1. Vi phạm bản quyền là gì ?

Bản quyền là thuật ngữ được dùng để thể hiện quyền mà tác giả có đối với tác phẩm của mình. Các tác phẩm nằm trong phạm vi được bảo vệ bản quyền rất rộng bao gồm sách, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm điêu khắc, phim, chương trình máy tính (phần mềm), bản vẽ, bản thiết kế,...

Khi một tác phẩm được tạo ra, quyền sở hữu sẽ tự động thuộc về tác giả. Tác giả sẽ là người được độc quyền tác phẩm. Không ai được tự ý sao chép, trích dẫn, biểu diễn công khai,... tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và các loại tác phẩm khác được bảo hộ quyền tác giả.

 

2. Hành vi vi phạm bản quyền

Quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ được xác định bao gồm quyền nhân thân và quyền tác giả. Quyền nhân thân được xác định là quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố công khai; quyền được công bố hoặc cho người khác công bố tác phẩm; quyền bảo vệ tác phẩm, ngăn chặn hành vi xuyên tạc, cắt ghép tác phẩm gây ảnh hưởng tới uy tín của tác giả. Quyền tài sản bao gồm quyền được làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm công khai, sao chép tác phẩm, tuyên truyền tác phẩm đến công chúng bằng các phương tiện kỹ thuật khác nhau, được phép cho thuê bản gốc hoặc bản sao của tác phẩm.

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 105/2006/NĐ-CP, các hành vi sau đây bị xem xét là hành vi vi phạm bản quyền. Tạo ra bản sao tác phẩm một cách trái phép, tạo ra tác phẩm phái sinh trái phép, giả mạo tên tác giả, chữ ký của tác giả với mục đích chiếm đoạt quyền tác giả; tác phẩm bị cắt ghép, sao chép trái phép; vô hiệu trái phép thiết bị kỹ thuật nhằm bảo vệ quyền tác giả. 

Bên cạnh quyền tác giả, quyền liên quan cũng có thể bị xem xét bị xâm phạm nếu bản định hình đầu tiên của buổi diễn bị tạo ra trái phép; bản sao bản định hình buổi biểu diễn, bản sao bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng bị sao chép, cắt ghép trái phép một phần hoặc toàn bộ; bản định hình cuộc biểu diễn cũng bị gỡ hoặc bị thay đổi một cách trái phép thông tin về quản lý quyền liên quan. 

Việc xác định yếu tố xâm phạm bản quyền tác giả dựa vào phạm vi bảo hộ quyền tác giả. Cụ thể là hình thức thể hiện bản gốc, xác định theo nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hình tượng của tác phẩm gốc trong trường hợp xác định yếu tố xâm phạm đối với tác phẩm phái sinh. 

 

3. Thiệt hại vi phạm bản quyền

Hành vi vi phạm bản quyền tác giả, xâm phạm đến quyền vốn có của tác giả, chủ sở hữu gây ra không ít những rủi ro, thiệt hại không thể lường trước được. Những thiệt hại xảy ra gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của tác giả hoặc của chủ sở hữu.

Theo quy định tại điều 204 Luật Sở hữu trí tuệ, thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm quyền tác giả (hay còn gọi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ) được xác định là các thiệt hại về tài sản như thu nhập, lợi nhuận giảm sút, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí để khắc phục thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm bản quyền. Thiệt hại về tinh thần được xác định là các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn hại về tinh thần khác gây ra cho tác giả.

Do đó, để có thể xử lý nhanh chóng khi xảy ra xâm phạm, tác giả hoặc chủ sở hữu cần có cơ sở để chứng minh được ai là chủ sở hữu, ai là tác giả để cơ quan nhà nước có thẩm quyền dựa vào đó làm căn cứ để xử lý hành vi vi phạm bản quyền. Hiện nay, "Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả" là tài liệu pháp lý có hiệu quả và tính chính xác cao nhất mà tác giả, chủ sở hữu có thể sử dụng để làm căn cứ chứng minh. Thủ tục đăng ký bản quyền tác giả sẽ được thực hiện tại Cục Bản quyền tác giả và được xử lý theo thời gian quy định. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả, thông tin về tác giả, chủ sở hữu sẽ được xác minh và ghi nhận trên giấy chứng nhận này. 

 

4. Xác định bồi thường khi bị vi phạm bản quyền

Nếu hành vi được xác định là có yếu tố vi phạm bản quyền thì bên vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại theo mức bồi thường được quy định tại Luật sở hữu trí tuệ. Về vật chất, tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền, các khoản lợi nhuận mà bên vi phạm thu được do thực hiện hành vi vi phạm bản quyền (xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ). Ngoài ra, thiệt hại về vật chất cũng được xác định dựa trên yêu cầu của bên bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đưa ra phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp không thể xác định mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo quy định, mức bồi thường thiệt hại sẽ do Tòa an quyết định, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại nhưng không quá năm trăm triệu đồng. 

Bên cạnh những thiệt hại về mặt vất chất, tác giả hoặc chủ sở hữu cũng phải chịu những tổn thất về mặt tinh thần. Nếu bên bị xâm phạm chứng minh được những tổn hại liên quan tới tinh thần thì hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án quyết định mức bồi thường trong giơi hạn từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng phụ thuộc vào mức độ thiệt hại được ấn định. 

 

5. Xử lý  vi phạm bản quyền bằng biện pháp hành chính

Theo quy định tại Nghị định 105/2006/NĐ-CP, tác giả hoặc chủ sở hữu yêu cầu xử lý vi phạm cần chuẩn bị những thông tin và tài liệu như sau:

- Đơn yêu cầu xử lý vi phạm: đơn cần được thể hiện đầy đủ tên, địa chỉ yêu cầu; tên và địa bên xâm phạm; những nội dung cơ bản về hành vi xâm phạm; yêu cầu cần xử lý xâm phạm. 

- Các tài liệu đính kèm cần có: tài liệu chứng minh quyền sở hữu, tài liệu chứng cứ thể hiện hành vi xâm phạm, thông báo đã gửi tới cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm,....

Mọi vướng mắc pháp lý cần tư vấn pháp luật về bản quyền, Hãy gọi ngay: 1900.6162, trong trường hợp quý khách hàng cần sử dụng dịch vụ xử lý vi phạm, khởi kiện hành vi xâm phạm bản quyền tác giả vui lòng gọi: 0986.386.648 gặp Luật sư Tô Thị Phương Dung để được tư vấn hoặc gửi yêu cầu báo giá dịch vụ xử lý vi phạm bản quyền qua email: lienhe@luatminhkhue.vn để được báo giá chi tiết nhất.