Mục lục bài viết
1. Các hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 05/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2019/TT-NHNN có quy định về các hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam như sau:
- Góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam và không trực tiếp tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.
- Góp vốn, mua, bán cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường đăng ký giao dịch (UPCOM) và thị trường chứng khoán niêm yết và không trực tiếp tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Nhà đầu tư nước ngoài có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật Đầu tư 2020;
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định
- Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
- Mua, bán trái phiếu và các loại chứng khoán khác trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Các loại chứng khoán khác có thể kể đến như cổ phiếu, trái phiếu. Trong đó, với hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài vào cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu của những doanh nghiệp phát hành với số lượng nhất định. Nhà đầu tư sẽ không được can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, nhưng vẫn có được lợi nhuận từ phần vốn đầu tư. Lợi nhuận mà nhà đầu tư nhận được phụ thuộc vào số tiền mà doanh nghiệp nhận đầu tư kiếm ra được. Theo đó, lợi nhuận thu được sẽ được chia theo hình thức cổ tức. Có nghĩa là nhà đầu tư mua bao nhiêu cổ phiếu, họ sẽ nhận được lợi nhuận tương ứng.
Mặt khác, nhà đầu tư sử dụng hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài qua việc mua vào trái phiếu từ các chủ thể phát hành nước ngoài và kiếm lợi nhuận từ đó. Khác với hình thức trên, trái phiếu chỉ đơn thuần là một giấy ghi nợ. Trong hình thức trái phiếu này chủ yếu là những chủ thể lớn, ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế như Chính phủ hay tập đoàn. Thay vào việc vay tiền của ngân hàng, chủ thể sẽ phát hành trái phiếu bán lại cho ngân hàng và nhà đầu tư để huy động đủ vốn cho hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, các hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài khác mà nhà đầu tư có thể quan tâm bao gồm:
- Mua bán các giấy tờ có giá khác bằng đồng Việt Nam do người cư trú là tổ chức được phép phát hành trên lãnh thổ Việt Nam
- Ủy thác đầu tư bằng đồng Việt Nam thông qua công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và các tổ chức được phép thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư theo các quy định của pháp luật về chứng khoán; ủy thác đầu tư bằng đồng Việt Nam thông qua tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
- Góp vốn, chuyển nhượng vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (không trực tiếp tham gia quản lý) trong các quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
- Các hình thức đầu tư gián tiếp khác theo quy định của pháp luật.
2. Nhà đầu tư nước ngoài được mở bao nhiêu tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 51/2021/TT-BTC, có quy định về tài khoản vốn đầu tư gián tiếp như sau:
- Nhà đầu tư nước ngoài mở 01 tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại 01 ngân hàng lưu ký được phép kinh doanh ngoại hối để thực hiện hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài mở 01 tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại 01 ngân hàng lưu ký được phép kinh doanh ngoại hối để thực hiện hoạt động phát hành, hủy chứng chỉ lưu ký và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
- Khi nhận vốn ủy thác theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để tiếp nhận vốn của các nhà đầu tư nước ngoài không có tài khoản vốn đầu tư gián tiếp. Trong trường hợp này, tài khoản vốn đầu tư gián tiếp đứng tên công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.
- Mọi hoạt động chuyển tiền để thực hiện các giao dịch, đầu tư, các thanh toán khác liên quan đến hoạt động đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài và hoạt động của tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài, nhận và sử dụng cổ tức, lãi được chia, mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài (nếu có) và các giao dịch khác có liên quan đều phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư gián tiếp
- Việc mở, đóng, sử dụng và quản lý tài khoản vốn đầu tư gián tiếp thực hiện theo pháp luật về quản lý ngoại hối.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì nhà đầu tư nước ngoài mở 01 tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại 01 ngân hàng lưu ký được phép kinh doanh ngoại hối để thực hiện hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
3. Đặc điểm của đầu tư nước ngoài gián tiếp
Một số đặc điểm của đầu tư gián tiếp nước ngoài được thể hiện thông qua mục đích, tác động, hoạt động của nhà đầu tư,... cụ thể là:
- Mục đích đầu tư là lợi nhuận nên nhà đầu tư chỉ tập trung vào lợi nhuận thu được từ việc đầu tư và không trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý doanh nghiệp có tài sản tài chính mà họ đang đầu tư.
- Đầu tư gián tiếp nước ngoài là hoạt động đầu tư tài chính thuần túy trên thị trường tài chính. Do đó nhà đầu tư không kèm theo cam kết chuyển giao tài sản vật chất, công nghệ, đào tạo lao động và kinh nghiệm quản lý như trong trực tiếp đầu tư.
- Thị trường tài chính biến động nhanh chóng nên hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài mang tính ổn định không cao so với đầu tư thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn nhằm kiểm soát doanh nghiệp để thực hiện hoạt động kinh doanh. Lượng vốn vào và thoát ra nhanh sẽ có thể dẫn đến sự mất cân bằng của nền kinh tế gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài thường được triển khai thực hiện tại các nước có hệ thống tài chính mạnh, hoạt động hiệu quả thay vì thực hiện ở các nước chậm hoặc kém phát triển với hệ thống tài chính yếu. Điều này xuất phát từ việc luân chuyển nguồn vốn liên tục từ nước đầu tư sang nước tiếp nhận đầu tư.
Việc đầu tư gián tiếp vượt khỏi phạm vi quốc gia có các hình thức thể hiện khác nhau. Một ví dụ cho đầu tư nước ngoài gián tiếp là quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài đầu tư doanh nghiệp trong nước bằng cách mua cổ phiếu mà doanh nghiệp đó phát hành. Quỹ sẽ hưởng lợi nhuận phát sinh từ cổ phiếu mình có. Các vấn đề kinh doanh, sản xuất, cung cấp dịch vụ,... hay các chính sách phát triển khác của doanh nghiệp, quỹ sẽ không can thiệp.
Để tham khảo thêm thông tin về vấn đề này, quý khách hàng có thể tìm hiểu tại bài viết: Những quy định về nhà đầu tư nước ngoài đầu tư chứng khoán tại Việt Nam của Luật Minh Khuê.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Nhà đầu tư nước ngoài được mở bao nhiêu tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam? mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!