Mục lục bài viết
1. Căn cứ pháp lý
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi,bổ sung năm 2017);
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 05 năm 2021 sửa đổi, bổ sung nghị định 155/2016/NĐ-CP;
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01năm 2022 quy định chi tiết một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
2. Khái niệm
Môi trường đất là nơi cư trú của con người và nhiều giống động vật. Vi phạm bảo vệ môi trường đất chính là việc đưa các chất thải nguy hại hoặc năng lượng đến mức ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của sinh vật, sức khỏe con người.
Ô nhiễm môi trường đất ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Lượng hóa chất không được xử lý cẩn thận thì lượng hóa chất đó sẽ ngấm xuống lòng đất và các mạch nước ngầm, đồng thời, phụ thuộc vào từng loại đất mà lượng hóa chất đó ngấm nhanh hay chậm. Quá trình thẩm thấu này diễn ra tập trung ở các khu công nghiệp, trang trại, bãi rác,...
Nạn phá rừng, xói mòn đất diễn ra ngày càng nhiều buộc nhiều loài động vật phải di chuyển đến một vùng đất khác tìm kiếm nơi trú ẩn, thức ăn, nước uống. Ô nhiễm môi trường đất không chỉ ảnh hưởng đến sinh vật mà còn ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến đời sống, sức khỏe của con người, có thể kể đến một số bệnh như: ung thư, bệnh bạch cầu, nhiễm độc gan,...khi chúng ta tiếp xúc nhiều với lượng hóa chất (crom, chì, benzen,...).
3. Quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đất
Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đất là xem xét, quyết định áp dụng các hình thức trách nhiệm pháp lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường đất.
Một số hành vi gây ô nhiễm môi trường đất:
- Chôn vùi, thải vào đất chất thải, chất thải hữu cơ khó phân hủy, chất độc hại, chất thải phóng xạ chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép vào tài nguyên đất.
- Sử dụng các chế phẩm vi sinh, sử dụng phân bón hóa học, các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường đất.
- Hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình đất, làm mất hoặc làm giảm khả năng sử dụng theo mục đích xác định của đất.
- Sản xuất, gia công buôn bán các loại thuộc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng, hạn chế sử dụng tại Việt Nam gây ô nhiễm, suy thoái ô nhiễm môi trường đất.
- Sử dụng những biện pháp bảo vệ thực vật có kháng sinh gây nguy hiểm cho con người, cho sinh vật, hủy hoại môi trường đất.
- Lợi dụng chức vụ quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái các quy định về quản lý và bảo vệ tài nguyên đất...
3.1. Trách nhiệm hành chính
Xử phạt vi phạm hành chính do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với các chủ thể khi hộ vi phạm hành chính liên quan đến pháp luật bảo vệ môi trường đất. Trách nhiệm hành chính sẽ áp dụng cho các chủ thể vi phạm hành chính về pháp luật bảo vệ môi trường đất ngay khi chưa có hậu quả xảy ra, không phụ thuộc vào thiệt hại mà họ đã gây ra hay chưa. Mức phạt cao nhất đối với cá nhân là 1.000.000.000 đồng, còn đối với tổ chức là 2.000.000.000 tỷ đồng. Ngoài ra, có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép liên quan, bị tịch thu hàng hóa, vật phẩm gây ô nhiễm môi trường, buộc khắc phục các hậu quả,...
Căn cứ vào Điều 29 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đất:
- Phạt tiền
Thứ nhất, việc điều tra, đánh giá chi tiết khu vực ô nhiễm môi trường đất nhằm xác định các chất ô nhiễm tồn lưu, hàm lượng chất ô nhiễm tồn lưu; nguồn ô nhiễm tồn lưu; phân loại mức độ, quy mô, phạm vi tác động của ô nhiễm đến môi trường; đề xuất biện pháp xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường.
Điều 12 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01năm 2022 quy định chi tiết một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, khu vực phải được điều tra, đánh giá, phân loại chất lượng môi trường đất bao gồm:
+ Khu vực bị nhiễm độc hóa chất trong chiến tranh; Khu vực có khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, kho chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, làng nghề đã đóng cửa hoặc di dời;
+ Khu vực có cơ sở sản xuất đã đóng cửa hoặc di dời thuộc một trong các loại hình sau: khai thác, chế biến khoáng sản độc hại, khoáng sản kim loại; chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất độc hại; sản xuất gang, thép, luyện kim (trừ cán, kéo, đúc từ phôi nguyên liệu); sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản (trừ khí công nghiệp), phân bón vô cơ (trừ phối trộn, sang chiết, đóng gói), thuốc bảo vệ thực vật hóa học (trừ phối trộn, sang chiết); lọc, hóa dầu; nhiệt điện (trừ sử dụng khí, dầu DO); tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; có công đoạn mạ, làm sạch bề mặt kim loại bằng hóa chất nguy hiểm; sản xuất pin, ắc quy;
+ Khu vực ô nhiễm hóa chất, ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.
Điều tra, đánh giá chất lượng môi trường đất bao gồm: điều tra, đánh giá sơ bộ và điều tra, đánh giá chi tiết.
Khi điều tra, đánh giá chi tiết cần: Lập kế hoạch chi tiết khảo sát thực tế hiện trường; Điều tra, khảo sát, lấy mẫu chi tiết tại hiện trường theo phạm vi phân bố hàm lượng của chất ô nhiễm tồn lưu; phân tích, đánh giá chi tiết, xác định thành phần, tính chất chất gây ô nhiễm tồn lưu, mức độ, quy mô và tác động ảnh hưởng đến môi trường; Xây dựng bản đồ khu vực ô nhiễm môi trường đất với các thông tin về chất gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm, phạm vi ô nhiễm. Sau khi điều tra đánh giá thì lập báo cáo kết quả điều tra, đánh giá chi tiết khu vực ô nhiễm môi trường đất theo mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
Nếu không thực hiện việc điều tra, đánh giá chi tiết khu vực đất bị ô nhiễm theo quy định trong trường hợp gây ra ô nhiễm môi trường thì sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Thứ hai, việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực ô nhiễm môi trường đất căn cứ vào báo cáo kết quả điều tra, đánh giá sơ bộ, điều tra, đánh giá chi tiết và phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường.
Nội dung chính của phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường bao gồm: Thông tin chung về khu vực ô nhiễm môi trường đất; Kết quả điều tra và đánh giá mức độ ô nhiễm của khu vực ô nhiễm môi trường đất; Lựa chọn phương thức xử lý tại chỗ hoặc vận chuyển đến địa điểm xử lý theo quy định; Công trình, biện pháp kỹ thuật, công nghệ giảm thiểu hoặc loại bỏ các chất gây ô nhiễm tồn lưu tại khu vực ô nhiễm môi trường đất; bảng so sánh các biện pháp kỹ thuật, kèm theo các phân tích để lựa chọn phương án tối ưu; Lộ trình và kế hoạch thực hiện phương án xử lý ô nhiễm; Giám sát, kiểm soát trong và sau xử lý.
Trường hợp không lập phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm trình Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, theo dõi, giám sát theo quy định trong trường hợp gây ra ô nhiễm môi trường thì bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
Thứ ba, trường hợp không thực hiện xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm theo quy định trong trường hợp gây ra ô nhiễm môi trường bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi:
+ Hành vi không thực hiện việc điều tra, đánh giá chi tiết khu vực đất bị ô nhiễm theo quy định trong trường hợp gây ra ô nhiễm môi trường.
+ Hành vi không lập phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm trình Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, theo dõi, giám sát theo quy định trong trường hợp gây ra ô nhiễm môi trường.
+ Hành vi không thực hiện xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm theo quy định trong trường hợp gây ra ô nhiễm môi trường.
3.2. Trách nhiệm hình sự
Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất được áp dụng với các chủ thể khi họ phạm phải các tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trách nhiệm hình sự áp dụng đối với cá nhân hoặc pháp nhân thương mại có hành vi gây ô nhiễm môi trường đất và hành vi đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), quy định tội gây ô nhiễm môi trường của cá nhân:
- Khung 1: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Khung 2: Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
- Khung 3: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Khung 4: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Còn đối với pháp nhân thì tội gây ô nhiễm môi trường bị phạt:
- Khung 1: Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng.
- Khung 2: Phạt tiền từ 5.000.000.000 đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.
- Khung 3: Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.
- Khung 4: Bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
- Khung 5: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức gây ra ô nhiễm môi trường đất còn phải chịu trách nhiệm dân sự trong trường hợp có thiệt hại do mình gây ra.