Mục lục bài viết
1. Giai đoạn từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến BLHS năm 1985
Ở giai đoạn này, nguồn trực tiếp của luật hình sự là các văn bản pháp luật được ban hành trong chế độ thuộc địa trước năm 1945. Trong giai đoạn 1959–1985, khoa học pháp lý XHCN Việt Nam đã hình thành và | bước đầu là nguồn có tính chất bổ sung của luật hình sự Việt Nam. Về quy định của BLHS về các tội mại dâm, từ giai đoạn năm 1945 đến năm 1954, Nhà nước ta chưa ban hành văn bản pháp luật nào quy định trách nhiệm hình sự đối với các tội về mại dâm trong khoảng thời gian này
Tới giai đoạn năm 1954 đến trước năm 1975, khi đó nhà nước ta bị chia làm hai miền Nam Bắc, những quy định của pháp luật Hình sự về mại dâm cũng được phân hóa rõ rệt. Ở miền Bắc, bắt đầu từ năm 1954 thì Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành rất nhiều chính sách để bài trừ tệ nạn mại dâm như Nghị quyết số 49–TVQH ngày 20/06/1961 về tập trung giáo dục, cải tạo những phần tử có hoạt động nguy hiểm cho xã hội; Thông tư 121/CP ngày 09/08/1961 của Hội đồng Chính phủ hướng dẫn cụ thể thi hành Nghị quyết số 49–TVQH. Ngày 17/10/1955, chính quyền Sài Gòn đã ban hành Dụ số 64 về bài trừ mại dâm và quy định các hành vi liên quan đến bán dâm, môi giới mại dâm và chứa mại dâm đều bị coi là tội phạm. Luật số 12/62 ngày 22/05/1962 còn bổ sung thêm hành vi mua dâm cũng là phạm tội, ở điều luật này còn đặc biệt bổ sung thêm các tình tiết mua dâm người dưới 16 tuổi và người mua dâm là người đảm nhiệm chức vụ bài trừ tệ nạn mại dâm hoặc có phận sự giữ gìn sức khỏe cho dân chúng là các tình tiết định khung.
Tới giai đoạn từ sau năm 1975 đến năm 1985, những quy định của pháp luật Hình sự về mại dâm của nhà nước ta đã được các nhà lập pháp chú trọng và xây dựng hoàn thiện bước đầu. Với việc phải tiếp nhận và giải quyết khoảng hàng trăm nghìn gái mại dâm và vô số các nhà chứa cũng như các tội phạm khác có liên quan tới lĩnh vực này của chế độ miền Nam Việt Nam cũ sau khi thống nhất đất nước, để đảm bảo an toàn trật tự xã hội thì Nhà nước đã ban hành rất nhiều các VBQPPL mới mang tính cấp thiết. Cụ thể:
- Vào ngày 15/03/1976, Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ban hành Sắc luật số 03 – SL, trong đó có nội dung quy định về các tội mại dâm.
- Vào tháng 4/1976, Bộ Tư pháp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã thông qua Thông tư số 03/TT/BTP hướng dẫn thi hành Sắc luật số 03 – SL ngày 15/03/1976.
- Vào ngày 06/07/1977, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 54/TATC hướng dẫn việc thi hành thống nhất trong cả nước nhằm mục đích áp dụng thống nhất pháp luật trên phạm vi cả nước.
2. Giai đoạn từ Bộ luật Hình sự năm 1985 đến BLHS năm 1999
Ở giai đoạn này, pháp luật hình sự nước ta có sự cải thiện rõ rệt về mặt lập pháp. Cụ thể là sự ra đời của BLHS năm 1985 và tiền đề để tiếp tục ra đời BLHS năm 1999. Mặc dù đã ban hành Sắc luật số 03 – SL ngày 15/03/1976 và Thông tư số 03/TT/BTP tháng 4/1976 nhưng phải nhận định rõ rằng đây chỉ là những văn bản tình thế, áp dụng trong quá trình khởi đầu hợp nhất chế độ hai miền và chưa thể giải quyết hoàn toàn triệt để những vấn đề thực tế đề ra. Do vậy, với mục đích nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội về mại dâm nói riêng thì sự ra đời của BLHS năm 1985 là cần thiết và hợp lý.
Có thể thấy rằng, trong khoảng thời gian này, về thực tế các tội mại dâm ngày vẫn gây ra những trở ngại nhất định cho quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan thực thi pháp luật. Việc ban hành BLHS năm 1985 cùng với những văn bản pháp luật hướng dẫn bổ sung đi kèm cho thấy rõ việc Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm trên thực tế, nâng cao hiệu quả bộ máy công quyền trong quá trình giải quyết công việc, cải thiện chất lượng đời sống nhân dân, an sinh xã hội và trật tự an ninh trong nước.
Trước khi ban hành BLHS năm 1999, BLHS năm 1985 đã có trải qua tổng cộng bốn lần chỉnh sửa, bổ sung lớn vào các năm 1989, năm 1991, năm 1992 và năm 1997. Những chỉnh sửa bổ sung này với mục đích cải thiện hoàn thiện những điều luật cho việc áp dụng trên thực tế đồng thời cũng phù hợp với các văn bản pháp luật hình sự do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành trong khoảng thời gian này.
BLHS năm 1985 đã được Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khoá VII, kỳ họp thứ 9, nhất trí thông qua ngày 27 tháng 6 năm 1985 tại Hà Nội. Tại mục B: Các tội xâm phạm trật tự công cộng trong Chương 8: Các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính có quy định các tội về mại dâm tại điều Điều 202: Tội chứa mãi dâm, tội môi giới mại dâm.
3. Giai đoạn từ Bộ luật Hình sự năm 1999 đến Bộ luật Hình sự năm 2015
Tại kỳ họp thứ VI Quốc hội khóa X của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã phê duyệt và thông qua Bộ luật Hình sự 1999 vào ngày 21/12/1999 có hiệu lực từ ngày 01/07/2000. Sự ra đời của BLHS 1999 đã góp phần nâng cao quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm minh người phạm tội, góp phần tăng cường tính pháp chế và củng cố trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân cũng như bảo vệ hòa bình và an ninh nhân loại trong xu hướng hợp tác quốc tế. Riêng về các tội mại dâm, trong BLHS năm 1999 đã phân chia các tội phạm này thành ba tội phạm riêng biệt với những hành vi và mức xử lý cụ thể trong chương XIX các tội xâm phạm đến ATCC, TTCC gồm: Điều 254 tội chứa mại dâm, Điều 255 tội môi giới mại dâm, Điều 256 tội mua dâm người chưa thành niên.
Ngày 27/11/2015, trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII đã phê duyệt và thông qua Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016. Về điều khoản, các tội về mại dâm được quy định tại mục 4 các tội phạm khác xâm phạm trật tự công cộng thuộc Chương XXI: các tội xâm phạm ATCC, TTCC từ điều 327 tội chứa mại dâm, điều 328 tội môi giới mại dâm và điều 329 tội mua dâm người dưới 18 tuổi. Cũng như ở BLHS 1999, BLHS 2015 cũng đều quy định các tội mại dâm với cấu thành tội phạm cơ bản và cấu thành tội phạm tăng nặng, kèm theo đó là những quy định về hình phạt bổ sung tách biệt; bộ luật còn phân hóa rõ trách nhiệm hình sự và áp dụng các hình phạt chính xác.
Tuy nhiên, ở điều 329 về tội mua dâm người dưới 18 tuổi của BLHS 2015 có thay đổi về tên tội danh so với BLHS năm 1999. Mức độ hình phạt ở ba loại tội mại dâm này cũng có sự thay đổi về thời gian chịu án phạt tù theo chiều hướng giảm xuống đối với một vài trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng. Ngoài ra ở các tội môi giới mại dâm, tội chứa mại dâm và tội mua dâm người dưới 18 tuổi còn bổ sung các điều khoản mới, với tính chất mức độ mới phù hợp với loại tội phạm này trên thực tế.
Xem thêm: Các tội phạm về mại dâm theo Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Lịch sử phát triển về tội mại dâm trong Luật hình sự Việt Nam mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!