1. Chung cư cháy - Ai là người bồi thường?

Thưa luật sư, xin hỏi: Hiện nay, cư dân sinh sống và làm việc tại các chung cư trên khắp cả nước đều trong trạng thái lo lắng do gần đây đã có những vụ cháy công ty lớn xảy ra mang lại hậu quả nghiêm trọng về người và của.
Vậy, khi chung cư chẳng may bốc cháy, ai là người sẽ phải bồi thường thiệt hại cho những tổn thất của người dân ?
Cảm ơn!

Trả lời:

Khi một chung cư bị cháy, để có thể xác định người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trước hết ta phải xét xem ai là người có lỗi gây ra thiệt hại như vậy. Đó có thể là lỗi của chủ đầu tư, lỗi của người dân sinh sống tại khu chung cư đó hoặc lỗi của một chủ thể thứ 3 nào khác, đó cũng có thể là lỗi vô ý hay lỗi cố ý. Tùy từng trường hợp, những người có trách nhiệm bồi thường lại khác nhau.

1. Đối với trường hợp lỗi gây thiệt hại hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư:

Đối với trường hợp lỗi gây thiệt hại hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư, khi đó chủ đầu tư sẽ phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại về mặt tài sản và những thiệt hại về sức khỏe, tình mạng nếu nạn nhân yêu cầu. Tuy nhiên, những trường hợp nào thiệt hại gây ra là do lỗi của chủ đầu tư vẫn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Một số trường hợp như chung cư bị cháy do chập điện, do chung cư thiết kế không hợp lý gây rò khí,... thì có thể xác định lỗi là do chủ đầu tư. Lỗi của chủ đầu tư được xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó những khía cạnh chủ yếu có thể kể đến như : thi công, lắp đặt các thiết bị của chung cư không đúng quy trình; sử dụng các trang thiết bị nói chung và các thiết bị phòng cháy chữa cháy nói riêng không đúng tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn; thực hiện thi công xây dựng chung cư không theo bản thiết kế, không đảm bảo những lối thoát hiểm khi cần thiết; hệ thống báo cháy và chữa cháy không theo quy định của pháp luật, không đủ khả năng phòng cháy, chữa cháy,...

Trường hợp này chủ đầu tư là bên có lỗi, theo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, bên nào có lỗi dù là vô ý hay cố ý thì đều phải bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại. Thiệt hại ở đây có thể là thiệt hại về tài sản quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;

4. Thiệt hại khác do luật quy định.

hoặc cũng có thể là thiệt hại về sức khỏe, tính mạng con người. Khi chung cư đã bị cháy thường đem lại những hậu quả khôn lường, thiệt hại to lớn về người và của, lớn hơn nhiều so với chi phí mà nhà đầu tư cần bỏ ra để thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy ở chung cư nơi mình đầu tư xây dựng.

2. Đối với trường hợp thiệt hại gây ra là lỗi của cư dân sống tại chung cư hay của người ngoài

Đối với trường hợp thiệt hại gây ra là lỗi của cư dân sống tại chung cư hay của người ngoài, nghĩa là họ đã có nhưng tác động dù vô ý hay cố ý gây nên các vụ cháy ở chung cư như xe của họ bị nổ, bếp ga bị nổ, hút thuốc lá,... Khi đó, lỗi ở đây thuộc về cả người có tác động đó và chủ đầu tư. Đối với người đó là lỗi khi đã khởi nguồn đám cháy, còn đối với chủ đầu tư là lỗi khi đã không đảm bảo các biện pháp thông báo cũng như chữa cháy, nếu chủ đầu tư đảm bảo được các biện pháp này thì hậu quả đã không lớn đến vậy. Khi đó, lỗi của người gây cháy có thể là lỗi vô ý hoặc lỗi cố ý. Đối với trường hợp lỗi vô ý, người này có thể được giảm mức bồi thường theo quy định tại Khoản 2 điều 585 Bố luật dân sự 2015.

Trong tất cả các trường hợp trên, những người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đều phải thực hiện bồi thường theo đúng nguyên tắc được đưa ra tại điều 585 Bộ luật dân sự 2015 :

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Mặc dù việc bồi thường thiệt hại được pháp luật quy định khá cụ thể như vậy, nhưng trong thực tế để đòi được tiền bồi thường này cần một khoảng thời gian rất dài, cũng như rất khó khăn. Do đó, mỗi người dân nói chung và người sống ở chung cư nói riêng cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy, tham gia các buổi tập huấn phòng cháy, chữa cháy, các chủ đầu tư cần quan tâm hơn tới vấn đề phòng cháy, chữa cháy này khi tiến hành đầu tư xây dựng chung cư.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến về bồi thường thiệt hại qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!

2. Chung cư Carina bị cháy, ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường ?

Thưa luật sư, xin hỏi: Đối với vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư Carina Plaza (Q.8, TP.HCM) đã làm 13 người tử vong, gần 100 người bị thương và nhiều tài sản bị hư hỏng. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho cư dân?
Cảm ơn!

Chung cư Carina bị cháy, ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Tư vấn pháp luật đất đai trực tuyến qua tổng đài điện thoại: 1900.6162

Luật sư tư vấn:

Rạng sáng ngày 23/03 vừa qua, đám cháy bùng phát từ tầng hầm Chung cư Carina tại thành phố Hồ Chí Minh. Vụ họa hoạn này đã gây ra thiệt hại vô cùng nghiêm trọng, trong đó có 13 người chết, rất nhiều người bị thương cùng các tài sản khác bị thiêu rụi, hư hỏng do đám cháy gây ra.

Do chưa xác định được nguyên nhân chính thức gây ra vụ cháy chung cư nên chưa thể xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về cá nhân hay chủ đầu tư, vi vậy cư dân nơi đây vẫn cần phải chờ kết luận nguyên nhân chính thức từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Trong trường hợp, lỗi gây cháy thuộc về chủ đầu tư do bảo hành, bảo trì, kiểm tra, giám sát các thiết bị an toàn cháy nổ không tốt dẫn đến nguyên nhân gây cháy thì đương nhiên chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ, kịp thời cho những người thiệt hại.
Theo lời của các cư dân thì hệ thống báo cháy của chung cư đã hư cách đây nhiều năm. Ngoài ra, người dân cũng cho biết đường dẫn nước từ hầm chứa nước của chung cư bị hư nên lực lượng chữa cháy tới không có nước. Như vậy có thể thấy phía chủ đầu tư đã chưa làm tròn nghĩa vụ của mình.
Theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư (CĐT) có trách nhiệm bảo trì 5 năm đối với hệ thống của tòa nhà chung cư, tới khi nào hết 5 năm thì mới hết trách nhiệm của CĐT. Trường hợp quá 5 năm thì xét xem lúc bàn giao cho Ban quản trị quỹ bảo trì thì hệ thống PCCC đã được nghiệm thu chưa, hay có trục trặc mà vẫn chưa được giải quyết.
- Nếu cơ quan có thẩm quyền xác định nguyên nhân gây cháy là cá nhân cụ thể và có thể phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể như sau:
Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.
Ngoài ra cơ quan quản lý về PCCC cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này vì phải đi kiểm tra định kỳ hệ thống PCCC ở chung cư. Khi hệ thống không hoạt động thì cơ quan quản lý phải có biện pháp để bắt buộc chủ đầu tư, ban quản lý khắc phục ngay.

Căn cứ theo Khoản 9 Điều 38 Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư thì chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của Luật PCCC và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Như vậy, trong trường hợp xảy ra cháy nổ ngoài ý muốn, đơn vị bảo hiểm cũng sẽ có trách nhiệm bồi thường.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!

3. Tư vấn về việc nuôi chó cảnh tại chung cư ?

Thưa Luật sư, tôi xin được hỏi: Tại mục 4 Điều 2 của Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 có nêu: Nghiêm cấm chăn, thả, nuôi gia súc, gia cầm trong nhà chung cư. Hiện tại gia đình tôi đang nuôi 1 con chó cảnh, quà của con trai tôi được tặng nhân dịp sinh nhật. Gia đinh tôi nuôi em cún này từ tháng 3/2015.
Khi đó tại Quy định của khu chung cư nơi gia đinh tôi sống cũng không cấm nuôi chó. (quy định này được xây dựng và ban hành trên cơ sở các ý kiến của các gia đinh đang sinh sống tại chung cư). Chó gia đinh tôi nuôi trong nhà, tiêm chủng tiêm phòng đầy đủ, không thả tự do nơi công cộng của chung cư; thỉnh thoảng khi đi dạo là tôi mang dây dắt, rọ mõm ; ra khỏi cửa nhà là bế trên tay, trong sảnh hành lang, cầu thang máy chung cư đều bế trên tay không dắt bao giờ.
Vậy theo các quy định hiện hành của Pháp luật, việc gia đình tôi nuôi chó cảnh có vi phạm gì không?
Rất mong nhận được hồi đáp sớm của Luật sư. Xin trân trọng cảm ơn.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến:1900.6162

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Phụ lục 01 Thông tư 02/2016/TT-BXD Quy định về quản lý và sử dụng chung cư:

Điều 2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong việc sử dụng nhà chung cư

4. Chăn, thả, nuôi gia súc, gia cầm trong nhà chung cư.

Theo quy định về việc xử phạt khi nuôi động vật trong thành phố , thị xã hoặc nơi công cộng được quy định trong nGhị Định 167/2013/NĐ-CP hướng dẫn luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội

Điều 5 Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây

c) Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

e) Để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác;

Điều 7 Vi phạm quy định về giữa gìn vệ sinh chung

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

d) Để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng;

e) Nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư.

Như vậy theo quy định của Nghị định hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội thì chưa có quy định về tường hợp xử lý vi phạm khi nuôi động vật trong nơi bị cấm . Tuy nhiên nếu ban vẫn nuôi động vật trong chung cư thì bị có thể sẽ bị xử phạt theo các quy định trên của Nghị định 167/2013.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email:Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Emailđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

4. Kinh doanh đồ chơi trẻ em online tại nhà chung cư có được không ?

Chào luật sư công ty luật Minh Khuê. Luật sư tư vấn giúp tôi. Kinh doanh đồ chơi trẻ em online có cần điều kiện gì không ? Thưa Luật sư, tôi có dự định kinh doanh đồ chơi trẻ em online. Do mọi thứ còn mới mẻ nên tôi chưa thuê cửa hàng, hàng hóa dự kiến sẽ để ở căn hộ chung cư mà tôi đang sinh sống. Xin hỏi, với mặt hàng này tôi có phải xin giấy phép kinh doanh hay không, nếu có thì xin ở đâu ? Việc tôi kinh doanh ở căn hộ chung cư của tôi có vi phạm quy định gì không ?
Mong nhận được hồi đáp. chân thành cảm ơn luật sư!

Kinh doanh đồ chơi trẻ em online tại nhà chung cư có được không ?

Luật sư tư vấn luật tư vấn pháp luật , gọi:1900.6162

Luật sư tư vấn:

Căn cứ vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh năm 2016 thì việc kinh doanh đồ chơi trẻ em không phải ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và mọi cá nhân, tổ chức được tự do kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, chất lượng của đồ chơi trẻ em phải tuân theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN 3: 2009/BKHCN) ban hành kèm Thông tư số 18/2009/tt - BKHCN ngày 26 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Khoản 11 Điều 6 Luật nhà ở năm 2014 quy định, nghiêm cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở, như vậy nếu sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh, buôn bán thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Nghị định số 99/2015/NĐ-CP: Hướng dẫn luật nhà ở quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, cá nhân, tổ chức không được kinh doanh vũ trường, vật liệu gây cháy nổ; sửa chữa xe có động cơ; giết mổ gia súc và các hoạt động kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm khác trong phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư.

Nếu kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke, quán bar thì phải bảo đảm cách âm, tuân thủ yêu cầu về phòng, chống cháy nổ, có nơi thoát hiểm và chấp hành các điều kiện kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp trong giấy tờ đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp có ghi sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh trước ngày 01/07/2015, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày 10/12/2015; quá thời hạn này (tức sau ngày 10/06/2016), tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không được kinh doanh tại căn hộ chung cư.

Như vậy, việc bạn sử dụng căn hộ chung cư mà không có đăng ký cơ quan có thẩm quyền là không được phép nếu phần diện tích căn hộ của bạn chỉ được dùng để ở. bạn có đăng ký kinh doanh ở phần diện tích được phép kinh doanh của chung cư với cơ quan có thẩm quyền của nhà chung cư.

Trên đây là tư vấn của Luật Minh Khuê. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!

5. Thang máy chung cư rơi tự do trách nhiệm pháp lý sẽ thuộc về ai ?

Thưa luật sư, Tôi là một người mua nhà và sử dụng nhà ở chung cư tại Hà Nội. Gia đình tôi có sử dụng thang máy và bị rơi tự do từ tầng 13 của tòa nhà. Thật may mắn là gia đình tôi không bị thiêtj hại về người và tài sản. Nhưng tôi tự hỏi: Thang máy chung cư rơi tự do nếu gây thiệt hại về người và tài sản thì trách nhiệm pháp lý sẽ thuộc về ai ?
Xin được giải đáp.

Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi cho Luật Minh Khuê, vấn đề bạn quan tâm xin được trao đổi cụ thể như sau:

1. Ai là người phải chịu trách nhiệm bồi thường ?

Thang máy là một bộ phận của công trình xây dựng mà chủ đấu tư công trình dây dựng các dự án chung cư phải chịu trách nhiệm về mọi hạng mục thi công công trình đó.

Do vậy, nếu thang máy trục trặc, xẩy ra sự cố trong quá trình xây dựng, quản lý và chuyển giao thì chủ đầu tư sẽ là một trong những đối tượng bị nhắm đến hoặc bị xem xét trách nhiệm trong việc đảm bảo các quy chuẩn xây dựng về thiết kế trong đó có hạng mục thang máy.

Theo thống kê của hiệp hội xây dựng các quốc gia trên thế giới, thì thang máy là một trong những phương tiện lưu thông ít sảy ra các rủi ro và có các thiết bị an toàn kể cả trong trường hợp bị đứt dây cáp kéo thang máy thì khi rơi vẫn đảm bảo các yếu tố an toàn cho người sử dụng nếu được thiết kế, bảo trị đúng cách.

Ở Việt Nam, việc thiết kế, thi công thang máy phải dáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật việt nam (TCVN: 6396-28L2013) thì mới được đưa vào vận hành và sử dụng. Thang máy chở người trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định về kỹ thuật an toàn và phải được kiểm tra định kỳ trong quá trình sử dụng.

Tham khảo thêm: Thông tư 48/2016/TT-BLĐTBXH về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với Thang máy điện không buồng máy

Như vậy, khi xảy ra sự cố, tai nạn thì phải điều tra xác minh lỗi thuộc về đơn vị nào ? để qua đó xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Phân tích dưới những quy định của pháp luật hiện nay có thể thấy 03 đơn vị có thể là đối tượng phải bồi thường thiệt hại:

Thứ nhất, Chủ đầu tư công trình xây dựng nhà chung cư.

Thứ hai, Ban quản trị nhà chung cư cũng có thể là đối tượng bị xem xét bởi lẽ:

Theo quy định tại điều 104 Luật nhà ở năm 2014 và theo Điều 41 Thông tư 02/2016/TT-BXD thì Ban quản trị nhà chung cư có các quyền và nghĩa vụ sau:

Điều 104. Quyền và trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư

1. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Ban quản trị nhà chung cư có quyền và trách nhiệm sau đây:

a) Đôn đốc, nhắc nhở các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong việc thực hiện nội quy, quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư;

b) Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này và quyết định của Hội nghị nhà chung cư; báo cáo Hội nghị nhà chung cư việc thu, chi khoản kinh phí này;

c) Đề nghị Hội nghị nhà chung cư thông qua mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư;

d) Ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư với chủ đầu tư hoặc đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư sau khi đã được Hội nghị nhà chung cư lựa chọn theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 102 của Luật này.

Trường hợp nhà chung cư không yêu cầu phải có đơn vị quản lý vận hành theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 105 của Luật này và được Hội nghị nhà chung cư giao cho Ban quản trị thực hiện quản lý vận hành thì Ban quản trị nhà chung cư thực hiện việc thu, chi kinh phí quản lý vận hành theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư;

đ) Ký kết hợp đồng với đơn vị có năng lực bảo trì nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư và giám sát hoạt động bảo trì. Việc bảo trì phần sở hữu chung có thể do đơn vị đang quản lý vận hành nhà chung cư hoặc đơn vị khác có năng lực bảo trì theo quy định của pháp luật về xây dựng thực hiện;

e) Thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của người sử dụng nhà chung cư về việc quản lý, sử dụng và cung cấp các dịch vụ nhà chung cư để phối hợp với cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét, giải quyết;

g) Phối hợp với chính quyền địa phương, tổ dân phố trong việc xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong nhà chung cư;

h) Thực hiện đúng quy chế hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua, không được tự bãi miễn hoặc bổ sung thành viên Ban quản trị nhà chung cư;

i) Được hưởng thù lao trách nhiệm và các chi phí hợp lý khác theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư;

k) Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư khi thực hiện quyền và trách nhiệm không đúng với quy định tại khoản này;

l) Thực hiện các công việc khác do Hội nghị nhà chung cư giao mà không trái với quy định pháp luật.

2. Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu thì Ban quản trị nhà chung cư thực hiện quyền và trách nhiệm quy định tại các điểm a, e, g, h, i, k và l khoản 1 Điều này.

Có thể thấy rằng trong trường hợp đã thành lập được ban quản trị nhà chung cư theo quy định của luật nhà ở thì cũng cần phải làm rõ trách nhiệm "Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này và quyết định của Hội nghị nhà chung cư; báo cáo Hội nghị nhà chung cư việc thu, chi khoản kinh phí này" .

Mức phí quản lý , sử dụng kinh phí bảo trì (2% giá trị tài sản) là một khoản phí lớn do ban quản trị nhà chung cư (được cư dân bầu) quản lý, sử dụng. Vậy, họ đã thực sự tiếp cận được khoản tiền này từ chủ đầu tư nay chưa ? nếu chưa thì trách nhiệm thuộc chủ đầu tư ? Nếu đã tiếp nhận và quản lý thì phải làm rõ trách nhiệm sử dụng của họ trong việc bảo trì thang máy như thế nào ?

Thông thường Ban quản trị nhà chung cư thường thuê các công ty có chức năng "quản lý vận hành nhà chung cư", và thuê các công ty bảo trì hệ thống thang máy và các thiết bị khác. Như vậy, nghĩa vụ giám sát, đôn đốc của họ thế nào ? Họ có chiếm dụng số tiền này hay không ?

Như vậy, phải dựa trên kết quả điều tra cụ thể mới có thể quy kết trách nhiệm của ban quản trị nhà chung cư nếu họ phát sinh các lỗi gián tiếp dẫn đến việc gây thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp cho cư dân.

Thứ ba, Đơn vị thi công lắp đặt và bảo trì định kỳ hoạt động tháng máy tại các nhà. Căn cứ vào thời điểm xảy ra tai nạn để xác minh trách nhiệm dựa trên lỗi của các bên liên quan đến hoạt động vận hành, bảo trì, sửa chữa thang máy. Thông thường thời gian bảo hành của các đơn vị cung cấp thang máy chính hãng là 02 năm kể từ ngày sử dụng (các biệt có thể bảo hành đến 5 hoặc 10 năm sau sử dụng). Như vậy, nếu rủi ro kỹ thuật xảy ra trong thời hạn bảo hành thì nhà cung cấp thiết bị nếu có lỗi thì cũng có thể bị xem xét trách nhiệm bồi thưởng.

Thông thường, những đơn vị bảo trì, sửa chữa thang máy nếu ký hợp đồng dài hạn với ban quản trị/ban quản lý nhà chung cư nếu có các cam kết theo hợp đồng hoặc có lỗi trực tiếp dẫn đến thiệt hại cho người dân cũng là đối tượng xem xét để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng.

2. Phân tích các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại.

2.1 Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại:

Chúng ta có thể thấy các quy định của pháp luật về quản lý, vận hành nhà chung cư cũng như các quy định liên quan đến hoạt động này tại Việt Nam chưa đồng bộ, thiết chặt chẽ dẫn đến việc quy kết trách nhiệm bồi thường hoặc trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại gặp nhiều khó khăn trên thực tế.

Điều 13, bộ luật dân sự năm 2015 có quy định:

"Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác."

Đồng thời tại điều 170 của bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định:

Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bồi thường thiệt hại.

Đây có thể coi là nguyên tắc để xác định trách nhiệm bồi thường, nguyên tắc này dựa trên yếu tố LỖI (lỗi trực tiếp hoặc lỗi gián tiếp) và lỗi đó phải là nguyên nhân trực tiếp (quan hệ nhân quả) với việc gây ra thiệt hại về người hoặc tài sản.

Người bị thiệt hại (tính mạng, sức khỏe, tài sản) sẽ được bồi thường những gì ?

Theo quy định của bộ luật dân sự năm 2015 thì bồi thường sẽ dựa trên các chi phí bao gồm:

- Chi phí co việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại (tổn hại sức khỏe hoặc chết);

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

- Tiền cấp dững cho những người mà bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng (Con/Bố/Mẹ...);

- Tiền bồi thường về tổn thất tinh thần cho những người thân... và các khoản chi phí hợp lý khác mà người bị thiệt hại có thể chứng minh.

2.2 Trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở lao động có sử dụng thang máy gây thiệt hại:

Căn cứ theo khoản 5, điều 17, nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm:

5. Phạt tiền người sử dụng lao động vi phạm các quy định về sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo cơ quan có thẩm quyền việc kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;

b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không khai báo trước khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;

c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã thực hiện kiểm định nhưng kết quả kiểm định không đạt yêu cầu;

d) Từ 02 đến 03 lần tổng giá trị phí kiểm định máy, thiết bị vật tư vi phạm.

Tóm lại: Với những quy định hiện nay rất khó để quy kết trách nhiệm pháp lý thuộc về ai và đôi khi câu chuyện "mất bò mới lo làm chuồng" là câu chuyên muôn thủa trong công tác quản lý nhà nước trong việc bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Mong rằng trong thời gian tới với những quy định pháp lý chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ về hoạt động xây dựng, quản lý và vận hành nhà chung cư được ban hành hoặc sửa đổi thì quyền lợi của người dân sử dụng dịch vụ sẽ được tăng cường và bảo đảm.

Mọi vướng mắc pháp lý phát sinh cần giải đáp thêm vui lòng gọi: 1900.6162 đội ngũ luật sư, chuyên gia tư vấn pháp luật của Công ty luật Minh Khuê luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác từ quý khách hàng!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật đất đai - Công ty luật TNHH Minh Khuê