1. Mô hình trường học mới VNEN là gì?

Mô hình trường học VNEN (Vietnam Escuela Nueva) là một mô hình trường học mới tại Việt Nam, có sự chuyển đổi từ mô hình nhà trường truyền thống và được xây dựng dựa trên quan điểm giáo dục hiện đại, định hướng năng lực học sinh, coi học sinh chính là chủ thể trung tâm để phát triển. Trong mô hình này, có 3 chủ thể cơ bản là: học sinh, giáo viên và gia đình/cộng đồng. Cả 3 chủ thể này phải luôn gắn kết và có sự tương tác tích cực với nhau. Kết quả tích cực trong cải thiện thành tích học tập và phát triển cho học sinh là sẽ là kết quả của sự tham gia và tương tác hiệu quả giữa các chủ thể. Như vậy, mô hình học tập VNEN khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của học sinh, giáo viên và gia đình/cộng đồng. Các chủ thể này hoạt động chủ động với mục tiêu chung là phát triển nhân cách toàn diện cho học sinh.

Mô hình trường học mới được khởi xướng bởi Clara Victoria Colbert vào năm 1987 và bắt đầu được áp dụng tại Colombia từ những năm 1995-2000. Chương trình có tên là Escuela Nueva (trường học mới), được sử dụng để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm.

Tính đến nay, đã có nhiều quốc gia sử dụng mô hình VNEN cho mô hình trường học, trong đó có thể kể đến Colombia, Brazil, Cộng hoà Dominica, Ecuador, El Salvador, Zambia, và Việt Nam trong một vài năm gần đây.

 

2. Ưu điểm của mô hình trường học VNEN

VNEN là mô hình trường học mới với một số ưu điểm nổi bật cần được nhắc đến như sau:

Thứ nhất, mô hình trường học VNEN coi hoạt động học của học sinh là trung tâm của quá trình dạy học. Để tạo cơ hội cho học sinh tham gia tích cực, mô hình khuyến khích các hoạt động học tập theo nhóm và tự học. Nhờ đó, học sinh có thể khám phá và nắm bắt kiến thức và kỹ năng mới, đồng thời phát triển nhiều phẩm chất và năng lực quan trọng như tính chủ động, tự tin, khả năng suy nghĩ độc lập, năng lực tư duy phê phán và sáng tạo, giải quyết vấn đề, giao tiếp và hợp tác. Phương pháp dạy - học trong mô hình VNEN sử dụng tài liệu hướng dẫn học tập, được thiết kế để học sinh hoạt động, tự học, học nhóm, và học cả ngày. Tài liệu này được sử dụng chung cho giáo viên, học sinh và cha mẹ các em. Cấu trúc các hoạt động học tập được chia thành các module, cung cấp kiến thức học kết hợp hướng dẫn phương pháp học và tư duy. Nội dung học được lồng ghép với quy trình học, tạo điều kiện cho học sinh áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Tài liệu này hướng dẫn học sinh cách tiếp cận, tìm kiếm và sử dụng thông tin để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.

Thứ hai, trong mô hình giáo dục hiện đại, việc đánh giá học sinh thường xuyên được xem là một phần quan trọng và cần thiết trong quá trình học tập. Đánh giá nhằm kiểm tra và hướng dẫn phương pháp học tập có hiệu quả cho học sinh. Tuy nhiên, trong mô hình giáo dục truyền thống, đánh giá thường được thực hiện cuối kỳ và chỉ tập trung vào việc đánh giá kiến thức của học sinh. Ngược lại, trong mô hình giáo dục hiện đại, đánh giá học sinh thường xuyên được coi trọng và hướng tới mục đích phát triển toàn diện cho học sinh. Học sinh được khuyến khích tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau và cũng như đánh giá của cha, mẹ học sinh và cộng đồng. Việc đánh giá như vậy giúp học sinh nhận ra điểm mạnh và yếu của bản thân, cải thiện phương pháp học tập và phát triển nhiều phẩm chất và kỹ năng quan trọng. Đồng thời, việc đánh giá cũng không chỉ tập trung vào kiến thức của học sinh mà còn kết hợp đánh giá các năng lực, kỹ năng, thái độ/hành vi của học sinh. Nhờ đó, học sinh có thể nhận biết được những điểm mạnh và yếu của mình trong nhiều khía cạnh khác nhau, từ đó có thể cải thiện mình một cách toàn diện. Đây chính là một ưu điểm rất lớn của mô hình trường học VNEN.

Thứ ba, mô hình trường học VNEN tạo ra một môi trường học tập thân thiện và hiệu quả để giúp học sinh phát triển toàn diện. Mô hình này tập trung tổ chức các hoạt động nhằm giúp học sinh tự chủ và trách nhiệm hơn trong học tập. Hội đồng tự quản học sinh, góc học tập, góc cộng đồng và hoạt động nhóm là những cách hữu hiệu được áp dụng trong mô hình VNEN để giúp học sinh rèn luyện kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo, nâng cao sự tự tin và trách nhiệm của mình. Không những thế, một môi trường học tập thân thiện cũng có thể giúp học sinh phát triển các phẩm chất và phong cách con người tích cực, bao gồm lòng trắc ẩn, sự cảm thông và sự tôn trọng đối với người khác.

Thứ tư, mô hình VNEN cũng chú trong bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp của giáo viên. Điều này giúp họ nâng cao trình độ và kiến thức chuyên môn, cải thiện phương pháp giảng dạy và đáp ứng được các yêu cầu của công việc. Mô hình trường học VNEN trao cho giáo viên một vị trí mới, giáo viên đảm nhận nhiều vai trò, vừa là người hướng dẫn, tổ chức vừa quyết định trong các hoạt động học tập và giáo dục. Họ phải chịu trách nhiệm trong việc thiết kế các hoạt động học tập, tạo điều kiện để học sinh có thể tiếp cận với kiến thức một cách dễ dàng và hiệu quả. Ngoài ra, giáo viên còn phải đảm bảo rằng các hoạt động đáp ứng được các tiêu chuẩn giáo dục và đề ra các mục tiêu học tập cụ thể. Chính những yêu cầu này đối với giáo viên trong mô hình trường học VNEN đã tạo nên động lực thúc đẩy các giáo viên sáng tạo hơn trong cách dạy học, tránh đi theo những lối mòn nhàm chán.

 

3. Nhược điểm của mô hình trường học VNEN

Thứ nhất, mô hình trường học VNEN đòi hỏi giáo viên phải dành sự quan tâm nhiều hơn đến học sinh nên số lượng học sinh trong một lớp không nên quá nhiều. Tỉ lệ thích hợp là khoảng 25 học sinh trong một lớp. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh thì số lượng học sinh trong một lớp khá cao. Có những lớp có tới 40 học sinh nên việc vận dụng mô hình VNEN không đem lại nhiều hiệu quả.

Thứ hai, mô hình VNEN sẽ đòi hỏi nhiều kinh phí hơn so với mô hình dạy học truyền thống. Lý do là bởi khi dạy và học theo mô hình VNEN thì đồ dùng dạy và học sẽ sáng tạo hơn, cần nhiều công cụ để hỗ trợ hội đồng tự quản nên những trường học vùng núi tại VIệt Nam khó có thể đáp ứng yêu cầu này.

Thứ ba, học sinh tiểu học còn khá nhỏ tuổi, chưa có tinh thần tự giác và khó có thể hợp tác với giáo viên để vận hành một lớp học. Đây là nhược điểm rất lớn của mô hình trường học VNEN.

Thứ tư, khi giảng dạy mô hình VNEN, một trong những khó khăn đó là việc giáo viên phải giao nhiệm vụ học tập cho các nhóm và theo dõi tiến độ của các nhóm. Các hoạt động giữa các nhóm không hoàn toàn đồng bộ và điều này có thể dẫn đến tình trạng học sinh yếu kém. Giáo viên phải mất nhiều thời gian để kiểm tra tiến độ của từng nhóm và không đủ điều kiện để theo dõi tất cả các hoạt động của các em. Điều này đặc biệt khó khăn đối với những học sinh yếu kém, khi chỉ có một vài học sinh tích cực hoạt động và hiểu được bài. Ngoài ra, các học sinh thụ động và nhút nhát cũng là một thách thức khác đối với giáo viên. Các em này khó nắm bắt được bài và thường không thể tham gia hoạt động nhóm một cách hiệu quả. Điều này cũng có thể dẫn đến tình trạng học sinh bị bỏ lại phía sau và cảm thấy thiếu tự tin khi tham gia vào các hoạt động học tập.

Vì vậy, để giải quyết những khó khăn này, giáo viên cần sử dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp, đồng thời tạo ra môi trường học tập đa dạng và kích thích. Nếu có những học sinh yếu kém trong lớp, giáo viên cần cung cấp thêm các tài liệu và hướng dẫn cho các em để giúp các em nắm bắt bài học một cách hiệu quả. Ngoài ra, giáo viên cũng cần động viên các học sinh thụ động và nhút nhát tham gia vào các hoạt động nhóm và cung cấp hỗ trợ thêm cho các em để các em có thể bắt kịp tiến độ bài học.

Trên đây là những thông tin liên quan đến mô hình trường học VNEN mà Luật Minh Khuê muốn cung cấp tới bạn đọc. Hy vọng bài viết này đã đem đến cho bạn kiến thức bổ ích. Xin chân thành cảm ơn bạn đọc đã quan tâm theo dõi!