Tuy nhiên, dāna pāramī (bố thí ba-la-mật) nó quảng đại, vô lượng, thù thắng hơn rất nhiều mà thế gian khó người làm được.
Có 3 cấp độ:
- Dānapāramī (bố thí ba-la-mật bậc hạ)
- Dāna upapāramī (bố thí ba-la-mật bậc trung)
- Dāna paramatthapāramī (bố thí ba-la-mật bậc thượng) (Xem thêm bài Tứ Nhiếp Pháp)
Chư vị A-la-hán phải thực hiện trọn vẹn cấp độ 1; chư vị Độc Giác và 2 vị Đại Đệ Tử phải thực hiện trọn vẹn cấp độ 1 và 2; chư Phật thì phải thực hiện trọn vẹn cả 3 cấp độ.
Có đoạn kinh trong "Cariyā-pitaka" có giải về các loại bố thí của bồ-tát:
1. Bố thí vật thực (Anna-dāna): “Anna” nghĩa là cơm, vật thực các loại.
Mỗi khi bồ-tát dâng hoặc tặng vật thực cho ai, ngài ước mong người ấy có được 5 điều hạnh phúc: Sống lâu, sắc đẹp, an vui, khoẻ mạnh và trí tuệ.
2. Bố thí các loại nước uống (Jala-dāna): “Jala” nghĩa là các loại nước uống.
Ðối với người khát nước, bồ-tát ban cho thức uống với ước nguyện rằng: Thức uống nầy không những giải cho người ấy cái khát của cơ thể vật chất mà còn làm suy giảm lòng khát khao những dục vọng tầm thường.
3- Bố thí vải, y phục (Vattha-dāna): “Vattha” nghĩa là các loại vải, y phục.
Ban tặng vải vóc, quần áo cho ai, bồ-tát cầu mong cho người ấy sẽ biết hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi.
4. Bố thí phương tiện (Yāna-dāna): “Yāna” nghĩa là xe cộ, các phương tiện đi lại. Khi giúp đỡ phương tiện đi lại cho ai, bồ-tát chú nguyện người thọ nhận sẽ trau giồi, phát triển các năng lực tinh thần.
5. Bố thí hoa, tràng hoa, dầu thơm, vật thơm (Mālā-vilepana- dāna): “Mālā” nghĩa là tràng hoa, chuỗi hoa, hoa kết lại. “Vilepana” nghĩa là xoa dầu thơm, xức dầu thơm.
Ban tặng dầu và hoa, bồ-tát chú nguyện người nhận sẽ hưởng danh thơm của người sống đời đạo hạnh.
6. Bố thí chỗ ngồi (Āsana-dāna): “Āsana” nghĩa là chỗ ngồi, ghế ngồi.
Giúp cho ai chỗ ngồi, ngài nguyện cho người ấy có được nền tảng của sự giác ngộ.
7. Bố thí giường, chỗ nằm (Seyyā-dāna): “Seyyā” nghĩa là các loại giường, chỗ nằm..
Giúp cho ai các loại giường, chỗ nằm, ngài cầu mong người ấy có được chỗ nằm như Phật ngọa.
8. Bố thí chỗ ở (Vāsa-dāna): “Vāsa” nghĩa là chỗ ở. Giúp cho ai chỗ ở (phòng, ốc, liêu. xá) ngài mong người ấy sẽ là nơi nương tựa cho cả thế gian.
9. Bố thí đèn, ánh sáng (Padīpa-dāna): “Padīpa” nghĩa là đèn, ánh sáng.
Giúp cho ai đèn, ánh sáng, ngài chú nguyện người nhận có được toàn hảo 5 loại: nhục nhãn, tuệ nhãn, thiên nhãn, Phật nhãn và tri kiến thông suốt chân tướng vạn pháp.
10. Bố thí sắc (Rūpa-dāna): “Rūpa” nghĩa là sắc.
Bố thí "sắc" tức là những khí cụ, vật liệu trang hoàng quý giá và xinh đẹp (như ngọc, vàng... trang điểm nơi thờ tự xá-lợi, chùa, tháp) bồ-tát chú nguyện người nhận lãnh được có hào quang như Ðức Phật ;
11. Bố thí thanh, âm thanh (Sadda-dāna): “Sadda” nghĩa là tiếng, lời nói, tiếng động.
Bố thí "thanh" ví như đờn, kèn, tiếng nói, những âm thanh cao nhã - thì ngài cầu mong có được giọng nói trầm ấm, thanh tao, dịu dàng với tám tuyệt hảo như vị đại phạm thiên.
12. Bố thí hương (Gandha-dāna): “Gandha” nghĩa là mùi hương, các vật thơm.
Bố thí “hương” (nhang trầm) cho ai, bồ-tát ngưỡng mong người thọ lãnh sẽ hưởng hương thơm của giới đức (sīla).
13. Bố thí vị (Rasa-dāna): “Rasa” nghĩa là vị, chất bổ.
Bố thí "vị", những chất bổ, mỹ vị - bồ-tát mong rằng người thọ nhận được đẹp lòng, vui vẻ với tất cả mọi người.
14. Bố thí xúc (Patthabba-dāna): “Patthabba” nghĩa là nơi nghỉ ngơi, chỗ tịnh dưỡng.
Bố thí "xúc" – phương tiện, chỗ nghỉ ngơi êm ái – bồ-tát mong có được cơ thể thanh lịch và tinh hảo như Ðức Phật ;
15. Bố thí thuốc men (Bhesajja-dāna): “Bhesajja” nghĩa là thuốc chữa bệnh.
Khi giúp đỡ thuốc men (nước mía, dầu, mật ong... xem như thuốc) cho ai, bồ-tát cầu chúc cho người ấy chứng ngộ đạo quả Niết Bàn.
16. Bố thí tôi tớ (Dāsānambhijjissa-dāna): “Dāsānambhijjissa” chỉ chung tôi tớ, kẻ làm công, người hầu, kẻ hạ.
Bố thí tôi tớ, nghĩa là thả người làm công, kẻ hầu hạ khỏi vòng nô lệ, ngài nguyện giải thoát khỏi ái dục và phiền não.
17. Bố thí giải trí vui tươi (Anavajjakhiddhāvatihetudāna): “Anavajjakhiddhāvatihetu”? Bố thí những nơi, những chỗ, những vật giải trí nhẹ nhàng, vui tươi, thanh tao cho mọi người; ngài nguyện cho chúng sanh phát lòng hoan hỷ khi nghe pháp của ngài.
18. Bố thí con trai (Putta-dāna): “Putta” là con trai.
Bố thí con trai cho người xin, ngài nguyện khi chứng được Phật quả, thì con của ngài cũng được gặp ngài (như hai trẻ trong tích truyện bố thí bất nghịch ý).
19. Bố thí vợ (Dāra-dāna): “Dāra” là vợ.
Bố thí vợ, ngài nguyện đắc pháp Vô Thượng Bồ-Đề.
20. Bố thí ngôi vua (Rāja-dāna): “Rāja” là đức vua, ngôi vua.
Bố thí ngôi vua, ngài nguyện thành vị Pháp Vương.
21. Bố thí tay (Hattha-dāna): “Hattha” là tay, cánh tay.
Bố thí tay, cánh tay cho người xin, ngài nguyện cho tay ngài nắm cả Pháp Bảo để tế độ chúng sanh.
22. Bố thí mắt (Cakkhu-dāna): “Cakkhu” là mắt.
Bố thí mắt cho người xin, ngài nguyện có được thiên nhãn thông.
23. Bố thí thịt và máu (Maṃsa-lohita-dāna): “Maṃsa” là thịt; “lohita” là máu.
Bố thí máu, thịt cho chúng sanh, ngài nguyện có được thân thể tròn đủ hảo tướng.
24. Bố thí đầu (Uttamaṅga-dāna): “Uttamaṅga” là cái đầu. Bố thí đầu cho người xin, ngài nguyện thành Vô thượng Chánh
Đẳng Chánh Giác.
Lưu ý: Lắm lúc bồ-tát chỉ nguyện cầu cho người vì tâm ngài rộng lớn, tuy nhiên, cho người tức là cho mình, cả hai cùng lợi lạc.
Một vài minh họa:
- Trong kiếp cuối cùng làm thái tử Vessantara, lúc lên 8 tuổi ngài có nguyện rằng: Nếu có người đến hỏi xin trái tim, là nơi nương tựa của sanh mạng, thì ta mổ ngực lấy tim đem bố thí chẳng do dự, ngập ngừng. Nếu họ hỏi xin mắt thì ta dùng dao bén rọc lấy mắt để trên bàn tay mà bố thí cho người. Nếu có người hỏi xin thịt, ta sẽ cắt thịt bố thí với lòng hoan hỷ.
Lớn lên, tâm bố thí của thái tử càng quảng đại khi phát nguyện “bố thí bất nghịch ý”, ai xin gì cho nấy! Ngoài tài sản, vàng ngọc của thái tử, của cả vợ và con, ngài cho đi hết, đến đổi con Voi Thần là linh hồn sống còn của quốc độ ngài cũng cho luôn. Vì chuyện “đại nghịch bất đạo” này nên vua cha phải đày ngài cùng vợ con lên núi sâu Hy Mã suốt 12 năm. Tại đây, những ngày tháng cuối cùng, thái tử bố thí luôn hai trẻ. Tâm của ngài chấn động trời đất, vua cha không chịu nổi, vua trời Đế Thích cũng không chịu nổi, giả dạng một đạo sĩ đến xin vợ của ngài – viên ngọc báu cuối cùng – để cho thái tử được tròn tâm đại nguyện.
Đây là bố thí trọn vẹn ba-la-mật bậc hạ (Dānapāramī).
Jātaka có kể câu chuyện, bồ-tát với tâm bi vô lượng, hiến sanh mạng cho 6 mẹ con hổ đói:
“- Kiếp ấy, hoàng tử Mahā Sattva, con đức vua Mahāratthā, sống trong một kinh thành tươi đẹp, hoa lệ. Hôm ấy, hoàng tử Mahā Sattva cùng hai người anh trai là Mahā Deva và Mahā Prashāda dạo chơi trong rừng. Vui chân, họ lên một sườn núi, đứng trên tàng đá cao nhìn phong cảnh xung quanh. Bất chợt, trong tầm mắt, hoàng tử Mahā Sattva trông thấy một con cọp cái và năm cọp con ở dưới vực cạn. Cả mẹ lẫn con chỉ còn da bọc xương, đang nằm thoi thóp. Có lẽ đã nhiều ngày từ khi sinh con, cọp mẹ không tìm được thức ăn nên nó chỉ còn da bọc xương. Bầy cọp con bu theo mẹ, nhưng vú mẹ cạn khô không còn gì. Cọp mẹ có vẻ đói lắm, rõ ràng là nó đang sắp sửa ăn thịt con.
Cả hai hoàng tử Mahā Deva và Mahā Prashāda lớn thấy tình cảnh đáng thương, nhưng một hồi, họ bỏ đi. Hoàng tử Mahā Sattva là em út, xúc động mạnh, cũng giả vờ bỏ đi, sau đó quay lại. Hoàng tử cởi mũ miện, hoàng bào, đồ trang sức treo lên cành cây, rồi nhảy xuống vực, chỗ hổ mẹ và 5 con để cứu 6 sanh mạng”.
Đây là bố thí cả sanh mạng nên gọi là ba-la-mật bậc thượng. Nói tóm lại, đại bố thí hoặc tiểu bố thí, bố thí bậc hạ, bậc trung, bậc thượng ba-la-mật, chư đại bồ-tát đều phải thực hiện tròn đủ, viên mãn mới sang bờ kia, mới đáo bỉ ngạn, mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác được.
Đức Phật khen ngợi bố thí, xả ly trong câu Kinh Lời Vàng số 177:
“ - Làm sao bủn xỉn sanh thiên?
Khen người rộng lượng, kẻ điên, mong gì!
Trí nhân bố thí, xả ly.
Hỷ hoan lạc báo, có chi phải ngờ!”
(Na ve kadariyā devalokaṃ vajanti bālā have nappasaṃsanti dānaṃ, dhīro ca dānaṃ anumodamāno ten’eva so hoti sukhī parattha).
Tham khảo một số video giảng pháp của một số thiền sư:
10 Ba la mật - HT Viên Minh giảng
Nguồn: Minh Đức Triều Tâm Ảnh (Tỳ-khưu Giới Đức - Sīlaguṇa Bhikkhu) – Phật học tinh yếu