Bên A (người mua) Bên B (người bán , bao gồm 2vc) Bên C (Văn Phòng Công Chứng) (Viết tắt là VPCC). Bên A và Bên B ra VPCC ký hợp đồng mua bán 1 tài sản có giá trị (trên hợp đồng công chứng có chữ ký của cả 2 vợ chồng bên B). Nhưng Tài sản đó đem đi sang tên thì không chuyển quyền sử dụng được.
Lý do: Bên B đưa không đúng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bên A nhiều lần đòi bên B trả lại tiền mà bên B cứ chay ỳ không trả. Bên A đến nhà bên B đòi, thì vợ bên B nói là không có ra VPCC ký tên (có ghi âm). Như vậy là bên B đã câu kết với bên VPCC giả mạo chữ ký, ký khống hợp đồng mua bán. Và hiện tại là bên A vẫn chưa đòi lại được tiền. Vậy trong trường hợp này, mình khởi kiện như thế nào? Cách thức khởi kiện, kiện ai? Và từng bước như thế nào ạ. Bên A và bên B cùng ngụ trong thành phố, VPCC tư cũng nằm trong thành phố luôn ạ.
Tôi xin chân thành cám ơn!
Người hỏi: N.P
Luật sư xử lý hành vi giả mạo chữ ký, gọi: 1900.6162
Trả lời:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty Luật Minh Khuê. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì bạn và bên B đã làm hợp đồng chuyển nhượng tại văn phòng công chứng. Nhưng hiện nay bạn không thể sang tên được. Vợ bên B có nói là không có ký vào hợp đồng mua bán. Như vậy có thể thấy trong trường hợp này chồng của bên B đã giả mạo chữ ký để thực hiện chuyển nhượng. Bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối đe dọa. Có thể thấy trong trường hợp này quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng bên B nhưng người vợ không đồng ý mà người chồng đã giả mạo chữ ký của vợ để làm hợp đồng chuyển nhượng nên trong trường hợp này bên B đã lừa dối bạn để làm hợp đồng chuyển nhượng.
Điều 132 BLDS quy định như sau:
"Điều 132. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình."
Vì vậy bạn có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối. Khi đó bên B có nghĩa vụ phải trả lại tiền cho bạn vì Điều 137 BLDS 2005 quy định về hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
"Điều 137. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường."
Thời hiệu để bạn yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch trên vô hiệu là 2 năm theo quy định tại Điều 136 BLDS:
"Điều 136. Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu
1. Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại các điều từ Điều 130 đến Điều 134 của Bộ luật này là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập.
2. Đối với các giao dịch dân sự được quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế."
Do đó để đảm bảo quyền lợi cho mình và nhanh chóng lấy lại số tiền thì bạn nên sớm làm đơn yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định chữ viết và cung cấp các thông tin chứng cứ cho Tòa để sớm được giải quyết!
Chúc anh sơm giải quyết được vấn đề của mình.
Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp. Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài gọi 1900.6162.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự - Công ty luật Minh Khuê