1. Hiệp hội ngành hàng

Hiệp hội ngành hàng là nơi các doanh nghiệp cùng hoạt động trong một lĩnh vực và cùng có mối quan tâm chung, do đó, rất thích hợp để doanh nghiệp thu thập thông tin chuyên môn liên quan phục vụ cho bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Tuy nhiên, ngoài một số Hiệp hội ngành hàng đã từng kinh qua các vụ kiện tự vệ thương mại ở nước ngoài đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu, hầu hết các Hiệp hội ngành hàng hiện cũng chưa có được hiểu biết cơ bản về công cụ tự vệ thương mại.

Việc yêu cầu các Hiệp hội ngành hàng phải biết về những công cụ phòng vệ thương mạitrong đó có tự vệ thương mại một cách đầy đủ để cung cấp thông tin chính xác tới các doanh nghiệp là khó khả thi, không chỉ bởi vì các Hiệp hội có rất nhiều vấn đề cần ưu tiên xử lý, mà còn bởi từ góc độ chuyên môn, việc đề nghị Hiệp hội nào cũng phải có cán bộ chuyên môn về tự vệ thương mại trong khi công cụ này không phải công cụ thường xuyên có thể sử dụng là rất lãng phí.

 

2. Năng lực người chịu trách nhiệm theo dõi về tự vệ thương mại trong doanh nghiệp

Về năng lực người chịu trách nhiệm theo dõi về tự vệ thương mại trong doanh nghiệp, để tham gia các vụ việc về tự vệ đối với hàng hoá nhập khẩu, doanh nghiệp phải có lãnh đạo, nhân viên hiểu biết về công cụ này và tham gia cùng các bên trong vụ việc. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp (luật sư, chuyên gia kinh tế) để tham gia hiệu quả và các vụ kiện này. Có rất ít doanh nghiệp cho rằng các cán bộ nhân viên của doanh nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu.

Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp không thể lúc nào cũng có sẵn đội ngũ nhân sự sẵn sàng cho công việc mà có thể không bao giờ cần đến này. Hơn nữa, khi một vụ kiện diễn ra, luôn luôn phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia từ bên ngoài, các nhân viên của doanh nghiệp không thể tự mình và một mình thực hiện các thủ tục đi kiện và theo kiện được.

Tuy nhiên, việc quyết định có yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại luôn xuất phát từ doanh nghiệp, những chủ thể đầu tiên biết về các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt cũng như tác động của chúng tới thiệt hại của chính doanh nghiệp mình. Chỉ khi doanh nghiệp có có yêu cầu, các cơ quan, tổ chức hay các chuyên gia mới có thể tham gia cùng doanh nghiệp được. Do đó, ít nhất doanh nghiệp cần phải có đội ngũ nhân sự hiểu biết về công cụ này cũng như các dấu hiệu, điều kiện ban đầu và các thủ tục yêu cầu, từ đó mới có thể tiếp tục theo đuổi vụ việc tự vệ thương mại.

Trong quá trình theo kiện, các nhân viên của doanh nghiệp sẽ là những người tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp, trên cơ sở tư vấn chuyên nghiệp của chuyên gia bên ngoài về cách thức hành động của doanh nghiệp trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Như vậy, thực trạng về các doanh nghiệp hầu như chưa có nhân viên có hiểu biết về phòng vệ thương mạinói chung và tự vệ thương mại nói riêng sẽ là một rào cản đáng kể cho việc sử dụng hiệu quả công cụ này của doanh nghiệp trong những trường hợp doanh nghiệp cần bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình.

 

3. Hiệp hội ngành hàng quy định ở đâu?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018 (Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2019) thì Hiệp hội ngành, nghề được quy định cụ thể như sau:

"Hiệp hội ngành, nghề bao gồm hiệp hội ngành hàng và hiệp hội nghề nghiệp."

Theo đó Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định việc áp dụng pháp luật về cạnh tranh như sau:

- Luật Cạnh tranh 2018 điều chỉnh chung về các quan hệ cạnh tranh. Việc điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm và thông báo tập trung kinh tế phải áp dụng quy định của Luật Cạnh tranh 2018.

- Trường hợp luật khác có quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hình thức tập trung kinh tế, hành vi cạnh tranh không lành mạnh và việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của luật đó.

 

4. Hiệp hội ngành nghề có tầm quan trọng như thế nào?

Theo tạo chí công thương, từ trước đến nay, vẫn tồn tại thực trạng nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia hiệp hội. Một số hiệp hội cũng chưa chứng tỏ vai trò của mình trong thời kì hội nhập kinh tế thế giới. Lí do chính xảy ra tình trạng này là do nhận thức quá đề cao vai trò Nhà nước, hiệp hội chỉ là tổ chức phụ trợ, thứ yếu.

Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Nhà nước chủ trương sẽ không can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vì thế vai trò của các hiệp hội ngành, nghề càng được nâng cao. Điều này đã được thể hiện qua việc số đông các trường hợp tranh chấp, dàn xếp trong thương mại quốc tế là do các hiệp hội đứng ra thực hiện, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trải qua quá trình vận động phát triển đã có sự chuyển biến rất lớn về vai trò và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội ngành, nghề trong đời sống kinh tế - xã hội so với trước. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã tự liên kết và thành lập hiệp hội doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh của mình.

Để cạnh tranh, tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải giải quyết tốt mối quan hệ đan xen giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với Nhà nước, giữa doanh nghiệp với xã hội, và hiệp hội ngành, nghề đóng vai trò trung gian tích cực góp phần thỏa mãn nhu cầu bảo vệ quyền, lợi ích của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội.

Sự ra đời của các hiệp hội ngành, nghề là xu thế tất yếu mang tính khách quan nhằm tác động vào sản xuất, tổ chức lưu thông sản phẩm và tham mưu cho cơ quan quản lí Nhà nước trong việc xây dựng và ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực hoạt động của hội, hiệp hội.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay, chức năng chính của hiệp hội ngành, nghề là đại diện và tăng cường quyền lợi cho các hội viên của mình trong các quan hệ cả trong nước và quốc tế, do đó việc tập hợp và đoàn kết lại trong hiệp hội là một giải pháp tất yếu để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp.

 

5. Biện pháp tự vệ trong thương mại quốc tế

Đối với thuật ngữ “tự vệ” theo WTO được hiểu là hành động khẩn cấp của nước nhập khẩu trước việc gia tăng nhập khẩu của một loại hàng hoá cụ thể, khi mà sự gia tăng nhập khẩu này gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất hàng hóa đó trong nước.

Tuy nhiên, đây chỉ là quan niệm, cách hiểu cơ bản và vận dụng về biện pháp tự vệ, không phải là định nghĩa phản ánh đầy đủ bản chất của hành động tự vệ. Vì vậy, trong các tài liệu nghiên cứu về tự vệ của WTO có đưa ra thêm một số giải thích bổ sung.

Theo như tài liệu giải thích về Điều XIX Hiệp định GATT 1994, ở mục 797 khi nhắc đến phán quyết của Uỷ ban phúc thẩm trong vụ kiện Argentina - Footwear nêu rõ biện pháp tự vệ theo qui định tại Điều XIX có đặc trưng là tính khẩn cấp, được áp dụng chỉ duy nhất trong trường hợp mà do kết quả của việc thực hiện nghĩa vụ theo Hiệp định GATT 1994, một thành viên nhận thấy quốc gia mình rơi vào những hoàn cảnh mà “không lường trước được” hoặc “ngoài dự đoán” khi đặt ra/đàm phán và ký kết cam kết liên quan.

Theo Yong Shik Lee, Safeguard Measures in world trade, The Legal Analysis, Third Edition (2014) (Các biện pháp tự vệ trong thương mại thế giới: Phân tích pháp lý. Tái bản lần 3 (2014)) xác định, thuật ngữ “biện pháp tự vệ” được sử dụng để đề cập đến hạn chế nhập khẩu, được áp dụng như là một biện pháp tạm thời khi có sự gia tăng nhập khẩu gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa của sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp.

Theo Yong Shik Lee, tự vệ còn có thể hiểu rộng hơn, gồm những trường hợp các bên “dị ngược lại” với những cam kết của mình và hạn chế nhập khẩu, không tính đến việc có hay không hành vi thương mại không lành mạnh: Điều XIX, XII, XVIII Hiệp định GATT 1994, Hiệp định Tự vệ (Hiệp định SG), Hiệp định nông nghiệp (AOA), Điều XII Hiệp định GATS. Nghị định thư gia nhập WTO của Trung Quốc, cho phép tự vệ cụ thể và đặc biệt là đến các sản phẩm trong thời gian chuyển đổi, chỉ áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu từ nước này. Biện pháp tự vệ nói chung (Điều XIX của GATT) được áp dụng cho mọi loại hàng hoá, trong khi những biện pháp tự vệ khác chỉ áp dụng giới hạn cho một số hàng hoá (sản phẩm nông nghiệp, dệt may), hoặc có thể không hướng đến việc bảo vệ hay ngăn ngừa thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước (đối với trường hợp sử dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu để bảo vệ cán cân thanh toán).

=> Kết luận: Như vậy mặc dù có nhiều khái niệm và cách hiểu khác nhau, nhưng để có thể hiểu và sử dụng khái niệm này trong thực tế, và phù hợp với quan niệm cũng như thực tiễn áp dụng các biện pháp tự vệ trong thương mại quốc tế, trong phạm vi của cuốn sách này, biện pháp tự vệ được sử dụng sẽ là: “Biện pháp tự vệ là một trong ba bộ phận cẩu thành của biện pháp phòng vệ thương mại. Biện pháp tự vệ là công cụ bảo vệ, hỗ trợ ngành sản xuất hàng hoả tương tự, hoặc cạnh tranh trực tiếp của nước nhập khẩu trong trường hợp khẩn cẩp nhằm hạn chế những thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng gia tăng của hàng hoá nhập khẩu gây ra hoặc đe doạ gây ra”.

Biện pháp tự vệ thường được áp dụng một cách khắt khe hơn và phức tạp hơn biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, vì để áp dụng biện pháp này, cơ quan điều tra phải chứng minh được tình trạng thiệt hại nghiêm trọng mà ngành sản xuất hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp trong nước phải chịu do sự gia tăng (về quy mô, số lượng) của hàng hoá nhập khẩu. Biện pháp tự vệ là việc tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá khi việc nhập khẩu những hàng hoá đó tăng nhanh gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.

Trân trọng!