Mục lục bài viết
1. Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam.
25 năm sau khi thiết lập quan hệ song phương vào năm 1995, Hoa Kỳ và Việt Nam đã trở thành đối tác đáng tin cậy với tình hữu nghị dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Hoa Kỳ – Việt Nam có mối quan hệ hợp tác ngày càng tích cực và toàn diện, và đã phát triển thành quan hệ đối tác vững chắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh và giao lưu giữa nhân dân hai nước. Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, góp phần đảm bảo an ninh quốc tế; tham gia các quan hệ thương mại hai bên cùng có lợi; và tôn trọng nhân quyền và pháp quyền. Mối quan hệ song phương được định hướng bởi Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam ký kết năm 2013 – đây là một khuôn khổ tổng thể nhằm thúc đẩy mối quan hệ song phương; và các Tuyên bố chung do lãnh đạo hai nước ban hành vào các năm 2015, 2016, và tháng 5 và tháng 11 năm 2017. Năm 2020, Việt Nam và Hoa Kỳ đã kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tiếp tục cam kết tăng cường hợp tác.
Quan hệ Đối tác Toàn diện nhấn mạnh cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cung cấp cơ chế thuận lợi cho việc hợp tác trong các lĩnh vực chính trị và quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế và thương mại, quốc phòng và an ninh, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và y tế, trợ giúp nhân đạo/cứu trợ thiên tai, các vấn đề chiến tranh để lại, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, giao lưu nhân dân hai nước, và văn hóa, thể thao và du lịch. Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực thực thi pháp luật, hợp tác xuyên biên giới trong khu vực, và thực hiện các công ước và tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam là một đối tác trong các cơ chế chống phổ biến vũ khí hạt nhân, bao gồm Sáng kiến Toàn cầu Chống Khủng bố Hạt nhân, và tận dụng chuyên môn, thiết bị và chương trình đào tạo sẵn có trong chương trình Kiểm soát xuất khẩu và An ninh biên giới liên quan. Năm 2016, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký một thư thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật và tư pháp, và hai quốc gia đang phối hợp để triển khai thỏa thuận. Hoa Kỳ và Việt Nam thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại về lao động, an ninh, năng lượng, khoa học công nghệ và nhân quyền.
Việc tìm kiếm một cách đầy đủ nhất có thể các quân nhân Hoa Kỳ mất tích và chưa được tìm thấy ở Đông Dương là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Hàng năm Bộ Chỉ huy Hỗn hợp tìm kiếm Tù binh và Quân nhân mất tích thực hiện bốn giai đoạn tìm kiếm và khai quật lớn tại Việt Nam, trong đó các cán bộ quân sự và dân sự được đào tạo đặc biệt của Hoa Kỳ sẽ điều tra và khai quật hàng trăm trường hợp để thống kê một cách đầy đủ nhất các trường hợp này. Kể từ tháng 8 năm 2011, các đội khai quật của Việt Nam cũng thường xuyên tham gia vào những cuộc khai quật này.
Việt Nam vẫn bị ô nhiễm rất nặng bởi các vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, chủ yếu dưới dạng vật liệu chưa nổ, bao gồm nhiều diện tích ô nhiễm bom chùm từ cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là nhà tài trợ riêng lẻ lớn nhất cho hoạt động khắc phục hậu quả vật liệu chưa nổ/bom mìn tại Việt Nam, theo đó Hoa Kỳ đã đóng góp hơn 140 triệu USD từ năm 1994, và vào tháng 12 năm 2013, hai quốc gia đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc tiếp tục hợp tác trong xử lý bom mìn, vật liệu chưa nổ. Những nỗ lực của Hoa Kỳ trong giải quyết các vấn đề chiến tranh để lại, như xử lý bom mìn và vật liệu nổ, tìm kiếm quân nhân mất tích và xử lý dioxin đã tạo nền tảng cho quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ – Việt Nam. Hoa Kỳ và Việt Nam cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước như đề cập trong Bản ghi nhớ về Thúc đẩy Hợp tác Quốc phòng Song phương năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng Hoa Kỳ – Việt Nam ký kết năm 2015, trong đó ưu tiên về hợp tác nhân đạo, các vấn đề chiến tranh để lại, an ninh hàng hải, gìn giữ hòa bình, trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Vào tháng 5 năm 2016, Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về an ninh hàng hải – bao gồm thông qua Sáng kiến An ninh Hàng hải, chương trình Hợp tác Giảm thiểu Đe dọa và quỹ Hỗ trợ tài chính Quân sự Đối ngoại. Hoa Kỳ đã bàn giao các tàu tuần duyên lớp Hamilton cho Việt Nam vào năm 2017 và 2020 để giúp Việt Nam nâng cao năng lực thực thi luật hàng hải. Hoa Kỳ tái khẳng định sự ủng hộ đối với những nỗ lực gìn giữ hòa bình của Việt Nam thông qua hỗ trợ Việt Nam lần đầu tiên triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan vào năm 2018.
Mối quan hệ giữa nhân dân Hoa Kỳ và Việt Nam cũng phát triển rất nhanh chóng. Hàng chục ngàn du học sinh Việt Nam học tập tại Hoa Kỳ, đóng góp gần 1 tỷ USD cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Đại học Fulbright Việt Nam, với khóa đại học đầu tiên khai giảng vào mùa thu năm 2019, đã đưa nền giáo dục đẳng cấp, độc lập, mang phong cách Hoa Kỳ đến Việt Nam. Ngoài ra, hơn 25.000 thanh niên Việt Nam đang là thành viên của mạng lưới Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á tại Việt Nam. Năm 2020, Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận triển khai chương trình Tổ chức Hòa bình.
2. Khái quát về Hiệp định thiết lập quan hệ quyền tác giả giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Hiệp định về thiết lập quan hệ quyền tác giả giữa Việt Nam và Hoa kì điều ước quốc tế song phương về bảo hộ quyền tác giả giữa Việt Nam và Hoa Kì được kí kết ngày 27.6.1997 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 23.12.1998.
Hiệp định này quy định các nội dung cơ bản sau:
- Tác phẩm được bảo hộ;
- Phạm vi các quyền tác giả được bảo hộ; điều kiện bảo hộ; những quy định khác.
Hiệp định dựa trên nguyên tắc cơ bản - nguyên tắc đối xử quốc gia. Theo đó, mỗi bên kí kết, phù hợp với pháp luật của mình, sẽ dành cho các tác phẩm của những tác giả, nhà sáng tạo và nghệ sĩ là công dân hoặc người thường trú của bên kí kết kia và cho tác phẩm công bố lần đầu tại lãnh thổ của bên kí kết kia sự bảo hộ quyền tác giả không kém thuận lợi hơn sự bảo hộ mà bên đó dành cho công dân nước mình.
Những tác phẩm được bảo hộ gồm những tác phẩm mà một công dân hoặc người thường trú của một trong các bên kí kết có những quyền kinh tế theo luật quyền tác giả tại lãnh thổ của bên kia, hoặc khi những quyền nói trên thuộc về một pháp nhân do bất kì một công dân, hoặc người thường trú nào của bên kia kiểm soát trực tiếp, gián tiếp hoặc có quyền sở hữu đối với phần lớn cổ phần hoặc tài sản của pháp nhân, miễn là quyền sở hữu nói trên phát sinh trong vòng một năm kể từ ngày công bố lần đầu tác phẩm đó tại một nước thành viên của một điều ước đa phương về quyền tác giả mà một trong các bên kí kết là thành viên tại thời điểm Hiệp định này có hiệu lực.
Đồng thời, mỗi bên kí kết sẽ dành sự bảo hộ quy định theo Hiệp định cho những tác phẩm của công dân hoặc người thường trú của bên kia và cho những tác phẩm công bố lần đầu tiên tại bên kia trước khi Hiệp định có hiệu lực, nếu như những tác phẩm như vậy chưa thuộc về công cộng tại một trong các bên kí kết sau khi hưởng toàn bộ thời hạn bảo hộ.
Hiệp định quy định “quyển tối thiểu”, theo đó các bên kí kết phải đảm bảo rằng người được hưởng
quyền tác giả đối với một tác phẩm sẽ có độc quyền : Ny ï cho phép hoặc cấm: việc sao chép một tác phẩm, sáng tạo tác phẩm khác dựa trên tác phẩm đó và phân phối bản sao của các tác phẩm đó; việc trình diễn tác phẩm văn học, âm nhạc, kịch và múa, phim và tác phẩm nghe nhìn trước công chúng và, việc trình bày các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả trước công chúng trong trường hợp tác phẩm văn học, âm nhạc, kịch, múa, kịch câm, hội họa, đồ họa, tạo hình, phim ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác. Các bên kí kết sẽ giới hạn những hạn chế và ngoại lệ đối với “quyền tối thiểu" được nêu trên trong một số trường hợp đặc biệt mà những trường hợp đó không cản trở sự khai thác bình thường của tác phẩm và không ảnh hưởng bất hợp lí đến lợi ích chính đáng của người được hưởng quyền tác giả.
Không một bên kí kết nào có thể áp đặt những thể thức, kể cả những yêu cầu về mặt công bố hoặc đăng kí, đối với việc hưởng hoặc thực hiện các quyền dành cho các tác phẩm của bên kí kết kia.
Các bên cam kết sẽ quy định việc thi hành đầy đủ và hiệu quả quyền tác giả đối với những tác phẩm trong phạm vi lãnh thổ nước mình, đồng thời sẽ hợp tác nhằm đạt mục đích chung về ngăn ngừa và xử lí việc xâm phạm quyền tác giả.
3. Những tác phẩm được bảo hộ theo quy định của Hiệp định.
Những tác phẩm được bảo hộ theo quy định của Hiệp định này bao gồm những tác phẩm mà công dân hoặc người thường trú của một trong các bên ký kết có những quyền kinh tế theo luật quyền tác giả tại lãnh thổ của Bên kia, hoặc khi những quyền nói trên thuộc về một pháp nhân do bất kỳ một công dân hoặc người thường trú nào của Bên kia kiểm soát trực tiếp, gián tiếp hoặc có quyền sở hữu đối với phần lớn cổ phần hoặc tài sản của pháp nhân, miễn là quyền sở hữu nói trên phát sinh trong vòng một năm kể từ ngày công bố lần đầu các tác phẩm đó tại một nước thành viên của một Điều ước đa phương về quyền tác giả mà một trong các Bên ký kết là thành viên tại thời điểm Hiệp định này có hiệu lực. Kiểm soát gián tiếp nghĩa là kiểm soát được thực hiện thông qua cơ sở phụ thuộc hoặc chi nhánh, bất kể cơ sở hoặc chi nhánh đó đặt tại đâu.
Mỗi Bên ký kết sẽ dành sự bảo hộ quy định theo Hiệp định này cho những tác phẩm của công dân hoặc người thường trú của Bên kia và cho những tác phẩm công bố lần đầu tại Bên kia trước khi Hiệp định này có hiệu lực, nếu những tác phẩm như vậy chưa thuộc về công cộng tại một trong các Bên ký kết sau khi hưởng toàn bộ thời hạn bảo hộ. Mọi việc làm của bất kỳ ai thực hiện trước khi Hiệp định này có hiệu lực sẽ không bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Do đó, pháp luật và/hoặc quy định liên quan của các Bên ký kết sẽ ấn định cụ thể việc công nhận, hưởng và thực thi quyền tác giả sẽ áp dụng cho tất cả các tác phẩm nói trên.
4. Quyền tối thiểu của các bên.
- Các bên ký kết phải đảm bảo rằng người được hưởng quyền tác giả đối với một tác phẩm sẽ có độc quyền cho phép hoặc cấm những điều sau:
+ Việc sao chép một tác phẩm, sáng tạo tác phẩm khác dựa trên tác phẩm đó và phân phối bản sao của các tác phẩm đó;
+ Việc trình diễn tác phẩm trước công chúng trong trường hợp những tác phẩm văn học, âm nhạc, kịch và múa, kịch câm, phim và tác phẩm nghe, nhìn;
+ Việc trình bày các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả trước công chúng trong trường hợp tác phẩm văn học, âm nhạc, kịch, múa, kịch câm, hội hoạ, đồ hoạ, tạo hình, bao gồm cả các ảnh đơn chiếc của một bộ phim hoặc tác phẩm nghe nhìn khác.
- Pháp luật của cả hai Bên ký kết sẽ bao gồm những quy định cụ thể hoá các quyền này.
- Các Bên ký kết sẽ giới hạn những hạn chế và ngoại lệ đối với các quyền quy định tại khoản 1 Điều này trong phạm vi một số trường hợp đặc biệt mà những trường hợp đó không cản trở sự khai thác bình thường của tác phẩm và không ảnh hưởng bất hợp lý đến lợi ích chính đáng của người được hưởng quyền tác giả.
5. Các điều khoản thi hành của Hiệp định.
- Các Bên ký kết sẽ quy định việc thi hành đầy đủ và hiệu quả quyền tác giả đối với những tác phẩm trong phạm vi lãnh thổ nước mình, bao gồm:
+ Quy định để có thể áp dụng trong phạm vi thủ tục dân sự lệnh đình chỉ tạm thời, lệnh đình chỉ vô thời hạn, việc bồi thường thiệt hại, tịch thu, phá huỷ những sản phẩm xâm phạm, các vật tư, máy móc được sử dụng chủ yếu để tạo ra chúng;
+ Quy định thủ tục tố tụng và hình phạt hình sự được áp dụng trong trường hợp đánh cắp quyền tác giả ở quy mô thương mại, bao gồm cả việc quy định phạt tiền, phạt tù đủ để răn đe, việc tịch thu, phá huỷ những sản phẩm xâm phạm, các vật tư, máy móc được sử dụng chủ yếu để tạo ra chúng; và
+ Quy định việc thi hành có hiệu quả tại biên giới, bao gồm cả việc tịch thu, phá huỷ những sản phẩm xâm phạm đang quá cảnh hoặc chuẩn bị để nhập khẩu, xuất khẩu.
- Pháp luật của cả hai Bên ký kết sẽ bao gồm những quy định cụ thể hoá các biện pháp thi hành, thủ tục và hình phạt nói trên.
Luật Minh Khuê (Biên tập & sưu tầm)