Mục lục bài viết
- 1. Quy định về xác định cha mẹ con trong pháp luật Việt Nam
- 2. Sau khi ly hôn quy định về nghĩa vụ của cha không trực tiếp nuôi dưỡng con như thế nào?
- 3. Cha không cấp dưỡng cho con có bị tước quyền làm cha ?
- 4. Quy trình thi hành án khi cha không cấp dưỡng cho con
- 5. Thủ tục khởi kiện người cha đòi tiền cấp dưỡng cho con khi ly hôn
- 6. Không cấp dưỡng nuôi con thì bị xử lý như thế nào?
1. Quy định về xác định cha mẹ con trong pháp luật Việt Nam
- Căn cứ vào Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về xác định cha, mẹ như sau:
+ Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
+ Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
+ Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
- Căn cứ vào Điều 91 Luật Hôn nhân và gia định 2014 có quy định quyền nhận cha, mẹ con như sau:
+ Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
+ Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha.
- Căn cứ vào Điều 89 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định việc xác định con của cha, mẹ như sau:
+ Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình.
+ Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.
2. Sau khi ly hôn quy định về nghĩa vụ của cha không trực tiếp nuôi dưỡng con như thế nào?
- Sau khi ly hôn, cha vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Cha không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
- Trường hợp cha không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
- Sau khi ly hôn,cha không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
- Cha không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Như vậy, sau khi ly hôn cha vẫn phải có trách nhiệm chăm sóc con cái và cấp dưỡng cho đến lúc con thành niên.
3. Cha không cấp dưỡng cho con có bị tước quyền làm cha ?
Căn cứ vào Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:
- Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
- Phá tán tài sản của con.
- Có lối sống đồi trụy.
- Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
- Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan tổ chức ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm.Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời gian này. Cha, mẹ, người giám hộ của con chưa thành niên, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha,mẹ đối với con chưa thành niên.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia , Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Như vậy căn cứ vào các trường hợp nêu trên nếu người cha bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con,phá tán tài sản của con,có lối sống đồi trụy,xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì người có thể yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha nhưng không thể tước bỏ quyền làm cha trên giấy khai sinh được.
4. Quy trình thi hành án khi cha không cấp dưỡng cho con
Bước 1: Khi người trực tiếp nuôi dưỡng con không nhận được tiền cấp dưỡng từ người cha, thỏa thuận yêu cầu cha đẻ có trách nhiệm cấp dưỡng nhưng người cha cố tình không thực hiện thì có thể chuẩn bị hồ sơ giấy tờ sau đây:
- Đơn yêu cầu thi hành án dân sự theo mẫu Mẫu số D04-THADS Thông tư số 01/2016/TT-BTP năm 2016.
- Bản án hoặc quyết định được Tòa án tuyên có hiệu lực.
- Tài liệu và chứng cứ chứng minh người không trực tiếp nuôi dưỡng cố tình trốn tránh trách nhiệm cấp dưỡng.
Bước 2: Nộp hồ sơ tới cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Bước 3:Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tiếp nhận và xem xét hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện thì sẽ ra Quyết định thành hành án dân sự.
5. Thủ tục khởi kiện người cha đòi tiền cấp dưỡng cho con khi ly hôn
Khi người trực tiếp nuôi dưỡng con không nhận được tiền cấp dưỡng từ người cha, thỏa thuận yêu cầu cha đẻ có trách nhiệm cấp dưỡng nhưng người cha cố tình không thực hiện thì có thể chuẩn bị hồ sơ khởi sau đây:
- Đơn khởi kiện về việc cấp dưỡng.
- Bản sao chứng thực chứng minh thân nhân dân hoặc căn cước công dân của mẹ
- Bản án hoặc quyết định được Tòa án tuyên có hiệu lực.
- Tài liệu và chứng cứ chứng minh người không trực tiếp nuôi dưỡng cố tình trốn tránh trách nhiệm cấp dưỡng.
Sau khi hoàn tất thủ tục hồ sơ thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn khởi kiện đòi tiền cấp dưỡng là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thường trú hoặc tạm trú.
6. Không cấp dưỡng nuôi con thì bị xử lý như thế nào?
Căn cứ vào Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật.
- Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
- Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng con cái.
Ngoài việc bị xử phạt hành chính, việc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng còn có thể bị xử lý theo Điều 186 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Như vậy, trường hợp chồng cố tình không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật và nặng nhất là có thể bị xử lý hình sự.
Quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc hay có câu hỏi pháp lý khác thì vui lòng liên hệ trực tiếp Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 qua số hotline: 1900.6162 để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng!
Tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình, Gọi: 1900.6162 / Bộ phận tư vấn luật hôn nhân - Công ty luật Minh Khuê