1. Khái niệm công an kinh tế

Công an kinh tế là bộ phận đảm bảo và chịu trách nhiệm cho nền kinh tế của đất nước ta được phát triển vững mạnh trên định hướng nhà nước xã hội chủ nghĩa, dựa trên hướng đi đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước đặt ra. Công an an ninh kinh tế thực hiện trách nhiệm phát triển kinh tế bền vững, các ngành nghề kinh doanh đa dạng với nhiều loại và các hình thức sở hữu khác nhau.

 

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của công an kinh tế

Căn cứ Điều 20, Thông tư số 28/TT-BCA quy định:

Công an kinh tế có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, trong trường hợp cấp bách, cần ngăn chặn ngay hành vi phạm tội, thu thập chứng cứ, bảo vệ hiện trường thì phải có biện pháp giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật,… Hàng tuần, phải báo cáo định kì đến Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện (qua đội Điều tra tổng hợp) về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Ngoài ra, Công an kinh tế còn tiến hành điều tra các vụ án hình sự chưa rõ đối tượng phạm tội và các vụ án hình sự đã rõ đối tượng phạm tội, phối hợp với đội Điều tra tổng hợp thẩm định vụ án hình sự theo phân công của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

 

3. Quy định về thẩm quyền thanh tra

Căn cứ Điều 3 Nghị định 41/2014/NĐ-CP, Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong Công an Nhân dân:

“1. Hệ thống cơ quan thanh tra nhà nước trong Công an Nhân dân, gồm:

a) Thanh tra Bộ Công an (sau đây gọi là Thanh tra Bộ);

b) Thanh tra Tổng cục;

c) Thanh tra Bộ Tư lệnh;

d) Thanh tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Thanh tra Công an tỉnh). Thanh tra Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Thanh tra Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh);

đ) Thanh tra Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Thanh tra Công an huyện).”

Theo quy định tại Nghị định 41/2014/NĐ-CP, các cơ quan, tổ chức và cá nhân Việt Nam đều có thể bị thanh tra trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.

 

3.1. Hình thức thanh tra

Điều 37 Luật Thanh tra 2010 quy định các hình thức thanh tra như sau:

“1. Hoạt động thanh tra được thực hiện theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên hoặc thanh tra đột xuất.

2. Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch đã được phê duyệt.

3. Thanh tra thường xuyên được tiến hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

4. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.”

Theo Luật Thanh tra 2010 có các hình thức thanh tra như sau: Thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Thủ trưởng Cơ quan Quản lý Nhà nước có thẩm quyền giao.

 

3.2. Về quyết định thanh tra

Và Điều 44 Luật Thanh tra 2010 thì quyết định thanh tra phải rõ ràng bao gồm các nội dung sau:

“a) Căn cứ pháp lý để thanh tra;

b) Phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ thanh tra;

c) Thời hạn thanh tra;

d) Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên và các thành viên khác của Đoàn thanh tra.

Chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ký quyết định thanh tra, quyết định thanh tra phải được gửi cho đối tượng thanh tra, trừ trường hợp thanh tra đột xuất”.

Thông thường đối với trường hợp thanh tra thường xuyên và thanh tra theo kế hoạch quyết định thanh tra phải được gửi đến doanh nghiệp trước 5 ngày kể từ ngày ký quyết định thanh tra. Ngoại trừ, trường hợp thanh tra đột xuất cơ quan tiến hành thanh tra không cần báo trước cho doanh nghiệp biết.

Tuy nhiên, dù không cần báo trước cho doanh nghiệp nhưng khi thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất vẫn phải có quyết định thanh tra trong đó ghi rõ căn cứ ra quyết định thanh tra.

 

3.3. Về tần suất thanh tra

Căn cứ điểm d khoản 2 Mục II Nghị Quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020:

“Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng”.

 

3.4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong thanh tra

Cũng theo quy định tại Điều 13 Luật Thanh tra 2010 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình thanh tra như sau:

“1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra.

2. Thanh tra không đúng thẩm quyền, phạm vi, nội dung thanh tra được giao.

3. Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kết luận sai sự thật; quyết định, xử lý trái pháp luật; bao che cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.

4. Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức.

5. Cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra.

6. Chống đối, cản trở, mua chuộc, đe dọa, trả thù, trù dập người làm nhiệm vụ thanh tra, người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thanh tra nhà nước; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra.

7. Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ thanh tra.

8. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.

9. Các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật”.

Theo quy định hiện nay, mỗi doanh nghiệp chỉ phải bị thanh tra, kiểm tra 1 lần trong năm. Tuy nhiên, trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra không hạn chế số lần.

Như vậy, Công an kinh tế có thẩm quyền thanh, kiểm tra dưới hình thức thanh tra đột xuất mà không cần thông báo đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể tiến hành kiểm tra doanh nghiệp (đối tượng được thanh tra) đoàn kiểm tra phải đưa ra căn cứ rõ ràng và phải công bố quyết định thanh tra do người có thẩm quyền ký. Doanh nghiệp có quyền yêu cầu Công an kinh tế xuất trình các giấy tờ trên theo quy định của pháp luật trước khi chấp hành quyết định và kết luận thanh tra.

 

4. Thẩm quyền xử phạt của công an kinh tế

Căn cứ: Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi bổ sung năm 2019

Công an an ninh kinh tế có quyền được kiểm tra các loại sổ sách, chứng từ, hồ sơ, giấy phép, tài liệu,… của các doanh nghiệp. Vì vậy, trong nhiều trường hợp Công an an ninh kinh tế có quyền được tiến hành, thanh tra hoạt động kinh doanh, kiểm tra các loại giấy tờ, hồ sơ, giấy phép doanh nghiệp. Khi có trường xảy ra như có người gửi đơn tố cáo công ty, doanh nghiệp làm ăn trái với pháp luật quy định, công ty ký kết hợp đồng với đối tác có vấn đề, hay doanh nghiệp sản xuất hàng hóa kém chất lượng… tuy nhiên muốn thực hiện công tác kiểm tra, hoặc ban hành biên bản xử phạt thì cần phải chấp hành theo đúng quyết định của Thủ trưởng đơn vị và quy định các cơ quan Nhà nước.

Khi tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoặc ra biên bản xử phạt, công an an ninh kinh tế cần phải thực hiện đúng theo chức năng quản lý, đúng thẩm quyền, đúng với thủ tục do pháp luật quy định để đảm bảo tính minh bạch, công bằng, khách quan. Công tác kiểm tra, xử phạt của công an kinh tế đối với các doanh nghiệp phải được công khai, dân chủ. Pháp luật nghiêm cấm các hành vi của công an kinh tế như: tham nhũng, lạm dụng chức vụ quyền hạn thanh tra, kiểm tra để tham ô, tham nhũng, sách nhiễu, đe dọa tạo sự khó khăn, gây sức ép đối với doanh nghiệp.

Căn cứ: Điều 103a, Nghị định số 124/2015/NĐ-CP

Quy định thẩm quyền xử phạt của công an nhân dân nói chung và công an kinh tế nói riêng trong lĩnh vực sau: kinh doanh thương mại, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có dấu hiệu hây ô nhiễm môi trường, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Trường hợp công ty bán hàng đa cấp được xem là hành vi kinh doanh thương mại khác được quy định theo Mục 13, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP. Vì vậy, công an kinh tế cũng sẽ có thẩm quyền xử phạt hành vi bán hàng đa cấp, lừa đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi xử phạt tổ chức, doanh nghiệp nào đó thì các cơ quan công an đều có sự phân công và phối hợp một cách chuyên nghiệp. Công an kinh tế khi thực hiện nhiệm vụ của mình mà không có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, sẽ không được tự ý xử phạt, sử dụng các loại giấy tờ khống chỉ hoặc vi phạm các quy định khác về thẩm quyền.

 

5. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) trực thuộc Bộ Công an (Việt Nam) có chức năng tham mưu giúp Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng trong cả nước tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm về kinh tế và tham nhũng; trực tiếp điều tra các vụ án về kinh tế và tham nhũng theo quy định của pháp luật và của Bộ trưởng Bộ Công an.

Ngày 24 tháng 4 năm 2015, Bộ Công an công bố quyết định thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng trên cơ sở hợp nhất "Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ" (C46) với "Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng" (C48).

Ngày 10 tháng 6 năm 2015, quyết định thành lập Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu thuộc Tổng cục Cảnh sát của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang được công bố. Đại tá Ngô Kiên, Phó Chánh Văn phòng, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm buôn lậu.

Tháng 8 năm 2018, thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 01 và Đề án 106 của Đảng ủy Công an Trung ương về sắp xếp tinh gọn bộ máy theo mô hình tổ chức mới, theo Nghị định 01/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 6/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) được thành lập trên cơ sở sáp nhập Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế, tham nhũng với Cục Cảnh sát chống buôn lậu, trực thuộc Bộ Công an.

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)