1. Đề nghị giao kết hợp đồng là gì?
- Căn cứ theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định như sau: "Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự."
Như vậy hợp đồng đơn giản là sự thỏa thuận của các bên về quyền và nghĩa vụ của mình khi cùng nhau tham gia hợp đồng. Hợp đồng là hình thức diễn ra rất phổ biến hàng ngày mà hầu như ai trong mỗi chúng ta đều thực hiện. Đơn giản như việc mua đồ ở cửa hàng tạp hóa cũng được coi là một dạng hợp đồng hay một hợp động xây dựng có giá trị hàng chục tỉ, ....
- Đề nghị giao kết hợp đồng được quy định tại khoản 1 Điều 386 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định như sau: "Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị)"
Theo quy định trên có thể hiểu đề nghị giao kết hợp đồng là việc bên đề nghị giao kết hợp đồng muốn xác lập, giao kết hợp đồng với các đối tượng đã xác định trước hoặc chưa xác định trước với mục đích cuối cùng là chuyển được đề nghị giao kết hợp đồng của mình tới các bên được đề nghị.
- Khi thực hiện đề nghị giao kết hợp đồng các thông tin cần phải có trong giao kết hợp đồng là:
- Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết.
- Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác.
- Nếu vi phạm các trường hợp trên mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Việc thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng được thực hiện theo quy định tại Điều 389 Bộ luật Dân sự năm 2015 cụ thể như sau:
+ Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp sau đây:
- Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;
- Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.
+ Khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đó là đề nghị mới.
- Hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng khi bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể hủy bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
- Chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng thì sẽ căn cứ theo Điều 391 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:
+ Bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng;
+ Bên được đề nghị trả lời không chấp nhận;
+ Hết thời hạn trả lời chấp nhận;
+ Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;
+ Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực;
+ Theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời."
Như vậy qua các quy định trên có thể thấy bên đề nghị giao kết hợp đồng có quyền thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng, thậm chí có thể chấm dứt đề nghị hợp đồng, ....
2. Đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm nào?
Để trả lời câu hỏi trên chúng ta căn cứ Điều 388 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định như sau:
"1. Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau:
a) Do bên đề nghị ấn định;
b) Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
2. Các trường hợp sau đây được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng:
a) Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân, được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân;
b) Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị
c) Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác."
- Ngoài ra, chúng ta cũng phải quan tâm đến một quy định nữa đó là quy định về hiệu lực của hợp đồng ở khoản 1 Điều 401 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: "Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác."
Như vậy, việc thời điểm giao kết hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Mà thời điểm giao kết hợp đồng sẽ là thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết (theo khoản 1 Điều 400 Bộ luật Dân sự năm 2015).
- Từ các quy định trên có thể thấy thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực là:
+ Thứ nhất, thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực sẽ do bên đề nghị ấn định. Tức là trong trường hợp này việc thời điểm để đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực thì sẽ do bên đề nghị giao kết hợp đồng ấn định. Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực mà bên đề nghị ấn định có thể là thời điểm mà bên nhận được đề nghị hoặc là thời điểm ngay khi mà đề nghị giao kết hợp đồng được gửi đi. Ví dụ như bên A đề nghị giao kết hợp đồng với bên B vào ngày 12/12/2020 nhưng thời điểm có hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng lại ấn định là một ngày cụ thể khác là ngày 15/12/2020.
+ Thứ hai, trường hợp nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Nghĩa là trong trường hợp này nếu bên đề nghị không ấn định thì sẽ thực hiện theo các quy định của pháp luật cụ thể là thời điểm có hiệu lực sẽ kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó, ngoại trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
* Cách xác định thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực:
- Ở trường hợp bên để nghị ấn định thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực thì đương nhiên thời điểm đó sẽ là thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực.
- Còn đối với trường hợp không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị giao kết đó, các trường hợp dưới đây được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng:
+ Đề nghị được chuyển đến cư trú nếu bên được đề nghị là cá nhân; đề nghị được chuyển đến trụ sở nếu bên được đề nghị là pháp nhân.
Ví dụ nếu gửi qua đường bưu điện thì dấu ngày chuyển đến của bưu điện sẽ được xác nhận là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng và đồng nghĩa với việc thời điểm giao kết hợp đồng có hiệu lực.
+ Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị.
Ví dụ: như bên đề nghị đưa thông tin đề nghị giao kết lên trên trang mạng của công ty hoặc qua internet, ...
+ Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.
Ví dụ: nếu hai bên gặp mặt trao đổi trực tiếp hoặc trao đổi trực tuyến qua các hệ thống thông tin điện từ thì thời điểm coi là đã nhận được đề nghị là thời điểm bên đề nghị trao đổi về đề nghị giao kết hợp đồng là cơ sở căn cứ để xác định thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực.
Tham khảo thêm một số bài viết khác liên quan:
- Hủy bỏ, thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện như thế nào?
- Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực từ khi nào? Ví dụ
Trên đây là bài viết tư vấn, mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ số Hotline Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua tổng đài: 1900.6162 để được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!