Luật sư tư vấn:

1. Việc quay đầu xe được pháp luật quy định thế nào?

Khi tham gia giao thông, người điều khiển xe cần chú ý những vị trí quay đầu xe nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông không mong muốn xảy ra. Căn cứ vào Điều 15 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì việc người điều khiển xe muốn chuyển hướng xe phải tiến hành theo quy định như sau:

- Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.

- Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

- Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.

- Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.

Bên cạnh đó, pháp luật giao thông đường bộ cũng đưa ra quy định về những vị trí bị cấm quay đầu xe tại khoản 4 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Cụ thể, các vị trí bị cấm quay đầu bao gồm:

- Phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

- Trên cầu;

- Đầu cầu;

- Gầm cầu vượt;

- Ngầm;

- Trong hầm đường bộ;

- Đường cao tốc;

- Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

- Đường hẹp;

- Đường dốc;

- Đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.

Nhìn chung, trừ trường hợp thuộc vào các vị trí mà pháp luật cấm quay đầu xe nêu trên hoặc có biển báo cấm quay đầu thì người điều khiển xe hoàn toàn được quay đầu xe theo các quy định pháp luật liên quan. Xem thêm: Cấm rẽ trái thì có cấm quay đầu xe không? Cấm quay đầu được rẽ trái?

 

2. Quay đầu xe ô tô không đúng quy định pháp luật thì bị xử phạt như thế nào?

Đối với hành vi người điều khiển xe ô tô tiến hành quay đầu xe không đúng quy định của pháp luật hiện hành thì tùy vào từng vị trí quay đầu xe, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử lý khác nhau với mức xử phạt khác nhau được quy  tại các văn bản pháp luật dưới đây:

Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng.

Cụ thể tùy vào từng trường hợp thì biện pháp xử phạt sẽ được áp dụng như sau:

- Phạt tiền từ 400 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng:

+ Đối với hành vi quay đầu xe trái quy định tại khu dân cư: Căn cứ vào điểm i khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì người thực hiện hành vi quay đầu xe trái quy định tại khu dân cư có thể bị áp dụng mức phạt tiền là từ 400 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng.

+ Quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, ngầm, gầm cầu vượt, trừ trường hợp tổ chức giao thông tại những khu vực này có bố trí nơi quay đầu xe: Căn cứ vào điểm k khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì người thực hiện hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị áp dụng biện pháp phạt tiền với mức phạt là từ 400 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng.

- Phạt tiền từ 800 nghìn đến 01 triệu đồng đối với hành vi:

+ Quay đầu xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

+ Quay đầu xe tại nơi đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất, nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm quay đầu đối với loại phương tiện đang điều khiển; điều khiển xe rẽ trái tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm rẽ trái đối với loại phương tiện đang điều khiển; điều khiển xe rẽ phải tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm rẽ phải đối với loại phương tiện đang điều khiển.

Căn cứ vào điểm k khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi tại điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì người thực hiện một trong hai hành vi vi phạm nêu trên thì sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 01 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 03 triệu đồng đối với hành vi: 

+ Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông

Căn cứ vào điểm đ khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi tại điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP; căn cứ điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi tại điểm c khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì người dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định mà gây ra hậu quả là gây ùn tắc giao thông thì sẽ bị phạt tiền với mức phạt từ 02 triệu đồng đến 03 triệu đồng. Ngoài ra, trong trường hợp này, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là bị tước giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

+ Quay đầu xe trong hầm đường bộ

Căn cứ vào điểm i khoản 4 và điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi tại điểm c khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì người quay đầu xe trong hầm đường bộ thì sẽ bị phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 03 triệu đồng, kèm theo hình phạt bổ sung là bị tước giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với hành vi:

+ Quay đầu xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông:

Căn cứ vào điểm a khoản 7 và điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì người điều khiển xe thực hiện hành vi quay đầu xe không đúng quy định và gây ra tai nạn giao thông thì sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng. Đồng thời, người trực tiếp điều khiển xe trong trường hợp này sẽ bị tước giấy phép lái xe với thời hạn là từ 02 tháng đến 04 tháng.

+ Quay đầu xe trên đường cao tốc:

Căn cứ vào điểm d khoản 7 và điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại điểm d khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì người điều khiển xe quay đầu xe trên đường cao tốc sẽ bị xử phạt với mức từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. 

Như vậy, đối với hành vi điều khiển xe ô tô quay đầu trái quy định là quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, ngầm, gầm cầu vượt, trừ trường hợp tổ chức giao thông tại những khu vực này có bố trí nơi quay đầu xe thì sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt là phạt tiền với mức phạt là từ 400 nghìn  đến 600 nghìn đồng.

 

3. Nơi có biển báo cấm rẽ trái thì có được quay đầu xe hay không?

Tại khu vực có biển báo cấm rẽ trái hoặc cấm rẽ phải thì người điều khiển xe vẫn được phép quay đầu xe. Bởi căn cứ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ số QCVN 41:2019/BGTVT được ban hành kèm theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải thì biển báo cấm rẽ 123a và 123b chỉ thể hiện là cấm phương tiện rẽ trái và cấm rẽ phải chứ không thể hiện là cấm quay đầu xe.

Như vậy, tại vị trí để báo cấm rẽ trái hoặc cấm rẽ phải (theo hướng mũi tên chỉ) ở những vị trí đường giao nhau thì các biển báo này chỉ có hiệu lực cấm các loại xe rẽ trái hoặc phải, trừ trường hợp đó là phương tiện ưu tiên. Còn đối với biển cấm quay đầu xe thì quy chuẩn đã đưa ra quy định thành biển báo cụ thể là: Biển báo cấm rẽ trái và quay đầu xe; Biển báo cấm rẽ phải và quay đầu xe; Biển cấm ô tô rẽ trái và quay đầu xe; Biển cấm ô tô rẽ phải và quay đầu xe; ...

Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.