Mục lục bài viết
- 1. Khái quát quyển II tác phẩm “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu
- 2. Các luật cơ bản trong mỗi chính thể:
- 2.1. Chính thể dân chủ
- 2.2. Các luật liên quan đến bản chất nhà nước quý tộc
- 2.3. Các luật liên quan đến bản chất nhà nước quân chủ
- 2.4. Các luật liên quan đến bản chất nhà nước chuyên chế
- 3. Bàn về nguyên tắc trong 3 chính thể
- 3.1. Bàn về chính thể dân chủ
- 3.2. Bàn về chính thể chuyên chế
- 4. Bàn về giáo dục trong 3 chính thể
- 5. Sự sa đoạ trong 3 chính thể theo quan điểm Montesquieu
1. Khái quát quyển II tác phẩm “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu
Trong Quyển II với tựa đề: “Pháp luật rút trực tiếp từ trong bản chất của chính trị”, tác giả phân tích về ba phương thức cai trị khác nhau: dân chủ, quân chủ và chuyên chế.
Ông đi sâu phân tích 3 chính thể ở những khía cạnh sau:
- Không chỉ dừng lại với những khái niệm (Quyển II),
- Luật cơ bản trong mỗi chính thể
- Nguyên tắc (quyển III),
- Luật giáo dục (quyển IV)
- Các luật liên quan (quyển V) và
- Những sự sa đọa tương ứng với từng chính thể (quyển VIII).
Ông định nghĩa:
“Chính thể dân chủ là chính thể mà dân chúng hay một bộ phận dân chúng có quyền lực tối cao. Chính thể quân chủ thì chỉ một người cai trị, nhưng cai trị bằng luật pháp được thiết lập rõ ràng. Chính thể chuyên chế thì trái lại, chỉ một người cai trị, mà không có luật lệ gì hết, chỉ theo ý chí và sở thích của hắn ta thôi”
Trong đó, chính thể dân chủ có được khi quyền lực tối cao nằm trong tay toàn thể dân chúng, khi đó “có thể coi dân chúng như vua, mà cũng có thể coi là thần dân” (Montesquieu, p.48). Nhưng khi quyền lực nằm trong tay một bộ phận dân chúng, nó lại là chế độ quý tộc. Khi nhà nước chỉ do một người cai trị, đó là nhà nước quân chủ. Và khi người cai trị đó thể hiện rằng mình là tất cả, nắm mọi quyền lực, đó là nhà nước chuyên chế.
2. Các luật cơ bản trong mỗi chính thể:
2.1. Chính thể dân chủ
Bàn về chính thể dân chủ, Montesquieu dựa vào tiền lệ trong xã hội cổ đại Hy Lạp và Rome. Ông viết: “Dân chúng rất giỏi khi họ chọn người để giao cho một phần quyền lực của mình (...). Dân biết rõ ai là người đã đánh thắng nhiều trận, ai là quan toà không nhận hối lộ và phán xử công minh, ai là người đã làm nên giàu có một cách chính đáng, để bầu họ và Nghị viện (...). Đó là điều dân chúng học được nơi quảng trường một cách sâu sắc mà ông vua không thể học được nơi cung điện”.
Dân đủ trình độ để cân nhắc nên bầu chọn người nọ hay người kia, chứ không phải ai cũng đủ trình độ để tự mình quản lý công việc, chính vì vậy họ cần sự hướng dẫn của một hội đồng hay một nghị viện.
Dân là “vua” bởi họ được thể hiện ý chí của mình bằng các cuộc đầu phiếu. Dân chúng có quyền lực tối cao phải tự mình làm lấy những điều có thể làm tốt được, còn những điều mà dân chúng không thể làm tốt được thì phải giao cho các vị bộ trưởng thừa hành. Ông còn nói thêm: “các vị bộ trưởng nếu không do dân cử thì không phải là của dân. Châm ngôn cơ bản của chính thể dân chủ là: dân bầu ra các vị bộ trưởng, tức bầu ra người quan chấp chính để cai trị mình.
Các luật quy định quyền đầu phiếu là luật định cơ bản trong chính thể dân chủ
Phân chia luật về quyền bầu cử, ứng cử (ai được bầu cử, ai được ứng cử) là luật cơ bản thứ hai
Và Luật về cách bầu cử (bầu cử công khai hay bí mật) là luật cơ bản thứ 3 mà Montesquieu nhắc đến.
2.2. Các luật liên quan đến bản chất nhà nước quý tộc
Ở đây người ta không tổ chức đầu phiếu vì nó trở ngại
“Trong chế độ quý tộc, quyền lực tối cao nằm trong tay một số người. Chính họ làm ra luật và chấp hành luật”
2.3. Các luật liên quan đến bản chất nhà nước quân chủ
Không có gì đáng gọi là “luật cơ bản”. Ở đây ông vua là nguồn gốc mọi quyền lực chính trị và dân sự
2.4. Các luật liên quan đến bản chất nhà nước chuyên chế
“Trong một nhà nước chuyên chế, việc đặt chức tể tướng là một luật cơ bản”. Tể tướng ban đầu có quyền lực như vua.
3. Bàn về nguyên tắc trong 3 chính thể
Đọc tác phẩm ta sẽ nhận thấy, với Montesquieu mỗi chính thể có những nguyên tắc nhất định của nó và mọi hành động trong chính thể phải xoay quanh những nguyên tắc này để đảm bảo sự tồn vong của chính thể
3.1. Bàn về chính thể dân chủ
Tác giả vạch ra nguyên tắc của chính thể dân chủ là đạo đức chính trị với định nghĩa rõ ràng: “Đạo đức chính trị là tình yêu luật pháp và tình yêu tổ quốc. Tình yêu ấy đòi hỏi luôn luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Ở đây, vận mệnh của chính thể được giao cho mỗi công dân”.
Để sáng tỏ thêm ông giải thích: “ Đạo đức trong chính thể cộng hoà là lòng yêu nền cộng hoà. Đó là tình cảm chứ không chỉ là chuỗi kiến thức. Người kém cỏi cũng như người giỏi giang nhất đều có thể có được tình cảm ấy”. Lòng yêu nền cộng hoà chính là lòng yêu dân chủ, mà yêu dân chủ là yêu bình đẳng, không những không yêu vì quyền lợi mà yêu cả vì nghĩa vụ. Lòng yêu dân chủ còn là lòng yêu cuộc sống thanh đạm. Bởi vì do lòng yêu bình đẳng, người ta chỉ có một tham vọng duy nhất là được giúp ích tổ quốc nhiều hơn người khác, cho nên họ không thích lối sống xa hoa.
Tuy vậy, Montesquieu phân tích thêm: “Thật khó mà thiết lập bình đẳng một cách tuyệt đối nên cần có một cách định mức tương đối để giảm bớt sự chênh lệch, như yêu cầu người giàu đóng góp nhiều hơn cho người nghèo và có chính sách nâng đỡ người nghèo (...). Ai cần có việc làm để không bị nghèo khổ quá thì không được lười biếng trong công việc”. Bàn về đức tính thanh đạm trong chính thể dân chủ, Montesquieu thừa nhận một số công dân trở nên giàu có là điều hợp lý, nhưng cần phải đặt họ vào một địa vị khiêm tốn để họ cũng phải làm việc.
Bàn về chính thể quân chủ, trước hết, Montesquieu khẳng định nguyên tắc của chính thể này là danh diện (danh dự và thể diện). Vì trong chế độ quân chủ ắt phải có những đặc quyền, những đẳng cấp và nguồn gốc quý tộc; cho nên đòi hỏi phải có sự ưu đãi, phải khác người, phải hơn người.
Danh diện trong nhà nước quân chủ cũng giống như lực hấp dẫn và lực ly tâm trong vũ trụ, nó làm cho mọi bộ phận trong cơ thể chính trị lay chuyển, liên kết lại trong hành động, hướng về các lợi ích của đất nước và tin rằng như thế sẽ có lợi cho cá nhân.
3.2. Bàn về chính thể chuyên chế
Montesquieu tỏ thái độ căm ghét, phỉ báng và chế nhạo bằng lời định nghĩa vắn tắt như: ông vua chuyên chế là “một con người mà cả năm giác quan luôn luôn nói rằng ông ta là tất cả và mọi người không là cái gì hết (...). Nếu ông giao việc cho nhiều người thì người nào cũng chạy chọt để được làm tên đầy tớ hạng nhất của ông ta.
Như vậy thì nguyên tắc chính thể chuyên chế phải là sự sợ hãi. Người ta phải lấy sự sợ hãi để đánh bạt lòng can đảm, dập tắt mọi danh diện và tham vọng nhỏ nhất
4. Bàn về giáo dục trong 3 chính thể
(Được đề cập ở Quyển 3 với tựa là: “Luật về giáo dục phải tương ứng với nguyên tắc của chế độ”)
Có thể nhận thấy với Montesquieu, giáo dục là điều quan trọng để hình thành nên đạo đức chính trị của một cá nhân. Ông lập luận như thế này: “Các điều luật về giáo dục là những điều tiếp nhận đầu tiên của chúng ta. Vì giáo dục là chuẩn bị cho chúng ta làm người công dân, và khiến cho mỗi gia đình riêng lẻ cũng phải được cai quản theo kế hoạch của “đại gia đình” toàn dân”
- Việc giáo dục trong chính thể quân chủ chú trọng ba điều: “Đặt vào đức hạnh ý niệm về sự cao quý, đặt vào các phong tục ý niệm về sự thật thà, đặt vào các cử chỉ ý niệm về sự lễ độ”. Ở đây, người ta đánh giá các hành động không phải ở điểm tốt mà là ở điểm đẹp, không phải ở sự đúng đắn mà ở sự cao cả, không phải ở chỗ hợp lý mà ở chỗ phi thường. Trong chính thể phong kiến, người ta không thể chê bai sự nịnh hót nói chung, mà chỉ chê bai nịnh hót khi nó biểu thị tính cách hèn hạ, hoặc không dính với ý đồ mưu nghiệp lớn. Người ta cư xử lễ độ chỉ để tỏ ra hơn người. Vua là cao cả thì mọi người phải nhỏ bé lại. Các quan lớn phải từ bỏ sự oai vệ của mình trước mặt vua. Mức độ oai vệ của một ông quan tuỳ thuộc vào vị trí ông ta ở gần hay xa vua. Người ta tỏ ra tế nhị để biểu hiện sự giàu sang, tỏ ra chán chường lạc thú để biểu thị mình đã hưởng quá nhiều.
Ở đây, Danh diện có những quy tắc tối cao mà nền giáo dục phải thích ứng với nó:
- Nguời ta được giáo dục phải nghĩ đến vận mệnh chung, Vì sự nghiệp chung của nhà vua không tính đến đời sống của mình
- Quy tắc 2: khi được đặt vào 1 địa vị nào (chức vụ) thì không được hành động dưới tầm địa vị đó
- Quy tắc 3: điều gì danh diện cấm đoán hay đòi hỏi thì coi hơn cả luật pháp cấm đoán và cần thiết hơn cả điều luật bắt làm
Như vậy trong nền quân chủ đúng đắn cũng có cái hay: các sắc dụ của nhà vua phải dựa theo hiến pháp. Nhà nước được củng cố, hiến pháp khó lung lay. Nhân cách người cầm quyền là khá ổn định
- Với nguyên tắc đó, việc giáo dục trong chính thể chuyên chế chỉ quy vào một điểm là “đưa sự sợ hãi vào trái tim và đưa ít nhiều nguyên tắc tôn giáo vào đầu óc thần dân. Tại Viện Hàn lâm khoa học Boócđô, ông cũng đã từng trình bày một luận văn về đề tài tôn giáo của người La Mã. Trong luận văn đó, ông đã chứng minh rằng, “tôn giáo là do các vua chúa và quý tộc La Mã bày đặt ra để làm chỗ dựa cho quyền lực của họ và tăng cường áp bức nhân dân”
Muốn có được sự phục tùng tuyệt đối, người ta cần sự ngu dốt của người thừa hành. Họ không cần phải hoài nghi, không cần phải lý giải. Giáo dục ở đây có thể coi là con số không. Nó bắt đầu bằng việc biến một thần dân xấu thành một nô lệ tốt.
Trong chính thể chuyên chế; nếu có một người yêu nước chân chính thì anh ta “sẽ làm cho động cơ của chính thể phải dừng lại, nếu anh ta thất bại thì anh ta không thể tiếp tục tồn tại được nữa, còn nếu anh ta thành công thì anh sẽ làm cho mất hết; mất cả vua, mất cả nhà nước chuyên chế”
Montesquieu khái quát “ý niệm về chính thể chuyên chế” bằng 3 dòng vắn tắt “Những người dã man ở Lousiana muốn ăn quả thì họ chặt cây từ gốc cho cây đổ xuống để hái quả. Chính thể chuyên chế là như rứa đó”(3 dòng này là toàn bộ chương 13 Quyển V)
- Giáo dục trong chính thể cộng hoà
Trong chính thể cộng hoà, nguời ta cần đến tất cả sức mạnh của giáo dục. Sự sợ hãi trong chính thể chuyên chế là do sự trừng phạt và đe doạ mà sinh ra nó. Danh diện trong chính thể quân chủ là do các dục vọng kích thích và nó cũng kích thích lại dục vọng (danh vọng). Nhưng đạo đức trong chính thể cộng hoà lại là sự đấu tranh với bản thân mình, đó là chuyện rất khó.
Ông định nghĩa đạo đức chính trị là tình yêu luật pháp và tình yêu tổ quốc. Tình yêu ấy đòi hỏi luôn luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cán nhân. Muốn bảo vệ chính thể dân chủ thì phải yêu mến nó. Trong chính thể cộng hoà tất cả tuỳ thuộc ở tình yêu trong sáng nói trên, do đó mà phải quan tâm đến giáo dục. Muốn cho trẻ em có được tình yêu luật pháp và tổ quốc thì điều chắn chắn là các ông bố trong gia đình phải có tình yêu ấy đã.
Trong tác phẩm này, bản thân tôi cực kỳ tâm đắc với phần bàn về luật giáo dục, sau luật chính trị và dân sự, ông ngay lập tức bàn đến luật giáo dục, điều này cho thấy, từ rất sớm Montesquieu đã nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục trong xây dựng nhân cách một con người, đặc biệt là giáo dục trong gia đình. Quan điểm này cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
5. Sự sa đoạ trong 3 chính thể theo quan điểm Montesquieu
- Trong chính thể dân chủ: Ông vạch ra rằng chính thể dân chủ có thể bị sa đoạ trong nguyên tắc của nó; sa đoạ trong hai trường hợp: một là, dân chúng sa vào khung hướng bình đẳng cực đoan; tự do chủ nghĩa (libertinage), khiến cho việc chỉ huy cũng như tuân lệnh trở thành lộn xộn, phong tục tập quán, lòng yêu trật tự, rồi đến cả đạo đức cũng không còn nữa. Trường hợp thứ hai là người cai trị đánh mất tư tưởng bình đẳng, khi mà những kẻ được dân tin tưởng muốn che giấu sự sa đoạ của bản thân họ.
- Sự sa đoạ trong chính thể quân chủ:
Nhưng chính thể quân chủ cũng có thể bị sa đoạ từ trong nguyên tắc của nó. Tác giả lấy ví dụ thực tế trong các triều đại quân chủ Trung Hoa và khái quát thành lý luận chung: đó là lúc ông vua không tự ức chế mình, không chịu sự kiểm soát của hiến pháp, thích tự mình cai quản tất cả và ngay tức khắc. Tình trạng sa đoạ này biểu hiện như sau: ông vua biểu dương thế lực của mình bằng cách thay đổi trật tự tự nhiên của sự vật. Ông hành động và ra sắc dụ một cách độc đoán, say sưa với lạc thú ngông cuồng. Ông quy tất cả bào cho bản thân mình. Toàn bộ quốc gia, thủ đô, triều định chỉ là cá nhân ông. Vua không hiểu gì về tình cảm đối với dân chúng. Không cảm nhận sâu sắc về sự an ninh của quốc gia. Trong tình trạng đó vua quan không được nhân dân kính trọng nữa, họ phải dùng đến công cụ tồi tệ của chính quyền độc tài để bắt dân kính trọng. Cái gọi là danh diện trở thành bỉ ổi. Cái gọi là công bằng trở thành khắc nghiệt.
- Khi bàn về sự sa đoạ của nguyên tắc chính thể chuyên chế, Montesquieu cũng nói vắn tắt: “Nguyên tắc của chính thể chuyên chế thì bao giờ cũng không ngừng sa đoạ. Bản chất của nó là tàn bạo. Sự bạo tàn ấy luôn luôn tồn tại, mặc dầu có khi diụ bớt đôi chút”. Điều này có nghĩa là chính thể này trước sau cũng sẽ suy vong
Ngày nay, khi nói về chính thể, có 2 hình thức chính thể đang tồn tại:
Chính thể quân chủ (chính thể quân chủ chuyên chế và quân chủ lập hiến) và chính thể cộng hoà (cộng hoà dân chủ và cộng hoà quý tộc).