Mục lục bài viết
1. Hướng dẫn xử lý hành vi mua bán, sử dụng “pháo hoa nổ”
Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Công văn 340/TANDTC-PC về xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán “pháo hoa nổ” trong nội địa. Theo đó, TANDTC kết luận pháp luật hiện hành chỉ có quy định đối với “pháo nổ” và “pháo hoa” mà không có quy định về “pháo hoa nổ” (quy định tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDT ).
Để giải quyết vấn đề này, Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để xác định vật chứng thu giữ là “pháo nổ” hay “pháo hoa”:
- Trường hợp kết luận giám định là “pháo nổ” hoặc có đầy đủ các đặc tính của pháo nổ thì xem xét xử lý hình sự không phụ thuộc vào các đặc tính khác theo hướng dẫn tại Công văn 91/TANDTC-PC ngày 28/4/2017.
- Trường hợp kết luận giám định là “pháo hoa”, không có các đặc tính của pháo nổ thì không xác định là hàng cấm và không xử lý theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
Việc thực hiện theo hướng dẫn trên phải đảm bảo tính thống nhất và nghiêm túc để tránh bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan, sai, đặc biệt là trong dịp Tết 2023.
2. Quy định về điều kiện vận chuyển pháo hoa nổ
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp pháo hoa nổ thì được phép vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ quy định về việc vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ thực hiện theo quy định sau đây:
- Phải có giấy phép vận chuyển hoặc mệnh lệnh vận chuyển của cơ quan có thẩm quyền;
- Người và phương tiện chuyên dùng vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ phải đáp ứng yêu cầu về vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp theo quy định;
- Sử dụng phương tiện chuyên dùng bảo đảm điều kiện vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ và bảo đảm an toàn, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường;
- Không được chở pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ, phụ kiện bắn pháo hoa nổ và người trên cùng một phương tiện, trừ người có trách nhiệm trong việc vận chuyển;
- Không dừng, đỗ phương tiện vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ ở nơi đông người, khu vực dân cư, gần trạm xăng dầu, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao.
Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố phải thông báo ngay cho cơ quan Quân sự, cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp bảo vệ khi cần thiết và có phương án bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ, hư hỏng, mất.
3. Chế tài xử lý đối với hành vi sản xuất, mua bán và đốt pháo trái phép
Tùy thuộc vào mức độ của hành vi đốt, sử dụng pháo hoa trái phép mà người, tổ chức thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng, có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Tại điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt đối với hành vi đốt, sử dụng pháo hoa trái phép như sau: Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Nếu hành vi sử dụng pháo làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi phạm tội đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về các tội danh tương ứng hành vi phạm tội, như các tội: Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318); Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191); Tội buôn lậu (Điều 188); Tội vận chuyển trái phép hàng hóa quan biên giới (Điều 189); Tội cố ý gây thương tích (Điều 134) hoặc các tội danh khác tương ứng với hậu quả của hành vi phạm tội.
4. Cá nhân có được mua pháo hoa của Bộ quốc phòng về kinh doanh không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về các hành vi nghiêm cấm, trong đó bao gồm: “nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.
Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 14 Nghị định 137/2020/NĐ-CP có quy định, việc kinh doanh pháo hoa phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường;
- Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy;
- Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn;
- Chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.
Như vậy, theo quy định như trên, chỉ doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường mới được quyền kinh doanh pháo hoa. Cá nhân không được phép mua số lượng lớn pháo hoa về bán lẻ lại.
5. Phân biệt pháo hoa không nổ và pháo hoa nổ
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ thì “pháo hoa” gồm hai loại:
- Pháo hoa là loại không gây tiếng nổ và được phép sử dụng trong một số dịp đặc biệt nếu đáp ứng đủ điều kiện.
- Pháo hoa nổ không phải là pháo hoa, nó là pháo nổ và chỉ được bắn khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép và nó cũng được coi là pháo nổ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định: Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa. Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian; Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ; Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m, còn “Pháo hoa” là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Như vậy, từ 11/01/2021 người nào sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, “pháo hoa nổ” là hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm và tùy trường hợp mà người vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 190 hoặc Điều 191 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Xem thêm: Mức phạt khi tàng trữ, sử dụng pháo nổ theo quy định mới năm 2023
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Hướng dẫn xử lý hành vi buôn bán, sử dụng pháo hoa nổ mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!