Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Nghị định số 45/2010/NĐ-CPcủa Chính phủ : Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Thông tư số 03/2013/TT-BNVquy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 04 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội

2. Chuyên viên tư vấn

Căn cứ theo Điều 2 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP:

"2. Hội có các tên gọi khác nhau: hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là hội).

3. Phạm vi hoạt động của hội (theo lãnh thổ) gồm:

a) Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh;

b) Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh);

c) Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện);

d) Hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã)."

Như vậy việc thành lập câu lạc bộ sẽ tương đương với thành lập hội và thực hiện thủ tục theo quy định pháp luật về hội ở Việt Nam. Với quy mô hoạt động nhỏ, bạn có thể thực hiện thủ tục thành lập hội cấp xã.

Điều kiện để thành lập hội được quy định Điều 5 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP:

"Điều 5. Điều kiện thành lập hội

1. Có mục đích hoạt động không trái với pháp luật; không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ.

2. Có điều lệ.

3. Có trụ sở.

4. Có số lượng công dân, tổ chức Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội:

a) Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất một trăm công dân, tổ chức ở nhiều tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

b) Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm mươi công dân, tổ chức trong tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

c) Hội có phạm vi hoạt động trong huyện có ít nhất hai mươi công dân, tổ chức trong huyện có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

d) Hội có phạm vi hoạt động trong xã có ít nhất mười công dân, tổ chức trong xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

đ) Hiệp hội của các tổ chức kinh tế có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có phạm vi hoạt động cả nước có ít nhất mười một đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; hiệp hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hiệp hội.

Đối với hội nghề nghiệp có tính đặc thù chuyên môn, số lượng công dân và tổ chức tự nguyện đăng ký tham gia thành lập hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Nghị định này xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể."

Trước khi tiến hành thành lập hội, bạn phải thực hiện thủ tục lập Ban vận động thành lập hội và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, cụ thể như sau:

"Điều 6. Ban vận động thành lập hội

1. Muốn thành lập hội, những người sáng lập phải thành lập ban vận động thành lập hội. Ban vận động thành lập hội được cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động công nhận.

2. Người đứng đầu ban vận động thành lập hội là công dân Việt Nam, sống thường trú tại Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khoẻ và có uy tín trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động. 

3. Số thành viên trong ban vận động thành lập hội được quy định như sau:

a) Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất mười thành viên;

b) Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, có ít nhất năm thành viên;

c) Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã, có ít nhất ba thành viên;

d) Hiệp hội của các tổ chức kinh tế có phạm vi hoạt động cả nước có ít nhất năm thành viên đại diện cho các tổ chức kinh tế; đối với hiệp hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất ba thành viên đại diện cho các tổ chức kinh tế trong tỉnh.

4. Hồ sơ đề nghị công nhận ban vận động thành lập hội lập thành hai bộ, hồ sơ gồm:

a) Đơn xin công nhận ban vận động thành lập hội, trong đơn nêu rõ tên hội, tôn chỉ, mục đích của hội, lĩnh vực mà hội dự kiến hoạt động, phạm vi hoạt động, dự kiến thời gian trù bị thành lập hội và nơi tạm thời làm địa điểm hội họp;

b) Danh sách và trích ngang của những người dự kiến trong ban vận động thành lập hội: họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; trú quán; trình độ văn hóa; trình độ chuyên môn.

5. Công nhận ban vận động thành lập hội:

a) Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh;

b) Sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh;

c) Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã.

Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ủy quyền cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã, thì phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong xã;

d) Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại các điểm a, b và c khoản 5 Điều này có trách nhiệm xem xét, quyết định công nhận ban vận động thành lập hội; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

6. Nhiệm vụ của ban vận động thành lập hội sau khi được công nhận:

a) Vận động công dân, tổ chức đăng ký tham gia hội;

b) Hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập hội theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này. Sau khi đã hoàn tất việc trù bị thành lập hội, ban vận động thành lập hội lập thành hai bộ hồ sơ gửi đến: Bộ Nội vụ đối với hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh; Sở Nội vụ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, huyện, xã; Phòng Nội vụ (trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập hội có phạm vi hoạt động trong xã).

Ban vận động thành lập hội tự giải thể khi đại hội bầu ra ban lãnh đạo củahội."

Hồ sơ đăng ký thành lập hội bao gồm những giấy tờ sau:

1. Đơn xin phép thành lập hội (theo Mẫu 4 Thông tư số 03/2013/TT-BNV)

2. Dự thảo điều lệ (theo Mẫu 9 Thông tư số 03/2013/TT-BNV)

3. Dự kiến phương hướng hoạt động.

4. Danh sách những người trong ban vận động thành lập hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

5. Lý lịch tư pháp người đứng đầu ban vận động thành lập hội.

6. Văn bản xác nhận nơi dự kiến đặt trụ sở của hội.

7. Bản kê khai tài sản do các sáng lập viên tự nguyện đóng góp (nếu có).

Bạn nộp hồ sơ trên tới Ủy ban nhân dân tỉnh nơi hội đặt trụ sở để hoàn tất thủ tục đăng ký thành lập hội.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê