Mục lục bài viết
1. Khái niệm mại dâm
Mại dâm là hành vi vì tiền hay lợi ích vật chất mà thực hiện hành vi giao cấu với người mua dâm, hoặc trả tiền hay lợi ích vật chất cho người bán dâm để được giao cấu.
Mại dâm theo nghĩa nguyên thuỷ là bán dâm, nhưng lâu ngày, thuật ngữ “mại dâm” được sử dụng phổ biến và dùng nó để chỉ tất cả những hoạt động liên quan đến mua dâm, bán dâm.
Mại dâm là từ Hán-Việt, trong đó “mại” được hiểu là buôn bán hay đem đồ vật đổi lấy tiền, thêm đó “dâm” là chỉ sự quan hệ tình dục, quan niệm về mại dâm xưa kia chỉ là cái nhìn một chiều, tức là nhìn nhận sự sai trái chỉ từ phía người bán dâm lý do là vì họ chịu sự ảnh hưởng từ tư tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo.
Khái niệm mại dâm được ghi nhận trong văn kiện pháp lý đầu tiên tại Pháp lệnh phòng, chống mại dâm số 10/2003/Pl-UBTVQH11 ban hành ngày 17/03/2002, cụ thể, mại dâm là “hành vi mua, bán dâm”, trong đó, mua dâm là “hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”, bán dâm là “hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác”. Như vậy, có thể hiểu, mại dâm gồm hai mặt là bán dâm và mua dâm và được nhận diện qua hai đặc điểm:
- Có hành vi giao cấu, hành vi giao cấu đó phát sinh trên cơ sở có sự trao đổi ( trả hoặc hứa trả) về tiền hoặc lợi ích vật chất khác;
- Mại dâm phải là hành động trao đổi tình dục ngoài hôn nhân.
Tuy nhiên, khái niệm này được áp dụng trong sự phát triển của xã hội đã thực sự bộc lộ nhiều hạn chế, khi các hoạt động mại dâm đã diễn ra phức tạp hơn như mại dâm đồng tính nam, nữ, hay việc sử dụng đồ chơi tình dục (sex toy) cũng ngày càng trở nên phổ biển và khó kiểm soát.
Trên cơ sở pháp luật và cũng với sự tham khảo từ tài liệu khoa học, có thể hiểu về mại dâm như sau: Mại dâm là hành vi quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, trong đó một người vì thõa mãn nhu cầu tình dục mà trả tiền hay lợi ích vật chất khác đề người khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với mình, một người nhằm nhận tiền, lợi ích vật chất khác mà giao cấu hay thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người khác.
2. Tác hại của tệ nạn mại dâm
- Về sức khỏe: Một người bán dâm thường có quan hệ tình dục với hàng ngàn lượt khách mua dâm, nên tỉ lệ lây nhiễm và truyền bệnh cho nhau là rất cao như dễ bị lây truyền các bệnh xã hội và có thể bị nhiễm HIV/AIDS; hoặc có nguy cơ cao sử dụng các chất gây nghiện và các chất kích thích khác. Mại dâm là một trong những yếu tố làm tăng độ lây nhiễm HIV và tỷ lệ gia tăng ở nhóm có nguy cơ cao bao gồm phụ nữ bán dâm, người tiêm chích ma túy, đối với cá nhân tham gia hoạt động bán dâm có nguy cơ cao trở thành nô lệ của chủ chứa, vướng vào vào nợ nần, bị bóc lột tình dục, cưỡng bức bán dâm, dễ bị lây truyền các bệnh xã hội, HIV/AIDS; bị tước quyền làm mẹ; bị lôi kéo, ép sử dụng ma túy và các hoạt động phạm pháp khác; hoặc trở thành nạn nhân của tệ nạn mua bán người.
- Tổn thương tinh thần: Tổn thương tâm lý có thể là một hậu quả ở những người bị cưỡng bức bán dâm mà kết quả có thể là những bệnh như: rối loạn nhân cách, rối loạn thần kinh chức năng tình dục nặng, mất khả năng cảm nhận bất kỳ một cảm hứng tình dục cá nhân nào trong lãnh vực riêng tư; bị kỳ thị, phân biệt đối xử; tự kỳ thị bản thân.
- Về xã hội: Có sự móc nối chặt chẽ giữa mại dâm với buôn ma túy cùng sự tham gia của các dạng tội phạm khác, đặc biệt là cướp tài sản, buôn người và rửa tiền; Những giá trị thiêng liêng và khuôn khổ đạo đức dần bị mất đi; Xúc phạm đến lòng tự tôn dân tộc, gây hoen ố hình ảnh văn hóa quốc gia; Mại dâm là hành vi chà đạp lên phẩm giá con người; Tốn kém chi phí, nguồn lực cho công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, tệ nạn mại dâm tại địa phương, cơ sở.
3. Cấu thành tội phạm của tội phạm về mại dâm
Các tội phạm về mại dâm là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có đủ điều kiện chủ thể của tội phạm thực hiện với lỗi cố ý, xâm phạm đến trật tự công cộng được thể hiện bằng hành vi chứa mại dâm, môi giới mại dâm hoặc hành vi mua dâm người chưa thành niên
Các tội phạm về mại dâm có những dấu hiệu sau:
Về khách thể: Khách thể trực tiếp của các tội phạm về mại dâm là trật tự công cộng, tức là các tội phạm về mại dâm đã xâm hại đến trật tự chung, vi phạm nếp sống văn minh, đạo đức xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục.
Về mặt khách quan: là hành vi nguy hiểm cho xã hội có liên quan đến hoạt động mua dâm, bán dâm, gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng nói chung và ảnh hưởng đến công tác quản lý, phòng chống tệ nạn mại dâm của Nhà nước ta. Hành vi khách quan được thể hiện dưới những hình thức như: hành vi chứa mại dâm, hành vi môi giới mại dâm, hành vi mua dâm người chưa thành niên.
Về chủ thể: chủ thể của các tội phạm mại dâm là chủ thể thông thường, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự.
Về mặt chủ quan: Lỗi của người thực hiện tội phạm mại dâm là lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ phạm tội và mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
4. Quy định về các tội phạm mại dâm
Các loại tội phạm về mại dâm được quy định Chương XXI, mục 4, tại Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau:
“Điều 327: Tội chứa mại dâm
1.Người nào chứa mại dâm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Cưỡng bức mại dâm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chứa mại dâm 04 người trở lên;
đ) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;
e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
4.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Đối với 02 người trở lên từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Cưỡng bức mại dâm dẫn đến người đó chết hoặc tự sát.
5.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Có thể hiểu, tội chứa mại dâm là hành vi của người đạt độ tuổi luật định sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để người khác thực hiện việc mua, bán dâm với lỗi cố ý, xâm phạm đến trật tự công cộng. Hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với tội chứa mại dâm là tù chung thân.
Điều 328: Tội môi giới mại dân
1.Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm
3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
4.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Tội môi giới mại dâm là hành vi cố ý dụ dỗ hoặc dẫn dắt của người làm trung gian (đạt độ tuổi luật định) để các bên thực hiện việc mua, bán dâm do một người thực hiện, xâm phạm đến trật tự công cộng. Hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với tội môi giới mại dâm là 15 năm tù.
Điều 329: Tội mua dâm người dưới 18 tuổi.
1.Người nào đủ 18 tuổi trở lên mua dâm người dưới 18 tuổi trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm
a) Mua dâm 02 lần trở lên;
b) Mua dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
4.Người phạm tội còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Tội mua dâm người dưới 18 tuổi là hành vi của người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự cố ý dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác đề người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi đồng ý giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, xâm phạm đến trật tự công cộng. Hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với tội mua dâm người dưới 18 tuổi là 15 năm tù.
Nhìn chung, các tội phạm về mại dâm được quy định trong Bộ luật Hình sự là tội phạm có cấu thành hình thức, chỉ có hành vi mới là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, còn hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
5. Ý nghĩa của việc quy định các tội phạm mại dâm
Việc hình sự hóa và ghi nhận các hành vi chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm người dưới 18 tuổi trong Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 mang nhiều ý nghĩa to lớn, cụ thể:
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đấu tranh phòng, chống các hành vi xâm phạm trật tự công cộng. Mại dâm từ trước đến nay vẫn là căn nguyên của nhiều tệ nạn xã hội nếu không được quản lý hoặc không có chế tài trừng trị nghiêm minh những cá nhân xâm phạm đến quyền cơn người, trật tự quản lý xã hội thì sẽ khó mà giữ vững được an ninh công cộng mà càng khó hon trong công cuộc giúp cộng đồng sống trong một mội trường văn minh. Việc quy định các hành vi trên là tội phạm đã và đang trở thành công cụ đắc lức của các nhà chức trách trong nỗ lực chống tệ nạn xã hội cũng như bảo vệ quyền con người;
Việc hình sự hóa các hành vi mại dâm thể hiện quan điểm của nhà nước và xã hội trong quá trình giữ gìn thuần phong mỹ tục, lối sống đạo đức, lành mạnh, môi trường trong sạch trong mắt bạn bè quốc tế. Mọi nỗ lực thay đổi hình ảnh du lịch sẽ vô ích nếu không có hành lang pháp lý đủ vững chắc, nghiêm minh để chống lại tệ nạn này. Thái Lan là một trong những nước điển hình đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải quyết hậu quả từ việc mở rộng cho tệ nạn này phát triển.
Ngoài ra, nếu còn vấn đề vướng mắc hoặc băn khoăn về những nội dung trên hoặc các nội dung khác liên quan tới giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Toà án, Quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6162 để được giải đáp thêm. Trân trọng./