1. Lưu ý về quy tắc và cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT

Để tính điểm tốt nghiệp, có những lưu ý quan trọng sau đây mà bạn cần tham khảo:

- Điểm liệt: Điểm dưới 1 được coi là điểm liệt. Nếu bạn có điểm trên 1, bạn sẽ đáp ứng yêu cầu để được xét tốt nghiệp và ngược lại.

- Điểm ưu tiên: Điểm ưu tiên là điểm cộng dành cho các vùng miền đặc biệt và những học sinh gặp khó khăn đặc biệt.

- Điểm khuyến khích: Điểm khuyến khích được cộng thêm cho thí sinh dựa trên việc tham gia các kỳ thi và đạt thành tích. Một số hạng mục được cộng điểm khuyến khích bao gồm: giành giải cá nhân trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, quốc gia, v.v.

- Điểm cộng nghề: Điểm cộng nghề là điểm thí sinh được nhận khi có Giấy chứng nhận nghề tương ứng.

 

2. Cách tính điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 

Căn cứ theo quy định tại Điều 41 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT quy định như sau:

Điểm xét tốt nghiệp THPT

1. Điểm xét tốt nghiệp THPT (ĐXTN): Gồm điểm các bài thi thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 Quy chế này, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; điểm của từng bài thi được quy về thang điểm 10 để tính ĐXTN.

a) ĐXTN đối với học sinh giáo dục THPT được tính theo công thức sau:

ĐXTN = [(Tổng điểm 4 bài thi + Tổng điểm khuyến khích (nếu có) x 7 + (Điểm trung bình cả năm lớp 12) x 3] / 10 + Điểm ưu tiên (nếu có)

b) ĐXTN đối với học viên GDTX được tính theo công thức sau:

ĐXTN = [( Tổng điểm 3 bài thi/3 + Tổng điểm khuyến khích (nếu có)/4) x 7 + (Điểm trung bình cả năm lớp 12) x 3] / 10 + Điểm ưu tiên (nếu có)

2. ĐXTN được lấy đến hai chữ số thập phân, do phần mềm máy tính tự động thực hiện.

Theo đó, điểm thi tốt nghiệp được tính theo công thức trên.

Đồng thời điểm xét tốt nghiệp được lấy đến hai chữ số thập phân

Ví dụ điểm thi tốt nghiệp là 4.98 là đã được lấy đến hai chữ số thập phân nên sẽ không được làm tròn thành 5.0

Đồng thời căn cứ theo quy định tại Điều 42 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT quy định như sau:

1. Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật hủy kết quả thi, tất cả các bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp ĐKDT để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1,0 điểm theo thang điểm 10 và có ĐXTN từ 5,0 (năm) điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.

2. Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, được miễn thi tất cả các bài thi trong xét tốt nghiệp THPT theo quy định tại Điều 36 Quy chế này được công nhận tốt nghiệp THPT.

Theo đó, để đậu tốt nghiệp THPT thì điểm các môn thi tốt nghiệp THPT của thí sinh phải đều đạt trên 1,0 điểm theo thang điểm 10 và có ĐXTN từ 5,0 (năm) điểm trở lên.

 

3. Quy định về làm tròn điểm thi tốt nghiệp THPT 

3.1 Đối với chấm bài thi tự luận:

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT (được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT) quy định như sau:

Chấm thi theo hướng dẫn chấm thi, đáp án, thang điểm của Bộ GDĐT; bài thi được chấm theo thang điểm 10 (mười); điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 (hai) chữ số thập phân; mỗi bài thi được chấm hai vòng độc lập bởi hai CBChT của hai Tổ Chấm thi khác nhau;

Theo đó, bài thi tự luận sẽ được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.

 

3.2 Đối với chấm bài thi trắc nghiệm:

Căn cứ Điều 29 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT quy định như sau:

3. Chấm điểm: Sau khi hoàn thành các công việc quy định tại khoản 2 Điều này, Tổ Chấm trắc nghiệm mở niêm phong đĩa CD chứa dữ liệu chấm thi trắc nghiệm của Bộ GDĐT, lập biên bản mở niêm phong và nạp dữ liệu chấm vào phần mềm chấm thi trắc nghiệm dưới sự giám sát của công an và Tổ Giám sát; tiến hành chấm điểm, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp; thống nhất sử dụng mã bài thi, môn thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của Bộ GDĐT; trong quá trình xử lý, Hội đồng thi phải thực hiện nghiêm túc việc cập nhật và báo cáo kịp thời với Bộ GDĐT (qua Cục QLCL).

Theo đó, đối với bài thi trắc nghiệm sẽ làm tròn đến 02 chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.

 

3.3 Đối với kết quả phúc khảo:

Căn cứ khoản 4 Điều 33 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT (được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT) quy định như sau:

4. Chấm phúc khảo bài thi tự luận: Mỗi bài thi tự luận do hai CBChT chấm phúc khảo theo quy định tại Điều 27 Quy chế này và phải được chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng chấm trước đó trên bài làm của thí sinh. Trong khi tiến hành các công việc liên quan đến phúc khảo, phải có ít nhất từ hai thành viên của Ban Phúc khảo bài thi tự luận trở lên. Kết quả chấm phúc khảo bài thi tự luận do Ban Thư ký Hội đồng thi xử lý như sau

a) Nếu kết quả chấm của hai CBChT chấm phúc khảo giống nhau thì lấy kết quả đó làm điểm phúc khảo và giao bài thi cho hai CBChT chấm phúc khảo ký xác nhận;

b) Nếu kết quả chấm của hai CBChT chấm phúc khảo có sự chênh lệch thì rút bài thi giao cho Trưởng ban Phúc khảo bài thi tự luận tổ chức cho CBChT chấm phúc khảo thứ ba chấm trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác;

c) Nếu kết quả chấm của hai trong ba CBChT chấm phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm phúc khảo. Nếu kết quả chấm của cả ba CBChT chấm phúc khảo lệch nhau thì Trưởng ban Phúc khảo bài thi tự luận lấy điểm trung bình cộng của ba lần chấm làm tròn đến hai chữ số thập phân làm điểm phúc khảo rồi ký tên xác nhận;

d) Bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm. Trong trường hợp điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các CBChT đợt đầu và CBChT chấm phúc khảo (có ghi biên bản). Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực phải báo cáo Trưởng ban Phúc khảo bài thi tự luận để xử lý theo quy định.

Theo đó, đối với bài thi phúc khảo nếu kết quả chấm của hai trong ba cán bộ chấm thi chấm phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm phúc khảo. Nếu kết quả chấm của cả ba cán bộ chấm thi chấm phúc khảo lệch nhau thì Trưởng ban Phúc khảo bài thi tự luận lấy điểm trung bình cộng của ba lần chấm làm tròn đến hai chữ số thập phân làm điểm phúc khảo.

 

4. Công cụ hỗ trợ tính điểm thi THPT online

Ngoài cách tính điểm thủ công bằng công thức nêu trên, các thí sinh còn có thể sử dụng công cụ tính điểm thi THPT của Bộ GD&ĐT tại cổng Thông tin thi THPT của Bộ GD&ĐT. Công cụ này giúp thí sinh biết được kết quả điểm thi một cách nhanh chóng và chính xác mà không mất thời gian tính toán. Để tính điểm tốt nghiệp THPT, các thí sinh có thể thực hiện các bước sau:

● Bước 1: truy cập đường link: https://thptquocgia.edu.vn/tinhdiem/

● Bước 2: nhập điểm các môn thi, điểm trung bình lớp 12, điểm ưu tiên, điểm khuyến khích. Nếu không có điểm đó, các bạn có thể nhập điểm 0 vào ô cần điền.

● Bước 3: bấm "Tính" để nhận kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT của bạn nhé!

Trên đây là chia sẻ của Luật Minh Khuê liên quan đến Cách tính điểm thi THPT Quốc gia 

Công ty Luật Minh Khuê mong muốn gửi đến quý khách hàng những thông tin tư vấn hữu ích. Nếu quý khách hàng đang gặp phải bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, hãy liên hệ với Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.6162. Hoặc quý khách hàng gửi yêu cầu chi tiết qua email: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng!