa gồm cả Trợ giúp viên pháp lý để bào chữa miễn phí cho những đối tượng thuộc diện chính sách: Theo quy định tại Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự. Tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 11 ngày 04/7/2013 của liên Bộ Tư pháp - Tài chính - Công an - Quốc phòng - Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng quy định người tham gia trợ giúp pháp lý được cấp Giấy chứng nhận để tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 56 BLTTHS năm 2003 chỉ quy định người bào chữa gồm: Luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân.

Như vậy, theo các quy định trên thì Trợ giúp viên pháp lý chỉ được tham gia tố tụng để bào chữa với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; người bảo vệ quyền lợi của đương sự; dẫn đến việc tổ chức triển khai trợ giúp pháp lý gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, khoản 2 Điều 72 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa: “Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.”

Thứ tư, mở rộng các trường hợp bắt buộc cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định bào chữa. Theo đó, trong một số trường hợp đặc thù, do tính chất và hậu quả của tội phạm, hoặc do hạn chế về năng lực nhận thức, năng lực hành vi, dù bị can, bị cáo không mời người bào chữa thì các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải chỉ định người bào chữa để đảm bảo quyền lợi cho họ. Ngoài các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa là bị can, bị cáo phạm tội mà mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình; bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì BLTTHS năm 2015 còn mở rộng thêm người có mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân cũng thuộc diện bắt buộc phải có người bào chữa. Vì đây là những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả pháp lý rất lớn. Do đó, mở rộng diện người thuộc trường hợp chỉ định bào chữa như trên không chỉ có ý nghĩa nhân đạo mà còn có ý nghĩa to lớn trong nỗ lực bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự.

Thứ năm, quy định bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa: Điểm i khoản 2 Điều 60 BLTTHS năm 2015 quy định, bị can có quyền “Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu”. Đây là điểm mới quan trọng trong nỗ lực bảo đảm quyền cơ bản của bị can.

Thứ sáu, bổ sung một số quyền của người bị buộc tội: Nhằm bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện tốt quyền bào chữa và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, BLTTHS năm 2015 bổ sung một số quyền cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo: (1) Được nhận các quyết định tố tụng liên quan đến mình; (2) đưa ra chứng cứ; (3) có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; (4) được nhận bản bào chữa của người bào chữa; (5) đề nghị thay đổi người dịch thuật; (6) bị cáo có quyền trực tiếp hỏi những người tham gia tố tụng nếu được Chủ tọa phiên tòa đồng ý..

Thứ bảy, thay thủ tục cấp Giấy chứng nhận bào chữa bằng thủ tục đăng ký bào chữa: Để việc bào chữa được kịp thời, tránh sự hiểu lầm không cần thiết, BLTTHS năm 2015 đã thay tên gọi “cấp Giấy chứng nhận bào chữa” thành cấp “Giấy đăng ký bào chữa”; đồng thời, đơn giản thủ tục, rút ngắn thời hạn cấp xác nhận tư cách tham gia tố tụng của người bào chữa.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)