1. Khái niệm cán cân thương mại

Cán cân thương mại là một mục trong tài khoản vãng lai của cán cân thanh toán quốc tế. Cán cân thương mại ghi lại những thay đổi trong xuất khẩu và nhập khẩu của một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định (quý hoặc năm) cũng như mức chênh lệch giữa chúng (xuất khẩu trừ đi nhập khẩu). Khi mức chênh lệch là lớn hơn 0, thì cán cân thương mại có thặng dư. Ngược lại, khi mức chênh lệch nhỏ hơn 0, thì cán cân thương mại có thâm hụt. Khi mức chênh lệch đúng bằng 0, cán cân thương mại ở trạng thái cân bằng.

Cán cân thương mại còn được gọi là xuất khẩu ròng hoặc thặng dư thương mại. Khi cán cân thương mại có thặng dư, xuất khẩu ròng/thặng dư thương mại mang giá trị dương. Khi cán cân thương mại có thâm hụt, xuất khẩu ròng/thặng dư thương mại mang giá trị âm. Lúc này còn có thể gọi là thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, cần lưu ý là các khái niệm xuất khẩu, nhập khẩu, xuất khẩu ròng, thặng dư/thâm hụt thương mại trong lý luận thương mại quốc tế rộng hơn các trong cách xây dựng bảng biểu cán cân thanh toán quốc tế bởi lẽ chúng bao gồm cả hàng hóa lẫn dịch vụ.

Hệ thống tài khoản ghi lại toàn bộ các nghiệp vụ thanh toán hay bảng đối chiếu giữa tổng số các khoản thu với các khoản chỉ về thương mại của một nước với các nước khác trong một thời kì nhất định (tháng, quý, năm,...), thể hiện các khoản thu từ nước ngoài và các khoản chỉ trả cho nước ngoài trên cơ sở các hoạt động thương mại và được tính bằng ngoại tệ chuyển đổi. Nói cách khác, cán cân thương mại là bảng cân đối giữa thu xuất khẩu và chỉ nhập khẩu của một nước trong một thời kì nhất định. Cán cân thương mại có vai trò rất quan trọng, giúp một nước đánh giá khả năng cạnh tranh về thương mại trên thị trường quốc tế, cho phép đánh giá và phân tích mối liên hệ giữa khả năng sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của xã hội (bao gồ cả hàng hoá và dịch vụ). Cán cân thương mại là một bộ phận của cán cân thanh toán. Cán cân thương mại còn gọi là bảng cân đối thương mại, cán cân thương mại quốc tế.

 

2. Vai trò của cán cân thương mại đối với nền kinh tế

Vấn đề xuất nhập khẩu luôn là vấn đề được quan tâm tại bất kỳ quốc gia nào, bởi đó đôi khi sẽ là nguồn thu nhập chính của địa phương trong quốc gia và góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Điều mà các nước quan tâm đến cán cân thương mại là vì cán cân thương mại có sức ảnh hưởng tới sản lượng trong nước (xuất khẩu ròng là thành tố của GDP), ảnh hưởng đến việc làm và cán cân đối ngoại.

Và cán cân thương mại ở đây như là một yếu tố giúp cho các quốc gia nhìn ra được những thay đổi trong việc xuất nhập khẩu và thấy được mức độ chênh lệch trong các thời gian cụ thể.

Cụ thể:

Cán cân thương mại góp phần thể hiện sự cung cầu tiền tệ của một đất nước, sự thay đổi hối đoái của đồng nội tệ trên đồng ngoại tệ.

Tức có nghĩa rằng cán cân thương mại có thể sẽ nói lên được khả năng cạnh tranh của một quốc gia trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra thì nhờ vào tình hình của cán cân thương mại sẽ giúp chúng ta đưa ra được kết luận về tình trạng cán cân vãng lai, đồng thời thì nó cũng gây ảnh hưởng lên nền kinh tế vĩ mô.

Vì thế mà bất kì một quốc gia nào cũng cần phải sử dụng đến cán cân thương mại mới có thể đưa ra được các chính sách và những phương án thích hợp và hiệu quả để đảm bảo được nền kinh tế vĩ mô của quốc gia đó.

Ngoài ra thì cán cân thương mại còn là thể hiện mức đầu tư, thu nhập và tiết kiệm của một quốc gia trên cán cân thanh toán.

Nếu như khi cán cân thương mại có thâm thụt thì có nghĩa là quốc gia đó đã chi nhiều hơn là thu, tiết kiệm cũng như ít hơn đầu tư.

Cũng nhờ đó mà có thể đưa ra được những chính sách để có thể cải thiện tốt hơn và nhằm đảm bảo nền kinh tế phát triển ổn định, lâu dài.

 

3. Các yếu tố ảnh hưởng cán cân thương mại

+ Nhập khẩu: có xu hướng tăng khi GDP tăng và thậm chí nó còn tăng nhanh hơn. Sự gia tăng của nhập khẩu khi GDP tăng phụ thuộc xu hướng nhập khẩu biên (MPZ). MPZ là phần của GDP có thêm mà người dân muốn chi cho nhập khẩu. Ví dụ, MPZ bằng 0,2 nghĩa là cứ 1 đồng GDP có thêm thì người dân có xu hướng dùng 0,2 đồng cho nhập khẩu. Ngoài ra, nhập khẩu phụ thuộc giá cả tương đối giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa sản xuất tại nước ngoài. Nếu giá cả trong nước tăng tương đối so với giá thị trường quốc tế thì nhập khẩu sẽ tăng lên và ngược lại. Ví dụ: nếu giá xe đạp sản xuất tại Việt Nam tăng tương đối so với giá xe đạp Nhật Bản thì người dân có xu hướng tiêu thụ nhiều xe đạp Nhật Bản hơn dẫn đến nhập khẩu mặt hàng này cũng tăng.

+ Xuất khẩu: chủ yếu phụ thuộc vào những gì đang diễn biến tại các quốc gia khác vì xuất khẩu của nước này chính là nhập khẩu của nước khác. Do vậy nó chủ yếu phụ thuộc vào sản lượng và thu nhập của các quốc gia bạn hàng. Chính vì thế trong các mô hình kinh tế người ta thường coi xuất khẩu là yếu tố tự định.

+ Tỷ giá hối đoái: là nhân tố rất quan trọng đối với các quốc gia vì nó ảnh hưởng đến giá tương đối giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa trên thị trường quốc tế. Khi tỷ giá của đồng tiền của một quốc gia tăng lên thì giá cả của hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên rẻ hơn trong khi giá hàng xuất khẩu lại trở nên đắt đỏ hơn đối với người nước ngoài. Vì thế việc tỷ giá đồng nội tệ tăng lên sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu và thuận lợi cho nhập khẩu dẫn đến kết quả là xuất khẩu ròng giảm. Ngược lại, khi tỷ giá đồng nội tệ giảm xuống, xuất khẩu sẽ có lợi thế trong khi nhập khẩu gặp bất lợi và xuất khẩu ròng tăng lên. Ví dụ, một bộ ấm chén sứ Hải Dương có giá 115.000 VND và một bộ ấm chén tương đương của Trung Quốc có giá 33 CNY (Nhân dân tệ). Với tỷ giá hối đoái 3400 VND = 1 CNY thì bộ ấm chén Trung Quốc sẽ được bán ở mức giá 112.200 VND trong khi bộ ấm chén tương đương của Việt Nam là 115.000 VND. Trong trường hợp này ấm chén nhập khẩu từ Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh hơn. Nếu VND mất giá và tỷ giá hối đoái thay đổi thành 3600 VND = 1 CNY thì lúc này bộ ấm chén Trung Quốc sẽ được bán với giá 118.800 VND và kém lợi thế cạnh tranh hơn so với ấm chén sản xuất tại Việt Nam.

+ Ảnh hưởng của dòng vốn CCTM là một trong những yếu tố của tài sản quốc gia. CCTM phụ thuộc vào chênh lệch giữa đầu tư và tiết kiệm trong nền kinh tế. Mức chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư được bù đắp bởi các dòng vốn đầu tư nước ngoài như: FDI, ODA, FPI,kiều hối và các dòng vốn vay thương mại khác

+ Ảnh hưởng của thu nhập Khi thu nhập trong nước tăng, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cũng đồng thời tăng theo. Trong khi đó, khi kinh tế nước ngoài tăng trưởng, họ cũng tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ nước khác và làm cho xuất khẩu của đối tác thương mại tăng theo. Do vậy, CCTM phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế

+ Tỷ lệ trao đổi Tỷ lệ trao đổi biểu hiện giá mà một nước có thể chấp nhận trả cho hàng hóa nhập khẩu với giá xuất khẩu của nước đó. Nói cách khác là tỷ số giữa giá xuất khẩu và giá nhập khẩu. Do đó, tỷ lệ trao đổi có ảnh hưởng đến CCTM.

+ Phá giá tiền lệ Phá giá (hay nâng giá) là giảm bớt (hay tăng) tỷ giá hối đoái được chính phủ ủng hộ. Phá giá đưa đến tăng giá hàng nhập khẩu và giảm giá hàng xuất khẩu của quốc gia. Do đó, tạo ra một khoản thặng dư trong tài khoản vãng lai của CCTM

+ Các chính sách thương mại và phát triển kinh tế Các chính sách thuế, bảo hộ hàng hóa trong nước cũng ảnh hưởng mạnh đến CCTM. Những rào cản này hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng để cải thiện CCTM. Các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế và xuất nhập khẩu khác sẽ ảnh hưởng mạnh đến CCTM. Ngoài ra, CCTM còn phụ thuộc vào cơ cấu của nền kinh tế và chiến lược phát triển công nghiệp của quốc gia Ngoài ra còn có các yếu tố ảnh hưởng như: + Các chính sách của chính phủ đối với thương mại. + Thu nhập của người tiêu dùng trong nước và người tiêu dùng nước ngoài. + Các chu kỳ kinh tế của quốc gia và thế giới.

 

4. Những nguyên nhân gây thâm hụt cán cân thương mại

Những nguyên nhân dưới đây đã gây thâm hụt cán cân thương mại, cụ thể:

 

4.1 Chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư

Khi mà đầu tư tăng cao sẽ khiến cho chính sách tiền tệ nới lỏng, điều này sẽ làm giảm lãi suất trong nước từ đó làm tăng đầu tư trong nước.

Với mức tiết kiệm thấp thì đồng nghĩa với việc người dân sẽ có mức tiết kiệm thấp.

Ngoài ra thì việc tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán và bất động sản đều sẽ làm cho người dân có cảm giác giàu hơn do đó mà sẽ làm tăng tiêu dùng và giảm tiết kiệm.

 

4.2 Do lạm phát cao

Lạm phát tăng cao cũng sẽ phần nào tác động mạnh mẽ lên cán cân thương mại.

Trên thực tế thì khi mà tỷ giá đồng tiền của một quốc gia tăng lên thì giá cả hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu cũng sẽ trở nên rẻ hơn.

Còn đối với hàng giá xuất khẩu thì sẽ lại đắt hơn đối với hàng hóa và dịch vụ nước khác. Và đây cũng được coi là một quy luật hết sức tự nhiên.

 

4.3 Do thâm hụt ngân sách

Việc thâm hụt ngân sách cũng chính là việc thâm hụt cán cân vãng lai.

Ở Việt Nam, tình trạng thâm hụt cán cân thương mại là do nước ta đang tập trung theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong những năm qua.

Đồng thời suy thoái kinh tế cũng đã khiến cho chính phủ tăng chi ngân sách để có thể đảm bảo thực hiện được mục tiêu.

Ngoài ra thì nguyên nhân nữa đó là do các dự án đầu tư tràn lan nhưng lại không thu được hiệu quả.

 

4.4 Do cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu

Ở Việt Nam, thì cơ cấu hàng hóa cũng được coi là vấn đề thương mại tạo thương mại (tăng tỉ lệ xuất khẩu cũng đồng thời với tăng tỉ lệ nhập khẩu, 2/3 giá trị xuất khẩu là nguyên liệu nhập khẩu) và năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước còn thấp.

Bên cạnh đó nước ta còn chưa gia nhập hoàn toàn vào chuỗi giá trị trong khu vực mà chỉ đóng vai trò là nơi lắp ráp.

 

4.5 Chính sách giảm thuế nhập khẩu

Việt Nam cũng đã và đang bắt đầu thực hiện theo chính sách giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết trong thỏa thuận thương mại khu vực và trong WTO.

Trên đây là nội dung thông tin về cán cân thương mại cùng với những yếu tố và những tác động của chúng lên cán cân thương mại. Hy vọng rằng bạn có thể hiểu được cán cân thương mại là gì và tầm quan trọng của cán cân thương mại đối với mỗi nền kinh tế.

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)