1. Quy định về việc cầm cố tài sản chung của vợ chồng

Căn cứ theo Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung như sau:

- Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

- Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

+  Bất động sản;

+ Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

+  Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Căn cứ vào Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng như sau:

- Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014

-  Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình  2014 thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.

Như vậy, việc cầm cố tài sản chung của vợ chồng cần được sự thỏa thuận, sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: Bất động sản; Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình. Trường hợp vợ hoặc chồng tự ý định đoạt tài sản chung mà theo quy định phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.

2. Có được dùng tài sản chung của vợ chồng đi cầm cố không?

Sử dụng tài sản chung như quyền sử dụng đất của vợ chồng đi cầm cố được không? Để trả lời cho câu hỏi trên, bạn cần quan tâm đến các vấn đề nhỏ như sau:

- Giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng

Quyền sử dụng đất đứng nếu là tài sản chung theo Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất thì cả vợ và chồng phải ký tên hoặc được đại diện ký tên theo ủy quyền. Vậy, nếu giao dịch quyền sử dụng đất mà không có chữ ký của vợ hoặc chồng là vi phạm pháp luật.

- Vấn đề cầm cố quyền sử dụng đất

Căn cứ Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về tài sản như sau:

+ Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

+ Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Theo quy định trên, quyền tài sản được xếp vào nhóm quyền tài sản. Tuy nhiên, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được coi là quyền tài sản mà chỉ là chứng thư pháp lý (Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai năm 2013) ghi nhận quyền tài sản của cá nhân, tổ chức. Do đó, Giấy chứng nhận không mang một giá trị nào khác.

Tại Khoản 1 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 quy định về các quyền của người sử dụng đất như sau: Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Bên cạnh đó, Điều 309 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Như vậy, nhà nước không thừa nhận cũng như nghiêm cấm việc cầm cố quyền sử dụng đất bởi bản chất của giao dịch cầm cố cần có sự chuyển giao quyền chiếm hữu tài sản giữa bên cầm cố và bên nhận cầm cố mà quyền sử dụng đất là quyền tài sản nên không thực hiện được việc chuyển quyền chiếm hữu. Nếu các bên thực hiện giao dịch thì theo Điều 123 Bộ luật dân sự 2015 sẽ bị tuyên là vô hiệu.

Việc sử dụng tài sản chung cần tuân theo sự thỏa thuận, đồng nhất của cả hai.

Ví dụ: Anh A và chị B kết hôn với nhau từ năm 2020. Sau 3 năm chung sống, hai vợ chồng đã cùng nhau xây dựng một căn nhà. Tổng giá trị của đất và nhà ước tính tầm 4 tỷ đồng. Đầu năm 2023, do sử dụng ma túy, anh A rơi vào tình trạng túng quẫn, tìm mọi cách để có tiền sử dụng ma túy. Do đó, anh A đã lấy sổ đỏ của nhà đi cầm cố. Chủ tiệm cầm đồ là anh Trần Văn M đã nhận sổ đỏ của anh A. Phát hiện ra hành vi của chồng, chị B đã nhờ cán bộ chức năng vào cuộc. Cơ quan chức năng có thẩm quyền xét giao dịch của anh A và anh M là vô hiệu, do ngôi nhà là tài sản chung của hai vợ chồng. Chị B được lấy lại sổ về, và anh A phải chịu trách nhiệm hoàn trả cho anh M số tiền đã nhận.

Từ nội dung phân tích nêu trên, có thể thấy, vợ và chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản chung. Mọi hoạt động liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung đều do hai vợ chồng thỏa thuận với nhau. Hay nói cách khác, vợ (hoặc chồng) không được tự ý định đoạt tài sản chung nếu không có sự đồng ý của bên còn lại. Do đó, có thể khẳng định: Các cá nhân không được sử dụng tài sản chung của vợ chồng đi cầm cố.

Trong trường hợp bên nhận cầm cố vẫn cố tình nhận cầm cố tài sản, dù biết đây là tài sản chung, thì giao dịch này được xét là vô hiệu. Trong một số trường hợp, các bên tham gia giao dịch cầm cố tài sản này còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

3. Có thể mang xe vợ đứng tên đi cầm cố không?

Nếu tài sản là chiếc xe hình thành trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng và tại thời điểm ly hôn, tài sản chưa được chia thì tài sản nêu trên vẫn là tài sản chung của hai người, tuy nhiên, khi định đoạt tài sản phải có sự đồng ý của cả hai người.

Chồng có mang xe của vợ đứng tên đi cầm được hay không sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể:

- Nếu người chồng tự ý mang xe máy của vợ đứng tên đi cầm mà chưa nhận được sự ủy quyền của vợ sẽ là vi phạm pháp luật. Bởi vì người chồng không phải chủ sở hữu của chiếc xe nên không có quyền được cầm cố tài sản không phải thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình.

- Trường hợp người chồng không phải chủ sở hữu của xe nhưng được vợ là người chủ sở hữu ủy quyền hợp pháp thì lúc này người chồng có thể thực hiện giao dịch cầm đồ chiếc xe mà không sợ bị vi phạm pháp luật.

Vậy chồng có được mang xe máy của vợ đứng tên đi cầm không? Câu trả lời là có nếu người chồng nhận được ủy quyền hợp pháp từ người vợ còn không trong trường hợp người chồng tự ý mang xe máy đi cầm mà không được ủy quyền hợp pháp từ người vợ.

Xem thêm: Tài sản của vợ, chồng và vấn đề thế chấp tài sản của vợ, chồng.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Có được dùng tài sản chung của vợ chồng đi cầm cố không? mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.


Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!