1. Hợp đồng vận chuyển hàng bằng đường biển

- Cơ sở pháp lý: Điều 145 Bộ luật hàng hải Việt nam năm 2015

Theo Điều 145 quy định về hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển như sau:

"1. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là thỏa thuận được giao kết giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển, theo đó người vận chuyển thu giá dịch vụ vận chuyển do người thuê vận chuyển trả và dùng tàu biển để vận chuyển hàng hóa từ cảng nhận hàng đến cảng trả hàng."

Theo đó:

- Hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng và các động sản khác, kể cả động vật sống, container hoặc công cụ tương tự do người giao hàng cung cấp để đóng hàng được vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển;

- Người thuê vận chuyển là người tự mình hoặc ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển với người vận chuyển. Trường hợp hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển, người thuê vận chuyển được gọi là người giao hàng.

- Người vận chuyển là người tự mình hoặc ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển với người thuê vận chuyển.

- Người vận chuyển thực tế là người được người vận chuyển ủy thác thực hiện toàn bộ hoặc một phần việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.

- Người giao hàng là người tự mình hoặc được người khác ủy thác giao hàng cho người vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.

- Người nhận hàng là người có quyền nhận hàng quy định tại Điều 162 về chuyển nhượng vạn đơn và Điều 187 về dỡ hàng và trả hàng của Bộ luật hàng hải Việt nam năm 2015.

Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được chia ra làm hai loiạ quy định tại "Điều 146. Các loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển" như sau:

"1. Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển không phải dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể mà chỉ căn cứ vào chủng loại, số lượng, kích thước hoặc trọng lượng của hàng hóa để vận chuyển.

Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển được giao kết theo hình thức do các bên thỏa thuận.

2. Hợp đồng vận chuyển theo chuyến là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể để vận chuyển hàng hóa theo chuyến.

Hợp đồng vận chuyển theo chuyến phải được giao kết bằng văn bản."

 

2. Khái niệm Vận đơn

Vận đơn (Bill of Lading - viết tát là B/L) là chứng từ vận chuyển đường biển do người vận chuyển hoặc đại diện của họ ký phát cho người giao hàng sau khi hàng hóa đã được xếp lên tàu hoặc sau khi đã nhận hàng hóa để vận chuyển đến nơi trả hàng. Trong thực tiễn hàng hải, người ký vận đơn thường là thuyền trưởng hoặc là đại lý của tàu nếu họ được thuyền trưởng ủy quyền.

Vận đơn là bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trên vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng; là bằng chứng về quyền sở hữu hàng hóa, có thể dùng để định đoạt, nhận hàng và là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.

Vận đơn được ký phát theo bộ gồm các bản gốc (original) và các bản sao (copy). Trọn bộ vận đơn gốc (full set) thường có ba bản gốc giống nhau. Khi thanh toán tiền hàng theo phương thức tín dụng chứng từ, người bán thường phải xuất trình trọn bộ vận đơn gốc mói được thanh toán tiền hàng.

Để được nhận hàng, người nhận hàng phải xuất trình một bản vận đơn gốc cho người vận chuyển. Khi đã có một bản vận đơn gốc được xuất trình thì các bản gốc còn lại sẽ không còn giá tri để nhận hàng.

=> Vậy Vận đơn là chứng từ vận chuyển làm bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng; bằng chứng về sở hữu hàng hóa dùng để định đoạt, nhận hàng và là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Theo đó, Vận đơn suốt đường biển là vận đơn ghi rõ việc vận chuyển hàng hóa được ít nhất hai người vận chuyển bằng đường biển thực hiện.

 

3. Vận đơn chủ (Master B/L - Master Bill of Lading)

Vận đơn chủ (Master B/L - Master Bill of Lading) là Vận đơn đường biển cho hãng tàu phát hành, dịch là Vận đơn chủ, và thường được viết tắt là MBL hay MB/L. Trên Vận đơn chủ (Master B/L - Master Bill of Lading), người gửi hàng là Công ty giao nhận vận tải ở nước xuất khẩu (không phải là công ty xuất khẩu), còn người nhận hàng là Công ty giao nhận vận tải ở nước nhập khẩu. Thường 2 công ty giao nhận ở 2 nước có mối quan hệ đại lý, hoặc công ty mẹ con.

Vận đơn chủ (Master B/L - Master Bill of Lading) là những loại vận đơn chủ do người sở hữu phương tiện vận chuyển (như hãng tàu, hãng máy bay) cấp cho người đứng tên trên bill với tư cách là những chủ hàng (Shipper). Hình thức nhận diện Vận đơn chủ (Master B/L - Master Bill of Lading) là trên vận đơn có thông tin hãng tàu như Logo, tên công ty, số điện thoại, văn phòng hãng tàu...

Như vậy, trong việc vận chuyển hàng hóa bằng container, nguyên tắc chung là các hãng tàu vận chuyển container chỉ nhận những lô hàng đóng đầy một container, không nhận những lô hàng nhỏ lẻ. Người gửi hàng của mỗi một container sẽ được cấp một vận đơn sau khi hàng đã được hãng tàu tiếp nhận. Với những lô hàng nhỏ lẻ, người đại lý giao nhận (Freight Forwarder) đứng ra thu gom hàng từ những chủ hàng nhỏ lẻ để lưu cước với hãng tàu. Trong hợp đồng với hãng tàu container, đại lý giao nhận trở thành người gửi hàng (Shipper) và được hãng tàu cấp vận đơn, vận đơn này gọi là Vận đơn chủ (Master B/L - Master Bill of Lading).

 

4. Vận đơn thư cấp (House B/L - House Bill of Lading)

Vận đơn thư cấp (House B/L - House Bill of Lading) là vận đơn đường biển do công ty giao nhận vận tải (freight forwarder) phát hành, dịch là Vận đơn nhà, thường được viết tắt là HBL, HB/L, hay House Bill.

Ở nước ngoài, HBL còn có thể do 1 loại công ty vận chuyển có tên là chủ tàu không tàu - NVOCC (Non Vessel Ocean Common Carrier) phát hành. Nhưng ở Việt Nam chưa thấy loại hình này. Thế nên HB/L được hiểu là của Forwarder cấp.

Sau khi chủ hàng đóng hàng và giao cho công ty giao nhận, làm xong thủ tục hải quan xuất khẩu, và nộp một số phí liên quan, công ty giao nhận sẽ phát hành HBL cho khách hàng.

Vận đơn thư cấp (House B/L - House Bill of Lading) là những loại vận đơn do forwarder phát hành cho Shipper là người xuất hàng thực tế (real shipper) và người nhận hàng thực tế (real consignee). Như vậy những loại vận đơn do hãng tàu phát hành như Bill Gốc (Original Bill), Telex Release (Surrendered bill) hay Express release (Seaway bill) thì Forwarder vẫn có quyền phát hành những bill này. Tuy nhiên về pháp luật sẽ có quyền và trách nhiệm khác nhau.

Về hình thức Vận đơn thư cấp (House B/L - House Bill of Lading) không khác lắm so với Master Bill. Tuy nhiên cách nhận diện Vận đơn thư cấp (House B/L - House Bill of Lading) là vận đơn này do công ty trung gian (Forwarder) phát hành và có in hình logo của Forwarder.

Như vậy, trên cơ sở vận đơn chủ, đại lý giao nhận cấp lại cho mỗi một chủ hàng nhỏ lể một vận đơn khác gọi là Vận đơn thư cấp (House B/L - House Bill of Lading)

Sở dĩ nó được gọi là thứ cấp vì nó được phát hành sau khi có vận đơn chủ và phải đưa vào vận đơn chủ, phát hành trước. Gọi là vận đơn chủ hay vận đơn thứ cấp là căn cứ vào nội dung từ vận đơn chứ không ai in vào đó chữ Master B/L hay House B/L. Như vậy trong những trường hợp này hãng tàu container sẽ là người vận chuyển thực tế (Effective Carrier), còn đại lý giao nhận là người vận chuyển theo hợp đồng (Contracting Carrier). Phần lớn vận đơn thứ cấp đều được cấp dưới dạng vận đơn vận tải đa phương thức, vì nhiều chủ hàng nhỏ lẻ giao hàng ngay tại những địa điểm nằm sâu trong nội địa, đôi khi phải trải qua những chặng đường bộ hoặc đường thủy nội địa rồi mới ra tới cảng biển để chở tới cảng đích. Điều này cũng đồng nghĩa là người đại lý giao nhận trong trường hợp này không còn hành động với tư cách là đại lý (Agent) nữa mà là người kinh doanh vận tải đa phương thức (Multimodal Transport Operator) chịu trách nhiệm trực tiếp trứớc các chủ hàng nhỏ lẻ. Tinh hình tương tự cũng xảy ra trong vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chỉ có khác là trong chuyên chở hàng bằng máy bay thì hai loại vận đơn này gọi là Master Airway Bill và House Airway Bill.

 

5. Sự khác nhau giữa vận đơn chủ (Master B/L) và vận đơn thứ cấp (House B/L)

Vận đơn chủ điều chỉnh quan hệ pháp lý giữa hãng tàu vận chuyển container và đại lý giao nhận theo quy định của Luật hàng hải quốc gia nơi hãng tàu có trụ sở cùng các Công ước quốc tế hàng hải phổ biến trên thế giới.

Vận đơn thứ cấp là cơ sở pháp lý để giải quyết mọi vấn đề giữa chủ hàng nhỏ lẻ và đại lý giao nhận.

Hiện nay trên thế giới chưa có một công ưóc quốc tế nào điều chỉnh vận đơn thứ cấp đưới dạng vận đơn vận tải đa phuơng thức, vì vậy phần lớn các nước đều dựa vào quy chuẩn vận tải đa phương thức của UNCTAD và ICC để xây dựng nội dung và hình thức loại vận đơn này. Mẫu phổ biến nhất hiện nay đang lưu hành toàn cầu là mẫu vận đơn FBL của Liên đoàn Giao nhận Vận tải quốc tế FIATA.

Đối với Vận đơn chủ chỉ quy định các quyền và nghĩa vụ của hãng tàu về quá trình tiếp nhận, xếp, vận chuyển, dỡ hàng và trả hàng chủ yếu liên quan tới chặng đường biển trong khi đó vận đơn thứ cấp chứa đựng cả những chế định về vận chuyển hàng bằng đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, vì vậy không gian trách nhiệm của người cấp phát vận đơn này rộng hơn. Vận đơn chủ bao giờ cũng ghi: nhận để xếp lên tàu (Received for shipment)

Đối với vận đơn thứ cấp luôn ghi: đảm nhận để chuyên chở (Taken in charge for transport) vì địa điểm tiếp nhận để vận chuyển và cảng để xếp lên tàu không ít trường hợp cách xa nhau hàng trăm cây số nên trước khi ra cảng hàng hóa có thể phải trải qua một hành trình bằng các phương tiện đường bộ, đường thủy nội địa, thậm chí cả máy bay.

Vận đơn chủ gắn chặt với việc chở hàng chủ yếu bằng đường biển nên người gửi hàng bao giờ cũng gọi là Shipper (xuất phát tư động từ tiếng Anh “to ship” có nghĩa là xếp hàng hay giao hàng lên tàu biển để chuyên chở) còn trong vận đơn thứ cấp người gửi hàng gọi là Consignor xuất phát tư động từ tiếng Anh “to consign” có nghĩa là ủy thác vận chuyển, ký gửi hàng. Trong vận đơn chủ, người nhận hàng thường là theo lệnh của người đại lý giao nhận.

Ngược lại đối với vận đơn thứ cấp có thể là giao hàng theo lệnh (Consigned to order of...), cũng có thể là đích danh. Về giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển trong vận đơn chủ thường là 666,67 SDR/kiện hay 2 SDR/kg nhưng trong vận đơn thứ cấp có khi lên đến 8,333 SDR/kg nếu hư hỏng xảy ra ở chặng chuyên chở bằng đường bộ.

Trong vận đơn chủ, hãng tàu container thường không chịu trách nhiệm về việc giao hàng chậm nhưng trong vận đơn thứ cấp người phát hành có thể chịu trách nhiệm gấp đôi số tiền cước cho lô hàng b| chậm trễ đó. Thời hiệu khiếu nại trong vận đơn chủ thường là một năm nhưng ở vận đơn thứ cấp chỉ có 9 tháng bởi lẽ sau khi chủ hàng khiếu nại đòi người giao nhận bồi thuờng, họ sẽ quay lại truy đòi hãng tàu vận chuyển Container nên họ phải có một khoảng thời gian 3 tháng để làm việc đó.

Nhìn chung giữa hai loại vận đơn có sự khác biệt như trên tuy vậy sự khác biệt này cũng chỉ là tương đối, vì để hấp dẫn khách hàng ngày nay nhiều hãng tàu container cũng đã cải tiến nội dung vận đơn của mình để nó cũng có những nét tương đồng như vận đơn thứ cấp mà các đại lý giao nhận thường phát hành.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi yêu cầu tư vấn pháp luật qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!